Từ Bi Foundation

Trong kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy: “Ai nguyện nương tựa Phật, Pháp, Tăng, thì người ấy được gọi là Phật tử”.
Nguyên văn lời nguyện thành một Phật tử là:

Buddham saranam gacchàmi – Con nay đi theo Phật
Dhammam saranam gacchàmi – Con nay đi theo Pháp
Sangham saranam gacchàmi – Con nay đi theo Tăng
[Saranam = sự che chở, chổ ẩn trú, ngôi nhà ở, nơi nương tựa]

Đi theo Phật là đi theo con đường mà Phật đã đi qua và đã giảng dạy lại cho đời. Ngài đã chứng kiến nổi khổ của sinh, già, bịnh, chết và đã từ bỏ đời sống thế tục để tu tập và chứng ngộ sự thật của duyên khởi – vô ngã.
Đi theo Pháp hay thực hành Pháp là thực hành Bốn Chân Lý Nhiệm Mầu tức Tứ Diệu Đế, thực hành Giới, Định, Tuệ, là đi ra khỏi dục vọng hay đi vào sự ly dục để thoát khỏi khổ đau.

Đi theo Tăng là đoàn thể sống theo tinh thần lục hòa (thân hòa đồng trú, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, lợi hòa đồng quân, giới hòa đồng tu và kiến hòa đồng giải) và đang tích cực thực hành Pháp ly dục.

Đối với hàng Phật tử tại gia Phật Pháp Tăng là Tam Bảo, là nơi quy y nương tựa cho người cầu đạo giải thoát.
Con quay về nương theo Phật, con quay về nương tựa Pháp, con quay về nương tựa Tăng.

Lời nguyện hằng ngày trong lời kinh, tiếng kệ:

TAM TỰ QUY Y:
Tự quy y Phật. Đương nguyện chúng sanh thể giải đại đạo, phát vô thượng tâm.
Tự quy y Pháp. Đương nguyên chúng sanh thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải.
Tự quy y Tăng. Đương nguyện chúng sanh thống lý đại chúng, nhứt thiết vô ngại.

Trong truyền thống Phật giáo Sangha (Tăng già) là cộng đồng Tăng Ni (người Xuất gia) và Phật tử (người Tại gia) cùng nhau tu học và thực hành giáo pháp của Đức Phật.

Thế nào là người Xuất gia ?

Kinh Phước-Điền nói: “Có năm đức tính mà Sa-Di (cấp bực đầu tiên của người Xuất-gia) phải biết: Thứ nhất, phát tâm xuất-gia, vì cảm mến đạo-pháp; thứ hai, hủy bỏ hình đẹp vì để xứng pháp y; thứ ba, cắt bỏ ân ái, vì không còn thân thuộc; thứ tư, khinh thường tánh mạng, vì tôn sùng chánh-pháp; thứ năm, chí cầu đại-thừa, vì cứu độ tất cả”.

Như vậy, Xuất-gia nghĩa là bỏ tất cả: Bỏ gia đình, bỏ hình đẹp, bỏ bà con, bỏ thân mạng, bỏ cả tự lợi. Đó là năm tư cách của người Xuất-gia. Mà bỏ tức giải thoát, nên bỏ năm điều trên thì đạt đến sự Giải-thoát chỉ vì chánh-pháp và vì muôn loài. Vì chánh-pháp và vì muôn loài mà bỏ tất cả, đó là tư cách, là đức tính của người Xuất-gia.

Kinh A-na-luật-bát-niệm chép: “Tôn giả A-Na-Luật ở bên bờ suối thanh vắng ngồi suy nghĩ rằng: ‘Đạo pháp là ít ham muốn, ham muốn nhiều không phải đạo pháp. Đạo pháp là biết vừa đủ, không biết vừa đủ không phải đạo pháp. Đạo pháp là thanh vắng, ồn ào khoái lạc không phải đạo pháp. Đạo pháp là tinh tiến, biếng nhác không phải đạo pháp. Đạo pháp là chế ngự tâm ý, tâm ý phóng đãng không phải đạo pháp. Đạo pháp là định ý chuyên nhất, suy tưởng mông lung không phải đạo pháp. Đạo pháp là trí tuệ giác sát, ngu si lầm lạc không phải đạo pháp.’ Phật-đà dùng thánh trí biết rõ những điều suy nghĩ này của Tôn giả A-Na-Luật nên như sự co duỗi cánh tay một cách lanh lẹ của lực-sĩ, Ngài đến trước tôn giả, tán dương rằng: ‘Đúng lắm, A-Na-Luật! A-Na-Luật! Những điều ông suy nghĩ là những điều suy nghĩ của một vị Đại-Sĩ (đại bồ tát)!’”

