Bàng bạc trong các danh ngôn tìm thấy ý nghĩa về Thời Gian giống kinh “Nhất Dạ Hiền Giả”.
Có lẽ không cần đợi đến tuổi thất thập cổ lai hy, chúng ta mới thấy được “Thời gian là thứ quý giá nhất mà chúng ta được cuộc đời này ban tặng”và sự cảm nhận về thời gian của mỗi người cũng khác nhau trong từng thời điểm.
Và nếu có ai bảo ta định nghĩa thời gian là gì, các bạn ơi … hẳn là ta chỉ tóm gọn vài chữ “Ồ! Thời giản là chuỗi dài từ quá khứ đến hiện tại và tương lai” .
Khi học Kinh Trung Bộ đến bài Nhất Dạ Hiền Giả, được biết Phật tử Thái Lan thường tụng vào mỗi sáng như một bài kinh Nhật Tụng và theo các Sư Nam Tông thì đây là Bát Nhã Tâm Kinh của Nam Tông.
Vì sao vậy ? Trước hết kính mời bạn đọc lại bài kinh đã Việt dịch nhé rồi hãy luận bàn chút ít thôi để rồi cùng nhau xem những điểm tương đồng trong các danh ngôn, mà chúng ta cho là có lẽ những người phương Tây trong nhiều kiếp trước đã thấm nhuần nguyên lý Đạo Phật chăng ?
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, khôngrung chuyển
Biết vậy, nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngàymai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt dạ hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng .
Trộm nghĩ với trí óc thô thiển của người viết trong bài này Đức Phật đã chỉ rõ chủ trương Sống Trong Hiện Tại của Đức Phật là như thế nào ?
Nếu thời gian gồm ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Thế thì Quá khứ đã đi qua hãy để nó trôi vào dĩ vãng- tương lai nó chưa đến chúng ta hãy để tương lai ngủ yên, đừng quấy động và chúng ta hãy sống hết mình với hiện tại, nghĩa là lúc nào cũng sống trong chánh niệm.
Nhưng có lẽ còn là phàm phu nên chúng ta đa phần dành phần lớn thời gian cho chuyện cũ, rồi lại dành thời gian để trù tính cho tương lai. Mà không một ai nghĩ đến chuyện sống hết mình cho hiện tại.
Không ai có thể…
quay lại thời gian để hối tiếc!
Nhưng có thể bắt đầu ngay hiện tại bây giờ
Lầm NHÂN cho NGHIỆP QUẢ ngày sau, đừng “Chờ”
Tạo điều kết thúc mới với điều hằng ao ước!
Bao danh ngôn thật tương hợp…
lời Phật dạy từ trước !
Truyền tải lại qua “NHẤT DẠ HIỀN GIẢ” bài kinh
Bóng thời gian chạy mãi đến giật mình
Đừng lãng phí, không ai có thể giữ được nó!
Lời vàng hiền nhân ban cho kinh nghiệm đã có
Hậu sinh thiết tưởng suy nghĩ ngẫm sâu
Về định luật nghiệp quả dị thục làm đầu
Chánh niệm tỉnh giác từng phút giây sống hiện tại ! ( thơ Huệ Hương )
Có một danh ngôn: “Sự kiên nhẫn của ngày hôm nay có thể biến những nản lòng của ngày hôm qua thành khám phá của ngày mai. Những mục đích của ngày hôm nay có thể biến những thất bại của ngày hôm qua thành quyết tâm của ngày mai.” – William Arthur Ward
Và nhiều câu nói khác bàng bạc chung một ý nghĩa, mời các bạn đọc tiếp nhé!
– Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố.(The distinction between the past, present and future is only a stubbornly persistent illusion.) – Albert Einstein
– Học từ ngày hôm qua, sống ngày hôm nay, hi vọng cho ngày mai. Điều quan trọng nhất là không ngừng đặt câu hỏi.(Learn from yesterday, live for today, hope for tomorrow. The important thing is not to stop questioning.) – Albert Einstein
– Tôi chẳng có gì để làm với quá khứ; với tương lai cũng vậy. Tôi sống trong hiện tại. (With the past, I have nothing to do; nor with the future. I live now.) Ralph Waldo Emerson
– Ngày hôm nay là ngày lạ lùng nhất, bởi chúng ta chưa bao giờ sống nó trước đây; chúng ta sẽ không bao giờ sống lại nó; nó là ngày duy nhất mà ta có.(Today is a most unusual day, because we have never lived it before; we will never live it again; it is the only day we have.) – William Arthur Ward
– Sống trong hiện tại thật khó khăn, sống trong tương lai là vô nghĩa, và sống trong quá khứ là bất khả thi.(It is difficult to live in the present, pointless to live in the future and impossible to live in the past.) – Frank Herbert
– Ngày hôm qua đã đi rồi. Ngày mai còn chưa tới. Chúng ta chỉ có hôm nay. Hãy bắt đầu thôi.(Yesterday is gone. Tomorrow has not yet come. We have only today. Let us begin.) – Mẹ Teresa
– Chúng ta có thể tác động đến con người chúng ta trong tương lai, bởi tương lai chỉ có thể được xây trên ngày hôm nay (We can influence who we will be tomorrow, for tomorrow can only be built on today) – Anne Wilson Schaef
Trong khi đó chúng ta biết rằng thời gian để mình sống chỉ là những gì đang diễn ra trước mắt, đúng như Carl Bard đã từng nói: “ Không ai có thể quay trở lại thời gian và bắt đầu từ đầu, nhưng mỗi ai đều có thể bắt đầu từ ngày hôm nay và tạo ra một kết thúc khác.”
