Nhân ngày lễ vía Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát 30 tháng bảy âm lịch hàng năm.
Có một câu danh ngôn nổi tiếng của John Milton trong tác phẩm *Paradise Lost* (Thiên Đường Đã Mất) nói về khái niệm thiên đường và địa ngục trong tâm trí con người: “The mind is its own place, and in itself can make a heaven of hell, a hell of heaven”.*
Tạm dịch: ”Tâm trí là nơi của chính nó, và tự nó có thể biến thiên đường thành địa ngục, địa ngục thành thiên đường”.*
Câu này nhấn mạnh rằng chính tâm trí con người quyết định việc chúng ta sống trong hạnh phúc hay khổ đau, thiên đường hay địa ngục.
Như vậy : Tâm trí con người có thể là thiên đường hay địa ngục tùy vào cách ta chọn nhìn nhận và đối mặt với cuộc sống. Tuy nhiên phải nhìn nhận được rằng “Hình phạt của kẻ dữ trong địa ngục không bao giờ kết thúc cũng như hạnh phúc của người công bình trong thiên đàng”.
Và chắc chắn địa ngục có thật! “Địa ngục của chính mình” là nơi của đau khổ và trừng phạt kéo dài mãi mãi không bao giờ hết, không có kết thúc và cũng không ai có thể mở khoá giam giữ, chỉ có bạn mà thôi.
Do vậy : Địa ngục không phải là nơi xa xôi nào mà là sự hiện diện của đau khổ, hận thù, và sợ hãi trong lòng ta. Khi ta để những cảm xúc tiêu cực này chi phối, chúng sẽ biến tâm hồn thành ngục tù, giam cầm niềm vui và an lạc.
Ngược lại, thiên đường là sự thanh thản, yêu thương, và sự tha thứ mà ta nuôi dưỡng trong tâm trí. Khi ta mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp và trân quý cuộc sống, ta đang sống trong thiên đường của chính mình, bất kể hoàn cảnh bên ngoài ra sao. Thiên đường hay địa ngục không phải là những nơi ta sẽ đến sau khi chết, mà là những trạng thái tinh thần ta chọn sống mỗi ngày.
Hơn thế nữa… Con đường sống hay Phương cách sống của mỗi người theo đuổi thường không phải do sự chọn lựa mà do những tình cờ về sự sanh ra, hoàn cảnh, gặp gỡ và những ngẫu nhiên của số phận. Tuy nhiên có những phút giây quyết định cho mỗi người khiến họ có thể thay đổi toàn bộ dòng đời vì một khi họ hiểu được rằng “Sự hình phạt cho tội lỗi, cái chết, cũng phải là vô hạn và vĩnh cửu. Địa ngục là sự chết vô hạn và đời đời mà chúng ta gặt được bởi vì tội lỗi của chúng ta”.
Bạn đã từng gặp ai đó trong số người thân hay bạn bè thường hoảng loạn trước khi chết ?
Có lẽ vì lúc đó, họ đối diện trực tiếp với sự thật rằng cuộc sống của mình sắp kết thúc. Sự hoảng loạn này có thể được xuất phát từ nỗi sợ hãi về những điều chưa biết sau cái chết, tiếc nuối vì những điều chưa làm được, hay cảm giác hối hận vì những sai lầm trong quá khứ.
Khi còn sống, chúng ta có xu hướng tránh nghĩ về cái chết, tập trung vào cuộc sống hàng ngày, và thường trì hoãn việc suy ngẫm về sự hữu hạn của cuộc đời. Nhưng khi cái chết trở nên cận kề, sự vô thường và ngắn ngủi của cuộc sống trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, gây ra sự hoảng loạn và lo âu.
Ngoài ra, sự lo lắng trước cái chết cũng thường liên quan đến những điều mà chúng ta chưa hoàn thành, chưa giải quyết hoặc chưa buông bỏ. Đối diện với cái chết buộc chúng ta phải đối mặt với những gì chúng ta đã né tránh trong suốt cuộc đời, và điều này có thể tạo ra cảm giác hoảng loạn. Cách tốt nhất để giảm bớt sự hoảng loạn này là sống một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn, và không để lại những điều hối tiếc khi cái chết đến gần.
