Người Phật tử thời đại mới còn giữ được gì, học được gì nhân đại lễ Phật Đản vẫn cử hành trang nghiêm trọng thể hằng năm suốt hơn 25 thế kỷ ?
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Bậc trí tuệ vĩ đại siêu việt của nhân loại
Không hiểu sao mùa Phật Đản 2648 này bổng nhiên con ao ước làm sao mình có thể nói lên cái nhìn mới của người Phật tử thời đại công nghệ mới về những nghi lễ truyền thống mà đạo Phật đã cử hành trang nghiêm và long trọng trong suốt 25 thế kỷ đã trôi qua. Và cứ thế con vẫn cầu nguyện để xin một phép mầu hiện đến, và thật may mắn tình cờ con tìm lại quyển sách gần mấy chục năm qua vẫn nằm trong kệ sách của Sư Ông Làng Mai “ Đạo Phật đi vào đời “ và con đã suy ngẫm, phối hợp tư duy tham khảo của mình nên hôm nay kính xin dâng đến Thế Tôn một bài viết cúng dường nhân mùa Phật Đản 2648.
Bao lời tán dương kính chúc mừng Bồ Tát giáng thế
Người Phật tử đến một lúc, sẽ thâm huyền hai chữ “ đản sinh “
Của bậc vĩ đại siêu việt,
mang chân lý xua tan bóng tối vô minh
Vì thế “Sự ra đời “
ngầm hiểu sẽ thành đạo và bắt đầu thuyết pháp (1)
Mà căn cơ con người mới, của xã hội mới
là những căn cơ hết sức phiền toái, phức tạp. ,
Mặc dòng thời gian vẫn tiếp diễn quá nhanh
Nhưng vẫn cần một niềm tin,sức phấn đấu
để tự thực hiện, xây dựng một đời sống an lành
Đừng cho rằng : “Phật pháp đã tới thời cùng mạt,”
Đạo pháp chỉ có sinh lực
trong những thời đại có tu tập, có chứng đắc !
Kỷ niệm Lễ hội Phật Đản
chính là lúc chiêm nghiệm lại cuộc sống mình (2)
Khi dự lễ Tắm Phật
trang nghiêm gửi gắm ước nguyện tâm linh
Sâu lắng tự hứa tịnh hoá ba nghiệp
theo thiêng liêng nghi thức (3)
Và như thế dù thời đại nào,
Phật tử đều sống bằng trái tim chân thật
Học được, giữ được bao kết tụ tinh anh
Tuỳ góc độ người xem ,
chân lý như viên kim cương tuyệt huy hoàng
Như vậy mãi mãi
đại lễ Phật đản cần giữ như nghi lễ truyền thống !
Tiếp tục phát huy, áp dụng cách sung mãn trong sự sống!
Tốt đời đẹp đạo, theo giá trị nghìn đời
Tiếp nối trọng trách
hiện đại hoá Phật giáo không buông rơi
Để giáo lý Phật giảng trong Tam tạng kinh điển
Dù có thổi vào những luồng sinh khí mới
vẫn siêu việt miên viễn
Kính đảnh lễ Thế Tôn, kính mừng ngày Phật đản sinh,
ba ngàn thế giới hoan hỷ cung nghinh
Ngày muôn nghìn trái tim của nhân loại hướng về tôn kính
Bậc toàn giác, bậc đạo sư vĩ đại!
( Thơ Huệ Hương )
———————-%%%%%%——————————
(1) trích đoạn Đức Phật của thế kỷ chúng ta / Chương 3 Đạo Phật đi vào đời
“Ra đời ở đây có nghĩa là thành đạo và bắt đầu thuyết pháp, chứ không phải là đản sinh. Nếu đản sinh, thì tôi phải đợi Ngài xuất gia, thành đạo nghĩa là phải đợi ít nhất 30 năm nữa ! Tôi đã 43 + 30 = 73 tuổi, già quá còn gì ! Lúc đó mà lại phải khóc sướt mướt như đạo sĩ A Tư Đà nữa thì thật là nản quá.
(2) HT Viên Minh đã từng giải đáp trên trung tâm Hộ Tông rằng
“Cứ sống trải nghiệm cuộc sống qua chính mình, ở đó con sẽ thấy ra tất cả khi biết cảm nhận nó một cách trọn vẹn. Tất cả chân lý Phật dạy đều ở đó, nơi chính con.
