Ý Nghĩa Tu Gia Hạnh Phổ Hiền II

G. CỐT LÕI CỦA PHẨM PHỔ MÔN THỨ 25.

Tụng phẩm Phổ Môn khác với tu phẩm Phổ Môn. Vô Tận Ý Bồ tát hỏi Phật tại sao gọi Bồ tát là Quan Âm. Phật nói rằng Bồ tát này thường quan tâm tới người xung quanh, lo cho mọi người. Tu hạnh Quan Âm, chúng ta phải lo cho người trước, lo cho mình sau. Lo cho thiên hạ nhiều, thì thành tựu công lớn. Đức Thánh Trần viết Binh thư yếu lược, Thầy thấy trong đó thể hiện hạnh Quan Âm. Ông ra lệnh quân sĩ chưa ăn xong,tướng phủ không được nổi lửa. Ông lo cho quân sĩ ăn no, họ mới thương tướng lãnh và hết lòng với ông. Hành quân băng qua sông, tướng phải lội sông đi trước, như vậy để thấy sự mệt nhọc của quân, mới thương quân và quân mới thương tướng. Tướng Trần Hưng Đạo thành công vì biết lo cho người dưới trướng.

Bạn tốt với ta hôm nay là bạn tốt từ kiếp quá khứ, nên hiện đời gặp lại quý mến ta. Bạn tốt hôm nay, phải trân trọng, đừng vì quyền lợi mà biến họ thành bạn xấu. Thầy thấy nhiều người phạm sai lầm này, không biết trân trọng, bảo vệ cái tốt của bạn là tự phá hủy mối quan hệ tốt đẹp không phải dễ có. Trân trọng bạn tốt đời này để đời sau còn làm được việc lớn. Hoặc người không tốt không xấu với ta, nghĩa là mối quan hệ giữa ta và họ ở quá khứ chưa có. Như vậy ta phải làm sao gieo vào lòng họ một ý niệm tốt bằng việc làm nào đó. Ngoài ra, đối với những người thù nghịch, chúng ta phải chuyển đổi thành người hợp tác, thể hiện tinh thần cao thượng. Điển hình như vua Trần Nhân Tông đã làm hạnh này. Đối với những người phản bội vua, đầu hàng giặc, khi vua thắng giặc xong, ông không truy cứu họ, mà đốt bỏ tờ biểu đầu hàng giặc của họ.

Việt Nam ta có được một vị vua trở thành Thầy tu đắc đạo là Đức vua Trần Nhân Tông mà muôn đời nhân dân ghi nhớ. Và cũng có một Thầy tu trở thành vị vua có công lớn với đất nước là Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ. Hai vị này là biểu tượng đẹp của Phật giáo Việt Nam. Thầy tu muốn làm vua phải làm như Lý Công Uẩn và vua muốn đi tu phải như vua Trần Nhân Tông.

Học phẩm Phổ Môn, Phật dạy chúng ta tu Pháp Hoa xuất hiện trên cuộc đời, phải hành Bồ tát đạo theo Quan Âm, nghĩa là đi vào đời, sen nở khắp muôn nơi. Noi theo gương Quan Âm, sống trong hoàn cảnh nào cũng được, làm gì cũng được, miễn có lợi ích cho nhiều người và lợi ích lâu dài. Còn lợi hiện tại mà khổ lâu dài thì phải tránh xa. Đến đây, chúng ta có hạt Bồ đề thứ 6 trên pháp y.

H. CỐT LÕI CỦA PHẨM PHỔ HIỀN BỒ TÁT KHUYẾN PHÁT THỨ 28

Đến đây là hạt Bồ đề thứ 7 trên pháp y mở ra hai hướng. Một là từ quả hướng nhân là Phật đã thành Phật vì thương nhân gian sanh lại thế gian này để cứu khổ độ sanh. Và hai là Bồ tát từ nhân hướng quả.

Chúng ta thường nương vào sự gia bị của Bồ tát lớn để có thể hành đạo trên nhân gian này. Riêng Thầy làm được việc gì cũng nghĩ là nhờ lực Phổ Hiền gia bị, vì khả năng của mình không bao giờ làm nổi. Ví dụ như việc dời tượng Quan Âm của chùa Huê Nghiêm 2 đến vị trí mới, mà tượng thì quá nặng và lại đặt ở chỗ cao, không biết làm sao dời đi được. Trong lúc khó như vậy, Thầy gặp một anh cho mượn xe cẩu 120 tấn để dời tượng. Thầy tin là Bồ tát Phổ Hiền khiến cho người đến làm. Anh này không phải thợ, nhưng làm được cái cửa và nay anh có một chiếc xe cẩu 120 tấn đang làm ở chỗ khác, nhưng họ cho anh đem xe về để bảo dưỡng. Tượng Quan Âm nặng 30 tấn, mà sức cẩu đến 120 tấn thì Thầy an tâm. Việc tự nhiên xảy ra như vậy. Thầy nghĩ tạc tòa sen mới cho cân xứng với pho tượng Quan Âm, thì tìm được hòn đá chở về đến chùa Huê Nghiêm đã khó rồi, mà hòn đá nặng đến 70 tấn. Thầy gọi thợ trước kia đã làm tòa sen, anh ta nói chi phí 170 triệu. Thầy chưa làm thì lại gặp một người thợ khác, tay nghề khéo hơn mà chỉ tốn 50 triệu, làm tòa sen đẹp hơn tòa sen cũ nhiều. Đây là lực gia bị của Phổ Hiền. Gặp việc khó không giải quyết được, ta cầu nguyện Phổ Hiền gia bị là Ngài khiến người có khả năng tới. Thầy nguyện ai có nhân duyên, Phật khiến họ hợp tác, ai phá hại, Hộ pháp long thiên đưa đi, Thầy không đuổi.

