Lợi ích của đọc, tụng, thọ trì kinh Dược Sư…

Gần đây khi đọc đoạn kết một bài văn của Nguyễn duy Nhiên, Ông cho rằng
“Lắm khi trong cuộc sống ta lại chứng nghiệm được sự mầu nhiệm, và thấy ra lẽ đạo, ở những gì mà mình cho là rất tầm thường, bằng một tâm bình thường” khiến tôi liên tưởng đến nhiều sự mầu nhiệm xảy ra của đời mình.

Không biết từ bao giờ… ngay từ khi lên 16 tuổi cho đến sau này trong suốt cuộc đời tu học của tôi, bốn vị Phật mà tôi có duyên được cứu độ mỗi khi tha thiết chuyên tâm khẩn cầu đến tha lực của quý Đức Ngài, tôi thường được như nguyện hoặc sẽ có hiền nhân giúp đỡ đó là : Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Dược Sư và Chánh Pháp Minh Như Lai (Đức Quán Thế Âm Bồ Tát).

Riêng Bồ Tát thì tôi thuộc tất cả các mật chú bằng tiếng phạn của Đức Văn Thù Sư Lợi, Đức Phổ Hiền, Đức Địa Tạng và đặc biệt Đức Liên Hoa Sanh Padmasambhava được coi là vị Phật thứ nhì của Tây Tạng.

Phải nói việc tu học của tôi hoàn toàn độc lập và phối hợp Nam Tông, Bắc Tông và Mật Tông vì cả ba đã tương ứng với bao điều mầu nhiệm linh ứng xuất hiện trong suốt cuộc đời từ lúc thiếu niên đến tuổi cao niên, đã thay đổi hoàn toàn con người tôi từ một người đầy tham lam, sân hận thêm một chút tự cao nay đã giảm được gần phân nửa.

Có lẽ nhờ những trải nghiệm của đời sống, qua bao nỗi cay đắng khi bị bịnh thập tử nhất sanh, sự trắng tay của cha mẹ sau 1975 khiến tôi nhận ra phải cần tha lực đến từ niềm tin vào những hạnh nguyện của các Đức Phật và Bồ Tát để thoả lòng mong ước và không hận đời đen bạc.

Trộm nghĩ cuộc sống luôn luôn có những thứ xảy ra ngoài ý muốn do vô thường thay đổi tạo nên bất an là điều con người khó tránh khỏi trong cuộc sống thế tục. Từ đó, con người luôn mơ ước sự bình an và sự che chở, gia bị từ Phật, Bồ-tát…Vì vậy trong các bộ kinh, tôi thường trì tụng nhất là kinh Dược Sư và kinh Phổ Môn mà tôi nghĩ rằng phù hợp với giáo lý cốt lõi của đạo Phật.

Thật ra pháp đưa đến sự bình an và thoát khỏi khổ đau không hoàn toàn chỉ nhờ tha lực mà còn phải có tự lực. Có học đạo rồi chúng ta ai cũng biết kiếp nhân sinh của con người đều đến từ nhân quả và nghiệp báo (Tạo nghiệp ác là nguyên nhân đưa đến quả đọa các đường ác, tạo nghiệp lành sẽ đưa đến nhiều cơ hội kiếp này và kiếp sau gặp nhiều phước duyên hơn). Do đó năng lực hay thần lực của Đức Phật, Bồ-tát chỉ là giúp chúng sanh tỉnh thức để tự tu tập chuyển hóa chứ không phải Đức Phật làm thay, có chăng là nhờ tha lực của Phật mà chúng sanh thức tỉnh những tội lỗi đã làm rồi không tái phạm mà còn làm thiện như bố thí, giữ giới và tu theo Chánh pháp, theo hạnh Bồ-tát.

Hôm nay nhân ngày lễ vía hằng năm của Đức Phật Dược Sư, kính xin được trình bày phương pháp thực hành để mình tự lực hành trì chuyển hóa vì chung quanh ta có biết bao bịnh khổ về thân lẫn tâm và hẳng chúng ta ai cũng biết “bệnh 7 phần là tinh thần, 3 phần là bệnh”. Như vậy chính tinh thần quyết định chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe, kéo dài thọ mệnh của mỗi người và “Cái chết” là điều sợ nhất mà con người đối mặt.

