Đạo Pháp mãi quanh ta…

Mời chiêm nghiệm
những vần thơ mang cốt lõi Giáp Pháp Phật
Xin giới thiệu bài thơ “SÁU CHIẾC CHÈO TAY” (1)
Ẩn tàng phương pháp Tu và Học đến bất kỳ ai
“Sáu Căn”bây giờ là quả của “Sáu Ái” ngày trước!

Hãy dùng phương tiện
làm trạm dừng bao sóng nước! (2)
Dọn lòng chờ đợi một chuyến quay về
Năm tháng miệt mài tinh tấn cận kề
Kinh sách, lời dạy Thế Tôn và bậc Hiền Thánh!
Quyết chẳng lẫn lộn Học, Hành, Tướng, Tánh
Bạn ơi, chỉ vài ngày nữa thêm một tuổi đời
Thế giới chúng ta, đạo pháp sẽ không rời
Sẽ khơi dậy thiện niệm, lương tri thức tỉnh!
Kính chúc bạn,
sớm đoạn trừ phiền não, không vướng dính !

Huệ Hương

————————————————————
(1) Sáu chiếc chèo tay
Thuyền đi từ bến sông lầm lạc
Gió cuốn mang xa một cánh buồm
Sáu chiếc chèo tay khua nước bạc
Đi từ mây nước gọi hoàng hôn

Mưa rơi từng hạt trên mui vắng
Như tiếng than van của mọi trời
Sóng nở thành hoa trên mặt nước
Sắc hoàng hôn, tím, ngã chơi vơi

Sáu chiếc chèo tay mang nhịp sống
Đưa thuyền tách khỏi bến mê mờ
Qua ngàn lớp sóng trần xô đẩy
Hướng thẳng về nơi bản thể xưa

Đây rồi : tràn lan trên đất yêu
Ngàn bông hoa lạ nở trong chiều
Hương thơm lúa chín say mùi rạ
Sắc thắm mây hồng quyện tiếng tiêu

Thuyền đến bên sông : ngừng nhịp nước
Quay nhìn bến cũ lúc ra đi
Thì đâu ? nơi cõi xa xăm ấy
Là cả mênh mông chẳng thấy gì !

Đã xa hun hút bờ mê vọng
Sóng gió trần gian cũng lặng rồi
Phương xa ngây ngất trời hương khói
Bến bờ giải thoát hiện ngàn nơi.
HT Nhất Hạnh

(2) Bài 7 Trạm xe thứ 24 (Rathavinìta sutta)trong Trung Bộ kinh 1 (Majjhima Nikayaq1) giới thiệu sự trao đổi Phật Pháp giữ Ngài Xá Lợi Phất ( đệ nhất trí tuệ ) và Ngài Phú Lâu Na ( đệ nhất pháp sư ) đại ý chính : 7 Trạm xe = 7 Phương tiện = 7 Giai Đoạn Thanh Tịnh
“Việc không phân biệt được rõ ràng, lẫn lộn giữa phương tiện và mục đích dẫn tới việc không phân biệt được rõ ràng, lẫn lộn giữa Pháp Học, Pháp Hành, Pháp Thành, lẫn lộn giữa nhân và quả. từ đó dẫn đến việc thực hành khó khăn, lạc lối không dẫn đến được đích cuối cùng rốt ráo là đoạn diệt mọi phiền não, khổ đau không còn dư sót.
Ví dụ các trạm xe, chính là các giai đoạn thanh tịnh về Giới, về Định (Tâm) và về Tuệ chỉ là phương tiện đưa hành giả tới đích cuối cùng là vô chấp thủ bát niết bàn. Khi chưa tới được đích cuối cùng rốt ráo này thì tất cả mọi hành giả, từ phàm nhân cho tới các bậc thánh hữu học Thất lai Tu đà hườn, Nhất lai Tu đà hàm hay Bất lai A na hàm đều phải nương tựa, bám cho thật chắc vào phương tiện các trạm xe này, chớ bị lung lạc bởi các “hý luận” hàm hồ về “bình đẳng, vô phân biệt, vô chấp trước” trong các pháp hành của các nhà Phật học đời mới.
Trong tâm từ,
TK Viên Phúc”

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.