(3) Khi tắm Phật, gáo nước thứ nhất sẽ xối từ vai bên trái tôn tượng Đức Phật với ý nghĩa nguyện bỏ điều ác. Gáo nước thứ hai xối cánh tay bên phải của Đức Phật với ý nghĩa nguyện làm những điều lành. Gáo nước thứ ba sẽ xối lên đôi bàn chân của Đức Phật nguyện độ tất cả chúng sinh
Như vậy Đại lễ Phật Đản hay Lễ Phật đản sinh là từ ngữ dùng để chỉ sự tôn kính nói về lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật,người sáng lập Đạo Phật.
Nếu chúng ta, những người con Phật thường rất tự hào mỗi khi vào ngày lễ Phật Đản ( còn gọi là đại lễ Phật Giáo) được cử hành trọng thể và đầy màu sắc trên toàn thế giới và vô cùng hoan hỷ khi nghe Rabindianmath Tagone nhận định: “Đức Phật là người đã thánh hóa cuộc đời bằng một lần thị hiện, tại mảnh đất trần thế, qua hình ảnh bằng xương bằng thịt của ngài”.
Cũng như các khoa học gia, triết gia, các nhà văn hóa đã tuyên bố về Ngài như là “Con Người Vĩ Ðại Nhất Chưa Từng Có”. Dù rằng Đức Phật đã thị hiện là một con người, sinh ra là một con người và ngài cũng chịu sự chi phối của luật sinh, lão, bệnh, tử, để cho chúng ta thấy được ngài là một con người nhưng ngài đã thành Phật- một bậc giác ngộ.
Thì những lời ca tụng tán dương rằng: “Ánh hào quang của vị Thầy vĩ đại này soi sáng cái thế giới đau khổ và tối tăm, giống như ngọn hải đăng hướng dẫn và soi sáng nhân loại”.
CÂY NHÂN LOẠI THĂNG HOA.
Ðây hoa nở trên cây nhân loại
Ðã bừng nở qua nhiều vạn kỷ
Làm thế giới chan hòa hương thơm trí tuệ
Và mật ngọt tình thương.
Sir Edwin Arnold, “Ánh Sáng Á Ðông”
Như vậy Đại lễ Phật đản là dịp không chỉ để tôn vinh Đức Phật, mà còn là dịp để ôn lại cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên phương diện một con người lịch sử cùng những lời dạy của Ngài…
Tuy có sự khác biệt về ngày Đức Phật đản sinh giữa Phật giáo Bắc Tông và Phật giáo Nguyên Thủy, nhưng tựu chung lại, chúng ta chắc chắn rằng, Đức Phật hoàn toàn có thật và Ngài là một con người bằng xương bằng thịt, hiện hữu trên cuộc đời này
Thật vậy không phải là truyền thuyết, Đức Phật ( Thái tử Tất đạt Đa ) ra đời khi mà xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ đã có một nền văn minh phát triển rực rỡ, với một di sản tư tưởng và tôn giáo rất bề thế cho nên Đức Phật đã có một tiểu sử theo tôn giáo có nghĩa là có tô điểm thêm thắt chút ít để trở thành Huyền thoại như sau :
Bồ Tát Hộ Minh lúc bấy giờ đã tu từ bao nhiêu triệu kiếp rồi, chỉ cần một kiếp cuối cùng là Ngài sẽ thành Phật. Lúc ấy Bồ Tát ở trên cung trời Đâu Suất nhìn xuống thế gian tìm gia đình thích hợp để xuống trần. Người Mẹ mà Bồ Tát chọn nhập thai là Hoàng hậu Mahã Maya..
Chuyện kể Hoàng Hậu Maya là một người đạo đức và tràn ngập lòng từ bi. Bà là vợ của vua Tịnh Phạn thành Ca-Tỳ-La-Vệ, đã lớn tuổi rồi mà chưa có con. Một ngày kia vào buổi trưa, Đức Hoàng hậu đang nằm nghỉ ngơi thì rơi vào giấc mộng, bà thấy 4 vị thiên thần nâng 4 góc giường bay thẳng lên đỉnh núi Hy-Mã-Lạp-Sơn. Nơi đây có một con voi trắng 6 ngà từ trên trời bay xuống và chui vào hông phải của bà. Hoàng hậu giựt mình tỉnh giấc, cảm thấy trong người mát mẻ dễ chịu, tinh thần sảng khoái.