Hơn thế nữa “Thời gian miễn phí, nhưng nó vô giá. Bạn không thể sở hữu nó, nhưng bạn có thể sử dụng nó. Bạn không thể giữ nó, nhưng bạn có thể tiêu nó. Một khi bạn đánh mất nó, bạn không bao giờ có thể lấy lại.” – Harvey MacKay
Còn nhà giả kim Paulo Coelho thì cho rằng: “Rồi sẽ có một ngày bạn thức dậy và không còn đủ thời gian để làm những điều hàng ngày mình mong muốn. Hãy làm ngay bây giờ.”
Nói về quá khứ thì một khuyết danh đã khuyên như sau: “Không ai sống mà cứ mãi nghĩ suy về quá khứ. Thời gian càng trôi đi, con người càng trầm lắng hơn, những khi ấy lại thấy lòng mình đủ lặng để khắc khoải đôi chút về những niệm hoài ngày cũ… Tựa như, giữa dòng đời xiết chảy, người ta cần đôi phút thảnh thơi để mỉm cười để lấy sức đi tiếp trên con đường đầy chông gai của cuộc đời mình”.
Và nhất là cựu CEO của Apple Steve Jobs cho rằng – Thời gian của bạn không nhiều, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều – đó là sống với kết quả suy nghĩ của người khác. Đừng để âm thanh của những quan điểm khác lấn át đi giọng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy giữ lấy sự can đảm để đi theo trái tim và trực giác. Chúng biết bạn thực sự muốn trở thành con người như thế nào. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.
Và một khi chúng ta đã lỡ sai sót ở một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời nhất định sẽ phải day dứt, ân hận rất lâu, thậm chí là suốt đời, vì chẳng thể trở về thời điểm đó để làm lại.
Có một câu danh ngôn mà người viết tâm đắc “Vào tuổi ba mươi con người ngờ rằng mình là kẻ ngốc; Biết điều đó ở tuổi bốn mươi và thay đổi kế hoạch của mình; Đến tuổi năm mươi, trách cứ sự trì hoãn đáng hổ thẹn, Anh ta tăng cường động lực khôn ngoan để thay đổi. Với tất cả sự cao quý của suy nghĩ Thay đổi; và lại-thay đổi; rồi chết vẫn y như vậy.” – Edward Young
Riêng HT Kim Triệu thường dạy các Phật Tử như sau:
– Người ta thường tốn rất nhiều thời gian và sức lực để lo nuôi Thân của mình nhưng lại thường không để ý nuôi Tâm. Nếu quá sức bận rộn thì chỉ cần nuôi Tâm 3 lần/ngày thôi, mỗi lần 5 phút. Sáng – Trưa & Trước khi đi ngủ.
– Đừng nhớ chuyện Quá khứ, đừng nghĩ chuyện Tương lai. Chỉ cần sống với Hiện tại. Mình thở, biết rằng mình đang thở. Mình thấy, biết rằng mình đang thấy. Mình nghe, biết rằng mình đang nghe. Mình chạm vào vật gì, biết rằng mình đang chạm. Vậy đó, bận rộn quá thì Tâm chỉ cần 5 phút một lần thôi. Mà cần phải duy trì đều đặn.
Lời kết:
Như vậy Đạo Phật là nơi trú ngụ tinh thần, giúp chữa lành khổ đau, từ đó Đông Phương và Tây Phương có thể gặp gỡ với nhau. Dù cho theo Steve Jobs “Tương lai được mua bằng hiện tại.” – nhưng chúng ta làm mất cái hiện tại, bằng cách là đợi nó thành quá khứ rồi mới quan tâm, hoặc là quan tâm quá sớm khi nó chưa đến. Cứ nghĩ nhiều về tương lai và tiếc nuối quá khứ.
Một đời chúng ta là một đời lầm lỡ, một đời lỡ làng, một đời dỡ dang. Cái hiện tại để nó trôi đi, qua rồi thì tưởng tiếc.
Kính xin mượn lời giải nghĩa tựa đề bài kinh Nhất Dạ Hiền Giả để mọi người cùng suy ngẫm về Thời Gian nhé!
Bhaddekaratta là cụm từ khiến các dịch giả khổ tâm tìm ý nghĩa chính xác. Nghĩa đen của mệnh đề nầy là “Bậc trí của một đêm”.
Đó là cách nói mang tánh tỷ giảo như câu “Đồng quân nhân nhất dạ thoại, độc thắng thập niên thư”.
Theo một số học giả thì cụm từ bhaddekaratta có lẽ do Đức Phật dùng lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại thời hiện tại, mặc dù chư Phật quá khứ đã dùng. Từ vựng nầy là chứa đựng ý nghĩa gần nhất với tâm thái “như nhiên” mà một vị thành tựu tuệ quán minh sát nhìn hiện tượng giới bao gồm cả năm uẩn. Trong lời dạy về sự quán chiếu thực tại của một vị tu tập minh sát không hoài niệm, mong cầu hay dự phóng về “cái tôi” mà chỉ thấy tất cả là hiện tượng kết cấu của pháp hữu vi luôn sanh diệt. Nhận thức nầy không còn trong giai đoạn thực tập mà trở thành tâm thái tự nhiên của một người thật sự thấy và biết.
Kính trân trọng,
Huệ Hương