Năm 18 tuổi, do hành hung làm người khác bị thương nên anh bị ngồi tù 6 năm. Mùa đông năm ấy, trong tù anh đã nhận được một chiếc áo len, ở gấu áo có thêu một đóa hoa mai, phía trên còn có dòng chữ: “Cố gắng lên, mẹ đợi được con chăm sóc tuổi già”. Dòng chữ này khiến một người luôn mạnh mẽ như anh giàn giụa nước mắt. Đây là chiếc áo len do mẹ tự tay đan, từng đường kim mũi chỉ đều quen thuộc đến thế. Mẹ từng nói với anh, một người phải giống như cây mai trong mùa đông, càng khó khăn gian khổ, càng nở được những đóa hoa tuyệt đẹp. Mùa đông năm nào bà cũng gửi áo len cho anh cùng dòng chữ ấy. Để sớm ngày được ra ngoài, anh luôn cố gắng để tranh thủ được giảm án. Quả nhiên, đầu năm thứ năm, anh đã được ra tù trước thời hạn.
Anh về nhà với một cái ba lô đơn giản trên vai, bên trong là toàn bộ tài sản của anh – 5 chiếc áo len. Cửa nhà gài một chiếc khóa đã gỉ sét. Mái nhà cũng mọc một lớp cỏ cao. Anh cảm thấy nghi hoặc, mẹ đi đâu rồi? Anh xoay người đi tìm hàng xóm, họ nhìn anh bằng ánh mắt kỳ lạ và hỏi có phải một năm rồi anh mới về nhà hay không? Anh lắc đầu và nói: “Mẹ cháu đâu ạ?”. Người hàng xóm cúi đầu nói bà ấy đi rồi. Trong đầu anh như vang lên một tiếng sấm, không thể nào! Mẹ mới hơn bốn mươi tuổi mà, sao lại qua đời chứ? Mùa đông anh còn nhận được áo len của mẹ, nhìn thấy tờ giấy mẹ để lại mà.
Đứng trước mộ của mẹ, anh vô cùng đau đớn, khóc mãi không ngừng. Đều tại anh, là anh đã hại chết mẹ, anh thật sự là một đứa con bất hiếu… Ngày hôm sau, anh bán căn nhà cũ, đeo chiếc balo có 6 chiếc áo len lên vai rời xa quê hương, đi lang thang. Anh lập nghiệp ở thành phố, mở một quán ăn nhỏ, không lâu sau, anh cưới một cô gái giản dị làm vợ.
Quán ăn rất đắt khách, bởi vì món ngon giá lại rẻ, bởi vì sự khiêm tốn của anh và nhiệt tình của người vợ. Mỗi sáng sớm, ba bốn giờ sáng anh đã dậy đi chợ, cho đến khi trời sáng mới mang tất cả rau củ và thịt tươi ngon về nhà. Anh không thuê người, hai vợ chồng bận rộn ngược xuôi. Mắt của anh hay bị đỏ do thiếu ngủ.
Không lâu sau, có một cụ già đẩy chiếc xe ba bánh đến trước cửa nhà anh. Lưng bà bị gù, chân thọt, dáng đi xiêu vẹo, bà ra hiệu bằng tay ý muốn bán rau và thịt cho anh, hoàn toàn tươi ngon, giá lại rẻ nữa. Bà cụ là một người bị câm, trên mặt dính đầy bụi, nếp nhăn hai bên trán và mắt khiến bà trông có vẻ xấu xí. Vợ anh không đồng ý, dáng vẻ của bà cụ thật sự nhìn không được thoải mái. Nhưng anh lại mặc kệ sự phản đối của vợ và đồng ý với bà cụ, không biết vì sao, bà cụ trước mặt khiến anh đột nhiên nhớ đến mẹ.
Bà cụ rất có uy tín, mỗi lần mang rau củ quả đến cho anh đều rất tươi ngon. Thế là mỗi 6 giờ sáng đều có một chiếc xe ba bánh chở đầy rau củ đến trước cửa quán ăn của anh đúng giờ. Đôi lúc anh cũng mời bà cụ vào ăn bát mì, bà ăn rất chậm như đang thưởng thức vậy. Anh xót xa nói với bà cụ rằng mỗi ngày bà đều có thể ăn mì ở đây. Bà cười rồi lệch xệch từng bước rời đi. Anh nhìn về hướng bà cụ, không biết vì sao lại nhớ đến mẹ, đột nhiên anh rất muốn khóc.