Đặc biệt là : dù có sự khác biệt về văn hóa và triết lý, cả phương Tây và phương Đông đều hướng tới việc giúp con người sống trọn vẹn hơn và đối diện với cái chết một cách thanh thản.
Chúng ta sẽ tìm thấy nhiều điểm khác nhau và những điểm gặp nhau trong phương cách chế ngự sự hoảng loạn trước cái chết bạn nhé và vì sao đối với Người Phật Tử lại có đức tin về một Bồ Tát mà hạnh nguyện thật lớn lao vô cùng quyết tâm chỉ thành Phật khi nào có thể làm cho địa ngục trống không.
Em có biết nơi “địa ngục của chính mình”,
hoàn toàn không ai canh giữ ?
Cũng chẳng ai có thể phán xét tra cứu,
thế mà không thể thoát đi đâu
Nghèo hèn, quyền quý danh vọng sang giàu
Sẽ có dịp cửa địa ngục mời vào, ám ảnh mãi!
Sẽ có một ngày em được nghe..
tên một vị Bồ Tát hạnh nguyện thật vĩ đại!
Ngài phát nguyện:
chỉ thành Phật khi “địa ngục trống không”
Dù hiểu rõ chúng sanh điên đảo, khó biết lòng
Chẳng chịu tu Phước, luôn mong cầu hưởng Phước!
Chưa từng sợ nghiệp lực đã gây ra nhiều kiếp trước!
Mời em đọc tụng “Địa Tạng Bổn nguyện kinh”
Để ngẫm suy vì đâu thiên đường, địa ngục thành hình
Không phải một nơi chốn nào do ai tạo sẵn!
Mà muốn đạt đời sống tâm linh thuần thục cần cố gắng!
Để thiên đường đừng bao giờ mất nhé em !
Bài viết này dành riêng tặng những ai xem
Khi biết niệm, niệm hoài câu :
NAM MÔ ĐẠI BI, ĐẠI NGUYỆN, ĐẠI THÁNH, ĐẠI TỪ
BỔN TÔN ĐỊA TANG VƯƠNG BỒ TÁT
(Vào ngày 30 tháng 7 âm lịch hằng năm )
hãy tưởng niệm Ngài với đức tin chân thật!
Thơ Huệ Hương
Trở lại các phương pháp để chuyển hóa sự hoảng loạn trước khi chết
Phương Tây đã dùng các phương thức như:
– **Tâm lý học**: Các phương pháp trị liệu như liệu pháp nhận thức (CBT) giúp người ta đối diện và thay đổi suy nghĩ về cái chết, nhằm giảm bớt lo lắng và sợ hãi. Tâm lý học tích cực cũng khuyến khích sống có ý nghĩa, tập trung vào những điều tích cực và thực hiện những giá trị cá nhân.
– **Triết học hiện sinh**: Nhiều nhà triết học như Martin Heidegger và Jean-Paul Sartre đã bàn về sự hữu hạn của đời người. Họ cho rằng nhận thức rõ về cái chết có thể giúp ta sống chân thật hơn, có trách nhiệm hơn với cuộc đời mình.
.
– **Chăm sóc cuối đời (Hospice Care)**: Phương Tây phát triển các dịch vụ chăm sóc cuối đời, nơi bệnh nhân nhận được hỗ trợ về cả thể chất lẫn tâm lý, giúp họ chấp nhận và chuẩn bị cho cái chết một cách bình thản.
Riêng về Phương Đông, ta sẽ được chỉ dạy:
– **Thiền định và chánh niệm**: Trong Phật giáo, thiền định và chánh niệm giúp con người nhận thức rõ về sự vô thường, chấp nhận cái chết như một phần tự nhiên của cuộc sống. Thực hành thiền giúp giảm bớt sợ hãi, giúp tâm hồn an lạc.
– **Quan điểm về luân hồi**: Trong nhiều truyền thống tâm linh phương Đông, cái chết không phải là sự kết thúc mà là sự chuyển tiếp sang một kiếp sống mới. Quan niệm này giúp con người đối diện với cái chết một cách nhẹ nhàng hơn.
– **Lão giáo và Đạo giáo**: Tư tưởng của Lão Tử và Đạo giáo nhấn mạnh sự hài hòa với tự nhiên và chấp nhận dòng chảy tự nhiên của cuộc sống và cái chết. Điều này giúp con người bình thản khi đối diện với cái chết.
