Tháng bảy lại về, những người con Phật khắp nơi nao nao chuẩn bị cho mùa hội hiếu. Không biết tự bao giờ nhưng lễ Vu Lan đã ăn sâu vào tâm khảm của mọi người con Việt. Có những người khác đức tin nhưng cũng biết đến lễ Vu Lan. Tạm gác qua những lý luận khác biệt có hay không có lễ Vu Lan trong Phật giáo. Tạm không bàn về những quan điểm khác biệt giữa các tông phái, các dòng truyền thừa. Chúng ta hãy hoan hỷ với tinh thần báo hiếu, ý nghĩa cao đẹp của lễ Vu Lan. Nào chỉ có người Việt, Người Hoa, người Hàn, người Nhật nói chung là những dân tộc chịu ảnh hưởng văn Hóa Trung Hoa và Phật giáo Bắc truyền đều hân hoan tổ chức lễ Vu Lan. Với các dân tộc Á Đông đã có một thời gian dài sống với Khổng giáo nên rất coi trọng chữ hiếu, con người lấy chữ hiếu làm đầu.
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình (Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu)
Lễ Vu Lan là sự pha trộn giữa hiếu đạo Nho gia và tinh thần giải thoát của Phật giáo. Thế gian này không có gì cao quý và thiêng liêng bằng tình mẫu tử (tuy nhiên cũng có một thiểu số nghịch tử, ác mẫu). Với người Việt thì tình mẹ con còn ràng buộc chặt chẽ hơn, cái tình máu mủ ruột rà, cái ơn nghĩa mang nặng đẻ đau, chăm bẫm nuôi nấng cả một quảnng đời nó sâu đậm lắm. Có người con nào không thương mẹ? Tuy nhiên người Việt ta thường giữ kín trong lòng chứ ít thố lộ bằng lời, thường hành động chứ ít bày tỏ.
Người Việt không có ngày lễ mẹ, ít khi nào mở miệng nói con thương mẹ như người phương Tây. Bởi vậy mùa Vu Lan là một dịp để bày tỏ tấc lòng, là một dịp báo hiếu, một cơ hội thực hành hiếu đạo.
Lễ Vu Lan về chùa dâng hương lễ Phật, cầu cho mẹ (cha mẹ nói chung) hiện tiền khỏe mạnh, an vui, sống đời lạc đạo. Với cha mẹ và ông bà quá vãng thì siêu sanh cõi an lành, cảnh giới tốt đẹp. Cầu nguyện trong Phật giáo cũng khác với các tôn giáo khác. Phật là bậc giáo ngộ, là người chỉ đường, là ông thầy dẫn đạo. Phật không phải thần linh, thượng đế nên không có ban phước hay giáng tội, bởi vậy cầu nguyện ở đây không phải cầu xin Phật mà là hướng tâm từ, tâm thiện, tâm lành, thiện hạnh đến Phật, hướng về mẹ (cha mẹ nói chung) hiện tiền, cha mẹ và ôgn bà quá vãng. Cầu nguyện là thực hành giáo lý đã học, cầu nguyện là lễ kính Phật, pháp tăng. Nhớ ơn mẹ cha, cầu nguyện cho mẹ cha thì
Không làm các điều ác
Làm tất cả điều lành
Giữ tâm ý trong sạch (Kinh Pháp Cú)
Cầu nguyện là biết khổ, nguyên nhân khổ, phương cách thoát khổ. Cầu nguyện là thân phải hành chứ không phải nói suông hay trông chờ phép lạ. Phật độ là Phật chỉ con đường đi đến hết khổ, chỉ phương pháp thực hành. Ta không hành, không đi thì Phật cũng không sao độ được cho dù Phật có tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông, vô tri vô sở bất tri, vô năng vô sở bất năng…
Mọi người chúng ta thường bận bịu với cuộc sống mưu sinh, vui với bao nhiêu dụ hoặc của lục trần cho nên chẳng mấy khi nhớ Phật, về chùa. Bởi vậy lễ Vu Lan cũng là một cơ duyên nhắc nhở mọi người nhớ Phật về chùa. Nhớ mẹ, cầu nguyện và thực hành lời Phật dạy.
Có không ít người trong chúng ta cả năm chỉ về chùa vào ngày tết, lễ Phật đản và lễ Vu Lan. Ngày tết vui với truyền thống hội hè của dân tộc. Rằm tháng tư thì là kỷ niệm ngày Phật đản sanh. Riêng rằm tháng bảy thì vừa lễ Phật, tạ ơn Phật vừa nhớ ơn mẹ cha. Trăng rằm thì tháng nào cũng tròn và đẹp, tuy nhiên trăng rằm thángh bảy dường như đẹp hơn, lung linh hơn, tha thiết hơn vì trăng rằm tháng bảy dường như để dành riêng cho mẹ. Dẫu biếtt rằng ngày nào mà ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh thì ngày đó cát tường nhưng ngày rằm tháng bảy dường như thiêng liêng hơn, nhiệm mầu hơn trong tâm tưởng những người con Phật, vì ấy là lòng hiếu, là đức tin, là hy vọng.
