Mục Lục
[I.] Giới thiệu
[1.] Xin lỗi bạn, bạn có thể cho tôi biết qua lý tưởng của bạn?
[2.] Phật tử là gì?
[3.] Ðạo Phật có phải là một Tôn giáo không?
[4.] Làm thế nào để trở thành Phật tử?
[5.] Cho biết vấn đề đức tin trong đạo Phật?
[II.] Ðức Phật
[6.] Ðức Phật là ai?
[7.] Tại sao Thái tử xuất gia tu hành?
[8.] Ðạo sĩ dòng Thích Ca tìm thầy học đạo và tu đạo như thế nào?
[9.] Ðắc đạo rồi đức Phật có giáo hóa chúng sanh không?
[10.] Phải chăng đức Phật là một vị trời?
[11.] Làm sao biết được đức Phật là bậc giác ngộ giải thoát hoàn toàn?
[III.] Ðạo Phật
[12.] Cho biết sơ qua về kinh điển căn bản của Ðạo Phật?
[13.] Cốt lõi của đạo Phật là gì?
[14.] Giải thích thêm về đạo lý Vô ngã, Vô thường.
[15.] Với ánh sáng đạo lý Duyên khởi, đức Phật nhìn cuộc đời như thế nào?
[16.] Tội ác phát sinh từ đâu và làm sao diệt trừ?
[17.] Thế nào là luân hồi?
[18.] Tại sao Phật tử không tin “Thượng đế”?
[19.] Như vậy làm sao giải thích được nguồn gốc của con người và vũ trụ?
[20.] Theo đạo Phật thì những con người có mặt đầu tiên ở trên trái đất này là ai và ra sao?
[21.] Không đề cập đến Thượng đế nhưng đạo Phật có nói đến bản thể vũ trụ không?
[22.] Xin cho biết chữ Trời trong Kinh điển đạo Phật và quan niệm Thượng đế khác nhau như thế nào?
[23.] Vậy thì đạo Phật chủ trương “hữu thần” hay “vô thần”?
[IV.] Giáo Hội
[24.] Cho biết chữ Tăng già (sangha) là gì?
[25.] Những ai có thể trở thành Tỷ kheo, Tỷ kheo ni?
[26.] Tại sao có vị mặc áo nâu, có vị quấn cà sa vàng?
[27.] Nam Tông và Bắc Tông khác nhau như thế nào?
[28.] Ðạo Phật Việt Nam thuộc Nam Tông hay Bắc Tông?
[29.] Cho biết sơ tổ chức đạo Phật Việt Nam ngày nay?
[30.] Cho biết qua tình hình Phật giáo thế giới gần đây và hiện nay?
[V.] Phật tử
[31.] Cho biết sơ qua bổn phận của một Phật tử?
[32.] Thế nào là tu dưỡng bản thân?
[33.] Giải thích thêm về Bi, Trí, Dũng.
[34.] Phật hóa gia đình là thế nào?
[35.] Làm sao để cải tạo xã hội?
[36.] Cho biết thái độ Phật tử đối với việc xây dựng hòa bình?
[37.] Vì sao phải phổ biến chánh pháp?
[38.] Muốn phổ biến chánh pháp nên theo những quy tắc nào?
[VI.] Linh tinh
[39.] Quy y là gì?
[40.] Có nên đi chùa và gặp các người tu hành không?
[41.] Thờ Phật trong nhà có lợi ích gì?
[42.] Cho biết ý nghĩa của sự tụng kinh?
[43.] Sám hối là gì?
[44.] Niệm Phật là thế nào?
[45.] Tu thiền là gì?
[46.] Vì sao Phật tử ăn chay?
[47.] Phật tử phải kỵ giỗ như thế nào cho hợp đạo?
[48.] Cầu an là gì?
[49.] Gia đình Phật tử nên tổ chức lễ cưới cho con cháu như thế nào?
[50.] Xin cho biết thái độ của gia đình Phật tử đối với vấn đề hạn chế sinh sản.
[51.] Phải làm gì khi trong nhà có người chết?
