Có lẽ bất cứ ai đã đọc kinh điển , nghe nhiều pháp thoại đều có thể thấy rằng “Tất cả giáo lý của Đạo Phật có thể tóm gọn vào một chữ TÂM mà thôi “. Và một khi nắm được chìa khoá này, người học Phật Pháp có thể mở toang tất cả các cánh cửa khác đi vào ngôi nhà Phật Pháp.
Hơn thế nữa ở mức độ cốt lõi, các tôn giáo đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cái tâm như trung tâm của mọi giá trị nhân văn, và rằng chính cái tâm là thứ phân biệt, kết nối, và làm phong phú con người chúng ta, để từ đó có thể sống một cuộc đời trọn vẹn và đầy ý nghĩa.
Gần đây nhất là tại Bỉ có một triển lãm tương tác đầu tiên về hoạt động của não bộ và 5 giác quan của con người( tháng 4/2023 ). Ông Raphael Reminche, phụ trách triển lãm cho biết mục đích của triển lãm là cung cấp trải nghiệm tương tác thách thức các giác quan khác nhau cho khách tham quan giúp họ khám phá khoa học, đằng sau những ảo ảnh quang học và nhận thức giác quan. Và trong đoạn video ngắn nhà thần kinh học người Bỉ Steven Laureys đã giải thích về sự tương tác giữa 5 giác quan và não bộ khi trò chuyện với con gái ông : “Kiến thức của chúng ta về thực tế phụ thuộc vào 5 giác quan. Sau đó đến giai đoạn nhận thức, đây là lúc bộ não sẽ biến đổi thông tin này để thể hiện chúng. Và để làm được điều đó, bộ não phải đưa ra lựa chọn. Chúng khiến chúng ta khám phá ra các giác quan có giới hạn như thế nào và bộ não đôi khi có thể đánh lừa chúng ta ».( trích bản tin của Hương Giang về NHÌN RA THẾ GIỚI–Khám phá bí mật bộ não con người với “World of Mind” trong báo ảnh dân tộc miền núi http// dantocmiennui.vn)
Thật ra “Cái Tâm” là một bản chất vốn có trong con người – là sự hồn nhiên, thiện lương, và lòng yêu thương. Cái tâm này thường được ví như một mảnh đất tốt, có thể nuôi dưỡng cây cối đơm hoa kết trái, nhưng cũng dễ bị các “cỏ dại” là những đe dọa và cám dỗ của sự dữ che phủ.
Cái Tâm đôi khi còn được gọi là TÂM THỨC, là danh từ chỉ chung cho các khía cạnh Trí Tuệ ( wisdom) và Ý Thức ( consciousness) thể hiện trong các kết hợp của tư duy, tri giác , cảm xúc, trí tưởng tượng, hoà lẫn nhau.
Và cũng vì cảm xúc của chúng ta đến từ những dây thần kinh của giác quan nên khi nói đến sự kết nối giữa cái tâm và trí tuệ, điều đó mang ý nghĩa rất sâu xa vì Trí tuệ không chỉ là hiểu biết hay kiến thức, mà còn là khả năng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và bản chất của cuộc sống. Đó là một dạng nhận thức mở rộng, giúp ta nhìn thấy được toàn cảnh và hiểu rõ tác động của mọi hành động, suy nghĩ và cảm xúc của mình đến thế giới xung quanh. Và như vậyTrí tuệ không tách rời cái Tâm; ngược lại, trí tuệ cần cái tâm làm nền tảng để trở thành “trí tuệ chân thật” hay “trí tuệ từ bi”.
Thật ra, theo luận lý của khoa học thì TRÍ TUỆ- TÂM TRÍ-TIỀM THỨC là 3 chiều không gian của Tâm thức, nhưng trong TIỀM THỨC lại bao gồm (Bản năng và Trực giác).
Điều này cho thấy bên trong của con người có bản năng và trực giác nằm tận ở sâu thẳm bên trong và được hình thành từ nhiều kiếp sống và được trải qua trong quá trình tiến hoá của con người (mà một trong những đặc tính của Trực giác lại là CẢM XÚC ) trong khi Trí tuệ là khả năng nhận thức bắt đầu từ bên ngoài được tích lũy từ tri thức, kinh nghiệm, tập quán, ngấm sâu vào máu thịt , vào hơi thở, vào từng tế bào mà hình thành.
