1/ Ngôn ngữ là một yếu tố chính yếu tạo nên xã hội loài người.
Con người hơn loài thú vật nhờ ngôn ngữ. Ngôn ngữ giúp con người thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí giúp cho ý nghĩ sáng tạo – vì tư duy là tư duy trên và bằng ngôn ngữ.
Cho đến thời đại IT và trí thông minh nhân tạo hiện nay, chúng ta vẫn có ‘ngôn ngữ lập trình’, ‘ngôn ngữ tự nhiên lớn’, ‘ngôn ngữ lớn’…
Vậy ngôn ngữ có từ đâu? Bằng sự quan sát bình thường, chúng ta thấy ngôn ngữ ban đầu có sau sự vật. Sự vật có trước rồi sau mới có ngôn ngữ. Có cây chuối rồi mỗi tộc người mới nói ra, đặt tên thành tiếng ‘chuối’, và mỗi dân tộc biểu thị cây chuối bằng những ngôn ngữ và danh từ khác nhau.
Nói theo đạo Phật, sự vật (tướng) có trước rồi ngôn ngữ, danh từ (danh) có sau. Danh – tướng đi liền với nhau để chỉ sự vật và tên của nó.
Nhưng cùng với sự phát triển của ý thức, ngoài những từ ngữ chỉ những sự vật, những hành động cụ thể, con người còn có những từ ngữ trừu tượng như hữu hạn và vô hạn, cái đầu tiên và cái cuối cùng, cái toàn thể so với các phần tử, bản thể và hiện tượng…
Ngôn ngữ và ý thức có mối quan hệ biện chứng, dựa vào nhau để phát triển. Ý thức dựa vào ngôn ngữ để tư duy, sáng tạo và ngôn ngữ sống và phát triển được là nhờ ý thức.
Mới đây, theo sự nghiên cứu của một số giáo sư đại học Harvard, cho thấy rằng trí thông minh cảm xúc mạnh của một người là do số vốn ngôn ngữ phong phú của người ấy.
2/ Những giới hạn và nguy hại của ngôn ngữ.
Ở đây chỉ nêu ra một vài điểm.
– Ngôn ngữ làm người ta lầm tưởng ngôn ngữ chính là sự vật và sự việc. Ngôn ngữ chỉ là những dấu hiệu đại diện cho sự vật và sự việc. Cho rằng ngôn ngữ là tất cả sự vật và sự việc là một lỗi lầm lớn, điều này làm giới hạn ý thức của con người.
– Ngôn ngữ làm cường điệu hóa những phiền não vui buồn, thương ghét, lấy bỏ… Chẳng hạn, một kỷ niệm buồn trong quá khứ đôi khi hiện lên như những hình ảnh, thế nhưng thêm thắt cho những hình ảnh ấy bằng danh từ, tính từ… sự buồn phiền trở nên nặng nề và có thể sanh ra thêm những phiền não khác.
– Trong Mười Điều Thiện, ba dành cho thân, ba dành cho tâm, riêng về miệng có đến bốn điều. Miệng là hoạt động dễ gây nghiệp nhất: nói dối, nói thêu dệt, nói lời ác, vu khống, phỉ báng… Trong một cuộc chiến tranh, người ta không chỉ hành động ngoài chiến trường, mà trường ngôn ngữ, chẳng hạn như báo chí, phát thanh, cũng trở thành chiến trường để nói dối, nói xấu, dựng chuyện, tin giả, hăm dọa nhau…
– Ngôn ngữ, khi đã ăn sâu vào tâm thức, vào trí nhớ thì nó có môi trường hoạt động riêng của nó. Nó tự nói, tự nghe. Như thế làm loạn tâm rối trí. Người xưa nói “tâm vượn, ý ngựa” (tâm viên ý mã). Và người ta cứ rong ruổi trên con đường ngôn ngữ không hề dứt, không dừng lại, đứng yên để xem sự thật là cái gì, như thế nào.
3/ Quan điểm Phật giáo về ngôn ngữ
Người bình thường vẫn lầm lẫn về sự vật và ngôn ngữ, danh tự, từ đó đưa đến những khổ đau không đáng có.
Sự vật là gì? Sự vật không phải là vật thể cứng chắc, không thay đổi, vĩnh viễn tồn tại. Nó chỉ là một hợp tạo, do nhiều nhân duyên mà tạm thời có mặt; khi một nhân duyên đổi thay hay mất đi, sự vật sẽ thành một cái khác hay mất đi. Sự vật không có bản chất thường còn, điều này hệ thống Bát Nhã nói rằng sự vật là do nhiều nhân duyên hợp thành, nó không có bản chất thường còn, không có tự tánh, vô tự tánh. Nếu nó có tự tánh nó sẽ mãi mãi như vậy.