Dẫu biết thời gian vô thủy vô chung, là miên viễn vô cùng tận, không cứ gì tháng bảy mới là mùa hiếu. Sở dĩ có tháng bảy lễ Vu Lan báo hiếu ấy là tạm bám víu vào một điểm để hành, bằng không thì biết đâu để hành khi mà mình còn ràng buộc trong ngũ dục lục trần, còn sanh tử trầm luân, còn vô minh kéo dài. Ngay cái thân mình cũng thế, dẫu biết là hư dối, vô ngã, không thật, chỉ là duyên hợp của tứ đại nhưng vẫn cần lấy nó, dùng nó để hành, để lễ Phật, để thực hành hiếu đạo, thực hành lời Phật dạy khi mà mình còn trôi lăn trong ba ngã sáu đường.
Tháng bảy mùa trăng của mẹ, mùa Vu Lan, mùa hiếu hội vốn đã muôn đời, dù hình thành từ nền văn minh nông nghiệp xa xưa nhưng vẫn thanh tân trong xã hội hiện đại hôm nay và ắt sẽ còn mãi mãi khi mà con người còn có sự kết hợp giữa phần xác (sắc) và phần tinh thần (danh). Khi con người còn tâm hồn, còn đạo đức, nhân luân thì xã hội và phương tiện kỹ thuật có phát triển cao độ cỡ nào cũng không thể thay thế được ý nghĩa tâm linh, giá trị nhân văn, đạo đức và tình cảm của con người.
Khi Phật còn tại thế không có lễ Vu Lan, mấy trăm năm sau đó cũng chưa có lễ Vu Lan. Đức Phật và các thánh tăng, cao tăng và con người thời ấy chưa cần phương tiện dẫn dắt. Các ngài vốn là bậc đại hiếu, tận hiếu, toàn hiếu rồi. Đức hạnh, giới hạnh, phạm hạnh các ngài như trăng rằm. Sở dĩ ta gọi ngài Mục Kiền Liên là đại hiếu đệ nhất là vì căn cứ vào tích Mục Kiền Liên cứu mẹ. Nói như vậy không có nghĩa là các vị thánh tăng kia hiếu không bằng ngài Mục Kiền Liên. Không phải vậy, ấy chỉ là đại biểu, đại diện cho một khía cạnh. Có nhiều nghiên cứu và chứng cứ cho rằng ngài Xá Lợi Phất mới là đại hiếu, tuy nhiên ngài Xá Lợi Phật đã là đại diện cho trí huệ đệ nhất rồi, nên ngài Mục Kiền Liên đại diện cho đại hiếu đệ nhất. Mỗi một vị thánh tăng làm đại diện cho một mặt, đó cũng là cách nói biểu trưng mà thôi.
Mỗi mùa trăng tháng bảy về làm lay lòng những người con Phật, những người con hiếu, mọi người hướng về mẹ cha hiện tiền, tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục. Những người con Phật không chỉ hiếu với mẹ cha mà còn hồi hướng phước đức cho đến cửu huyền thất tổ, mở rộng đến khắp pháp giới chúng sanh.
Từ khi những người con Phật gốc Việt lưu vong, di tản, di cư đến những vùng đất mới. Họ mang theo văn hóa và đức tin. Những ngôi chùa lại mọc lên ở quê hương thứ hai, những lễ hội văn hóa truyền thống được cử hành và gìn giữ. Hiếu hội Vu Lan cũng là một nét văn hóa truyền thống quý báu ấy. Vu Lan hiếu hội không còn gói gọn trong cộng đồng Phật giáo. Những người con Việt khác đức tin cũng hào hứng với lễ hội báo hiếu, bởi một lẽ không chỉ những người con Phật mới hiếu mà tất cả mọi người đều có lòng hiếu thảo, có tâm nghĩ về cha mẹ.
Hiếu hội Vu Lan hải ngoại không chỉ là một lễ hội tôn giáo, một sự kiện trong nhà Phật mà còn là một sự kiện văn hóa – nhân văn của người Việt hải ngoại.
Tiểu Lục Thần Phong – Vancouver, 0724
Theo https://thuvienphatviet.com/tieu-luc-than-phong-thang-bay-mua-trang-cua-me/