Và như thế có thể thấy những điểm gặp nhau của cả hai phương Tây và phương Đông đều nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc sống một cuộc đời có ý nghĩa, tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn và chấp nhận sự vô thường của cuộc sống.
– Sự kết hợp giữa thiền định phương Đông và các phương pháp tâm lý phương Tây đã trở nên phổ biến trên toàn cầu, giúp con người từ nhiều nền văn hóa đối diện với nỗi sợ cái chết một cách bình thản hơn.
Nhưng điều thường đặt ra là có địa ngục không? Dĩ nhiên là người phàm chúng ta không ai thấy được địa ngục, trừ Đức Phật và các bậc Thánh La-hán. Tuy nhiên, kinh điển Phật giáo Nam tông và Bắc tông đều ghi nhận có địa ngục. Địa ngục là một trong sáu cảnh giới của lục đạo. Do đó, nói không có địa ngục là sai với kinh điển Phật giáo.
Và một vấn đề khác thường được hỏi là sau khi chết thì có phải đi đầu thai ngay, hoặc không hề có việc trải qua 49 ngày hay có thân trung ấm và thường trải qua 49 ngày?
Vấn đề này đã được chư Tăng bàn thảo từ hai ngàn năm trước và kéo dài đến ngày nay.
Có thể tóm gọn, sau khi chết thì đi đầu thai ngay, không hề có việc trải qua 49 ngày là quan điểm của Phật giáo Nam tông. Quan điểm của Phật giáo Bắc tông là sau khi chết nếu tạo nghiệp cực ác hay cực thiện thì đi đầu thai liền, còn người tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn thì thọ thân trung ấm, tối đa khoảng 49 ngày sẽ tái sinh vào cảnh giới tương ứng với nghiệp nhân đã tạo.
Tái sanh xảy ra không tùy thuộc vào những nhãn hiệu tôn giáo khác nhau mà bởi cách suy nghĩ, cách nói năng và hành động với suy nghĩ tốt và xấu ác của con người. Vì vậy suy nghĩ và hành động của chúng ta chịu trách nhiệm cho việc hình thành nên đời sống kiếp sau. Cho dù người ta có tôn giáo hay không, điều đó không phải là yếu tố quan trọng để quyết định nên sự tái sanh.
Tuy nhiên hầu như hiện nay về phương diện tâm linh mỗi chúng ta đều hiểu về “Cấu trúc của một Linh Hồn” trong một thân xác còn hơi thở gồm có:
A Lại Da Thức – Mạc Na Thức – Tâm Thức – Ý Thức – Ngũ Thức (thường gọi là Lục Thức vì gồm luôn Ý Thức vào trong Ngũ Thức) tuy nhiên thật ra Tâm, Ý luôn dính chặt vào nhau, một sự việc xảy ra, sẽ thấy rằng Tâm và Ý đi kèm với nhau, không rời nhau. Có thể nói cả Tâm và Ý đều được chỉ huy bởi cái Tánh.
Cái Tánh cũng gồm vào trong cấu trúc của Linh Hồn mà Tập Khí chính là cái Tánh kéo dài từ nhiều kiếp trong quá khứ đến kiếp hiện tại, nó thuộc về cấu trúc của Linh Hồn.
Có một điều cần phải ghi nhận là: cái Tánh vừa chỉ huy cái Tâm, cái Ý mà nó cũng “sai khiến” luôn cả cái thân xác nữa, vì nó thể hiện ra bằng hành động mà hành động lại thuộc về thân xác
Trong khi đối với một Vong Linh, thần thức chỉ vỏn vẹn mang cái túi A Lại Da Thức cùng với Tâm – Ý – Tánh mà thôi.
Còn lại tất cả những gì thuộc về Nghiệp Lực, nghiệp lực của kiếp mới vừa qua, nghiệp lực của những kiếp trong quá khứ chưa được thanh toán như (-Những gì thuộc về kiến thức-Những gì thuộc về năng khiếu-Toàn bộ Trí Tuệ của người đó khi còn sống). Tất cả những thứ kể trên sẽ được Mạc Na Thức chuyển vào trong A Lại Da Thức vào phút cuối, trước khi Mạc Na Thức bị hủy diệt.