Tinh thần của Phật-Pháp là tinh thần “nghịch lưu”, ngược đời. Mà có ngược đời mới cứu đời được. Xuất-gia, nguyên nghĩa chữ ấy là tinh thần nghịch lưu của đạo pháp xuất-thế rồi, nên người Xuất-gia thật là bực Đại-Sĩ.

Kinh Đại-Thừa-Diệu-Pháp-Liên-Hoa có dạy: “Vào nhà của đức Như-Lai, mặc áo của đức Như-Lai, ngồi chỗ của Như-Lai. Nhà của đức Như-Lai là tâm đại từ bi đối với tất cả chúng sinh. Áo của đức Như-Lai là nhu hòa nhẫn nhục. Chỗ của đức Như-Lai là tất cả các pháp đều không”.

Ngược với hình thức thế gian mà khoác mặc pháp phục, ngược với sinh hoạt thế gian mà sống như chánh-pháp, sống ngược dòng như vậy để làm gì? Hay hỏi một cách khác, người Xuất-gia sống như thế nào mà gọi là đời sống ngược dòng? Người Xuất-gia không muốn xuôi theo dòng đời đi đến lầm lỗi và khổ não nên ngược dòng lại, rời bỏ nhà cửa, phục sức và chỗ ngồi của thế gian mà vào nhà của Phật, mặc áo và ngồi chỗ của Ngài, đứng trên lập trường các pháp đều không mà đem nhu hòa nhẫn nhục để hoạt dụng tâm đại từ bi.

Tâm đại từ bi có hai tính cách: Tính cách cứu khổ thì thay thế chúng sinh mà chịu mọi khổ não cho họ; tính cách cho vui thì có thể bỏ hết tất cả phước lạc mà cho chúng sinh. Tâm đại từ bi như vậy là nhà cửa của Phật-Pháp. Bắt đầu vào Phật-pháp là ngược lại với tâm tánh tham tàn mà bước vào tâm đại từ bi đó.

Thế nào là Phật tử tại gia ?

Phật tử tại gia là người học hạnh tu theo giáo lý Phật đà.

Tu có nghĩa là sửa đổi, sửa đổi tất cả những gì làm cho đời sống của mình không an lạc.
Người Phật tử tại gia phát tâm Quy y Tam Bảo và nguyện giữ Ngũ Giới để tu tập tạo cho mình và cho người một cõi tịnh tâm.

Với không biết bao nhiêu bổn phận đối với riêng cá nhân, với gia đình bà con quyến thuộc và những người chung quanh, nên người Phật tử tại gia luôn cố gắng thực hành Tứ Nhiếp Pháp: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

Bố thí nhiếp: Tài thí, pháp thí và vô uý thí
Ái ngữ: Lời nói khéo léo, nhẹ nhàng đem an lạc cho tâm mình và tâm người.
Lợi hành: Làm những việc có lợi cho người khác
Đồng sự: Cùng làm một việc với người khác

Và luôn cố giữ trong tâm Tứ Hoằng Thệ Nguyện:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành

Tuệ Không
Tổ chức Từ Bi Foundation được thành lập và điều hành bởi nhóm Phật tử tại gia có tấm lòng với đạo pháp, nhằm các mục tiêu sau đây:
Hỗ trợ quý Tăng Ni tiếp tục con đường học giáo lý Phật Đà để hướng dẫn Phật tử tại gia tu tập;
Hỗ trợ quý Phật tử tại gia hiểu thêm về khổ, vô thường và vô ngã và các giáo pháp khác trên đường tìm về an lạc;
Đóng góp với sức nhỏ nhoi của mình trên con đường phụng sự đạo pháp để cầu mong xoá bớt đi khổ lụy trần gian.

Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho chúng con trên con đường thiện nghiệp.
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nhóm Điều Hành (2015) theo https://lotusia.weebly.com/

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.