[52.] Phật tử phải đối với người khác tư tưởng, khác đạo như thế nào?
Phần A
[I.] Giới thiệu
[1.] Xin lỗi bạn, bạn có thể cho tôi biết qua lý tưởng của bạn?
[2.] Phật tử là gì?
[3.] Ðạo Phật có phải là một Tôn giáo không?
[4.] Làm thế nào để trở thành Phật tử?
[5.] Cho biết vấn đề đức tin trong đạo Phật?
I. Giới thiệu
1. Xin lỗi bạn, bạn có thể cho tôi biết qua lý tưởng của bạn?
– Tôi là Phật tử. Tôi tu học theo đạo Phật.
2. Phật tử là gì?
– Phật tử là người tu học theo đạo Phật hay người muốn giác ngộ như Phật. Nói cách khác, người Phật tử là người đi tìm sự thật nơi con người và vũ trụ theo kinh nghiệm của Phật, bậc giác ngộ hoàn toàn.
3. Ðạo Phật có phải là một Tôn giáo không?
– Ðạo Phật là lẽ sống giác ngộ do Phật tìm ra. Ðạo Phật không phải là một “tôn giáo” theo định nghĩa thông thường mà là phương pháp giác ngộ hay là con đường đưa đến sự thể nhập chơn lý. Nếu cần dùng chữ tôn giáo (Religion) cho dễ hiểu thì có thể nói đạo Phật là một “Tôn giáo không có Thượng đế”. Có người bảo đạo Phật là một triết học nhưng phải là một triết học thực tiễn.
4. Làm thế nào để trở thành Phật tử?
– Bạn có thể trở thành Phật tử nếu bạn tự nguyện hướng về giác ngộ, nghĩa là muốn kính thờ Phật làm Thầy, sống theo đạo lý vi diệu, lợi ích của Phật (Dharma) và muốn được sự hướng dẫn của các vị tu hành chơn chánh và hòa hợp với các bạn đồng đạo.
Rõ ràng hơn, Phật tử là người có lý tưởng giác ngộ luôn luôn cố gắng tu hành theo 5 giới sau đây:
1-Không giết hại, nghĩa là tôn trọng sự sống con người.
2 – Không trộm cướp, nghĩa là tôn trọng tài sản của kẻ khác.
3 – Không tà hạnh, nghĩa là tôn trọng hạnh phúc gia đình mình và gia đình người.
4 – Không dối trá, nghĩa là tôn trọng sự thật.
5 – Không uống những thứ làm say loạn, nghĩa là giữ gìn tâm trí bình tĩnh và sáng suốt.
Năm điều tu học nầy không những có ý nghĩa trong đời sống cá nhân, gia đình mà còn có ý nghĩa trong cuộc sống tập thể và xã hội.
5. Cho biết vấn đề đức tin trong đạo Phật?
– Niềm tin (sađhâ) của Phật tử khác hẳn “Ðức tin” của những người theo các tôn giáo khác. Phật tử luôn luôn sáng suốt trong vấn đề chấp nhận và thực hành Ðạo Phật.
Phật tử kính thờ Phật với quan niệm Phật là bậc giác ngộ hoàn toàn, đầy đủ từ bi, trí tuệ và hùng lực. Ðối với Phật tử, tượng Phật không phải là một ngẫu tượng (idole) mà là biểu trưng lý tưởng giác ngộ, hình ảnh Chơn, Thiện, Mỹ. Sự kính lễ tượng Phật của Phật tử khác xa hành động quỳ lụy, sợ sệt trước những hình tượng của tín đồ đa thần giáo (polythéisme) hay nhất thần giáo (monothéisme).
Phật tử quan niệm đạo lý của Phật là “ngón tay chỉ mặt trăng”; người tìm đạo phải nương theo ngón tay đạo lý để thấy được mặt trăng chân lý. Họ tìm hiểu chín chắn và phán đoán phân minh những lời dạy của Phật trước khi chấp nhận và áp dụng. Chính Phật khuyến khích họ điều đó. Chủ nghĩa tín điều (dogmatisme) không có trong đạo Phật.