Ta luôn an lạc, vì có Phổ Hiền gia bị thì lo gì. Việc khó có Bồ tát lớn lo. Ta lo không được thì đừng lo, để tâm chúng ta lắng yên để thấy đúng và theo cái thấy đúng đó mà làm, việc sẽ tự thành tựu dễ dàng.

Pháp y hiện nay của đạo tràng Pháp Hoa có dấu hiệu là 7 hạt Bồ đề, còn 8 cánh sen cũ, chúng ta cho rụng. Pháp y chia làm 3 loại. Loại pháp y thứ nhất là Cứu mạng y. Có pháp y, chúng ta hoàn toàn tin tưởng Phật che chở, hộ niệm chúng ta và cũng có Hộ pháp long Thiên giữ gìn chúng ta. Nhiếp tâm trong giáo pháp Phật, việc hành trì chủ yếu của chúng ta là tu 7 phẩm Bổn môn Pháp Hoa, thuộc lòng 7 phẩm này và gặp từng việc, chúng ta hành động tương ưng theo lời dạy trong kinh, thì sẽ vượt được tất cả các chướng duyên.

Tuy nhiên, nếu có quá trình tu thật trong khoảng một thời gian sẽ nhận được kết quả tốt đẹp; trong khi người tu giả đến 10 năm cũng không đạt được tiến bộ tâm linh, đạo đức cũng không có và cũng không có sức cảm hóa người.

Nếu tu thật, họ có được sự phát triển đời sống tâm linh, nên đạo đức trong sáng, khiến người thấy muốn gần gũi để cùng tu hành. Vì vậy, ta sẽ có nhiều người bạn tốt; vì ta tốt, không có ý định lợi dụng ai, nên người dễ gần gũi, dễ làm bạn với ta. Còn người chấp từng lời nói, từng hành động, họ rất phiền phức, nên không ai muốn gần gũi họ.

Người tu Bổn môn Pháp Hoa đeo pháp y đai vàng, nghĩa là sống trong cốt lõi của kinh, người thích gần gũi, lần hiện tướng giải thoát, nên xin đổi y thứ hai là Giải thoát y phía dưới có đai màu trắng. Mang y này, chúng ta đã giải thoát, thanh thản, bạn thích gần gũi, vì cảm thấy an vui. Ta có lỡ lời, người cũng không chấp; đó là tiêu biểu của người có pháp y đai trắng dành cho người có tâm hồn trong trắng, giải thoát. Vì vậy, nếu người nào đeo y này mà còn rắc rối, không giải thoát, không trong trắng, thì phải tự xấu hổ, phải nỗ lực tu nhiều hơn để được giải thoát.

Và được giải thoát rồi, tiếp tục tu hành, người muốn gần gũi ta, tới với ta, ta phải lo cho họ, dìu dắt họ trên bước đường tu. Đó là sang giai đoạn ba có Phước điền y, tức làmphước, lo cho người, chỉ nghĩ tới người, không nghĩ tới mình, thì người được lo sẽ chết sống với mình.

Tu đến giai đoạn ba thể hiện tinh thần vô ngã vị tha, lo cho người và lo cho đạo pháp, quên mình, là đỉnh cao của Bổn môn Pháp Hoa. Vì vậy, những người thọ y nâu mà chưa làm phước cho ai, chưa cứu giúp ai, phải xấu hổ, phải cố gắng, không cứu được người cũng cứu được con vật nào đó.

Có lần Thầy vào nhà vệ sinh thấy con gián rớt xuống hầm cầu, thầy cứu nó, vớt nó lên. Việc lớn không làm được cũng nên làm việc nhỏ, hay thấy miếng ván có đinh để giữa dường đi, ta dẹp bỏ để người khác không bị đạp trúng. Những việc chúng ta làm đều phát xuất từ lòng đại bi, luôn làm lợi ích cho cuộc đời, từ việc nhỏ, không cứ nhất thiết làm việc lớn. Cứu giúp được con vật nhỏ, kiếp sau gặp lại, chắc chắn nó thương ta, vì ta làm từ tấm lòng của mình đi thẳng vào lòng nó. Súc vật không nghe được tiếng người, nhưng nó tiếp nhận được tiếng lòng phát xuất từ tâm đại bi của ta.

Hành giả tu Bổn môn Pháp Hoa phát tâm Bồ đề hành Bồ tát đạo, từ việc nhỏ đến việc lớn, đều siêng năng làm lợi cho số đông, làm từ một ngày cho đến làm trong nhiều kiếp, tích lũy thành phước đức để đạt được quả vị Phật.

3. TUẦN THỨ BA CỦA MÙA TU GIA HẠNH PHỔ HIỀN: TỤNG CÁC BÀI KỆ TỔ VÀ KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC.

Đạo tràng Pháp Hoa tụng các bài kệ tán thán hạnh đức của chư vị Bồ tát và chư vị Thánh La hán mà các chúng trong đạo tràng đã tôn thờ các Ngài là vị Tổ của mình. Các bài kệ này do Thầy cảm tác. Sau đó, tụng kinh Bát Đại Nhân giác nói về 8 điều giác ngộ của Đức Phật để nhắc nhở các Phật tử ghi nhớ và thực hành 8 điều mà Đức Phật Thích Ca đã thành tựu trên lộ trình tiến đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.