Bấy giờ Tâm – Ý – Tánh sẽ đảm nhận việc điều khiển thần thức, tuy nhiên cái thức trội nhất vẫn là Tâm Thức. Khi thần thức bước vào một thân xác mới, chính cái bộ 3 Tâm – Ý – Tánh này mới đóng vai trò sắp xếp và tổ chức có thứ tự cho cái linh hồn (Tâm Trí) trong thân xác mới.
Nói tóm lại Thiên đường và Địa ngục rất quan trọng đối với nhiều người.
Nhưng đây là một khái niệm được những tôn giáo cổ xưa đưa ra. Khi người ta không thể hiểu cách để thực hiện những bổn phận của họ như là những con người, trau dồi một số đức hạnh, bảo vệ nhân phẩm con người và hiểu cách để hành xử như những người có văn hóa, những người lãnh đạo của họ đưa ra niềm tin này để khiến họ hành xử theo một con đường tốt.
Cũng cần biết tất cả những tôn giáo khác đều nói về thiên đường và họ nói rằng thiên đường là vĩnh hằng hay bất diệt. Nhưng Phật giáo không đồng ý với niềm tin rằng có một cõi thiên đường vĩnh hằng dành cho con người để trải nghiệm lạc thú của họ mãi mãi bởi vì mọi thứ là vô thường. Trái lại theo Phật giáo, có sáu loại thiên giới (Devaloka). Lối sống của họ và lạc thú mà họ hưởng là cao hơn nhiều so với cảnh giới con người. Tuy nhiên, mặc dù họ hưởng được những lạc thú giác quan cho đến mức tối đa, họ không thoát khỏi tham, sân, ganh tỵ và lo âu bản thân.
Theo Đức Phật thiên giới (thiên đường) và địa ngục không phải là những nơi chốn mà con người được ký thác sau khi chết, mà là những thái độ của tâm thức điều ta có thể kinh nghiệm ngay bây giờ.
Nói một cách đơn giản, nếu có hạnh phúc thì bạn đang ở cõi thiên đường, nhưng nếu đau khổ thì bạn đang ở trong địa ngục. Tất nhiên là nó không chỉ đơn giản như vậy. Vậy chúng ta hãy tự hỏi thiên đường và địa ngục có nghĩa là gì?.
Chúng ta hãy giải thích bản chất của địa ngục và thiên đường bằng việc sử dụng tri thức thông thường mà không tùy thuộc vào niềm tin, các truyền thống hay kinh sách.
Chúng ta không nên tùy thuộc vào các truyền thống, tín ngưỡng hay kinh sách để hiểu chân lý. Tất nhiên, có một số hướng dẫn ở trong các cuốn sách tôn giáo. Nó tùy vào cách chúng ta giải thích khái niệm này.
Một vài người tin rằng có những thiên đường và địa ngục vĩnh hằng. Vì vậy theo họ, những người nào không theo tôn giáo của họ thì không có cơ may hưởng được sự vui sướng trên thiên đường hay thoát khỏi địa ngục. Trên cơ sở này, dường như rằng họ nắm giữ một sự độc quyền duy nhất về thiên đường.
Nhưng quan niệm của Phật giáo đối với vấn đề này là hoàn toàn khác. “Dù chúng ta có nhãn hiệu tôn giáo hay không, không có sự khó khăn nào đối với chúng ta để trải nghiệm niềm vui thiên đường nếu chúng ta sống một cuộc sống cao quý và hợp lý”.
Theo Đức Phật, thiên đường không dành riêng cho những thành viên của một tôn giáo cụ thể nào; nó mở rộng ra cho bất kỳ ai có thể sống một đời sống cao quý. Mặc dù Đức Phật khuyên con người hãy giữ gìn nhân phẩm,
Theo Đức Phật, việc chỉ hành xử theo những luật lệ tôn giáo để vào thiên đường là không đủ. Người ta phải tu tập tinh tấn để phát triển tâm thức định tĩnh, bởi vì tất cả hành động có gốc rễ ở nơi tâm. Chính bằng sự kiểm soát tâm mà ta có thể kiểm soát những hành động của mình. Khi tâm và thân được cân bằng hòa hợp, sự hiểu biết chân thật đưa đến hạnh phúc tối thượng có thể đạt được.
