Quét Sân

Tháng sáu là mùa đông ở xứ Úc nhưng khí hậu Queensland vẫn thật tuyệt vời. Mới 7 giờ sáng, nắng đã chói chang, tôi kéo màn cửa sổ nhìn xuống sân vườn lung linh hoa hồng nhạt trước nhà, rụng đầy trên thảm cỏ xanh thật đẹp.

Đây là loại hoa tên Jacaranda nở vào cuối thu, nhìn từ xa giống như anh đào, loại hoa này có nhiều màu, trắng, hồng lợt, hồng đậm và tím.

Tôi nói cùng con gái:

– Hoa đẹp quá, khi rộ nở thì không còn lá trên cành, sao con không trồng nhiều ở trong vườn?

– Chẳng phải con trồng đâu, của Council trồng đó, chỉ có một cây mà quét hoa rụng mệt rồi.

Lui hui nơi cõi ta bà
Giật mình, ngó sực đã già không hay
Nhác trông đã quá một ngày
Năm qua tháng lại, hết ngay một đời (Như Nhiên)

Quét sân, tôi gom lại những cánh hoa rơi lãng mạn như bức tranh hồn nhiên giữa trời xanh tinh khiết, việc làm tuy nhẹ nhàng thơ mộng nhưng sao cũng mệt, cho tôi nghĩ đến những người phu quét đường ở quê nhà, bây giờ có làm mới hiểu và thương. Nhớ lời thầy Nhất Hạnh nói “Hoa là rác mà rác cũng là hoa”.

Tôi đem ủ những hoa này để khi thành phân, bỏ vào nuôi cây cho ra hoa trở lại. Cô Phật tử ở chùa nhắn tin cho tôi:

– Hôm qua bảy điện thoại về cho con, dặn lặt hết lá cây mai của Chùa phải không? Nhưng con bận quá, tuần sau con làm nghe bảy.

Mùa đông phải rời Melbourne lên Queensland trốn lạnh, thân tôi ở đây mà còn lo việc nơi xa.

Nguyên chùa Hoa Nghiêm có những chậu mai vàng, loại hoa này nhỏ hơn hoa mai Việt Nam mình, ở đây gọi là hoa mai Úc, đến mùa đông phải lặt hết lá non lẫn lá già đến tận cuốn, đợi tháng 9 vào Xuân hoa sẽ nở rợp cây, tỏa hương thơm ngát, cũng đúng vào lúc vía Quán Thế Âm để dâng lên cúng dường Ngài.

Tôi đã làm công việc lặt lá bao năm nay nhưng chưa bao giờ nghĩ đến lặt lá cho chính bản thân mình, trong tôi cũng có nhiều lá vừa già vừa non, là tham, sân, si từ bao đời bám chập chùng lớp lớp, nên trôi mãi trong luân hồi sanh tử, tử sanh.

Nhắm mắt lại để thấy mình thật kỹ
Ta là ai? Ngày khép lại, về đâu?
Nhắm mắt lại, biết tâm nào thực, mộng
Tỉnh lại nhìn hoa, rác nổi đầy sông
Và nhận ra sinh tử gốc tại lòng
Kể từ đó bụi hồng thôi vướng bận (Như Nhiên)

Sáng nay chợt tỉnh ra, có lẽ vì quét sân mệt mới giật mình nhìn lại, mình già thật rồi!

Vì hành trì còn cách một nhịp cầu
Biết và ngộ vẫn hai đầu cách biệt (Như Nhiên)

Tôi nhớ đến câu chuyện thời Phật còn tại thế, có Chu Lợi Bàn Đặc và Ma Ha là hai anh em sinh đôi. Ma Ha, người anh, có trí thông minh hiếu học, còn đứa em tên là Chu Lợi lại chậm lụt, không biết đọc, không biết viết.

Lúc đầu Chu Lợi không dám lại gặp Đức Phật vì tự thấy mình không xứng đáng, nhưng người anh bảo giáo pháp này lấy lòng từ bi làm chính, nên cuối cùng Chu Lợi mới chịu. Phật đã thấy ngay tính khiêm tốn và lòng nhân hậu của người trẻ tuổi này và cho phép Ngài A Nan thu nhận làm môn đồ.

Ba tháng trôi qua, Chu Lợi vẫn không thuộc nổi một câu kinh khi các vị Tăng sĩ trẻ tuổi đã thuộc nằm lòng từng chồng Kinh sách.

Ngài A Nan chỉ ban phước cho Chu Lợi và cho chàng nghỉ việc. Chàng thất vọng, ngồi khóc mãi ở vườn cam. Đức Phật đi qua, biết ngay những gì vừa xảy ra và khuyến khích Chu Lợi kể lại câu chuyện. Chàng thút thít: “Con muốn trở thành đệ tử của Thế tôn và được học pháp của Ngài, thế mà con không nhớ được điều đơn giản nhất. Nghiệp nào làm con không thể hiểu biết được, thưa Ngài?

