Lời nguyện thứ nhất
“Kính lạy Phật Di-đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Hôm nay và mãi mãi.”
Như quý vị cũng đã biết, đức Phật A-di-đà là giáo chủ thế giới Cực Lạc ở phương Tây. Trong kinh Vô Lượng Thọ có chép, Ngài vốn là một vị vua phát tâm xuất gia hiệu là Pháp Tạng Tỷ-kheo. Ngài tu học với đức Thế Tự Tại Vương Như Lai. Do vì thương chúng sinh chìm đắm trong ba cõi sáu đường, chịu biết bao nhiêu đau khổ trong vòng luân hồi sinh tử, Ngài đã tinh tấn tu hành, phát 48 lời nguyện để thanh lập thế giới Cực Lạc, nhằm tạo thắng duyên cho chúng sinh về đó tu tập. Thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà là thế giới rất vui, rất trong sạch không có các thứ khổ, các thứ ô nhiễm. Khi người nào sinh về đó sẽ không còn bị thoái chuyển, không còn bị sa đọa ba ác đạo. Nơi đó duyên ác dục nhiễm không có nên rất dễ tiến tu. Thế giới chúng ta đang ở gọi là thế giới Ta bà thuộc về dục giới, cho nên dục nhiễm rất nặng nề, con người khó có thể định tâm, khó có thể một đời thành tựu đạo quả. Như vậy, ở đây người Phật tử tu hành pháp môn niệm Phật là niệm đức Phật A-di-đà, để mong cầu sau này về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà, để gieo nhân thành Phật.
Còn hiện tại, khi chúng ta niệm Phật là nhớ đến đức tính cao quý, trí tuệ siêu việt, nhân cách hoàn hảo, đạo đức cao thượng và lòng từ bi vô lượng của đức Phật. Phật là một hình ảnh cao đẹp nhất trên cuộc đời này. Nhớ đến hình ảnh Phật giúp thân tâm ta trong sạch, an lạc và hạnh phúc thật sự. Nếu chúng ta nhớ tưởng đến những hình ảnh khác như tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon, ngủ kỹ, tuy có hấp dẫn, có hạnh phuc nhưng đó chỉ là thứ hạnh phúc ảo, hạnh phúc tạm bợ. Kết quả thường dẫn đến đau khổ sa đọa, dẫn vào vòng luân hồi lục đạo mãi mãi. Còn khi chúng ta niệm Phật, nhớ Phật, tâm được trong sạch, tất nhiên lời nói cũng se trong sạch và việc làm cũng sẽ trong sạch. Nhờ ba nghiệp trong sạch không gây tạo ác nghiệp nên hiện tại chúng ta sống được an vui hạnh phúc, tương lai sinh về thế giới an vui của đức Phật A-di-đà. Như vậy, chúng ta phát nguyện niệm Phật thường xuyên là để cho tâm hồn được trong sạch, đồng thời niệm Phật là gieo cái nhân để vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà, cũng đồng với ý nghĩa thành Phật. Do vậy, khi sống chúng ta niệm Phật nhớ Phật; khi bỏ thân xác này chúng ta về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Cho nên, lời phát nguyện đầu tiên, từ nay cho đến mãi mãi, lúc nào chúng ta cũng niệm Phật, nhớ Phật. Chỉ có hình ảnh của đức Phật là cao đẹp nhất trên cuộc đời này, người Phật tử cần phải nhớ, luôn luôn nhớ và mãi mãi nhớ. Vừa qua chúng tôi cảm nhận ý này và làm bài thơ:
“Đẹp thay hằng nhớ Phật
Là hình ảnh đẹp nhất
Tôn quý trên đời này
Đẹp thay hằng nhớ Phật”.
Nếu chúng ta không nhớ Phật thì sẽ nhớ ma. Mà nhớ ma thì:
“Ma đưa lối quỷ dẫn đường,
Chỉ tìm những lối đoạn trường mà đi”. (Nguyễn Du)
Đoạn trường nghĩa là đứt ruột, chỉ cho sự đau đớn như bị đứt ruột.
