Là con người, chúng ta luôn có xu hướng giành lấy sự chắc chắn trong mọi hoàn cảnh. có lúc, áp lực do việc cố gắng tìm kiếm cảm giác vững chãi ấy đè nặng lên tâm thức mỗi người…
Tuy nhiên, trên thực tế, bản chất của mọi sự tồn tại vẫn luôn thay đổi liên tục. Mọi thứ đều vô thường cho dù chúng ta có nhận thức được điều đó hay không. Chúng ta cố gắng tìm kiếm những niềm vui hay sự an toàn miên viễn, nhưng điều đó mâu thuẫn với thực tế rằng chúng ta là một phần của một hệ thống luôn biến động, trong đó, mọi người và mọi vật luôn luôn đổi thay.
Đức Phật dạy vô thường là một trong ba tính chất của mọi sự tồn tại trên thế giới này, đó là một sự thật không thể chối cãi. Tuy nhiên, dường như chúng ta lại phản kháng mạnh mẽ với chân lý này. Bởi chúng ta nghĩ rằng nếu làm điều này, không làm điều kia thì bằng cách nào đó, chúng ta sẽ có một cuộc sống an toàn, vững chắc và có thể hoàn toàn kiểm soát được. Và khi mọi thứ không diễn ra theo đúng kế hoạch, chúng ta lại cảm thấy vô cùng thất vọng và hụt hẫng.
Người thầy đầu tiên của tôi, Chögyam Trungpa, thường chia sẻ về những nỗi lo lắng căn bản của con người. Bất an hay phiền muộn khi đối mặt với vô thường là tâm thái chung của tất cả mọi người. Nhưng thay vì nản lòng trước những sự mơ hồ và bấp bênh trước mắt thì chúng ta nên chấp nhận và xem nó như một điều tất yếu của cuộc sống. Sẽ như thế nào nếu chúng ta tự nhủ rằng: “Đúng, cuộc sống là như vậy; đây chính là ý nghĩa của đời người” và quyết định ngồi xuống để tận hưởng cuộc hành trình?
Nhưng sự mơ hồ căn bản này có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống hàng ngày? Trên hết, nó khiến chúng ta hiểu rõ rằng mọi thứ đều sẽ đổi thay. Cũng giống như Shantideva – vị luận sư Phật giáo nổi tiếng ở thế kỷ thứ VIII đã viết: “Tất cả những gì tôi có và sử dụng bây giờ đều giống như những ảo ảnh thoáng qua của một giấc mơ. Nó sẽ chìm sâu vào cõi ký ức và mờ dần cho đến khi không còn nhìn thấy được gì nữa”.
Cho dù chúng ta có ý thức về điều đó hay không thì mặt đất vẫn luôn chuyển động, không có gì có thể tồn tại miên viễn kể cả chúng ta. Có lẽ rất ít người bất cứ khi nào đều nghĩ đến việc “tôi sẽ chết”, nhưng nhiều bằng chứng lại cho thấy rằng nỗi sợ này luôn ám ảnh chúng ta. Shantideva nhấn mạnh rằng: “Tôi cũng là một thứ ngắn ngủi và chóng vánh trong cuộc đời này”.
Vậy con người cảm thấy như thế nào trong trạng thái mơ hồ và vô định như thế? Chúng ta luôn cố gắng bám víu vào niềm vui và né tránh khổ đau; tuy nhiên, dù cho có nỗ lực đến mức nào thì chúng ta vẫn bị mắc kẹt giữa hai phương diện này. Bởi vì ảo tưởng rằng cảm giác an toàn và vui vẻ liên tục là trạng thái lý tưởng nên chúng ta ra sức làm đủ mọi cách để đạt được nó: ăn, uống, nghiện ma túy, làm việc quá sức, dành hàng giờ lên mạng hoặc xem TV.
Nhưng chúng ta không bao giờ có được trạng thái hạnh phúc lâu dài mà chúng ta đang tìm kiếm. Đôi khi chúng ta cảm thấy dễ chịu: thân thể không có gì đau đớn và tinh thần thì hoàn toàn ổn. Tuy nhiên, sau đó, nó lại thay đổi, và chúng ta phải chịu đựng nỗi đau về thể xác cũng như những thống khổ về tinh thần. Tôi tưởng tượng thậm chí có thể lập biểu đồ để xem xét niềm vui và nỗi buồn xen kẽ như thế nào trong cuộc sống của chúng ta, từng giờ, từng ngày và từng năm, cái này rồi đến cái kia chiếm ưu thế.
Nhưng bản thân vô thường không phải là nguyên nhân gây ra đau khổ cho chúng ta, mà chính sự phản kháng, không chấp nhận đối với sự thay đổi căn bản trong đời sống khiến cho chúng ta sầu khổ. Sự khó chịu của chúng ta xuất phát từ nỗ lực thiết lập một nền móng vững chắc dưới chân để vươn đến ước mơ ổn định lâu dài của chúng ta. Ngay khi chúng ta chống lại sự thay đổi, thì đó gọi là đau khổ.
