Lễ tưởng niệm 49 ngày Giác linh Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ

Ba tôn tượng bằng đồng sáng ngời: Đức Phật Thích Ca, Quán Thế Âm và Địa Tạng Bồ tát trên bàn thờ chánh điện chùa Ấn Quang, Melbourne, Australia thật uy nghiêm thanh tịnh. Những chậu lan tinh anh sinh động được trang trí hoàn hảo cao sang, chinh phục mọi ánh nhìn.

Phía dưới là hình rọi lớn của Hòa Thượng Tuệ Sỹ đặt giữa hoa trắng, vàng tượng trưng cho thanh tao thuần khiết trong lòng Ngài muôn thuở. Những nến màu hồng hình hoa sen là khí phách, bản sắc tâm hồn Việt Nam, để một hàng dài trước hình giác linh Hòa Thượng.

Hôm nay, ngày 13/1/2024, Hòa Thượng Thích Thiện Tâm, Hội trưởng hội Phật giáo Úc Châu-Tân Tây Lan tuyên bố Ấn Quang trân trọng khai mạc buổi lễ truy điệu 49 ngày của giác linh cố Hòa Thượng Tuệ Sỹ. Ba hồi chuông Bát Nhã vang lên, xuất hiện đoàn Tăng hàng một đi ra. Thầy Phước Thể dẫn đầu trong tiếng khánh, rồi một thầy trẻ bưng mâm hoa, đèn. Kế đến Hòa Thượng Thích Thiện Tâm, sau đó Tăng Ni tùy theo chức vụ trụ trì của mỗi chùa trong tiểu bang Victoria, các Vị bước tiếp theo.

Thầy Thiện Tâm đọc bài thơ tuyệt tác của Ngài Tuệ Sỹ. Ðạo vị và thiền vị cô đọng trong thơ kết tinh thành những viên ngọc quý của thi ca.

Khung Trời Cũ
Ðôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng!
Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn

Thầy Phước Tấn trụ trì chùa Quang Minh nói ý nghĩa 49 ngày sau khi mất và đọc tiểu sử Ngài Tuệ Sỹ. Các vị Tăng lần lượt nói cảm tưởng, những kỷ niệm với Ngài.

Ngài đã làm Giáo thọ sư cho những vị ở Quảng Hương Già Lam. Thập niên 1990 và 2000, nuôi dưỡng dạy dỗ vô số Tăng tài. Gửi học trò cư sĩ tại gia xuất ngoại. Ngài còn cố vấn, dắt dìu nâng đỡ cho tổ chức Gia Đình Phật Tử truyền thống, các lớp học online xuyên lục địa. Ngài dạy dỗ cho hàng huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT là lấy tâm nguyện đại bi, hạnh nguyện và con đường Bồ Tát mà hành hoạt hiến dâng cho cuộc đời. Tiếp xúc với ai Ngài cũng có nụ cười hồn nhiên trên gương mặt thánh thiện cùng ánh mắt sáng rực sao trời.

Quảng Pháp Trần Minh Triết tuy ở xa, nhưng chỉ một lần nghe Ngài nói với thế hệ Tăng sinh trẻ: “…Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình, tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình”.

Ngài Tuệ Sỹ từng bị chính quyền sau năm 1975 giam cầm hơn 1 thập niên, vì Ngài là vị lãnh đạo lỗi lạc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Nam Thống nhất. Ngài rất trực tính, tôn trọng sự thật về tư tưởng con người trong xã hội. Với tâm vô úy, đại từ, đại bi, cao thượng, Ngài an nhiên tự tại, ung dung trước lao tù khắc nghiệt nên khi bị lên án tử hình, Ngài đã viết:

“Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng.
Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều”.

Ngài có lối đi riêng biệt dưới mặt trời rực sáng là tâm vô ngại, xả ly, quảng đại vô biên. Trí tuệ thâm nhập toàn diện vào biển Phật Pháp bao la không cùng tận. Trong tù, Ngài đã làm 4 câu Cúng Dường:

“Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn”

Thích Nguyên Siêu dịch:
Đây bát cơm tù con kính dâng
Cúng dường Đức Phật Đấng Tôn Thân
Thế gian chìm đắm trong máu lửa
Lệ nhỏ không lời, lòng xót thương!

Là một học giả uyên bác, Ngài dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật. Từng khoảnh khắc trên giường bệnh, Ngài vẫn giữ tâm trong Thiền định, vẫn gõ chữ chú giải kinh luận cho hậu học không nhầm lẫn. Những đóng góp của Ngài cho nền giáo dục Phật giáo còn kéo dài hơn cả cuộc đời Thầy qua công trình đồ sộ phiên dịch Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt. Đó là một di sản tâm linh, một di sản giáo dục rất lớn và từ trước đến nay của Phật Giáo Việt Nam. Với công trình nghiên cứu siêu tuyệt Phật học và Thiền học, Ngài để lại cho hậu thế không thể phai mờ:

