Mái Ấm Gia Đình


‘Là người lớn, chúng ta cần phải biết gạt bỏ đi sự giận dữ, ghen tuông, ích kỷ cá nhân, thay vào đó đặt phúc lợi của trẻ lên hàng đầu’, Tiến sĩ Cường Lã. Credit: Pexels

Chữa lành tổn thương cho con cái khi cha mẹ ly hôn…
Chị Mai và anh Tuấn, cặp vợ chồng gốc Việt đã tìm những giải pháp văn minh và và ít gây tổn thương nhất cho hai con nhỏ sau khi chia tay. Cùng nghe tiến sĩ Cường Lã phân tích về câu chuyện này.

Trong tuần trước, Tiến sĩ Cường Lã từ Melbourne đã chia sẻ những ngộ nhận về xung đột của cha mẹ với sự phát triển của con cái và các bước cần cân nhắc sau khi ly hôn.

Liên tục chương trình, Tiến sĩ Cường Lã phân tích một ví dụ cho thấy sự đồng lòng của hai người phối ngẫu đã giúp quá trình hậu chia tay với con trẻ diễn ra nhẹ nhàng như thế nào.

Cách giải quyết li hôn của Chị Mai và Anh Tuấn

Mai và Tuấn, một cặp vợ chồng người Việt Nam sống tại Úc, quyết định ly dị sau 12 năm hôn nhân. Họ có hai đứa con, Linh (8 tuổi) và Minh (6 tuổi).

Giao tiếp mở cửa:

Mai và Tuấn bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện chân thành và riêng tư với hai đứa nhỏ về quyết định ly dị của họ. Họ giải thích rằng việc này không liên quan đến con cái và khẳng định, cam đoan yêu thương và sự hiện diện liên tục trong cuộc sống của Linh và Minh.

Tìm kiếm sự hướng dẫn từ chuyên gia:

Mai và Tuấn sau đó tìm sự tư vấn từ một chuyên gia tâm lý gia gia đình nói tiếng Việt, để hướng dẫn họ qua quá trình này và giúp hỗ trợ cho hai đứa nhỏi. Chuyên gia tâm lý này đã giúp họ xây dựng một kế hoạch chăm sóc con cái cân nhắc làm tới nhu cầu muốn gìn giữ văn hóa Việt.

Quyết định dựa trên lợi ích của con cái:

Mai và Tuấn luôn luôn quan tâm đến lợi ích tốt nhất của con cái khi thỏa thuận về việc chăm sóc con. Họ đã đồng ý về một thỏa thuận chăm sóc con chung, đảm bảo cả hai cha mẹ đều có cơ hội bình đẳng để ở bên cạnh Linh và Minh.

Duy trì sự ổn định:

Mai và Tuấn duy trì các thói quen hàng ngày ổn định cho Linh và Minh. Các con vẫn tiếp tục đến trường cũ và tham gia vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa Việt Nam, đi học tiếng Việt, đi lễ nhà thờ có cha giảng bằng tiếng Việt.

Xử lý cảm xúc và nỗi sợ:

Mai và Tuấn thống nhất khuyến khích Linh và Minh thể hiện mở cửa cảm xúc và nỗi sợ của họ. Họ thường xuyên tổ chức các buổi họp gia đình để con cái có thể đặt câu hỏi và chia sẻ cảm xúc của mình.

Xây dựng một mạng lưới hỗ trợ:

Cả Mai và Tuấn lên tiếng nhờ sự trợ giúp của ông bà, dì chú, chú bác, những người gìn giữ giá trị văn hóa Việt Nam, để hỗ trợ tinh thần cho hai bé-chẳng hạn trò chuyện, dạy các cháu nấu ăn, tham gia cúng giỗ, sinh hoạt gia đình lớn. Sự hỗ trợ của gia đình mở rộng này đã giúp con cái trải qua quá trình chuyển đổi một cách dễ dàng hơn.

Chăm sóc con chung và hợp tác:

Mai và Tuấn cam kết hợp tác với nhau như một đội, giải quyết xung đột một cách riêng tư để tránh gây đau đớn cho con cái. Họ sử dụng ứng dụng tin nhắn để phối hợp thời gian và chia sẻ thông tin quan trọng về Linh và Minh.

Chuẩn bị cho một cuộc sống mới:

Mai và Tuấn xác định tuy hai vợ chồng ly dị, nhưng cả hai nhìn vào mặt tích cực và coi đây là cơ hội để con cái trải nghiệm văn hóa Việt Nam trong hai ngôi nhà theo hai cách khác nhau.

