VI. Linh tinh
39. Quy y là gì?
– Quy y nghĩa là hướng về và sống theo Phật, Pháp, Tăng. Sự quy y làm chúng ta trở thành Phật tử. Bất cứ ai biết hướng về và sống theo “ba ngôi báu” đều là người đã quy y. Song theo phong tục thì một người được nhận là đã quy y sau khi tham dự lễ “nhập đạo” do một hay nhiều thầy chứng minh. Trong lễ này, người quy y xác nhận sự hướng về các đấng giác ngộ, sống theo đạo lý giác ngộ và bằng lòng sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm giác ngộ và sống hòa hợp với các bạn cùng lý tưởng.
Sau phần trên, người quy y được đặt cho một tên đạo (pháp danh, như: Tâm Minh, Nguyên Quang…) và được khuyến khích tu học theo năm điều nên học (giới). Quy y còn có nghĩa là ý thức và phát triển khả năng giác ngộ (Phật), chân lý nhiệm mầu (Pháp) và đức tính hòa hợp (Tăng) sẵn có trong mỗi người.
40. Có nên đi chùa và gặp các người tu hành không?
– Nên, ít nhất một tháng hai lần cùng đi lễ Phật, tụng kinh, tham thiền và góp phần xây dựng giáo hội với các Phật tử khác. Không khí đạo vị ở chùa viện giúp chúng ta tăng trưởng niềm tin và ý chí hướng thượng. Sự hòa hợp với những người đồng đạo giúp chúng ta tiến bộ trong đời sống đạo. Phật tử nên gần gũi tăng ni để học hỏi đạo lý và kinh nghiệm tu dưỡng.
41. Thờ Phật trong nhà có lợi ích gì?
– Sự thờ Phật trong nhà đem lại ảnh hưởng tốt đẹp cho việc tu dưỡng và cho hòa khí trong gia đình. Chọn nơi trang nghiêm nhất trong nhà, trang trí một tượng hay ảnh Phật đẹp. Trên bàn thờ Phật không nên bày biện rộn ràng: một bình hoa, một lư hương, một đôi đèn là đủ.
Hình ảnh Bi, Trí, Dũng của đức Phật ảnh hưởng thường xuyên lời nói và việc làm của chúng ta, nhắc nhở chúng ta cố gắng trên đường giác ngộ.
42. Cho biết ý nghĩa của sự tụng kinh?
– Tụng kinh không phải là cầu khẩn mà là đọc tụng những kinh nghiệm giác ngộ của Phật và những lời cao đẹp của Ngài. Tụng kinh là một trong những cách huân tập (xông ướp) chân lý cao siêu, ý đạo nhiệm mầu vào tâm tư.
Nên đọc tụng các kinh bằng thứ chữ mà mình hiểu nghĩa lý một cách rõ ràng để sự huân tập được sâu sắc. Nên tụng kinh hàng ngày nơi tôn nghiêm vào lúc trước khi đi ngủ hoặc sau khi vừa thức dậy. Nếu không có bàn thờ Phật thì có thể tụng kinh ngay trong phòng ngủ hay ở bàn làm việc. Chuông mõ chỉ là những nhạc cụ giúp cho sự hòa nhịp, nhất là lúc nhiều người đồng tụng. Vì thế có thể tụng kinh mà không có chuông mõ. Nên chọn những kinh có ý nghĩa và thích hợp mà tụng, “Tụng trăm bài kệ vô nghĩa chẳng bằng tụng một lời đúng chánh pháp, mà khi nghe đến người ta được an lành” (Pháp cú, 102).
43. Sám hối là gì?
– Sám hối nghĩa là ăn năn những lỗi lầm đã phạm và hứa nguyện không tái phạm. Muốn tiến bộ trên đường giác ngộ, phải sám hối hàng ngày. Sau khi tụng kinh, tham thiền hoặc trước khi đi ngủ, nên ngồi yên lặng trong năm phút, lấy năm điều tu học (giới) để xét việc làm, lời nói và ý nghĩ trong ngày. Nếu thấy có những hành động không tốt thì nên sám hối ngay. Nếu được thì nên dự các lễ sám hối vào ngày 14 hay 30 âm lịch tại chùa. Tốt hơn nữa là mời một vài người mình tin tưởng và kính mến chứng minh cho sự sám hối các lỗi nặng. Trong khi tĩnh tâm xét mình, nếu thấy đã có những hành động thuận hợp năm điều tu học thì nên hoan hỷ và nguyện cố gắng phát triển.