Phật dẫn đường thì đi đến chỗ sáng suốt, an vui, hạnh phúc. Còn ma quỷ dẫn đường chỉ đi đến chỗ đoạn trường mà thôi. Đó là ý nghĩa của lời nguyện thứ nhất.
Lời nguyện thứ hai
“Kính lạy Phật Di-đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Cho trí sáng tâm khai”.
Đạo Phật là đạo trí tuệ. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, đức Phật có nói “duy tuệ thị nghiệp”, có nghĩa là lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Đối với người chưa hiểu đạo, hoặc là đối với những người còn si mê thì lấy tiền bạc, lấy nhà cửa, lấy ruộng vườn, lấy những thứ vật chất trên thế gian này để làm sự nghiệp. Thế nhưng, họ không biết rằng những thứ đó là thứ tạm thời và chúng ta sẽ bỏ lại tất cả khi bước qua thế giới khác. Chỉ có sự nghiệp trí tuệ mới đem theo chúng ta từ đời này sang đời khác.
Người niệm Phật noi theo gương của đức Phật. Mà đức Phật, như chúng ta đã biết, Ngài từ bỏ tất ca sự nghiệp trên thế gian. Sự nghiệp của đức Phật là vương nghiệp, tức là nghiệp làm vua, nhưng Ngài cũng từ bỏ hết tất cả. Bởi Ngài thấy rằng sự nghiệp đó là sự nghiệp giả tạm, cho nên Ngài đã rũ bỏ và đi tìm sự nghiệp trí tuệ cao thượng. Muốn được trí tuệ mình phải có định, nghĩa là tâm phải yên định. Tâm có định thì trí mới sáng. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong thời gian tu hành, Ngài đã đi sâu vào thiền định và cuối cùng trí tuệ bừng sáng. Ngài có thể nhớ được tiền kiếp của mình từ một đời cho đến mười đời, trăm đời, ngàn đời và vô lượng đời. Không những Ngài thấy quá khứ của mình sinh ra, tên gì, ở đâu, con ai và không chỉ một đời, rất nhiều đời. Ngài còn nhớ và biết được những chúng sinh khác, không những một kiếp mà cũng rất nhiều kiếp sinh ra, tên gì, ở đâu, làm gì, chết như thế nào. Như vậy do đâu mà đức Phật có được trí tuệ như vậy? Do tâm của Phật đã đạt đến một mức định rất cao. Khi tâm của mình định ít thì sáng ít, định nhiều thì sáng nhiều, càng định sâu thì tâm càng sáng. Điều này cũng dễ hiểu. Quý vị thấy một hồ nước. Hồ nước mà yên lặng càng lâu thì nó càng lóng tất cả các cáu bẩn xuống. Khi các cáu bẩn lắng xuống nước sẽ trong. Khi nước đã trong chúng ta có thể nhìn xuống nước thấy cả bầu trời, thấy cả mây bay, bởi vì tất cả mọi vật đều có thể ảnh hiện xuống đáy hồ là do nước đã trong.
Chúng ta phát nguyện niệm Phật, niệm thường xuyên, niệm mãi, lúc nào cũng nhớ Phật, tâm sẽ dần dần an định; khi tâm an định rồi sẽ có trí tuệ. Nhờ trí tuệ mà mình thấy rõ được thực tướng của vũ trụ, nhân sinh và từ đó mình mới không đắm nhiễm tất cả những vật chất của thế gian này. Trí tuệ chính là ngọn đuốc soi đường dẫn lối đưa ta ra khỏi đêm tối khổ đau của vòng luân hồi lục đạo. Cho nên, đạo Phật được gọi là đạo trí tuệ và người Phật tử chúng ta phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp, phải trau dồi trí tuệ. Chỉ có trí tuệ này mới đem đến cho chúng ta an vui, hạnh phúc và giải thoát. Đó là lời nguyện thứ hai.