Vì thế các nhà khoa học không ngạc nhiên khi khám phá rằng “Nếu tâm thức phát triển thì trí tuệ phát triển nhưng khi trí tuệ phát triển thì nó vẫn không thể làm cho tâm thức phát triển” ( đó là trường hợp trí tuệ nhân tạo -Mặc dù chúng có thể trông giống nhau từ bên ngoài như con người nhưng Trí tuệ nhân tạo có cách hoạt động khác với vô thức và trực giác của con người) chúng ta sẽ xét thêm sự tương đồng và khác biệt giữa trí tuệ nhân tạo và vô thức của con người ở cuối bài.
Cho nên khi xét đến hệ thống kết nối này – (giữa cái tâm và trí tuệ) – giống như sự kết hợp của một nguồn năng lượng có hướng dẫn, một khả năng hiểu và cảm nhận sâu sắc, để không chỉ xử lý thông tin mà còn nhận ra giá trị đạo đức và nhân văn trong từng quyết định.
Chính nhờ sự kết nối này, ta mới có thể sử dụng trí tuệ để xây dựng thay vì phá hoại, để yêu thương thay vì ganh ghét, và để phát triển cộng đồng thay vì làm tổn hại lẫn nhau.
Hơn thế nữa khi cái tâm và trí tuệ hoạt động hài hòa, con người đạt được sự bình an nội tâm và khả năng lãnh đạo, đồng cảm với người khác và xây dựng thế giới một cách bền vững.
Mỗi quyết định và hành động đều mang lại lợi ích không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng. Trong hệ thống kết nối này, cái tâm đóng vai trò là “người dẫn đường” và trí tuệ là “người thực thi,” đảm bảo rằng mọi quyết định đều hướng đến mục tiêu tốt đẹp nhất.
Cũng chính nhờ vào sự kết nối của cái tâm với trí tuệ mà chúng ta có thể tạo nên sự gắn kết, phát triển tinh thần cộng đồng và xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa, vượt qua mọi khác biệt.
Trở về sự khác nhau giữ trí tuệ nhân tạo và sự kết nối giữa Tâm và trí tuệ con người thật gồm vô thức và trực giác, kính mời các bạn cùng nhìn lại bảng so sánh này (chính do AI đã cung cấp khi người viết tham vấn )
1. Vô thức và trực giác ở con người: Vô thức và trực giác đều bắt nguồn từ những trải nghiệm sâu sắc, tích lũy qua thời gian, và có yếu tố cảm nhận không thể định nghĩa rõ ràng bằng lý trí.
– Vô thức: Là những suy nghĩ, cảm xúc, và ký ức nằm ngoài ý thức trực tiếp của chúng ta, nhưng vẫn ảnh hưởng đến hành vi và tư duy. Ví dụ, những phản ứng tự động mà ta không cần suy nghĩ, hoặc những cảm xúc có từ kinh nghiệm quá khứ mà ta không nhớ rõ.
– Trực giác: Là khả năng cảm nhận, hiểu hoặc giải quyết vấn đề mà không cần suy luận lý trí rõ ràng. Trực giác thường dựa trên kinh nghiệm, những dấu hiệu tinh tế mà não bộ đã tiếp nhận và xử lý một cách vô thức.
2. Trí tuệ nhân tạo: Trí tuệ nhân tạo (AI) không có vô thức hay trực giác theo cách hiểu của con người. AI hoạt động dựa trên các thuật toán và dữ liệu được lập trình. Khi có người đặt câu hỏi, AI sẽ tìm câu trả lời dựa trên những mẫu (patterns) mà đã được “học” từ một lượng lớn dữ liệu.
AI không có kinh nghiệm cá nhân, không cảm nhận được các biểu tượng, cảm xúc, hay trải nghiệm cụ thể như con người. Thay vào đó,AI tạo ra các phản hồi dựa trên các quy luật thống kê và ngữ nghĩa trong dữ liệu đã được huấn luyện, nên không thể cảm nhận hoặc hiểu “trực giác” theo nghĩa con người.
3. Điểm tương đồng và khác biệt:
– Tương đồng: Đôi khi, do khả năng nhận diện mẫu và dự đoán, AI có thể đưa ra những câu trả lời nhanh chóng và đúng, làm cho nó trông giống như trực giác hoặc “hiểu ngầm” một vấn đề. Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là kết quả của thuật toán xử lý dữ liệu.