Ðối với Tăng Ni, Phật tử không hề xem các vị ấy là những người thay mặt Phật để tha tội hay ban phước. Họ kính trọng các vị ấy vì xem các vị ấy như là gương mẫu đạo hạnh và là người dìu dắt họ trên con đường Ðạo.
[II.] Ðức Phật
[6.] Ðức Phật là ai?
[7.] Tại sao Thái tử xuất gia tu hành?
[8.] Ðạo sĩ dòng Thích Ca tìm thầy học đạo và tu đạo như thế nào?
[9.] Ðắc đạo rồi đức Phật có giáo hóa chúng sanh không?
[10.] Phải chăng đức Phật là một vị trời?
[11.] Làm sao biết được đức Phật là bậc giác ngộ giải thoát hoàn toàn?
II. Ðức Phật
6. Ðức Phật là ai?
– Ðức Phật (Buddha) là danh từ chung chỉ các bậc giác ngộ hoàn toàn. Ðức Phật mà chúng ta kính thờ vốn là thái tử Tất Ðạt Ða (Siddhattha), con vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma Gia (Mâyâ). Quê hương của Ngài là tiểu bang thuộc dòng họ Thích Ca (Sâkya), về phía bắc Ấn Ðộ mà kinh đô là Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), nằm trên bờ sông Rohini dưới chân Hy mã lạp sơn, là vùng Terai của nước Nepal ngày nay.
Vua và hoàng hậu đều là những người đức độ, song thường buồn lo vì không có con nối nghiệp. Nhân một ngày lễ lớn, hoàng hậu Ma Gia trai giới trọn ngày và cùng vua phân phát tiền vật cho dân nghèo. Ðêm ấy, trong khi an giấc, hoàng hậu mộng thấy con voi trắng sáu ngà, vòi ngậm cành sen trắng từ cao đi xuống, tiến đến gần rồi chui vào bên mình phía tay phải của hoàng hậu. Các nhà đoán mộng danh tiếng đoán rằng hoàng hậu sẽ sanh thái tử xuất chúng. Hoàng gia rất đỗi vui mừng và hoàng hậu thụ thai từ đó.
Thời tiết đến, hoàng hậu theo tục lệ xin vua trở về nhà cha mẹ để sinh. Khi đi ngang qua vườn Lâm tỳ ni (Lumbini), hoàng hậu dừng chân ngắm xem hoa lá, và trong lúc đưa tay vịn một cành hoa thì hạ sanh thái tử. Hôm ấy là ngày trăng tròn tháng Vesakha (tháng tư ta) cách đây hơn 2500 năm.
Tin mừng thái tử ra đời vang khắp bốn phương. Ðạo sĩ A-tư-đà (Asita) tìm đến hoàng cung và vào thăm thái tử. Nhìn thấy những tướng tốt nơi thái tử, đạo sĩ vô cùng mừng rỡ, nhưng sau đó lại buồn khóc. Vua rất lo ngại và gạn hỏi nguyên do, thì đạo sĩ thưa:
“Tâu bệ hạ, thái tử là bậc xuất chúng: nếu ở đời sẽ là minh vương (cakkavattin), nếu tu hành sẽ thành Phật. Tôi mừng là vì một đấng giác ngộ đã ra đời. Tôi buồn là vì đã già, tôi sẽ không còn sống cho tới ngày được nghe lời giáo hóa của Ngài”.
Hoàng hậu Ma Gia từ trần sau khi thái tử sanh ra được bảy ngày. Em hoàng hậu, bà Ma-Ha-Ba-Xà-Bà-Ðề nuôi dưỡng thái tử. Thái tử rất thông minh tuấn tú: văn chương, võ nghệ đều tinh thông hơn người. Nhưng thái tử thường tỏ vẻ không vui với cuộc sống chung quanh.