Chớp mắt mà hai năm đã trôi qua, quán ăn của anh trở thành một nhà hàng, anh cũng đã có một khoản tiền tích lũy khá khẩm, anh mua nhà. Nhưng người đưa rau cho anh vẫn là bà cụ ấy. Bỗng có một ngày, anh đợi ở trước cửa rất lâu mà không thấy bà cụ. Anh không biết cách liên lạc với bà, không còn cách nào khác, anh đành bảo nhân viên đi mua rau. Kiểm tra hàng kỹ càng thì anh thấy rất khó chịu, cả cái xe rau này kém xa rau mà bà cụ đưa đến. Rau của bà cụ đều được lựa chọn kỹ càng, hầu như không có lá héo, tất cả đều tươi rói.
Từ sau hôm ấy, bà cụ không còn xuất hiện nữa. Năm mới sắp đến rồi, anh đang làm bánh chẻo thì bỗng muốn tặng cho bà cụ một chén, vừa tiện xem thử có chuyện gì xảy ra với bà, sao mà một tuần không đưa rau đến? Vợ anh gật đầu. Luộc xong bánh, anh gói lại, hết lần này đến lần khác hỏi thăm bà cụ đưa rau bị tật ở chân, cuối cùng anh đã tìm được ở cách nhà hàng của anh hai con đường.
Anh gõ cửa cả buổi mà không có ai trả lời. Cửa nẻo không khóa, anh cứ thế đẩy mở ra. Trong căn nhà nhỏ tối om, bà cụ gầy gò nằm trên giường. Bà nhìn thấy anh, kinh ngạc mở to mắt muốn ngồi dậy nhưng lại chẳng có sức. Anh để bánh bên giường, rồi hỏi có phải bà bị ốm rồi không. Bà cụ mở miệng muốn nói, nhưng lại không nói được. Anh ngồi xuống nhìn quanh căn nhà, bỗng bức ảnh trên tường khiến anh kinh ngạc há hốc miệng. Sao lại là ảnh chụp chung của anh và mẹ! Khi anh 5 tuổi, 10 tuổi, 17 tuổi… Ở góc tường có một chiếc túi cũ, trên đó thêu một đóa hoa mai. Anh quay đầu lại, ngơ ngác nhìn bà cụ rồi hỏi bà là ai. Bà cụ ngẩn người rồi đột nhiên thốt ra: Con trai à.
Anh vô cùng kinh ngạc! Bà cụ trước mặt mình không bị câm? Bà cụ đã đưa rau cho mình hai năm nay là mẹ của mình?
Mắt anh ứa những giọt nước mắt nóng hổi, chưa đợi mẹ nói hết, anh cõng mẹ, xách chiếc túi lên và đi. Anh cứ thế cõng mẹ, anh không biết nhà của mình và mẹ lại gần nhau như vậy. Anh cõng mẹ về nhà, mẹ anh ở căn nhà mới của anh được ba ngày. Trong ba ngày, bà nói với anh rất nhiều điều. Bà nói khi anh đi tù, suýt chút nữa là bà đã đi gặp bố anh rồi. Nhưng nghĩ đến việc con trai còn chưa ra tù, bà không được đi, nên đã ở lại. Khi anh ra tù, bà lại nghĩ, con trai còn chưa lập gia đình, nên bà vẫn không đi được; nhìn thấy con trai thành gia lập thất, bà lại nghĩ còn chưa được thấy cháu nên lại ở lại… Khi nói những điều này, bà luôn mỉm cười. Anh nói rất nhiều điều với mẹ, nhưng từ đầu đến cuối cũng không nói với bà năm ấy sở dĩ anh đánh người là bởi vì có kẻ sỉ nhục bà bằng những từ ngữ dơ bẩn nhất. Trên đời này, ai đánh anh mắng anh thế nào, anh đều có thể nhịn được, nhưng anh không thể nhịn khi có người sỉ nhục mẹ mình.
Ba ngày sau, bà ra đi thanh thản. Bác sĩ thấy anh đau đớn tuyệt vọng bèn nhẹ nhàng nói: “Bệnh ung thư xương của bà hẳn đã mười mấy năm rồi. Sống được đến bây giờ gần như là một kỳ tích. Vì vậy, anh đừng quá đau lòng nữa”. Anh ngơ ngẩn ngẩng đầu, mẹ anh bị ung thư xương sao? Anh mở cái túi ra, bên trong là một chồng áo len được xếp gọn gàng, có của em bé, có của vợ anh, có của anh, từng chiếc áo đều có thêu một đóa hoa mai. Ở đáy túi là một tờ bệnh án ung thư xương, thời gian là năm thứ hai sau khi anh đi tù.
Ngọc Trúc (sưu tầm và biên dịch – theo trithucvn.net)