Và muốn giữ cho tâm trí luôn sáng suốt và cân bằng trong cuộc sống,có lẽ chúng ta cần thực hiện những điều sau:
1. **Sống có mục đích và ý nghĩa**: Hãy tìm ra những điều quan trọng đối với bạn, những giá trị cốt lõi mà bạn muốn theo đuổi. Sống vì một mục đích cao cả giúp bạn duy trì động lực và tránh xa những lo lắng vô ích.
2. **Thực hành chánh niệm**: Chánh niệm giúp bạn sống trong hiện tại, nhận thức rõ ràng về bản thân và thế giới xung quanh. Điều này giúp bạn giải tỏa căng thẳng và duy trì sự cân bằng tinh thần.
3. **Chăm sóc sức khỏe tinh thần**: Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn và làm những điều bạn yêu thích. Đừng ngần ngại tìm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia khi bạn cảm thấy quá tải.
4. **Rèn luyện lòng từ bi và tha thứ**: Học cách tha thứ cho bản thân và người khác giúp giải phóng những gánh nặng tinh thần và tạo ra sự thanh thản trong tâm hồn. Lòng từ bi không chỉ giúp bạn sống hạnh phúc hơn mà còn giúp duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người.
5. **Chấp nhận sự vô thường**: Nhận ra rằng mọi thứ đều thay đổi và không có gì là mãi mãi. Điều này giúp bạn đón nhận cuộc sống với một tâm thế cởi mở và ít bị ràng buộc bởi sự sợ hãi hay tiếc nuối.
6. **Giữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống**: Đừng để công việc chiếm hết thời gian và năng lượng của bạn. Hãy duy trì sự cân bằng bằng cách dành thời gian cho gia đình, bạn bè, và những sở thích cá nhân.
7. **Phát triển trí tuệ**: Hãy liên tục học hỏi và phát triển bản thân. Đọc sách, tham gia các khóa học, hoặc đơn giản là suy ngẫm về những kinh nghiệm sống giúp bạn mở rộng hiểu biết và giữ cho tâm trí linh hoạt.
8. **Thực hành lòng biết ơn**: Mỗi ngày, hãy dành thời gian để cảm nhận và ghi nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Lòng biết ơn giúp bạn tập trung vào những điều tích cực và duy trì sự lạc quan.
9. **Tạo mối quan hệ tích cực**: Hãy xây dựng và duy trì mối quan hệ với những người tích cực và truyền cảm hứng. Những mối quan hệ này giúp bạn cảm thấy được hỗ trợ và yêu thương, đồng thời tạo động lực để bạn sống tốt hơn.
10-**Chuẩn bị tâm lý cho sự kết thúc**: Không ai tránh khỏi cái chết, và việc chuẩn bị tâm lý cho điều này giúp bạn sống trọn vẹn hơn mỗi ngày. Hãy để mọi thứ được giải quyết và làm hòa với quá khứ, để khi cái chết đến, bạn có thể đối diện với nó một cách bình thản.
Hy vọng những điều sưu tầm này sẽ giúp chúng ta duy trì sự sáng suốt và cân bằng, và chắc chắn sẽ giúp chúng ta sống một cuộc đời trọn vẹn, an lạc, và ý nghĩa.
Kính trân trọng,
Lời Kết :
Kính xin mượn lời của Hòa thượng K.Sri Dhammananda trong một bài luận bàn về thiên đường và địa ngục để mời các bạn cùng suy ngẫm:
Ngày nay khoa học và công nghệ hiện đại đã mở rộng tri thức của chúng ta để hiểu nhiều điều trong thế giới và vũ trụ này mà những người nguyên thủy không thể hiểu được. Do sự thiếu hiểu biết, họ đã giải thích đời sống và cái chết bằng những thuật ngữ rất đơn giản, điều họ sau đó đã chấp nhận như là những chân lý hay giáo điều tôn giáo.
Chúng ta không biết rằng mỗi ngày chúng ta đang định hình nên thiên đường và địa ngục theo lối sống của mình, cũng như những ảnh hưởng tốt và xấu mà chúng ta trải nghiệm ở đây và kiếp sau.
Điều này không có nghĩa rằng Phật giáo phủ nhận hoàn toàn niềm tin về một đời sống “thiên đường” hay một sự khổ đau địa ngục sau khi chết. Nhưng khái niệm Phật giáo về niềm tin này là khác với những tôn giáo khác.