Điều này đồng nghĩa các con có nhiều thời gian chất lượng ở riêng với cha hoặc mẹ. Vậy nên ở cả nhà của Mai và Tuấn đều có những vật dụng văn hóa Việt Nam – như sách tiếng Việt, hình ảnh, trang trí trong nhà sao cho gần gũi với Việt Nam. Cả hai đều đưa con dự lễ trung thu, múa lân, tết và đi du lịch Việt Nam.

Nếu bạn không thể tha thứ cho người cũ?

Trong hoàn cảnh lý tưởng, cả hai vợ chồng có thể chia tay trong văn minh, lịch sự và giữ được tâm thế tốt nhất của người làm cha, làm mẹ.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc tôn trọng lẫn nhau, đồng nuôi dạy con cái, chỉ là lý thuyết. Một lý do phổ biến nhất ở Úc cho việc chia tay là bạo hành gia đình, lý do thứ hai là việc lừa dối. Hai lý do này thường rất khó để người trong cuộc tha thứ, hoặc cho phép đối phương tiếp xúc với con vì lý do an toàn. Trong những trường hợp này thì sao?

Tiến sĩ Cường Lã chia sẻ là người lớn, chúng ta cần phải biết gạt bỏ đi sự giận dữ, ghen tuông, ích kỷ cá nhân, thay vào đó đặt phúc lợi của trẻ lên hàng đầu.

Cha/mẹ nếu vẫn còn nuôi lòng hận thù về đối phương, sẽ dẫn tới những suy nghĩ, lời nói, hành động tiêu cực, cay nghiệt về người cũ. Điều này gây tổn thương ghê gớm, sâu sắc tới trẻ.

Việc trẻ phải nghe hoặc chứng kiến những lời nói, hành động mang tính trả thù cha/mẹ sẽ dẫn tới việc thấy lo lắng, sợ hãi khi nghĩ về cha/mẹ.

Một số trẻ tự xỉ vả bản thân mình, coi mình là tội lỗi góp phần cha mẹ bất hòa. Một số khác bị lo lâu, sống khép kín, cô độc dẫn tới trầm cảm. Một số khác bị mất ngủ thường xuyên do tâm trí bất an và dần dần chúng bị mất cảm giác được bao bọc, che chở, hoặc bị bối rối không biết điều gì đang chờ đợi chúng ngày hôm sau. Chúng cứ phải quan sát cha/mẹ để dựa theo cơn bão cảm xúc của người lớn.

Đầu tiên hãy tự đánh giá soi xét lại mình trên thang điểm từ 1 đến 10:

Bạn tự cho mình mấy điểm về sự tử tế trong những suy nghĩ, lời nói, hành động của bạn về người cũ.

Điểm 1 đồng nghĩa với: tôi cư xử rất tệ bạc với cô ấy/anh ấy. Tôi không bao giờ tôn trọng cô ấy/anh ấy. Tôi thô lỗ và ích kỷ với mẹ/cha của lũ trẻ. Điểm 10 là đối nghịch lại: Tôi có những suy nghĩ, lời nói, hành động tốt, tích cực về cô/anh ấy; Tôi biết chăm chú lắng nghe lời cô ấy/anh ấy nói; Tôi luôn tạo điều kiện hỗ trợ cho cô ấy/anh ấy cho dù chúng ta không còn đi chung đường.

Sau đó tự chất vấn bản thân: những suy nghĩ trong đầu mình về đối phương, những lời nói thốt ra, những hành động trả đũa người xưa gây tổn thương thế nào tới trẻ?

“Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng lúc quý vị còn nhỏ, nếu cha xúc phạm mẹ hoặc ngược lại, ta cảm thấy thế nào? Nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy thương tổn tới ngày nay”.

Hãy hỏi liệu những suy nghĩ, lời nói, hành động đó là chúng ta đang nói vì chúng ta, hay vì con trẻ? Nếu là vì con trẻ, cần chú ý: Thể hiện lòng vị tha tới người xưa. Nếu chưa thể quên lòng hận thù, tốt nhất không nên nói gì thêm về người đó. Nếu con có nói bức xúc về cha/mẹ, chúng ta không nên hùa theo.

Hãy tìm kiếm lời khuyên chuyên gia để sắp xếp sớm ổn thỏa cuộc sống mới, tránh tổn thương cho trẻ và cho chính mình. Đó cũng là cách chữa lành tốt nhất cho tổn thương của các thành viên gia đình.

Published 3 November 2023 6:23pm SBS
By Bích Ngọc – Source: sbs.com.au

This entry was posted in Đời Sống. Bookmark the permalink.