7. Tại sao Thái tử xuất gia tu hành?
Ngay lúc bẩy tuổi, một hôm thái tử được đưa ra ngoài đồng để dự lễ khai mùa đầu xuân. Trời nắng, thái tử ngồi dưới gốc cây để xem lễ. Ngoài ruộng, vua cha tay cầm tay cày nạm ngọc, đi sau đôi bò mập mạnh. Lưỡi cày làm vung lên những tảng đất mun. Những con trùng đứt khúc, ướm máu bày ra, đàn chim nhẩy bay theo luống đất vừa cày, tranh nhau mổ ăn những con trùng đang quằn quại và tìm nơi ẩn trốn. Qua cảnh tượng ấy, thái tử thấy rõ sự thật cay đắng về cuộc đời và suy ngẫm sâu sắc về nó.
Dự lễ về, như không còn thiết với cảnh sống hoa lệ của hoàng cung, thái tử trở nên trầm tư hơn trước. Vua cha nhớ lại lời đoán của đạo sĩ A-Tư-Ðà (Asita), sợ thái tử sẽ xuất gia tu hành nên tìm mọi cách làm cho thái tử khuây khỏa và vui say với cảnh sống vua chúa. Vua xây cho thái tử thêm ba cung điện tráng lệ, thích hợp với ba mùa: hè, mưa và đông và cưới công chúa Da-Du-Ðà-La (Yasodharâ) cho thái tử lúc 16 tuổi.
Cung vàng, điện ngọc và tình yêu của vợ hiền vẫn không làm vơi những băn khoăn và thắc mắc về cuộc đời nơi thái tử. Ðể hiểu rõ cuộc sống của con người, thái tử xin phép vua cha dạo chơi ngoài thành. Lần thứ nhất, thái tử rất ngạc nhiên khi thấy một người già gầy còm, hổn hển, đi từng bước với cây gậy một cách khó nhọc. Lần thứ hai, thái tử thấy người bệnh nằm rên la bên vệ đường. Lần thứ ba, người chết đang được mang ra bãi tha ma để hỏa táng. Ba cảnh tượng ấy làm ngài buồn hơn và suy nghĩ nhiều. Rất nhiều lần thái tử hỏi các giáo sư về nguyên nhân khổ đau và phương pháp diệt đau khổ. Song những câu trả lời của họ đều đầy thần quyền và thiếu lý lẽ về cuộc đời không thỏa mãn thái tử. Chính trong lần dạo chơi thứ tư, khi thái tử gặp một vị tu hành với phong độ giải thoát, tự tại, thái tử có ý định rời bỏ cuộc sống vua chúa để tìm chân lý.
Trong những ngày miên man với ý nghĩ ra đi, thì thái tử được tin công chúa Da-Du-Ðà-La sinh con trai: La Hầu La (Râhula). Tin này làm vững thêm ý chí của thái tử vì từ nay đã có người nối nghiệp thì vua cha sẽ bớt buồn phiền. Lúc này thái tử đã 29 tuổi. Khuya hôm ấy, sau buổi yến tiệc linh đình, nhân lúc quân hầu, thị nữ ngủ say, thái tử cùng với người hầu cận Xa-Nặc (Chandaka) và ngựa Kiền trắc (Kanthaka) ra đi sau khi lặng lẽ từ biệt vợ con. Sáng ra, khi đến bờ sông Anôma, thái tử xuống ngựa, đổi áo gấm lấy áo thường, dùng gươm cắt tóc, rồi trao ngựa, đồ trang sức cho Xa-Nặc và bảo trở về thưa với vua cha và công chúa về mục đích ra đi của ngài.
8. Ðạo sĩ dòng Thích Ca tìm thầy học đạo và tu đạo như thế nào?