Điều này muốn nói rằng khi chúng ta sống bằng việc trau dồi những phẩm chất và đức tính tốt qua việc thực hành theo một số nguyên tắc tôn giáo mà không vi phạm sự an bình và hạnh phúc của kẻ khác, chúng ta cũng có thể trải nghiệm một đời sống dễ chịu, hạnh phúc, thịnh vượng và yên bình hơn ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ sau khi chết mà ở đó đời sống hiện hữu. Đối với chúng ta, đó là thiên đường.
Ngược lại, nếu chúng ta sống đời của mình bằng việc chứa chấp sự sân hận, ganh tỵ, oán giận, ác ý và những loại tư tưởng xấu ác khác ở trong tâm, chúng ta phải đối diện với những kết quả trong hình thức của khổ đau hoặc trong kiếp này hoặc kiếp sau. Cũng sẽ khó khăn cho chúng ta để có một sự tái sinh tốt ở trong một môi trường tốt để tu bồi những phẩm hạnh đạo đức. Khi đời sống trở nên nhiều đau khổ hơn, chúng ta xem trạng thái hiện hữu này như là địa ngục.
Bằng việc biết rõ tình trạng thật ở trong đời sống trần tục, người hiểu biết cố gắng quyết định cách sống của họ và sống hòa bình không làm hại kẻ khác và cũng làm việc để giúp đỡ chúng sanh. Chúng ta thích có một sự hiện hữu thuận lợi, tốt đẹp và vui sướng. Nhưng ước vọng của chúng ta là rất khó thực hiện.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà ở đó chúng ta luôn gặp phải sự va chạm, bất đồng, xung đột, tai họa, bất ổn và chiến tranh. Do đó, sự thách thức là tìm kiếm hòa bình ở trong một thế giới nơi đó bất đồng và va chạm là đang xảy ra hàng ngày.
Thế giới không được sắp xếp theo ý của chúng ta. Sự hình thành cuộc đời này không xảy ra chỉ để thích ứng với chúng ta. Thế giới vận hành theo luật và bản chất vũ trụ của chính nó. Những điều này là công bằng – cho dù chúng ta giàu hay nghèo, có học hay thất học.
Là những người có tôn giáo, chúng ta có thể duy trì hạnh phúc và sự mãn nguyện thông qua sự hiểu biết này. Khi những khó khăn, bệnh tật, lo lắng, xáo trộn và tai họa đến với chúng ta, chúng ta không nên than vãn cũng không nên nguyền rủa hay đổ lỗi cho kẻ khác. Chúng ta nên xem tình huống này một cách cẩn thận để hiểu ai hay điều gì chịu trách nhiệm cho tất cả những vấn đề hay có điều gì bên ngoài chúng ta có thể bị khiển trách hay không. Đôi khi chúng ta đã làm một số điều sai trái. Đừng nghĩ rằng chúng ta luôn luôn đúng và người khác là sai. Mọi người trên cõi đời này đều phạm phải sai lầm. (hết trích đoạn)
Kính thưa bạn, Thiên đường” hay “địa ngục” đều do ta tạo ra.
Chúng ta là kết tinh của tất cả những nghiệp do chúng ta gây ra. Tạo nhân tốt hưởng quả tốt, gây nhân xấu hưởng quả xấu; tính cách nào thành quả (hay hậu quả) ấy.
Nói như vậy để thấy rằng chúng ta có thể thay đổi được cuộc đời chúng ta khi chúng ta thay đổi cách sống, cách nghĩ, cách hành động, thói quen, tính cách và số phận của mình.
–Có người hỏi: Thiên đường cách địa ngục có bao xa?
Một hiền sĩ đáp: “Rất xa, xa đến mức khiến người ta tan xương nát thịt. Rất gần, gần tới nỗi chỉ cần một câu nói, liền để người từ thiên đường rơi xuống địa ngục”.
— Cái cây muốn vươn tới thiên đường phải đâm rễ xuyên vào địa ngục. (The tree that would grow to heaven must send its roots to hell). -Friedrich Nietzsche
— Thiên đàng ở trong ngực, địa ngục ở trong tâm. -Tục ngữ Lào
Phật Tử Huệ Hương – Mùa Vu Lan 2568