Hơn thế nữa Kinh Dược Sư còn nêu 9 thứ hoạnh tử tiêu biểu tức chết bất đắc kỳ tử (chết bất thường không theo thường lệ già, hết tuổi thọ) gồm các nguyên nhân: thiếu thuốc men, cộng nghiệp từ người thân, sống buông lung tửu sắc, lửa cháy, nước làm ngạt, bị thú ăn thịt, tai nạn, ngộ độc, đói khát cũng như các điều bất an khác là các nạn, trộm cướp, quan tham, áp bức, dịch bệnh, hạn hán, thiên tai… Những điều ấy xảy ra hoặc bất ngờ hoặc theo quy trình nhân quả dần dần và tất cả đều làm cho con người lo sợ.

Trở về Đức Phật Dược Sư, còn được chúng sinh đạt hết niềm tin là Giáo chủ cõi tịnh độ tên Tịnh Lưu Ly ở phương Đông.

Nếu ai từng thọ trì đọc tụng kinh Dược Sư, đều biết rằng nguyên nhân được bắt đầu từ câu hỏi của Bồ-tát Văn Thù, mà Đức Phật Thích Ca đã nói về công đức hạnh nguyện của Phật Dược Sư với 12 nguyện lớn khi còn hành Bồ-tát đạo.

Nội dung 12 lời nguyện bao gồm làm cho chúng sanh được thân tướng trang nghiêm như Phật, tâm trí sáng suốt, đầy đủ vật chất, bỏ tà quy chánh, giữ giới thanh tịnh, hết các tật nguyền, hết cả bệnh khổ, thọ thân tốt đẹp, thoát tù tội khổ, được no đủ về thức ăn, đồ mặc. Kinh Dược Sư còn nêu các nhân xấu gồm bỏn xẻn, tham lam, không bố thí, phá giới (không có đạo đức), không tu dưỡng, tự cao, ngạo mạn, tật đố, đố kỵ, phỉ báng chân lý, tà kiến.

Nhưng không hiểu sao từ lúc đọc trọn bộ kinh Dược Sư điều mà tôi chú trọng nhất về con số 7 . Phải chăng kinh Dược Sư muốn trình bày ý nghĩa gì khi liên kết với 7 bước chân sen của Thái Tử Tất Đạt đa khi đản sanh.?

Này nhé:

1– Tụng cho đủ là “Thất Phật Dược Sư” gồm 7 vị Phật mà Đức Phật Dược Sư đã phân thân ứng hiện nhắm cứu bệnh cho tất cả chúng sanh từ thân bệnh cho đến tâm bệnh.

Do đó hình tượng Phật Dược sư theo Tịnh Độ Tông mô tả thì Ngài có sắc tướng xanh lưu ly, ở tư thế ngồi mặc áo cà sa, trước ngực có chữ vạn. Trên tay Đức Phật cầm một lọ mật hoa màu lưu ly và tay phải đặt trên đầu gối. Phật Dược Sư có vòng hào quang của ánh sáng lưu ly xung quanh người đôi khi trên tay cầm tòa tháp 7 tầng.

Và 7 vị Phật đó đã được gọi như sau:(1. Thiện Danh Xưng Cát Tường Vương Như Lai-

2– Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai

3– Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu Như Lai

4– Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường Vương Như Lai.

5– Pháp Hải Lôi Âm Như Lai.

6– Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như Lai.

7– Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai.

Bảy vị Phật Dược Sư có năng lực mãnh liệt không chỉ đối với việc chữa lành bệnh tật mà còn cả trong việc tịnh hóa nghiệp chướng cho người đang sống và người đã chết.

Thật tuyệt vời khi được nghe lời chú giải của HT Thích Trí Quảng… để hiểu
“Vì sao có sự hóa hiện cụ thể hình tướng của bảy Đức Phật Dược Sư“?