44. Niệm Phật là thế nào?
– Niệm Phật là tưởng nhớ các đấng Giác ngộ bằng cách đọc lên các danh hiệu các vị ấy, như đọc “Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” hay đọc vắn tắt “Nam mô Phật” (nghĩa là kính lễ đức Giác ngộ). Chiêm ngưỡng hình tượng của Phật cũng là cách khác của sự niệm Phật. Qua danh hiệu và hình tượng của Phật, người niệm Phật tưởng nhớ đến đức tính từ bi, hỷ xả của Phật. Sự nhớ tưởng này làm phát sinh và tăng trưởng đức tính từ bi hỷ xả nơi người niệm Phật.
Có thể niệm Phật trong bất cứ lúc nào, song niệm Phật trước khi đi ngủ là tốt nhất vì thiện tâm sẽ được nảy nở liên tục ngay trong giấc ngủ, nhờ đó mà được an lành và không có ác mộng.
45. Tu thiền là gì?
– Tu thiền là tu tập các phương pháp chỉ (samatha) và quán (vipassanâ). Chỉ nghĩa là kiểm soát tư tưởng và tập trung tâm lực. Phương pháp “chú ý hơi thở ” là phương pháp chỉ tốt nhất. Quán nghĩa là phát triển khả năng nhận thức theo kinh nghiệm giác ngộ của Phật để ngộ đạt chân lý. Tùy theo trình độ mà người tham thiền được các vị thiền sư dạy cho các đề mục khác nhau. Ví như người hay nóng giận thì tu tập đề mục từ bi (mettâ), người hay cố chấp thì tu tập đề mục vô ngã (anattâ)…
Dù tu tập đề mục gì cũng phải tuân theo những điều cần yếu như giữ gìn các điều tu học căn bản, ở nơi thanh tịnh, gần gũi thầy sáng, bạn lành, ăn uống tiết độ, mặc quần áo rộng rãi, ngồi đúng cách… Có thiền định mới có trí tuệ, do đó muốn đạt đạo không thể không tu thiền.
46. Vì sao Phật tử ăn chay?
– Ăn chay là ăn toàn rau trái mà không ăn thịt cá. Ăn chay là biểu lộ lòng từ bi đối với loài vật, tuy ngu si hèn yếu hơn người nhưng vẫn ham sống sợ chết. Ăn chay nếu ăn đủ chất bổ, giúp chúng ta được nhẹ nhàng khoẻ khoắn, dễ dàng tu dưỡng. Phật tử ăn chay là vì từ bi mà không phải vì sợ và kính thú vật như người theo Ấn độ giáo hay vì kiêng cử như người theo các tôn giáo khác.
Phật tử ở nhà nếu chưa ăn chay thường xuyên (trường trai) thì nên cố gắng ăn chay một tháng hai ngày (rằm và mồng một). Trong những ngày ăn chay, nếu được nên phát nguyện tu dưỡng theo tám điều tu học (bát quan trai): năm điều tu học thường và thêm ba nữa là: không ăn quá ngọ, không xem nghe ca múa, không trang điểm và ngồi nằm trên giường ghế cao đẹp. Sự tu dưỡng theo tám điều tu này giúp ta dễ dàng có định tâm và phát triển trí tuệ.
47. Phật tử phải kỵ giỗ như thế nào cho hợp đạo?
– Kỵ giỗ là một phong tục tốt vì đó là sự tỏ lòng tưởng nhớ, thương mến và biết ơn đối với người đã qua đời. Trong khi kỵ giỗ, lòng thành là quan trọng chứ không phải phẩm vật hay hình thức cúng kính rộn ràng? Do đó Phật tử nên tổ chức kỵ giỗ càng trang nghiêm càng tốt. Không nên tiêu phí tiền bạc, thì giờ, ăn uống linh đình. Nên nhân những ngày kỵ giỗ để đoàn kết gia đình, bạn bè và học tập những đức tính cao thượng tốt đẹp của tiền nhân. Có thể kỵ giỗ trong hình thức cầu siêu ở nhà hoặc ở chùa để thêm phần ý nghĩa và trang trọng.
