Hôm nay là ngày cuối của niên khóa, trường tổ chức buổi tiệc chia tay. Ngày mai cổng trường đã khép, chỉ còn lại tiếng ve rền vang rộn rã góc sân cỏ nắng vàng. Thầy hiệu trưởng tuyên bố vài lời khuyến khích học sinh đã siêng năng trong năm cũ rồi bắt đầu vào tiệc. Bánh, trái cây và nước ngọt tràn đầy, mấy chị lớp lớn làm thêm các món tráng miệng cho chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện. Lúc này, những quyển lưu bút được hoàn về chủ, để dành những ngày hè sẽ nằm nhà đọc hầu khơi lại bao kỹ niệm hồn nhiên.
Tiệc tàn nhưng vẫn còn sớm nên chúng tôi rủ nhau đạp xe đi một vòng biển rồi chia tay. Sóng biển ào ạt chơi vơi lấp thềm cát trắng, làm cả bọn không cầm lòng đặng giữa đất trời mênh mông biêng biếc, tất cả đều muốn để chân trần liêu xiêu lội nước hay sõng soài nằm trên bờ cát để hồn bay bỗng hòa nhập thiên nhiên kỳ tuyệt. Sau khi cất xe, một đàn bướm trắng ùa nhau hụp lặn chơi đùa, chao nghiêng tung tăng trong gió nắng. Cặp, guốc, nón lá được để nơi khô ráo, tà áo dài gấp đôi lại nhét vào lưng, quần xăn lên cao, chúng tôi nhảy theo các làn sóng tràn bờ và chạy thật nhanh khi thấy sóng ập sâu vào lòng cát. Chạy thế nào để quần không bị ướt và tiếng cười ầm vang vang theo từng đợt sóng. Giởn sóng một chút rồi đến chỗ để cặp táp, đứa thì nằm dài, đứa lại ngồi duỗi chân ra, mỗi người một kiểu.
– Ngày mai các bạn làm gì ?
Minh Châu: “Ngủ, ngủ, không cần dậy sớm”.
Yến: “Ăn, ăn, không phải học bài”.
Oanh nói: “Ngủ rồi ăn, ăn rồi ngủ. Niên học đến 4 đứa sẽ tròn vo như hột mít”.
Tiếng cười lại vang lên.
Bấy giờ, Minh Châu hỏi các bạn: ” Hè này có đi đâu chơi không? Minh Châu theo me đi Qui Nhơn thăm bà dì”.
– Oanh đi Huế với mạ .
– Yến đi Dalat với gia đình cô.
– Vậy các bạn biết nơi mình đến có gì đặc biệt?
– Nơi Minh Châu đến có mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử. Nghe đọc thơ ông nè:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
– Ồ! Thơ hay quá! Tới phiên Oanh đi!
– Minh Châu ác quá! Tự nhiên xổ thơ! Oanh chỉ biết mấy câu nhưng không biết của thi sĩ nào.
– Đọc đại nghe.
– Đọc đi! Đọc đi!
Huế của em có núi Ngự Nam Giao
Những thành quách, đài rêu phong lịch sử.
Làn mây bạc bay ngang trời Thượng Tứ.
Biêng biếc dòng Hương xanh điệu mái nhì.
Tất cả đều vỗ tay khen hay.
– Yến, hát được không?
– Không, phải đọc thơ thôi.
– Minh Châu này, cũng như Oanh, mình nghe đọc rồi thuộc nên không biết tên tác giả:
Anh đi về phía sương mù
Người ơi! Dalat cuối thu sững sờ
Cúc quì vàng một trời mơ.
Màu hoa nắng ấy gọi thơ cất lời.
– Bây giờ đến phiên tôi, hè này tôi chỉ về quê thôi. Quê tôi nằm trong tỉnh Khánh Hoà, có đi xa đâu mà phải đọc thơ. Tôi kể các bạn nghe về làng tôi, chịu không? Nếu không thì mình chia tay, về nhà.
– Bạn ăn gian quá!
Ba cô gái nhảy đến ôm tôi xô ngã trên cát. Tiếng la cười ầm vang cả một góc biển trời.
– Phạt cái tội ăn gian nên bạn phải vừa đọc thơ vừa kể chuyện.