Tâm giác ngộ viên mãn có khả năng toàn giác, tức là thấy biết được tất cả các thời quá khứ, hiện tại và vị lai, có tâm đại bi vô lượng đối với tất cả chúng sinh, có năng lực hoàn hảo để dẫn dắt tất cả chúng sinh đến bờ giác ngộ. Vì trí tuệ thanh tịnh của tâm toàn giác gắn liền với lòng đại bi vô lượng đối với tất cả chúng sinh nên đã hóa hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau, trong đó có hình tướng bảy Đức Phật Dược Sư, để dẹp bỏ mọi chướng ngại mà chúng sinh phải gánh chịu và mang đến cho chúng sinh hạnh phúc tạm thời cũng như rốt ráo, đặc biệt là hạnh phúc vô song của giác ngộ viên mãn.

— Đức Phật Dược Sư có bảy vị Bồ-tát thị tùng là Nhựt Quang Biến Chiếu Bồ-tát, Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ-tát, Dược Vương Bồ-tát, Dược Thượng Bồ-tát, Cứu Thoát Bồ-tát, Bảo Đàn Hoa Bồ-tát và Di Lặc Bồ-tát.

– Đàn tràng Dược Sư có thể thiết lập nhà cũng như tại chùa chia làm 7 khu được phân định rõ (Trung Ương _ Thượng phương _ Hạ phương _ Ðông phương _ Nam phương _ Tây phương _ Bắc phương) với 7 vị Phật trợ thủ tuyên dương
(Tỳ Bà Thi Phật- Thi Khí Phật-Tỳ Xá Phù Phật- Câu Lưu Tôn Phật-Câu Na Hàm Mâu ni Phật- Ca Diếp Phật-Thích Ca Mâu ni Phật).

Đến đây kính mời các bạn cùng tham khảo “Lợi ích khi tụng kinh Dược Sư” nhé. Được biết từ trước đến nay, Phật Tử Việt Nam thường sử dụng bản kinh Dược Sư trong dịp đầu năm hay các lễ cầu an để cầu nguyện bình an. Có thể nói nhờ tha lực khơi nguồn trí sáng để tự lực nhận rõ nhân quả và nỗ lực tu tập Chánh pháp thì kết quả bình an là điều họ hy vọng luôn đạt được.

Cũng như theo kinh Dược Sư, Đức Phật Dược Sư có năng lực giúp hóa giải những điều xấu của chúng sanh. Phật Dược Sư với 12 nguyện lớn có thể cứu độ chúng sanh, nhờ vào nguyện lực của những đại nguyện mà các Đức Phật Dược Sư đã phát khởi trước đây nên mật chú Đức Phật Dược Sư thực sự trở nên có năng lực ngày càng mãnh liệt hơn khi thời đại càng suy thoái.

Đây là một lý do giải thích vì sao việc trì tụng mật chú Phật Dược Sư là rất quan trọng. Theo đó:

– Nếu ai bị đọa ba đường ác, nhớ niệm danh hiệu Phật Dược Sư thì được sanh làm người.

– Ai nghe danh hiệu Phật Dược Sư thì không bị kẻ ác tâm hại mà họ trở lại có tâm từ và nhờ thần lực Phật gia bị thoát khỏi khổ não, ác ma, vô minh, phiền não đưa đến giải thoát sinh tử.

– Nếu ai mắc bệnh, đọc chú trong thức ăn, nước uống rồi thọ dụng thì hết bệnh, được sống lâu. Nên nhớ khi đọc chú cần cốt yếu ở tâm chí thành và cung kính “Nam mô Bạc già phạt đế bệ sái xã lũ rô, bệ lưu li, bát lạt bà, hắt ra xà giã, đát tha yết đa gia, a ra hắt đế. Tam diễu tam bột đà gia, đát điệt tha. Án, bệ sái thệ, bệ sái thệ, bệ sái xã, tam một yết đế tóa ha”.

Kinh cũng nêu các ác, bất thiện pháp gồm sát sanh, hại người, tham lam, trộm cướp, không bố thí…..nếu tác động sẽ gây nghiệp quả đọa vào đường ác, ở đây chỉ cho địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh hoặc khi sanh làm người thì thuộc hàng hạ tiện chịu nhiều khổ đau. Ngoài ra nếu mỗi người biết buông bỏ bớt tham vọng, coi nhẹ mọi việc, không tranh không đấu; nhường nhịn, biết nghĩ cho người khác. Gặp mâu thuẫn hãy lùi lại, nhẫn nhịn, nghĩ xem tổn hại gì cho người khác, mình sai ở đâu, rồi thay đổi thì sẽ được phúc báo.

