Kính Chúc Nhân Ngày Nhà Giáo VN 20/11….

Có lẽ cho đến hiện nay, không một ai có thể phủ nhận trong tất cả nghề nghiệp thì nghề giáo viên là một trong những nghề được rất nhiều sự tôn trọng, kính mến và được tôn vinh nhất như Comenxki đã tuyên bố : “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học” sau đó mới đến các vị lương y đạo đức. Nhưng từ khi biết Đạo rồi, người viết mới thấu hiểu thêm rằng một bậc đạo sư chân chính cũng cần phải được tôn vinh.” Vì sao vậy ?

Xin thưa: Nếu nghề giáo viên được giao phó trách nhiệm nhằm huấn luyện giáo dục học sinh khi dạy về nhân cách, văn hoá, kiến thức hầu xây dựng cho xã hội phát triển thì phần tâm linh ảnh hưởng của người Thầy mà mình kính trọng tôn vinh là Sư Phụ mới vĩnh cửu theo ta qua nhiều kiếp luân hồi.

Trở về nghề giáo viên nơi thế tục…

Nghề giáo viên còn được gọi dưới nhiều tên khác như: “kiến trúc sư trí tuệ” , “người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn”, “người lái đò”, “một nghệ sĩ tuyệt vời biết kết hợp lý trí và tinh thần”,

Phải công nhận số phận người viết cũng có nhiều duyên may nên khi đọc được rất nhiều danh ngôn về nghề giáo viên mà mỗi câu người viết đều thấy mình đã được trải nghiệm qua … từ thời tiểu học, trung học, qua đến đại học và vào trường học tâm linh với các bậc thầy vĩ đại. Tựu chung được biểu hiện với danh ngôn này … “Ảnh hưởng của người thầy là vĩnh cửu. Ta không thể biết được khi nào thì ảnh hưởng ấy dừng” – Henry Brooks Adams.

Và phải chăng việc dạy học đã được William Arthur Ward mô tả thật chính xác như sau: “Dạy học bao gồm nhiều việc hơn là chỉ trao đi tri thức, nó đòi hỏi truyền cảm hứng cho thay đổi. Học hỏi bao gồm nhiều việc hơn là chỉ tiếp thu kiến thức, nó đòi hỏi sự thấu hiểu“– và “Người dạy học phải tin vào sức mạnh tiềm tàng của học trò, và anh ta phải nỗ lực hết sức để giúp học trò mình trải nghiệm được sức mạnh này“ – Alfred Adler.

Cũng như qua bức thư của nhà khoa học lừng danh Albert Einstein gửi cho thầy giáo của cô con gái mà ta biết được “Nghệ thuật tối thượng của người thầy là đánh thức niềm vui trong sự diễn đạt và tri thức sáng tạo” – Albert Einstein.

Nhân ngày Thầy giáo 20/11 hằng năm, thiết nghĩ chúng ta cũng tìm hiểu những đức tính đòi hỏi một người giáo viên cần phải có để xứng đáng được tôn vinh như tinh thần Usinxki “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác” và trên tất cả “Người thầy trung bình chỉ biết nói, Người thầy giỏi biết giải thích, Người thầy xuất chúng biết minh họa, Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng” – William A. Ward

Vậy thì những đức tính tạo nên nhân cách một người giáo viên là những gì ?

Có lẽ:

1– Nghiêm trang là đức tính rất cần thiết đối với mỗi giáo viên. Nghiêm trang thể hiện sự khiêm tốn, lịch sự và trật tự, được thể hiện qua lời nói, ánh mắt nhìn, cách đi đứng, cử chỉ, nét mặt, cách cư xử của bạn khi đứng trên bục giảng.

2– Giáo viên cần nói ít và nói ngay vào điểm chính làm cho học sinh chú ý, ghi nhớ, và học.