Đức Phật giải thích, trong kiếp cuối cùng, chàng là một Bà-la-môn thông thái, tự cho mình tài giỏi hơn thiên hạ, cho mình là đạo sư và truyền bá các quan điểm sai lầm, làm nhiều kẻ tầm đạo phải lạc lối, nên trở thành kẻ ngu dốt trong kiếp này và bị nhiều người chê bai.

Chu Lợi hỏi: “Làm sao con thoát khỏi ách nạn này?

Đức Phật trả lời bằng câu kệ:

“Được bậc hiền giả hướng đạo,
Tốt hơn là được kẻ khờ ca tụng.
Ai biết rằng mình còn vô minh dại dột,
Kẻ ấy mới là một hiền giả đích thực.
Ai tưởng mình là một hiền giả, dù không nói ra,
Thì đích thực là một kẻ dại khờ”.

Sau đó, Phật bảo chàng mỗi ngày đều quét Tịnh xá và quét các đường đi xung quanh. Trong công việc đó, chàng chỉ nên nhớ đến hai câu duy nhất: “Phủi bụi, trừ dơ” (Phất trần trừ cấu).

Ngoài ra, Chu Lợi phải chùi sạch tất cả giày dép của các vị Tăng sĩ khác. Vài tháng sau thì chàng thuộc lòng và lúc nào cũng lẩm nhẩm câu này, trong khi tay cứ quét bụi và chùi giày từ đôi này qua đôi khác.

Đức Phật để tâm quan sát sự cố gắng của vị tiểu tăng này và có cách làm cho Tinh xá luôn đầy bụi, và giày dép lúc nào cũng lấm bùn để Chu Lợi có việc làm từ sáng đến tối.

Với sự cẩn trọng và tha thiết, qua 6 năm, Chu Lợi từ từ đi vào chiều sâu của câu nói: “Thế tôn nói bụi là muốn nói bụi ở bên ngoài hay bên trong? Mà bụi ở bên trong là gì? Đó là các phiền não, tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến v.v… Trừ sạch được các bụi dơ đó mới thật là khó. Nếu ai không kiên trì và đầy đủ Trí tuệ thì không thanh trừ nổi”.

Ngày nọ, Chu Lợi tung chổi quét bụi, và tâm thức thanh tịnh của chàng đã đạt đến mức rất sâu thì một câu kệ của Đức Phật bỗng nhiên bừng sáng, trở thành một câu Kinh đầy ý pháp, một câu chàng không biết và cũng chưa bao giờ nghe:

Tham mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Tham mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.

Sân mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này,
Sân mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo pháp
Của vị không bụi bẩn.

Si mới gọi là bụi,
Chớ không phải bụi này;
Si mới thật đồng nghĩa
Với chữ bụi thường dùng.
Hỡi này các Tỳ khưu,
Hãy từ bỏ bụi này,
Hãy sống trong Giáo Pháp
Của vị không bụi bẩn.
(Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)

Chu Lợi nghe các lời kệ đó và trực nhận ra rằng cái Tôi bản ngã do ba thứ tham đắm (Tham), giận dữ (Sân) và vô minh (Si) sinh ra. Như một người tỉnh dậy từ một cơn ác mộng, chàng thấy rằng lâu nay mình cứ tự động hòa mình với cái Tôi, là một lớp dơ bẩn mà chàng vừa quét sạch.

Chàng còn cầm chổi, nhưng đã trở về với tự tính thanh tịnh vô nhiễm dứt vô minh. Đức Phật tán thán Chu Lợi, tập họp đại chúng và dạy rằng:

– Này các Tỳ kheo! Người đọc tụng hàng ngàn quyển kinh nhưng không hiểu ý nghĩa của kinh cũng không ích lợi bằng chỉ đọc một câu kệ mà thấu rõ nghĩa lý và quyết tâm hành trì.

Sao con mê muội quá! Ngày đó còn Dọng một bên, Anh cứ dạy tu như lột từng bẹ chuối, lột từng lớp vỏ bên ngoài mới vào được lõi cây.

Đi chùa bao năm, đọc kinh không biết bao lần mà đầu óc vẫn mê mờ, hôm nay biết được con đường trở về nhà thì tóc đã bạc màu.

Mới đó, nhìn gương tóc đã phai
Thôi chừ buông xuống … nhẹ hai vai
Ta về kẻo chậm hoàng hôn xuống
Lỡ chuyến đò ngang khóc hận hoài. (Như Nhiên)

Người đời quan niệm có phước là gia đình được ấm êm đủ đầy vật chất, mấy ai trải nghiệm được nguồn hạnh phúc đích thật là sống hồn nhiên tỉnh thức trong thực tại hiện tiền, là sống giản dị hoan hỷ với công việc hằng ngày, là mỗi phút giây trải nghiệm cùng đất trời nét tinh khôi nguyên vẹn.

Diệu Ngọc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.