48. Cầu an là gì?
– Phật dạy:”Người nào muốn phụng sự Như Lai thì hãy săn sóc người bệnh”. Do đó Phật tử, đối với người đau ốm tật bệnh phải lưu tâm thăm viếng, săn sóc hỏi han, tùy theo bệnh hết lòng thuốc men giúp đề, không nên tin nhảm nhí vào đồng cốt dị đoan. Trong khi tụng kinh, niệm Phật nên rải lòng từ bi đến người bệnh và cầu mong cho họ được chóng bình phục và an lành.
49. Gia đình Phật tử nên tổ chức lễ cưới cho con cháu như thế nào?
– Từ lâu người ta thường nghĩ rằng việc hỏi cưới là việc đời không dính gì đạo. Các tu sĩ Phật giáo Việt nam cũng ít khi làm lễ cưới cho Phật tử tại chùa hoặc tại hội quán. Theo giới luật của người xuất gia thì các thầy không được làm mai mối, song có thể chứng minh cho lễ giao ước sống chung và xây dựng gia đình của hai Phật tử hay của một Phật tử với một không Phật tử, miễn là hai người này thuận tình và tôn trọng lý tưởng của nhau. – các nước Phật giáo nguyên thủy, các tu sĩ vẫn chứng minh cho lễ cưới của Phật tử tại nhà.
Ðể hòa hợp với lễ giáo dân tộc hoặc phong tục xã hội, gia đình Phật tử có thể tổ chức hai lễ: một lễ tại nhà riêng với những thủ tục phải làm tại trụ sở hành chánh cùng sự tham dự của tất cả những người thân hay liên hệ, một lễ khác tại chùa hoặc tại hội quán với sự chứng minh của các thầy và các đạo hữu. Trong trường hợp muốn giản dị hóa nghi lễ thì phần đầu có thể làm nhẹ đi và phần thứ hai là phần chính. Trong phần nghi lễ tại chùa hay hội quán, nếu hai vợ chồng chưa chính thức quy y “ba ngôi báu” và chưa hứa nguyện giữ gìn năm điều tu học thì sẽ được thầy chủ lễ, trước hết là truyền ba quy y và năm điều tu học, kế đó là được thầy khuyên nhủ bằng cách đọc và giảng những điều dạy của đức Phật về bổn phận của chồng đối với vợ, vợ đối với chồng, cha mẹ đối với con cái… (nếu cần trích dẫn phần quan trọng trong kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt (Sigalovâda) Trường bộ kinh số 31). Thầy chủ lễ cũng nên giảng ý nghĩa của chiếc nhẫn mà người chồng đeo cho vợ và vợ đeo cho chồng là biểu trưng của hạnh phúc gia đình trong sự nhẫn nhục tha thứ, hiểu biết và thông cảm cho nhau. Cuối cùng, một buổi trà đạo có thể được tổ chức ở phòng khách của chùa hay hội quán.
Theo đạo Phật, lễ cưới là một lễ rất long trọng của hai người khác phái muốn làm bạn với nhau để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì thế cốt yếu của lễ cưới là làm sao cho vợ chồng mới hiểu biết bổn phận đối với nhau, nghệ thuật sống chung với nhau và nhất là hứa nguyện thương yêu chân thành, đối xử bình đẳng và sẵn sàng giúp nhau tiến bộ trong cuộc sống an lành, cao đẹp và hy sinh cho con cháu về sau. Gia đình Phật tử phải hiểu và tổ chức lễ cưới cho con cháu trong ý nghĩa ấy. Ðiều nên tránh là không nên phỏng theo ý nghĩa và hình thức nghi lễ của các tôn giáo khác mà nội dung giáo lý về hôn nhân khác hẳn đạo Phật. Và cũng nên giảm bớt hình thức ồn ào, nghi lễ nặng nề và nhất là không nên xa xỉ, mê tín.
50. Xin cho biết thái độ của gia đình Phật tử đối với vấn đề hạn chế sinh sản.
– Ngày nay người ta thường bàn đến vấn đề hạn chế sinh sản và thái độ của những người có tôn giáo đối với vấn đề này. Có một vài tôn giáo xem vấn đề hạn chế sinh sản là một “tội lỗi” vì nó chống trái với giáo điều của họ. Phật tử không bị mắc kẹt trong vấn đề này. Bởi vì theo đạo Phật sự sống của con người được hình thành trong lúc đầu tiên bởi ba yếu tố:
1. Noãn châu của người mẹ đang ở trong thời kỳ có thể sinh con.
2. Tinh trùng người cha.
3. Thần thức (gandharva) sẵn sàng để được sinh (xem Majjhimanikâya, II.156 và Abhidharmakosa, III.12 trang 37 ghi chú số I).