Thái tử Tất Ðạt Ða (Siddhattha) sau khi trở thành đạo sĩ dòng Thích Ca (Sâkyamuni) đi lần đến thành Vương xá (Râjagaha) để tìm thầy học đạo. Sakyamuni gặp được các bậc thầy có tiếng như Arâda Kâlama và Udraka Ramaputra. Song các vị nầy không giải đáp được thắc mắc của Sâkyamuni. Sâkyamuni bèn đến Uruvela (gần Bồ đề Ðạo tràng – Buddhagaya) và tu khổ hạnh ở nơi đó với hy vọng sẽ được giác ngộ. Sáu năm khổ hạnh chỉ làm cho thân thể tiều tụy, và tinh thần suy kém, Sâkyamuni quyết định từ bỏ lối tu ép xác thạnh hành nầy. Ngài nhận và dùng bát cơm sữa của nàng Sujâta dâng cúng. Năm người bạn đồng tu từ giã Sâkyamuni vì nghĩ rằng Sâkyamuni đã bị Ma vương cám dỗ. Trong khi đó Sâkyamuni đi đến sông Ni liên thuyền (Neranjarâ). Tắm rửa song, Ngài hỏi xin người cắt cỏ một bó cỏ đủ làm đệm ngồi và đến thiền định dưới gốc cây Tất bát la (Pipal, bây giờ gọi là Bodhi) với lời nguyền: “Dù cho xương khô, máu cạn, nếu không đạt Ðạo ta thề không rời khỏi nơi nầy”. Như nguyện, Sâkyamuni tập trung tất cả tâm lực đoạn trừ phiền não và phát triển trí tuệ. Vào đêm trăng tròn sáng tháng vesakha (tháng tư ta), đoán biết Sâkyamuni sắp đắc đạo, Ma vương (Mâra) sai thủ hạ đến quấy phá, dụ dỗ. Song tất cả mưu mô quỷ quyệt của Ma vương không thắng được Sâkyamuni. Sau khi hàng phục Ma vương, hiện thân của tham lam, giận dữ, si mê, Sâkyamuni tiếp tục vận động sức mạnh của tâm trí để thể nhập chân lý. Ðầu đêm tâm trí bừng sáng, Sâkyamuni chứng được túc mạng minh – biết rõ dòng sanh mạng biến chuyển từ đời nầy qua kiếp khác của tất cả chúng sanh; nửa đêm, chứng được thiên nhãn minh – biết rõ quá trình sanh thành và hoại diệt của sự vật qua qui luật nhơn quả – đạo lý Duyên khởi; gần sáng, khi sao mai vừa mọc chứng được lậu tận minh – phiền não, nguyên nhân của sống chết lưu chuyển hết sạch (Dn, III, 28). Bấy giờ Sâkyamuni, lúc 35 tuổi, thành một bậc giác ngộ hoàn toàn (Buddha); đương thời gọi là Phật Gotama hay Phật Sâkyamuni.
9. Ðắc đạo rồi đức Phật có giáo hóa chúng sanh không?
– Sau khi giác ngộ, với lòng từ bi và sự minh xác rằng con người có thể hướng thiện và hướng thượng, Phật đi bộ sang Sarnath (Bénarès) để giáo hóa cho năm người bạn cùng tu khổ hạnh ngày trước. Phật giảng cho họ biết rằng muốn thấy được chân lý, phải xa lìa hai cách sống thái quá: đắm say vật dục và hủy hoại thân thể, sáng suốt nhận rõ và thực hiện bốn chân lý cao thượng: sự khổ (dukkha), Nhân của khổ (samudaya), sự tiêu diệt của khổ (nirodha) và con đường đưa đến khổ diệt (magga). Buổi giảng thứ hai, Phật bác bỏ quan niệm sai lầm về linh hồn bất tử hay bản ngã thường còn làm chủ thể của sự sống và nói rõ con người là một tổng hợp liên tục của vật chất (rupa) và tinh thần (nâma); do đó, con người xấu ác si mê có thể trở thành tốt lành, giác ngộ.