Trong kinh còn nói đến THẬP NHỊ DƯỢC XOA ÐẠI TƯỚNG (Cung Tỳ La Ðại tướng-Phạt Triết La Ðại tướng-Mê Xí La Ðại tướng- An Ðể La Ðại tướng- Án Nể La Ðai tướng- San Ðề La Ðại tướng- Nhân Ðạt La Ðại tướng- Ba Di La Ðại tướng—Ma Hồ La Ðại tướng-Thân Ðạt La Ðại tướng-Chiêu Ðỗ La Ðại tướng- Tỳ Yết La Ðại tướng). Phải biết các vị thần Dược Xoa được xem như Bồ-tát hóa thân cũng có năng lực hóa giải tai ương và thoát nạn nhờ các vị thần Dược Xoa luôn bảo vệ.

Cũng trong kinh này Đức Phật Thích Ca dạy chúng ta dựng đàn Dược Sư đốt đèn tiêu biểu cho ánh sáng, cũng có nghĩa là tiêu biểu cho trí tuệ.

Phật còn khuyên chúng ta đọc tụng, suy tư, dạy người làm phước, thì được công đức không thể nghĩ bàn, không phải chỉ đọc kinh, lập đàn treo phan thôi.

Cúng dường tháp Phật một ít đèn sáng, vì tin Phật – Pháp – Tăng, nên phúc điền cúng dường chút ít đèn này, sẽ được quả báo, thành tựu phúc đức, chỉ có Phật mới biết được.

Nhựt Quang và Nguyệt Quang là hai vị Bồ-tát thượng thủ trong đàn của Phật Dược Sư. Nhựt Quang tiêu biểu cho ánh sáng của mặt trời chiếu vào nhân gian, thiêu hủy được trần lao nghiệp chướng của con người.

Đọc tụng kinh Dược Sư, suy nghĩ về 12 đại nguyện của Đức Phật Dược Sư và phát tâm tu, thực hành đúng giáo pháp Phật dạy trong cuộc sống, chắc chắn tất cả đệ tử Phật đều tiếp nhận được Phật lực gia bị, đều thoát khỏi khổ đau, đều được thăng hoa phước đức, trí tuệ.

Tất cả hành giả của các đàn tràng Dược Sư khi chí tâm, đem lòng tin trong sạch cúng dường thì đều thâm nhập được thế giới Tịnh Lưu Ly, diện kiến được Đức Phật Dược Sư, cùng 7 vị Phật và chư vị Bồ-tát, cùng 12 vị Dược Xoa thần tướng9 và tiếp nhận được lực gia trì của các Ngài, để thân luôn được bình an, trí luôn sáng suốt và gặt hái được những gì tốt đẹp nhất theo Phật dạy nhân dịp đầu năm Phật tử khắp nơi về lễ Phật và đem tâm thanh tịnh đến Pháp Hội Dược Sư.

Có thể nói, sở dĩ pháp tu tập Đức Phật Dược Sư có năng lực mãnh liệt để đạt được sự thành công tạm thời cũng như rốt ráo là vì trong quá khứ khi các Đức Phật Dược Sư còn là các vị Bồ Tát, các Ngài đã thệ phát những đại nguyện rất lớn lao đối với chúng sinh, các Ngài đã hứa là trong thời mạt pháp khi các giáo huấn của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni suy tàn, các Ngài sẽ làm cho tất cả lời cầu nguyện của chúng sinh đều trở thành hiện thực. Các Ngài đã phát khởi một quyết tâm mãnh liệt đạt giác ngộ vì tâm nguyện này; đây là động cơ thiền định cũng như sự hiện thực hóa con đường tu giác ngộ của các Ngài.

Lời kết:

Kính trích đoạn lời giảng của HT Thích Trí Quảng để làm phương châm cho việc đọc tụng thọ trì Kinh Dược Sư:

“Chúng ta đang sống trong thời đại mà năm sự suy thoái (tâm thức suy thoái, tuổi thọ suy thoái, chúng sinh suy thoái, thời đại suy thoái và nhận thức suy thoái) đang phát triển mạnh. Về cơ bản thì do sự suy thoái của tâm thức mà dẫn đến tất cả các sự suy thoái khác. Tham lam, sân hận, si mê và các mê lầm khác đang gia tăng vì chúng sinh không tu tập phát triển tâm linh“.

