( nhân lễ vía đản sanh 21/2 âm lịch )
Cung kính dâng lời Khải bạch đến Bồ Tát Đẳng Giác (1)
Khắp mười phương pháp giới có năng lực hiện thân
Hàng phục tất cả ác thế gian bằng các việc khó làm
Tuy mênh mông bát ngát,
quy tụ vào thập quảng đại nguyện! (2)
Cần thâm tâm tín giải, hằng thanh tịnh ba nghiệp!
Nếu không,
Trí phàm phu khó thể giải thích cảnh giới Phổ Hiền
Lại phải đọc thuộc
phần nhập pháp giới của Thiện Tài Đồng Tử / kinh Hoa Nghiêm (3)
Và kinh Pháp Hoa:
nhập được Phật tri kiến, Bồ Tát liền Khuyến Phát! (4)
Mà người tu đạo luôn chiêm nghiệm và khao khát !
“ Nguyện nhơn nhơn ngộ Tỳ Lô Tánh Hải
Các các nhập Phổ Hiền hạnh môn “
Khởi tâm từ bi, nhờ trí tuệ sáng suốt khi gặp sáu trần
Biểu tượng voi trắng có sáu ngà (5)
Tâm hạnh vững mạnh rộng lớn , thanh tịnh đi giáo hoá !
Kính bạch Ngài
trong biển Tỳ Lô Giá Na, vô cùng vô tận rộng tỏa !
Sự hiện hữu Chư Phật phải chăng đây
“tính sáng suốt hằng hữu trong con người ?“
Chỉ những ai với lời dạy Phật,
hành trì không mệt mỏi biếng lười
Kiến, Hành hợp nhất lo gì một ngày sẽ ….
“nhập bất tư nghị giải thoát! “
Nhân ngày lễ vía đản sanh, hậu bối kính tri ân
“thần lực hạnh nguyện Ngài quá vĩ đại phổ quát”!
Úc Châu 30/3/2024
Phật tử Huệ Hương
(1) Phổ Hiền Bồ Tát là một trong 4 vị Đại Bồ Tát quan trọng của Phật Giáo Đại Thừa. Phổ Hiền Bồ Tát là hiện thân của Đẳng Giác Bồ Tát, có năng lực to lớn là hiện thân khắp mười phương pháp giới, xuất hiện dưới nhiều ứng thân, tùy theo mong cầu của chúng sinh mà hiện thân hóa độ. Phổ Hiền Bồ Tát chính là hộ vệ, thị giả của người giảng Pháp và đại diện cho sai biệt trí. và thời gian hóa độ vô cùng tận không hạn kỳ
(2)Thập quảng đại nguyện Phổ Hiền:
Một là thành tâm kính lễ các đức Phật.
Hai là khen ngợi, tán thán Như Lai.
Ba là thực hành hạnh cúng dường rộng rãi.
Bốn là ăn năn chừa bỏ các nghiệp chướng.
Năm là vui theo các công đức.
Sáu là thỉnh Phật thuyết pháp.
Bảy là thỉnh Phật trụ ở thế gian.
Tám là thường tu học theo lời Phật dạy.
Chín là luôn luôn tùy thuận lợi ích chúng sinh.
Mười là hồi hướng công đức khắp tất cả pháp giới.
(3) Ngài Văn Thù dạy Thiện Tài đồng tử không thể thấy được Phổ Hiền Bồ Tát bằng mắt được mà phải nhìn được Ngài bằng hạnh nguyện mà Ngài đã phát tâm
(4) Phổ Hiền khuyên người phát tâm trì kinh Pháp Hoa. Người sau khi Nhập Tri kiến Phật, công hạnh đã viên mãn có đầy đủ diệu dụng, theo sở nguyện sở cầu của chúng sanh mà vào đời ngũ trược để giáo hóa họ.
Với ý nghĩa vào Phẩm Tựa / kinh Pháp Hoa, Bồ tát Văn-thù đứng ra giải nghi cho Bồ-tát Di-lặc, nói lên ý nghĩa muốn Nhập Tri kiến Phật là phải bắt đầu bằng trí tuệ tức là Căn bản trí. Sau khi nhập Tri kiến Phật phá hết năm ấm, công hạnh tu hành viên mãn, khởi Sai biệt trí biết rõ tâm bệnh của chúng sanh, mà dùng mọi phương tiện để giáo hóa. Bấy giờ ra giáo hóa thì không còn chướng ngại thoái lui. Đây cũng nói lên khi người suy nghĩ kinh Pháp Hoa, nếu quên hoặc một câu hoặc một bài kệ, thì có thiện tri thức nhắc cho nhớ để tu. Và Bồ-tát Phổ Hiền sẽ đến gia hộ cho được tất cả đà-la-ni tức là nhớ hết các pháp.
5) Biểu trưng qua hình ảnh Bồ-tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà. Voi trắng ngầm nói lên tâm hạnh vững mạnh rộng lớn mà thanh tịnh của Bồ-tát. Sáu ngà là chỉ cho Lục độ. Bồ-tát Phổ Hiền vào cõi trần tục ô uế với tâm hạnh lớn mạnh, trí tuệ sáng suốt không bị nhiễm nhơ, lúc nào cũng dùng pháp Lục độ an ủi làm lợi ích cho chúng sanh chóng viên thành đạo quả.. Đó là hạnh nguyện lợi sanh.
Như vậy, người tu tới chặng chót này là phải lao mình vào trần thế để cứu độ chúng sanh, cứu độ chúng sanh viên mãn mới thành Phật. Đó là tinh thần Tự giác Giác tha Giác hạnh viên mãn.