Nhờ sự hướng dẫn sáng suốt của Phật mà tăng đoàn (sangha) càng ngày càng đông: Khi tăng đoàn đã đông, Phật khuyến khích mỗi người đi mỗi ngả để truyền bá đạo lý. Cùng với tăng đoàn, Phật cũng đi khắp lưu vực sông Hằng giáo hóa cho mọi người, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Những ai có khả năng xuất gia tu hành và dìu dắt kẻ khác đều được thâu nhận vào tăng đoàn. Những người muốn hướng thiện song còn bận bịu với gia đình và xã hội đều được chấp nhận làm Phật tử tại gia. Phật phá bỏ những tín ngưỡng thần linh vu vơ, chỉ rõ sai lầm trong cách nhận định chân lý, cải tạo những tập tục xấu hại như giết hại súc vật để cúng tế, cầu đảo. Phật cũng mạnh dạn chống đối chế độ giai cấp lạ kỳ bất công có nguồn gốc từ kinh điển Bàlamôn. Suốt 45 năm, từ làng này qua làng khác, Phật tận lực khai sáng cho con người thấy rõ sự thật của cuộc đời và làm cho con người nhận thấy khả năng quý báu nơi chính mình để họ dành lại quyền tạo hóa và hướng về nẻo giác ngộ cao đẹp.
Trên đường giáo hóa, vào đêm rằm tháng Vesak, Phật dừng nghỉ tại rừng Câu thi na (Kusinarâ), làng Kasia. Sau khi khuyên dạy đệ tử lần cuối cùng: “Vạn vật giả hợp đều hoại diệt, phải tinh tấn để thực hiện lý tưởng”, Phật an nhiên viên tịch (parinirvâna) vào năm 80 tuổi.
10. Phải chăng đức Phật là một vị trời?
– Không! Ðức Phật không phải là thần linh hay sứ giả của thần linh. Ngài là một người thức tỉnh (Bồ tát) đã tu hành trong nhiều kiếp và đến đời cuối cùng, với thân người, Ngài đạt đến quả vị giác ngộ hoàn toàn. Có thể nói Ngài là một người nhưng không phải là người thường mà là một “siêu nhân”: người thông đạt chân lý (Như lai, Tathâgata), Phật là một bậc thầy:
“Các người hãy tự mình cố gắng,
Như Lai chỉ là người chỉ đường” (Pháp cú, 276)
Lời dạy của Phật là ánh sáng, là tình thương rất cần cho chúng ta, những kẻ đang sống trong bóng tối và hận thù. Không có gì quý báu hơn sự ra đời của Phật vì muôn nghìn năm mới có một lần.
11. Làm sao biết được đức Phật là bậc giác ngộ giải thoát hoàn toàn?
– Qua đạo phong cao đệp, lời dạy như thật của Phật được ghi chép trong kinh điển, chúng ta biết rõ ngài là bậc giác ngộ hoàn toàn. Hành động và lời nói của Phật đượm màu từ, bi, hỷ, xả. Ðạo lý của Phật phản ảnh được sự thật nơi con người và vũ trụ. Nếu so sánh Phật với người thường và với các vị giáo chủ, triết gia khác, chúng ta thấy rõ sự giác ngộ hoàn toàn nơi Phật. Có thể xem Phật là đóa sen trắng:
“Như hoa sen tinh khiết, đáng nhìn,
Sinh từ bùn mà không dính bùn,
Ta không bị ô nhiễm vì cuộc đời,
Vì thế, này Bà la môn, ta là Phật”. (An,II,39).
[12.] Cho biết sơ qua về kinh điển căn bản của Ðạo Phật?
[13.] Cốt lõi của đạo Phật là gì?
[14.] Giải thích thêm về đạo lý Vô ngã, Vô thường.
[15.] Với ánh sáng đạo lý Duyên khởi, đức Phật nhìn cuộc đời như thế nào?
[16.] Tội ác phát sinh từ đâu và làm sao diệt trừ?
[17.] Thế nào là luân hồi?
[18.] Tại sao Phật tử không tin “Thượng đế”?
[19.] Như vậy làm sao giải thích được nguồn gốc của con người và vũ trụ?
[20.] Theo đạo Phật thì những con người có mặt đầu tiên ở trên trái đất này là ai và ra sao?
[21.] Không đề cập đến Thượng đế nhưng đạo Phật có nói đến bản thể vũ trụ không?
[22.] Xin cho biết chữ Trời trong Kinh điển đạo Phật và quan niệm Thượng đế khác nhau như thế nào?
[23.] Vậy thì đạo Phật chủ trương “hữu thần” hay “vô thần”?