Điều này dẫn tới sự suy thoái tuổi thọ, khiến cho tuổi thọ trung bình ngày càng ngắn hơn. Sự suy thoái tuổi thọ này là do suy thoái tâm thức mà sự suy thoái tâm thức cũng đã dẫn tới sự suy thoái của chúng sinh, tâm chúng sinh trở nên rất bướng bỉnh và khó điều phục; họ rất khó tu tập nhẫn nhục, nhân ái, từ bi, vân vân… Dù có nhận được sự giảng giải cần thiết, họ cũng không có khả năng thực hành Pháp, hay thấy là rất khó tu tập. Vì tâm họ bất an, không được điều phục, nên dù có được nghe giảng họ cũng không thể hiểu được Chánh pháp.

Sự suy thoái về thời đại được thấy rõ qua việc ngày càng có nhiều cuộc chiến tranh, tranh chấp giữa các quốc gia cùng với các thiên tai như động đất, hạn hán, nạn đói và dịch bệnh.

Sự suy thoái tâm thức cũng dẫn tới sự suy thoái về nhận thức, quan điểm. Ngày càng có ít người tin vào chân lý và càng có nhiều người tin vào những lời nói dối và giảng giải sai trái. Khi có ai đó nói ra chân lý một cách chân thành từ trái tim thì những người khác thấy là khó hiểu hay khó tin; nhưng khi người ta nói dối thì người khác lại thấy rất dễ tin ( hết trích đoạn ).

Tóm lại việc cầu nguyện các Đức Phật Dược Sư có năng lực mãnh liệt và nhanh chóng mang lại sự thành công, không chỉ trong việc chữa bệnh mà còn trong các công việc khác nữa.

Đây là lý do tại sao việc hành trì cầu nguyện Đức Phật Dược Sư mỗi ngày là rất quan trọng, không chỉ cho việc chữa bệnh mà còn cho sự thành công của việc tu tập tâm linh cũng như các hoạt động khác. Nhờ năng lực mãnh liệt từ tâm đại bi và vị tha của các Đức Phật Dược Sư muốn làm lợi lạc cho chúng sinh nên chúng ta sẽ được thành tựu nếu thực hành trì tụng và thiền định về Đức Phật Dược Sư cũng như cầu nguyện các Ngài hộ trì.

Về phía các Ngài, các Ngài đã có nhiều đại nguyện đối với chúng sinh hữu tình, các Ngài đã hứa sẽ làm cho các lời cầu nguyện của chúng ta trở thành hiện thực, đặc biệt trong các thời kiếp suy đồi. Nếu chúng ta cầu nguyện các Đức Phật Dược Sư, chúng ta sẽ mau chóng có khả năng thành tựu mọi điều mà chúng ta mong ước. Lợi lạc tối thượng mà các Ngài có thể mang lại cho chúng ta là sự giác ngộ.

Kính trân trọng

Kính ngưỡng Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai.
Với đại nguyện rộng lớn đã phân thân ứng hiện!
Bảy vị Phật với trí, huệ, hạnh, cứu độ chúng sanh
Thoát khỏi tham, sân, si quay về nẻo tâm linh
Ôi, 12 đại hạnh nguyện chính là Lý tưởng !

Vừa trừ bịnh thân thể, lại hoá giải nghiệp chướng
Dùng nhiều phương tiện chỉ dẫn kẻ kém may
Tạo niềm vui đến mọi người với khối óc đôi tay
Sống hài hòa… bỏ tâm ích kỷ, phân biệt!

Nỗ lực tự trang nghiêm chuyển hoá tị liệt
Trí tuệ con người thời đại cần phát triển Từ Bi
Nguyện nguyện ngày sau về thế giới Tịnh Lưu Ly
Nơi có 12 đại tướng Dược Xoa hộ trì giải nạn
Không còn lo lắng gì đến… kéo dài thọ mạng
Hãy đọc tụng, thọ trì mãnh liệt… lợi lạc tối thượng!!

Nam Mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật!

Úc Châu ngày 29 tháng 9 âm lịch năm Quý Mão
Phật tử Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.