Sự lầm lẫn về bản chất sự vật đưa người ta đến chỗ thất vọng, buồn phiền, khổ đau vì tin vào một điều không thật có.
Kinh Kim Cương nói: “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng. Thấy các tướng chẳng phải tướng tức là thấy Như Lai”. Như Lai ở đây là thực tại tối hậu.
Khi cho rằng sự vật là có thật một cách tuyệt đối, người ta đã giới hạn và phân mảnh chính tâm thức mình. Tâm thức trở thành trở nên cứng đặc, ‘bê tông hóa’ như sự vật đã bị đông đặc, ‘bê tông hóa’.
Khi lầm lẫn sự vật, thay vì chỉ là chân lý tương đối và quy ước (thế đế), người ta lại cho sự vật là chân lý tuyệt đối và tối hậu. (chân đế, đệ nhất nghĩa đế).
Thêm nữa, trên sự vật tương đối và quy ước, người ta đặt tên cho sự vật tương đối và quy ước ấy bằng ngôn ngữ, văn tự. Rồi người ta lại bám chấp ngôn ngữ, văn tự – vốn là tương đối và quy ước – để xem nó là chân lý tuyệt đối và tối hậu. Thế nên đạo Phật gọi ngôn ngữ văn tự là “giả danh”.
Bi kịch tự thân của con người là như vậy. Như Kinh nói, “mỗi người như con nhộng tự nhả tơ để trói buộc mình”.
Cho nên một trong những nhiệm vụ của đạo Phật là ‘giải trừ danh tướng’. Thoát khỏi sự bám chấp vào danh tướng tức là một phần của giải thoát mà đạo Phật thường nói đến.
Nhưng con người bình thường khi lìa bỏ cực đoan này thì thường đi qua cực đoan khác. Bỏ thường kiến thì lại chạy qua đoạn kiến.
Thấy sự nguy hiểm của ngôn ngữ bèn phế bỏ ngôn ngữ, không dùng, thậm chí chê bai ngôn ngữ, văn tự.
Trong khi các bậc chứng ngộ vẫn dùng ngôn ngữ để dẫn dắt người khác. Không có ngôn ngữ, chúng ta sẽ không có những dấu hiệu để đi trên con đường Phật đạo, không biết thiền định, thiền quán là gì, hạnh là gì và chúng sẽ dẫn chúng ta đến đâu.
Chấp vào ngôn ngữ, văn tự là một sai lầm và chấp vào sự không cần ngôn ngữ là một sai lầm khác. Cho nên, Bồ tát
Long Thọ nói trong Trung Luận:
Chư Phật dựa hai Đế
Vì chúng sanh thuyết pháp
Một là Thế tục đế
Hai, Đệ nhất nghĩa đế.
Nếu người chẳng thể biết
Phân biệt được hai đế
Tức nơi Phật pháp sâu
Chẳng biết chân thật nghĩa.
Nếu chẳng nương Tục đế
Chẳng đắc Đệ nhất nghĩa
Chẳng đắc Đệ nhất nghĩa
Thì chẳng đắc Niết bàn
(Quán Tứ Đế, câu 8, 9, 10)
Khi sử dụng ngôn ngữ, văn tự, mà biết bản chất của ngôn ngữ, văn tự là vô tự tánh, là tánh lìa, là tánh Không, người ta giải thoát.
“Ngài Duy Ma Cật nói: Tất cả các pháp như tướng huyễn hóa. Ngay đây ngài không có gì để phải sợ cả. Tại sao thế? Tất cả lời lẽ nói năng chẳng lìa tướng huyễn hóa ấy. Như người trí, không bám chấp văn tự, nên không có gì sợ. Vì sao thế? Tánh văn tự là lìa (tánh Không). Văn tự là Không, đó là giải thoát. Tướng giải thoát ấy, tức là các pháp vậy”.
(Kinh Duy Ma Cật, phẩm Đệ Tử).
Với đạo Phật, miệng hay lời nói là một trong ba yếu tố cấu tạo nên con người. Ba yếu tố đó là thân, khẩu, ý hay thân, ngữ, tâm. Nhờ đầy đủ ba yếu tố ấy mà người ta sống ở đời như một con người và cũng nhờ ba yếu tố ấy mà người ta có thể thực hành Pháp và truyền bá Pháp. Thậm chí, một bậc Giác Ngộ cũng hiện diện bằng thân, ngữ, tâm. Có điều thân, ngữ, tâm của vị ấy là thân, ngữ, tâm giác ngộ.
Thế nên vấn đề là biết sử dụng khẩu, hay ngữ, hay lời nói, để tiến bộ trên con đường tự hoàn thiện và hoàn thiện cho người khác.
Nguyễn Thế Đăng – https://thuvienhoasen.org/a41200/ngon-ngu-loi-va-hai