⚫ Bát quan trai giới
⚫ Cửa Vào Tuyệt Đối
⚫ Chiến tranh, tình yêu, hoài niệm và truyện ngắn Võ Hồng
⚫ Dẫn vào Tâm Kinh Bát Nhã
⚫ Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo
⚫ Du-già Bồ-tát giới
⚫ Duy-ma-cật Với Các Đại Thanh Văn
⚫ Duy tuệ thị nghiệp
⚫ Đạo Phật và thanh niên
⚫ Đối Biện Bồ Tát
⚫ Giấc mơ Trường Sơn (thơ)
⚫ Giới thiệu Phẩm Phương Tiện Thiện Xảo, Kinh Duy-Ma-Cật
⚫ Giới thiệu Phẩm Văn-Thù thăm bệnh, Kinh Duy-Ma-Cật
⚫ Giới thiệu Trung Luận kệ tụng – Phạn Tạng Hán đối chiếu toàn dịch
⚫ Giá trị đối chiếu trong những tương quan văn hóa

⚫ Gốc Tùng
⚫ Huyền thoại Duy-Ma-Cật
⚫ Kinh Hoa Nghiêm: Lý tưởng Bồ-tát và Phật
⚫ Khái niệm về số trong Kinh Dịch
⚫ Lễ Tháng Bảy Cho Những Oan Hồn Phiêu Bạt
⚫ Lô Sơn Chân Diện Mục
⚫ Mười huyền môn: trật tự của thế giới trong tương quan vô tận
⚫ Nguồn gốc của một thế giới quan vô tận
⚫ Ngục trung mị ngữ
⚫ Nhân đọc Triết Học Thế Thân
⚫ Những điệp khúc cho dương cầm (thơ)
⚫ Những Giá Trị Phổ Quát Của Bồ Tát Hành
⚫ Piano Sonata 14
⚫ Phát triển Tâm Từ
⚫ Phật Dạy Chăn Trâu
⚫ Reduction to the Nothingness
⚫ Sự hủy diệt của một trào lưu tư tưởng
⚫ Sư Thiện Chiếu
⚫ Tánh không luận là gì?
⚫ Tinh hoa triết học Phật giáo
⚫ Tư tưởng Phật giáo đối diện với hư vô
⚫ Từ Thiền đến Hoa Nghiêm
⚫ Thắng Man Giảng Luận
⚫ Thanh Sắc Thi Ca
⚫ Thiền và Bát-nhã
⚫ Thuyền ngược bến không
⚫ Tô đông pha những phương trời viễn mộng
⚫ Trật tự của thế giới trong tương quan vô tận
⚫ Trú xứ của Bồ-tát
⚫ Văn Minh Tiểu Phẩm
⚫ Về những minh họa từ Thiền Uyển Tập Anh

Dịch Thuật:

⚫ A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận 1,2,3,4, và 5
⚫ Các Tông Phái Phật giáo
⚫ Kinh Duy Ma Cật sở thuyết
⚫ Luận Thành Duy Thức
⚫ Tạp A-hàm
⚫ Tăng nhất A-hàm
⚫ Trung A-hàm
⚫ Trường A-hàm
⚫ Thiền Luận 2 và 3

Lúc bị bắt năm 1984, Ngài và Thích Trí Siêu đang soạn thảo quyển Bách khoa Phật học Đại Tự điển. Tháng 9/1998 được trả tự do, Ngài vẫn thanh thản tự tại bao dung, vì Ngài nói chính trị hay các thể chế là tạm thời. Chỉ có đại bi, đại trí, đại hùng nhập thế, đem đạo vào đời làm hành trang cho đời sống là dấn thân của Bồ tát hạnh.

Cô Ngọc Hân nói Hòa Thượng Tuệ Sỹ và giáo sư Lê Mạnh Thát là hai khuôn mặt sạch, kiến thức nhất Việt Nam. Khi được bác sĩ khám bệnh, Ngài nói thân đau nhưng tâm không đau và vẫn thành lập một ban dịch kinh sách. Nhà Thơ Bùi Giáng đã tê cóng buốt linh hồn khi đọc thơ Khung Trời Cũ và nói: “Đại Sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho, nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn!”

Câu đối do Ôn Tuệ Sỹ viết tặng chùa Quảng Đức, hiện được trang trọng tôn trí tại Tổ Đường:

“Quảng mạc thiên hoang cố lý, nhi phế hưng cạnh tẩu kinh đào, phiến diệp phù nang, quải nạp đằng la thử ngạn.
Đức hành thế khoát tham phương, tỉ triêu lộ hàm huy diệu cảnh, không hoa thủy nguyệt huyền hà bích lạc thần châu”.

Dịch nghĩa:

“Chốn cũ dặm dài man mác, bởi phế hưng xô dậy sóng cồn,
chiếc lá thuyền nan, vá áo chép kinh đất khách.
Đức tu mấy bước mù xa, tợ sương sớm nắng hồng đọng bóng,
hoa trời trăng nước, ngân hà dằng dặc quê cha”.

Sau cùng hai ca sĩ lên hát bài Khung Trời Cũ và Tôi Vẫn Đợi được chuyển âm thành nhạc.

Tôi vẫn đợi
Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù, tha thiết mãi
Một vì sao bên khoé miệng rưng rưng
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương
Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều

Đến phần cúng cơm.

Tăng Ni đều ra đứng hàng ngang đọc bài tụng. Thầy Thiện Tâm dâng nước và gắp thức ăn.

Nhờ Y báo và Chánh báo của Cây Cổ Thụ Tuệ Sỹ trong rừng thiền mà mọi người dự lễ đều có một thế giới tĩnh lặng cho chính mình.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Diệu Ngọc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.