Em có về Nha Trang mùa thu tới,
Phố biển dài phơi phới ngọn thu phong
Qua Hòn Tre, Hòn Lớn, với Hòn Chồng
Có man mác mù sương đầu gió biển
Thăm hộ anh hàng dừa xanh uyển chuyển (Thơ viễn phương)
Làng tôi nhỏ, có hơn 30 nóc nhà bao quanh. Phía sau là núi sừng sững cao làm bình phong cho thành phố để chắn gió khi gặp bão tơi bời. Trước là biển xanh ngút ngàn từng làm đắm lòng du khách. Có một con đường cái độc nhất rộng rãi và khang trang. Cuối làng là một hải cảng, là đầu mối giao thông quan trọng bằng đường biển của thành phố Nha Trang. Nhửng con tàu quốc nội cũng như quốc ngoại thường đến đây mua muối.
Tất cả ngôi nhà đều quay mặt về hướng biển. Mới kỳ hè năm rồi, chính phủ có kế hoạch chống nạn mù chữ cho tất cả cư dân ở trong nước. Ở xã cử hai nhân viên đến từng nhà để kiểm tra, ai không biết đọc, biết viết thì phải ghi tên đi học. Gia đình tôi có 3 người: bà ngoại, vú và chị bếp.
Người trong xã vừa ra khỏi cửa, ngoại liền nói: “Giận ông chánh phủ này ghê! Ngoại già rồi! Còn học hành gì! Chờ ngày về cùng ông bà thôi!”
Ngoại hết càm ràm khi biết bà Tám, bạn thân ngoại ở kế bên cũng phải đi học.
Mới 6 giờ chiều, trống làng rộn rã từng hồi báo hiệu giờ học bắt đầu cho dân chúng tập trung nơi trụ sở. Làng có xây một căn nhà gạch rất lớn để làm nơi hội họp. Sát bên là một sân cỏ rộng với những hàng cây phượng vĩ đong đưa trong gió. Khi hoa lửa đỏ bừng rực cháy thì lũ trẻ chúng tôi thường đến đó vui chơi như tập chạy xe đạp, trò u mọi hay đánh trỏng, nhảy dây…v…v…
Vì đông học sinh quá nên lớp bình dân học vụ chia ra làm hai. Lớp A học thứ 2, 4, 6. Lớp B học thứ 3, 5, 7.
Chỉ có một thầy giáo do chính phủ đề cử nhưng phụ tá rất đông, đó là con cháu của các bà nội bà ngoại, vào dạy phụ cách cầm viết và cách nhận ra mặt chữ.
Từ ngày có lớp học, sân cỏ ở gần trụ sở biến thành chợ đêm tấp nập người qua kẻ lại, nói chuyện gọi nhau ơi ới. Làng tôi không có chợ, phải qua làng bên cạnh mới mua được thức ăn, vì dân làng chỉ sống bằng nghề làm muối và làm rẫy, nhà nào cũng có một miếng đất trồng rau củ theo mùa.
Gia đình nào cũng có người đi học, nên theo thân nhân ra chơi rồi họ đem các thứ ở nhà ra bán. Mỗi gian hàng có một cái đèn lồng, vì gió thổi không tắt nên được gọi là đèn bão. Nói là chợ chứ thật ra có vài món mặn và ít món ngọt thôi. Mặn là bánh khọt, bánh bèo, bánh ướt được làm ngay tại chỗ, nóng hổi, vừa thổi vừa ăn với nước mắm gọi mời. Ai ăn chay thì có nước tương thanh đạm. Họ có một lò đất với cái vành rất to để ngăn than củi không bung ra làm chết cỏ xanh đang mọc ven đường.
Các loại bánh thì có bánh phồng, bánh tráng khoai lang. Còn có bắp luộc, bắp nướng, đậu phụng luộc và đậu rang …v.v…
Bánh phồng nướng lên có xôi chính giữa, ai ăn ngọt cho thêm dừa nạo và chút đường. Ai thích mặn thì thêm muối mè rồi cuộn thành từng cuốn thật ngon.