Chúng ta thường bị rơi vào những cực đoan trong cuộc sống. Gốc rễ của những khuynh hướng cực đoan này là một định kiến mà chúng ta nhận xét về bản thân mình là tốt hay xấu, xứng đáng hay không xứng đáng, thế này hay thế kia. Với một bản sắc cá nhân cố định, chúng ta luôn phải bận rộn với việc sắp xếp lại thực tế cuộc sống. Bởi vì thực tế không phải lúc nào cũng phù hợp với quan điểm của chúng ta. Sự khó chịu liên quan đến trạng thái mơ hồ căn bản của con người xuất phát từ lòng chấp thủ đối với mong muốn mọi thứ phải diễn ra theo một trật tự nhất định.
Phần lớn, sự chấp thủ là thói quen phản ứng của con người đối với cảm giác không an toàn. Khi vấp phải những tình trạng như vậy, chúng ta thường tìm đến bất kì thứ gì để xoa dịu cơn khó chịu của chính mình: thức ăn, rượu, tình dục, mua sắm hay những lời chỉ trích không mấy tử tế. Nhưng có cách nào hiệu quả hơn để đối diện với cảm giác khó chịu đó xuất hiện hay không?
Tương tự như việc xoa dịu nỗi đau, phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất chính là thiền chánh niệm. Trong đó, chúng ta hướng toàn bộ sự chú ý vào cơn đau và hít vào thở ra thật đều đặn. Thay vì trốn tránh sự khó chịu, thì bằng cách này, chúng ta sẽ hoàn toàn cởi mở đối với nó. Tâm trí sẽ trở nên nhu nhuyến và dễ chấp nhận cảm giác đau đớn mà không cần quan tâm đến câu chuyện đã được dàn dựng trước đó: “Thật tệ! Tôi không nên cảm thấy như vậy; có lẽ cảm giác này sẽ không bao giờ biến mất”.
Khi bạn tiếp xúc trọn vẹn với sự chấp thủ của chính bản thân mình, thì phương pháp cơ bản cũng giống như đối phó với những nỗi đau thể xác. Cho dù đó là cảm giác tôi thích hay không thích, hay một trạng thái cảm xúc như cô đơn, trầm cảm hay lo lắng, thì bạn cũng nên hoàn toàn cởi mở với cảm giác đó mà không cần giải thích.
Trong cuốn sách My Stroke of Insight của nhà khoa học não bộ Jill Bolte Taylor kể về quá trình phục hồi của bà sau một cơn đột quỵ nghiêm trọng, bà đã giải thích cơ chế đứng sau cảm xúc như thế này: Một cảm xúc như giận dữ là một phản ứng tự động chỉ kéo dài 90 giây kể từ thời điểm nó được kích hoạt cho đến khi bùng phát. Chỉ một phút rưỡi thế thôi; nhưng lý do khiến nó tồn tại lâu hơn khoảng thời gian đó là vì người ta đã chọn cách khơi lại nó.
Vô thường là thứ chúng ta có thể tận dụng, cũng vậy, sự thay đổi của cảm xúc có thể giúp chúng ta tiến bộ hơn rất nhiều. Nhưng chúng ta thì sao? Không thể áp dụng điều này dù chỉ một chút. Thay vào đó, khi một cảm xúc xuất hiện, chúng ta sẽ tiếp thêm năng lượng cho nó bằng những suy nghĩ của chính mình và hậu quả là những gì thật ra chỉ tồn tại trong một phút rưỡi lại có thể kéo dài tận 10 hoặc 20 năm. Chúng ta cứ lặp đi lặp lại những câu chuyện cũ rích. Cuối cùng, những thói quen trong quá khứ lại có cơ hội để bám rễ sâu hơn trong tâm của chúng ta.
Chúng ta chỉ có một sự lựa chọn; hoặc là chôn vùi cuộc sống trong đau khổ bởi vì chúng ta không thể chấp nhận thực tế vô thường của mọi thứ, hoặc là cởi mở và đón nhận tính chất thay đổi của hoàn cảnh, nhìn ra được sự tươi mới, năng động của vạn sự vạn vật để sống một cuộc đời hạnh phúc. Vì vậy, để có được hạnh phúc đích thực, bạn phải nhận ra sự chấp thủ vào cảm giác khi nó phát sinh và có mặt trọn vẹn với nó chỉ trong một phút rưỡi mà không cần phải phán xét bất kỳ điều gì. Bạn có thể làm điều này một lần hay nhiều lần trong ngày. Đây chính là thách thức nhưng cũng là con đường duy nhất để buông xả, cởi trói cho tự thân cũng như mở mang trí tuệ và trái tim của chính mình.
Pema Chodron – Tâm Tuệ lược dịch – theo Báo Giác Ngộ