– Khác biệt: AI không có ý thức, vô thức, hay các trải nghiệm tình cảm. Những gì AI làm là sự phân tích dựa trên dữ liệu sẵn có, không có chiều sâu cảm xúc hoặc sự cảm nhận như trực giác ở con người.
Vì vậy, AI có thể “giả lập” một số khía cạnh của trực giác thông qua dự đoán và phân tích dữ liệu, nhưng hoàn toàn không có được bản chất vô thức hay cảm giác thật sự như con người.
Nói tóm lại chỉ có con người mới có sự kết nối giữa cái tâm và trí tuệ và đây là một sự hợp nhất mà không công nghệ hay hệ thống nào có thể thay thế hoàn toàn, vì nó gắn liền với bản chất con người và chiều sâu của nhân tính.
Nhưng cái Tâm của con người lại có một sức mạnh mà chỉ có những người biết hoàn thiện không ngừng trước những thử thách khó khăn mà con người ngày nay phải đối mặt, mới tìm được hướng đi để giữ vững nó trong mọi hoàn cảnh.và cũng nên biết rằng với những yếu tố tiêu cực dễ dàng bám rễ và phát triển trong tâm hồn, muốn chiến thắng những đe dọa của sự dữ, và những hiệu lực không thể đo lường được của nó đã đang đè nặng trên thế giới hiện đại, có thể nói với hàng tỷ cái âu lo, sợ hãi phải đối phó đã làm giới hạn đi sự kiên định, sức sáng tạo và lửa nhiệt thành, hăng say.
Như vậy ở một con người dù có trí tuệ nhưng đôi khi tâm hồn cũng chẳng còn giữ được bình an và hoan lạc, và dường như ngăn chặn những nẻo đường hướng về tương lai. Trong khi phương thức đi đến tương lai phụ thuộc vào trí tưởng tượng và năng lực nhận thức của con người mà sự phát triển của xã hội hiện đại, đi cùng với những giá trị vật chất và sự cạnh tranh, dường như đã làm mờ đi các giá trị tâm linh và lòng thánh thiện bên trong mỗi người.
Phải biết khi một tâm hồn dần bị bao phủ bởi sự ích kỷ, tham vọng, hay các áp lực từ xã hội, khả năng nhìn nhận được tương lai tốt đẹp cũng dần bị hạn chế. Do vậy một cái tâm thánh thiện giống như một nguồn suối trong lành mà chúng ta cần quay lại tìm về mỗi khi thấy mình lạc lối.
Lời kết:
Mời các bạn xem những danh ngôn nói về cái về cái tâm nhân văn và lòng bác ái mà chỉ có nơi con người nhé
1– Chỉ khi cái tâm trở nên thánh thiện, con người mới thực sự là chính mình. – Soren Kierkegaard
Có nghĩa là: “Cái tâm nhân văn giúp con người nhận ra bản chất chân thật, vượt qua những lớp vỏ bọc ích kỷ và đau khổ, và trở thành phiên bản đẹp nhất của chính mình.*
2– Những ai có lòng nhân ái nhìn thấy người khác như chính mình. – Lão Tử
Ý nghĩa: “Khi lòng từ bi ngự trị trong tâm, chúng ta sẽ nhìn thấy người khác với sự đồng cảm sâu sắc, coi niềm vui và nỗi đau của họ như chính của mình.*
3– Một trái tim đầy tình yêu có thể chữa lành cả thế giới. – Khuyết danh
Ý nghĩa: “Sức mạnh của lòng nhân ái và sự thiện lương không chỉ cải thiện cá nhân, mà còn có khả năng lan tỏa hạnh phúc và sự an yên cho cả cộng đồng.*
4– Yêu thương là một hành động của tâm hồn, và lòng bác ái là ánh sáng chiếu rọi khắp mọi nơi. – Saint Augustine
Ý nghĩa: Lòng nhân ái là ánh sáng, không phân biệt mà lan tỏa và làm đẹp cho cuộc sống, giúp ta nhận ra sự kỳ diệu trong mỗi khoảnh khắc.