Ngay lúc đó là lúc Hoàng hậu đã thọ thai.
Theo phong tục Ấn Độ, người phụ nữ khi mang thai phải về quê cha mẹ của mình để sanh nở. Hoàng hậu Maya cũng không ra khỏi tập tục đó. Gần ngày khai hoa nở nhụy, trên đường về quê cha mẹ, đến vườn Lâm Tỳ Ni ở ngay biên giới của hai nước Kosola (Nepal) và Ca-Tỳ-La-Vệ (Bắc Ấn Độ), Hoàng hậu ra lệnh cho đoàn tuỳ tùng dừng chân nghỉ mát vì nơi đây không khí dễ chịu thoang thoảng hương hoa nhẹ nhàng bay trong gió. Đoàn tuỳ tùng dừng lại.
Khi Hoàng hậu Maya từng bước đi vào ven rừng ngắm cảnh, bà nhìn thấy một cây to có nhiều hoa nở rất đẹp mà trong kinh sách ghi là hoa Linh Thoại, có kinh ghi là hoa Vô Ưu. (Tương truyền loại hoa này 3,000 năm mới nở một lần, nhưng nếu hoa nở trái mùa, đó là hoa nở để chào mừng hay báo hiệu sẽ có một vị giác ngộ tương lai sắp ra đời.) Cũng trong Huyền thoại đó khi Hoàng hậu Maya đưa tay phải lên vịn vào cành cây Vô Ưu thì Thái tử ra đời, Ngài sanh từ bụng mẹ qua bên hông phải. Lúc đó liền có 2 vị Phạm Thiên xuất hiện đỡ lấy Ngài. Hai vòi nước một ấm một lạnh do 2 con rồng phun ra từ trên cao xuống tắm cho vị hoàng tử mới sơ sanh, cũng như khi Thái tử vừa lọt lòng mẹ đã bước đi bảy bước, mỗi bước có một hoa sen nở để đỡ lấy chân của Ngài. Đến bước thứ bảy Thái tử đưa một tay chỉ ngón trỏ lên trời, một ngón tay chỉ xuống đất thốt lên câu nói:
“Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” nghĩa là “Trên trời dưới đất chỉ có chân-ngã (tức cái-Ta-chân-thật) là số một” … rồi sau đó Ngài đã trở lại đời sống như một đứa bé sơ sanh bình thường khác..
Hôm nay người con Phật ở thời đại mới cũng không cần phải chú trọng nhiều đến chi tiết trên mà chỉ cần biết rằng Ngài đã trở thành ĐỨC PHẬT CỦA TOÀN THỂ NHÂN LOẠI. (theo nhận định của một học giả Hồi Giáo.) “Ðức Phật không phải là của riêng người Phật tử, Ngài là của toàn thể nhân loại. Giáo lý của Ngài thông dụng cho tất cả mọi người. Tất cả các tôn giáo khai sáng sau Ngài, đều đã mượn rất nhiều các tư tưởng hay của Ngài”.
Cũng xin Trích đoạn chương 3/ Đạo Phật đi vào đời
“Đức Phật của thế kỷ chúng ta sẽ là bực Chánh biến tri, thông hiểu văn hóa sử nhân loại trên trái đất chúng ta, thấu đạt mọi ý thức hệ hiện hữu soi rõ mọi tình tiết và tâm niệm của chúng ta. Ngài sẽ tạo nên nền văn hóa tổng hợp của nhân loại, vạch con đường giải thoát cho nhân loại. Chúng ta đang bị tắc lối, chúng ta đang bị ràng buộc bởi bao sợi dây khổ đau, vô minh, phiền não, những thập triền thập sử mà thế kỷ đã tạo nên và chúng ta đã dùng để tự buộc chúng ta.
Và như vậy, đại lễ Phật đản trở thành một lễ hội lớn của những người theo đạo Phật nói riêng và những người mến mộ đạo Phật cũng như cộng đồng
Ở các chùa còn treo cờ Phật giáo, cờ tổ quốc, lồng đèn, làm sự kiện, tổ chức chương trình văn nghệ, vui chơi tạo không khí vui cho chùa, Phật tử từ các vùng khác đến .Như ta cũng biết ngoài ra cũng có cúng dường trai tăng để đề cao công đức và tri ân những bậc Thầy đã mang đến cho những người con Phật là mang đến một đời sống tâm linh hướng thiện, thoát khỏi vô minh, thoát khỏi những thú vui trần tục tầm thường.