Như vậy nếu không có sự hòa hợp của cả ba yếu tố trên thì bào thai không thể hình thành. Do đó gia đình Phật tử, sau khi xét khả năng sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái của mình, có thể hạn chế sinh sản bằng cách áp dụng những phương pháp hạn chế sinh sản mà khoa học đã tìm ra. Tuy nhiên, hạn chế sinh sản không có nghĩa là phá hoại sự sống của con cái. Cũng như người yêu hoa giữ gìn hạt hoa và nụ hoa, Phật tử luôn luôn tôn trọng, bảo vệ sự sống kể cả mầm sống.
“… Không bỏ sót một hữu tình nào,
Kẻ ốm yếu hoặc người khoẻ mạnh,
Giống lớn to hoặc loại dài cao,
Cỡ trung bình, hoặc ngắn, nhỏ, thô.
Có hình tướng hay không hình tướng,
Ở gần ta hoặc ở nơi xa,
Ðã sinh rồi hoặc sắp sinh ra,
Cầu cho tất cả đều an lạc.” (Kinh Từ bi – Mettâ Sutta)
51. Phải làm gì khi trong nhà có người chết?
– Khi biết người thân sắp từ trần thì người trong nhà không nên kêu khóc mà nên xếp dọn chung quanh chỗ người chết, trang trí tượng Phật hay hoa, mời thầy hoặc người mà người sắp chết kính mến đến để khuyên bảo người sắp chết không nên sợ hãi, buồn rầu mà nên nhớ lại những công đức đã làm và nhất tâm thiền định hay niệm Phật. Ngay lúc người thân gần trút hơi thở cuối cùng, tất cả mọi người trong nhà họp lại, tỉnh táo niệm Phật để cho người thân chết một cách nhẹ nhàng an lành. Nên để người chết nằm yên vài giờ, không nên đụng mạnh vào thân thể vì có thể làm cho người đang mất đau đớn mà sinh nóng giận, có hại. Nên tổ chức lễ an táng một cách giản dị, ít tốn kém. Tránh ma chay, đãi đằng linh đình. Cũng không nên tiêu phí quá nhiều trong việc xây cất mồ mả. Nếu giầu có nên làm việc phước thiện để hồi hướng công đức cho người chết.
Tính theo ngày chết, cứ bảy ngày thì làm một lễ cầu siêu giản dị (cắm hoa, thắp hương và ngồi tưởng niệm và nếu có thể thì tụng kinh Từ bi) một lần để tưởng nhớ, cầu nguyện cho người thân, đủ 49 ngày thì thôi. Về lễ cầu siêu thì có thể tổ chức tại nhà hoặc ở chùa. Ngoài bàn thờ Phật nên thiết một bàn thờ nhỏ gồm có hình ảnh người thân đã mất, nến, hoa và hương. Nếu có thầy chủ lễ thì quí, không thì bà con trong gia đình và đạo hữu tụnh kinh cầu siêu và quán từ bi (mettâbhâvanâ) để cầu cho người chết được sinh về nơi an lành.
52. Phật tử phải đối với người khác tư tưởng, khác đạo như thế nào?
– Ðối với người khác đạo, khác tư tưởng, Phật tử không nên kỳ thị, kiêu hãnh mà nên chân thành tìm hiểu so sánh tư tưởng hay tín ngưỡng của người khác. Nhất quyết không nên tranh luận với mục đích chống đối, chinh phục hay khinh miệt tín ngưỡng, tư tưởng của kẻ khác. Cũng như người yêu hoa, mình có quyền yêu thứ hoa mà mình thích nhất nhưng không ai lại chê bai thứ hoa mà người khác thích. Phật tử yêu kính đạo Phật nhưng luôn luôn tìm hiểu, khoan dung và tôn trọng tư tưởng cũng như tín ngưỡng của người khác.
Hòa thượng Thích Thiện Châu Trúc Lâm Thiền viện, Paris, 1997
http://thuvienhoasen.org