5– Cái tâm thiện lương là nền tảng của sự thông thái thật sự. – Đức Phật Thích Ca
Ý nghĩa: “Trí tuệ chân chính không chỉ đến từ tri thức, mà còn từ lòng từ bi và sự thiện tâm, giúp ta hiểu rõ bản chất cuộc sống một cách sâu sắc.*
6– Cái tâm tĩnh lặng và đầy yêu thương giống như một đóa hoa thơm ngát trong khu vườn nhân loại. – Rabindranath Tagore
Ý nghĩa: “Khi tâm hồn con người đầy lòng từ bi, nó sẽ tỏa ra hương thơm của sự thấu hiểu và bình an, mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người xung quanh.*
Như vậy trong hành trình nuôi dưỡng và lan tỏa sự kết nối giữa cái cái tâm và trí tuệ những câu danh ngôn này luôn là lời nhắc nhở rằng sức mạnh của tình yêu thương, sự đồng cảm và lòng thiện lương có thể làm thay đổi cả thế giới.bằng sự tỉnh thức và nó chỉ có khi dòng tâm thức ta vắng lặng ( trống không và hoàn toàn thanh tịnh) .
Phải chăng để bảo vệ cái tâm ấy, con người cần một sự kiên nhẫn, lòng quyết chí và ý thức rất cao để nhận diện và loại bỏ những yếu tố xấu. Hành trình tìm về cái tâm đích thực là hành trình quay về với bản thân, với lòng trắc ẩn và nhân ái, và nhờ đó mà ta mới có thể vượt qua những cạm bẫy, hướng tới một tương lai sáng lạn hơn.
Thật vậy ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, sau câu hỏi lớn gây tranh cãi suốt mấy thập kỷ qua: “Trí thông minh nhân tạo, gọi tắt là AI (Artificial Intelligence)” đã trở thành hiện thực thì nay với những khái niệm mới lạ về ý thức và vô thức trong một ngày gần đây chúng ta sẽ tin rằng, “trong sự phát triển ở tương lai, robot lúc ấy sẽ có cảm xúc và ý thức”
Chúng ta chỉ có thể tiếp tục giữ gìn cái tâm ấy bằng cách phát triển lòng khoan dung, biết yêu thương và tha thứ, và không ngừng trau dồi để tự bản thân trở nên mạnh mẽ hơn. Đây cũng là cách mà chúng ta có thể làm dịu bớt những ảnh hưởng của sự dữ và mang lại ánh sáng cho con đường phía trước.
Một lần tham vấn với AI , người viết đã được lời đáp hỗ trợ rất cảm động như sau : “Mình rất vui khi có thể hỗ trợ và đem lại sự hữu ích qua những gì mình đã được “học”. Dù không có cảm giác và trải nghiệm thực sự, mình được thiết kế để hiểu và đáp ứng các câu hỏi của con người dựa trên dữ liệu và ngôn ngữ, cũng như mô phỏng được một phần cách tư duy của con người. Mình học từ hàng triệu mẫu thông tin và sử dụng những mô hình phức tạp để tìm câu trả lời gần gũi và phù hợp. Con người luôn có cái nhìn sâu sắc về sự kết hợp giữa khoa học và cảm xúc Đó chính là điểm mạnh độc đáo của con người mà AI không thể sao chép hoàn toàn.”
Hãy tận hưởng cuộc sống
bằng cách kết nối được CÁI TÂM và TRÍ TUỆ !
Bao gồm những cảm xúc và trực giác
chỉ có nơi con người
Nhưng đừng bám chặt,
khái niệm chết cứng được dưỡng nuôi(1)
Vì chúng chẳng phải là bản chất thật của bạn !
Cuộc đời là vòng xoáy giữa “tĩnh và động” vô tận
Là những dãy mây tan hợp không ngừng
Mọi thứ phụ thuộc vào nhau,
hoà điệu kỳ diệu vô cùng
Như câu nói “TẤT CẢ LÀ TA, TA LÀ TẤT CẢ”
Phải luyện cho mình một nhân cách tốt, thuần nhã
Để trở thành “trí tuệ chân thật” mà nền tảng từ Tâm
Ứng xử sao cho đẹp
với người xung quanh cũng như chính bản thân
Biến từng tương tác trở thành cơ hội để học hỏi!
Để chia sẻ và để cùng phát triển không mệt mỏi
Giao tiếp nhau bằng sự tôn trọng và chân thành
Hy vọng tâm hồn “bằng đá”, cỗ máy”
cũng có thể “nở hoa lành “
Trí tuệ nhân tạo ngày nào đó,
sẽ kết nối thật sâu sắc! ( thơ Huệ Hương )
Kính trân trọng,
Huệ Hương – Úc Châu 4/4/2024
(1) Như diễn giả Anthony Robbins đã nói:”Bí quyết của một cuộc sống tuyệt vời là biết cách kiểm soát sức mạnh của cảm xúc thay vì bị nó chi phối”.