Đây chính là tinh thần “Tôn sư trọng đạo” là một phần quan trọng trong ngày lễ Phật Đản. Người Thầy trong đạo Phật đã đóng một vai trò rất lớn trong việc xây dựng nhân sinh con người theo tinh thần “Bi – trí – dũng”, chính những vị Tăng Ni đã hướng dẫn mỗi người biết nhìn sâu vào nội tâm mình để chuyển hóa những hữu lậu thành vô lậu, mở ra cho mỗi chúng sinh một con đường giải thoát khỏi những khổ đau, giúp chúng sinh có một đời sống thiểu dục tri túc, nội tâm an lạc.theo dấu chân của Đức Phật vì chính Đức Phật là người Thầy vĩ đại của nhân loại bởi Người không chỉ là một người Thầy đã hướng dẫn cho đệ tử bước đi trên con đường tu học mà còn dành tình thương thánh thiện, sự an tâm từ mẫn cho các đệ tử của mình.
Trộm nghĩ trong việc quảng bá sự hiểu biết, vai trò của người Thầy thật hết sức cần thiết, thế nhưng người Thầy thì cũng phải có đầy đủ khả năng. Vì thế thật hết sức quan trọng là người thầy phải có một số vốn liếng sâu rộng về kinh điển, đã đạt được nhiều kết quả tu tập cũng như các sự chứng nghiệm bản thân về giáo lý, được như thế thì họ mới có thể truyền đạt lại cho kẻ khác được.. Người thầy phải đạt được tất cả các cấp bậc tu tập cần thiết, và trên phương diện hiểu biết kinh điển thì cũng phải trội hơn các đệ tử của mình.
Nhân mùa Phật Đản 2648, hy vọng những người con Phật trong thời đại mới khi được nghe những lời giảng dạy như các liều thuốc hóa giải ba thứ nọc độc là: tham dục, hận thù và vô minh.Nghĩa là trí tuệ thật hết sức cần thiết (tham dục, hận thù và vô mình thuộc lãnh vực tinh thần, do đó các liều thuốc hóa giải cũng phải thuộc vào lãnh vực tinh thần. Và chắc chắn rằng .không có một sức mạnh bên ngoài nào có thể thực hiện được việc đó, ngoài trí tuệ phát sinh từ sự luyện tập tâm thức của chính mình dù trong bất cứ thời đại nào
Lời kết:
Người Phật Tử thời đại mới hãy nhân mùa Phật Đản lan tỏa tới giới trẻ, khích lệ họ sống có trách nhiệm với môi trường, với cộng đồng và với chính bản thân mình. Đó là việc lựa chọn lối sống lành mạnh, tích cực, nuôi dưỡng tâm hồn với những tư duy tích cực, biết thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng với Đức Phật thông qua việc thực hành những giáo lý của Ngài. Hãy nhắc nhở lối sống chánh niệm tỉnh thức, tự giác, yêu thương và giúp đỡ với tình người mang lại giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội vậy.
Đại lễ Phật Đản không chỉ là một biểu hiện của lòng kính trọng, mà còn là một ẩn dụ sâu sắc cho hành trình tâm linh của mỗi người. Trong mỗi lời cầu nguyện, trong mỗi bước đi quanh chánh điện, là lòng kính ngưỡng và mong muốn hoàn thiện bản thân, là những bài học áp dụng vào cuộc sống, là nền tảng để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và cho thế giới
Và trên hết Lễ Phật Đản cũng giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng cầu nối giữa các tín đồ Phật giáo, cũng như nâng cao tinh thần đoàn kết, hợp nhất giữa các phái phong trào Phật giáo khác nhau. Nó tạo dựng một không gian để mọi người có thể hòa mình vào một tập thể, thấu hiểu và trân trọng giá trị của sự đa dạng và hòa hợp.
Kính trân trọng,
Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên, Vô Ưu Thọ Hạ, Thị Hiện Đản Sanh, Ta bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Úc châu !5/5/2024 nhằm ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch-
Phật tử Huệ Hương