Bánh tráng khoai lang cũng nướng nhưng chế lên bánh lớp đường nấu kẹo như bạch nha có pha gừng. Mẹ nói món ăn nào mát quá cho chút gừng vào để giữ cân bằng. Đặc biệt có 2 loại thức ăn rất mát và học sinh rất thích: Một lấy từ biển, đó là rau câu (rong biển) nấu sôi để đông lại cho nước đường với gừng vào. Hai là lá sương sâm hái từ núi. Người ta cũng vo lấy nước để tự đông lại, ăn cùng nước đường.
Ngày đầu tiên nhập học, anh tôi tặng thật nhiều đèn bão để gắn lên các cành cây vòng quanh đường dọc theo lối xóm, đẹp và sáng như đêm hội hoa đăng nên chợ trở thành ngày hội. Anh còn tặng rất nhiều viết và các quyển tập, nhiều truyện cổ tích của Việt Nam như Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên, Thạch Sanh Lý Thông …v.v. Loại truyện được diễn tả bằng thơ, anh làm quà cho các học sinh bất đắc dĩ. Ai cũng cười, vì chưa biết đọc biết viết mà làm sao đọc được truyện?
Có hôm tôi định bước vào phòng ngoại, chợt nghe tiếng vú bên tai, hai người đang bàn luận:
– Mẹ vú à, mày học bài chưa?
– Dạ con thuộc rồi. Ngoại thuộc chưa?
– Để ngoại đọc mày nghe: O tròn như quả trứng gà. Ô thời đội mũ. Ơ thời có râu. Chữ A thì có móc câu…v.v.. Mẹ vú à, mày viết dùm ngoại đi! Sao tay ngoại cứng quá! Ngoại viết chữ không được.
– Đâu ngoại viết con coi! Ngoại cầm viết sát bên dưới quá nên không viết được chứ gì, ngoại cầm như con nè. Ngoại phải tập, chứ thầy kêu ngoại lên bảng, ngoại không viết được, kỳ lắm!
– Ừ, cầm vậy dể viết thiệt, để ngoại tập. Đâu, mẹ vú chạy qua nhà bày cho bà Tám dùm. Hồi nảy bà mới qua, cũng không viết được. Đi mau rồi về, phụ với con bếp, để nó có giờ mà học, tội nghiệp nó! Còn trẻ mà không thuộc bài thì mắc cở lắm!
Vậy mà mấy tháng sau, trưa nào me cũng phải tỵ nạn trên lầu mới yên tĩnh ngủ được. Me vừa cười vừa nói: “Lâu nay không biết đọc. Nay đọc được sách, nên thích quá đọc hoài, nhờ vậy mà giỏi”.
Ngoại nằm đu đưa ở võng, đọc truyện Lục Vân Tiên, ngoại muốn khoe mình biết chữ hay sao mà đọc to quá!
Còn Vú con thì ngồi ở ngạch cửa, đọc Phạm Công Cúc Hoa, vừa đọc vừa khóc vì truyện thật cảm động.
Con bếp thì ra tận gốc mận ngồi đọc, chắc muốn khoe cùng thằng hai làm vườn.
Mình Châu nói: “Bây giờ ngoại còn giận ông chánh phủ không?”
– Không giận, ngoại còn nói…
– Nói gì ?
– Nghĩ lại mà thương ông chánh phủ quá!
– Vậy ông chánh phủ là ai ?
– Chắc là ông tổng thống.
– Trời đất!
Trận cười lại nổi lên.
– Bây giờ tất cả đều biết chữ, có còn học nữa không?
– Vẫn còn, vì thấy học vui quá nên ở làng tự thuê thầy đến dạy.
– Mời các bạn về thăm làng, tha hồ ăn quà. Bãi trường không đến với bọn mình, kỳ nghỉ hè này bốn đứa lại gặp nhau.
Ở nơi ấy là Nha Trang mình đó
Sóng nhấp nhô vỗ bờ cát chung tình.
Thèm một chút mặn mòi quê biển
Nha Trang ngọt ngào Nha Trang của tôi
Có chút tình tôi gởi ở Nha Trang. (Thơ Trần Minh Hiền. )
Trương kim Báu (Gởi Minh Châu, Oanh, Yến để nhớ ngày thơ ấu)