3– Đức tính Khiêm tốn giúp giáo viên nhận biết con người thật của mình (Sự hiểu biết của mình vẫn còn ít ỏi, chính vì thế mà mình không nên cho rằng mình giỏi)hầu rèn luyện để hoàn thiện bản thân hơn.

4– Tính cẩn trọng sẽ giúp giáo viên hiểu điều gì cần làm và điều gì cần tránh. Để thực hành tính cẩn trọng đúng mức, giáo viên cần vận dụng trí nhớ (điều đã học, kinh nghiệm của người khác), trí thông minh (làm cho bài học thích hợp với học sinh), dễ dạy (sẵn sàng học thêm điều mới), kỹ năng (dùng phương tiện, cách thế nào đem lại thành công), lý luận (lý luận hợp lý để tránh sai lầm), lo xa (nhận biết trong trí điều gì sẽ xảy ra), thận trọng (xem xét kế hoạch cẩn thận trước khi áp dụng), đề phòng (tránh những phiền phức có thể xảy ra.

5– Phải đảm bảo trình độ chuyên môn, lẫn những kỹ năng mềm, đồng thời cũng phải rèn luyện rất nhiều phẩm chất đạo đức hay những đức tính cần thiết khác trong công cuộc giảng dạy của mình.

6 – Hơn thế nữa, để đưa con thuyền giáo dục vượt qua bao sóng gió của đại dương rất cần có sự tinh tế, lòng nhẫn nại và sự điềm tĩnh.

Và còn rất nhiều rất nhiều yếu tố đạo đức khác nữa … nhiệt tình, độc lập, sáng tạo mà không độc đoán, chân thành, với trái tim đầy thiện chí !

Lời kết:

Có thể nói một người Thầy giáo đúng nghĩa vừa là người trực tiếp hình thành nên trình độ, năng lực cũng chính là người tác động lên nhân cách con người.
Do vậy… Kính mong các nhà giáo viên và đạo sư tâm linh “Hãy dạy học bằng tất cả trái tim nhiệt huyết với lòng yêu nghề và yêu đạo”.

Riêng phụ huynh và người học trò phải luôn luôn tôn sư trọng đạo nơi trường học chữ cũng như các nơi tổ chức các khóa tu học Phật Pháp.

Đúng như Philoxêne De Cythere đã có lời khuyên “Phải tôn kính thầy dạy mình, bởi lẽ nếu cha mẹ cho ta sự sống thì chính các thầy giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng tử tế““Một người thầy tốt giống như ngọn nến – cháy hết mình để thắp sáng đường đi cho những người khác” – Mustafa Kemal Atatürk .

Nhân ngày Thầy giáo 20/11 /2023 kính chúc quý giáo viên, quý đạo sư tâm linh có một ngày Nhà giáo Việt Nam vui vẻ và hạnh phúc, luôn có đủ “Tâm – Trí – Lực” để cống hiến nhiều hơn và hoàn thành tốt nhiệm vụ cho sự nghiệp trồng người cao cả và vĩ đại này.

Kính trân trọng

Một lời cảm ơn có lẽ là không đủ!
Nghề giáo bao đời … nghề cao quý “trồng người”
Hiểu tâm trạng học trò bước vào lớp với nụ cười.
Mang Tâm, Trí, Lực phụng hiến cho xã hội !
Hãy yêu lấy Thầy hiền,  Sư Phụ theo nhiều phương lối!
Trân trọng khắc ghi nhiệt tình đã ban trao
Truyền cảm hứng, ảnh hưởng đạo đức cao
Kính tri ân người lái đò đã mang…
“Đò đến vinh quang nơi đất mới”
Quả thật…
“Những nỗ lực trong nghề giáo liên quan đến thế giới” (1)

Huỳnh Phương – Huệ Hương

______________________
(1) Tôi tin rằng giáo viên là người quan trọng và chịu nhiều trọng trách nhất của xã hội vì những nỗ lực trong nghề nghiệp của họ ảnh hưởng tới số phận của cả trái đất – Bác sĩ Helen Caldicot

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.