Những Khai Thị Từ Đức Liên Hoa Sanh Về Con Đường Đại Toàn Thiện – Ch. 10

Một khuyến khích thực hành tâm linh

Tạo ra từ công đức chúng sanh nói chung và dân Tây Tạng nói riêng, hóa thân ảo huyễn của Văn Thù Sư Lợi xuất hiện như Trisong Deutsen, Bồ tát và Pháp vương. Để thỉnh cầu xây dựng ngôi chùa có tên là Samye, “Sựï Hoàn Thành Tự Nhiên của các Ước Nguyện Vô Biên,” và với ý định truyền bá Phật pháp vào Tây Tạng, vua mời Bồ tát Lotpošn, và phát tâm Bồ Đề để biểu lộ sự cần yếu phải được thúc đẩy bởi thái độ giác ngộ của tâm Bồ Đề. Để biểu lộ sự chín mùi và giải thoát của tâm Bồ Đề, vua mời Padmasambhava, đại đạo sư của Uddhiyana, để ban cho các quán đảnh và để đem tiếp cận và thành tựu đến giới hạn của sự toàn thiện. Để biểu lộ sự cần thiết phải mở rộng và làm cho nó nở rộ, vua mời pháp sư Vimalamitra đến để chuyển bánh xe Pháp của các thừa nhân và thừa quả. Để biểu lộ sự viên mãn rốt ráo và thành tựu tự nhiên của các giáo lý về thân, lời, và tâm giác ngộ, nhà vua xây dựng chùa Samye vinh quang và cử hành các buổi lễ thụ phong. Như thế vua quảng bá Phật pháp ở Tây Tạng ; và làm cho lời dạy và sự thực hành của Giáo thừa và Mật thừa chiếu sáng như mặt trời mọc.

Đặc biệt, vị vidyadhara vĩ đại có tên là Padmasambhava, một lưu xuất nhiệm màu của ba thân, đến Tây Tạng bởi thần lực của các nguyện vọng và đại bi của ngài. Trong thời gian lâu ở lại đó, Padmasambhava đã ban cho đức vua, các đệ tử chính khác và những người có phước, vô số giáo huấn rộng rãi và sâu xa cho sự trưởng thành và giải thoát của tâm thức. Trong nhiều lời dạy ngài ban cho tôi, Tsogyal họ Kharchen, tôi chép lại ở đây một sưu tập mọi lời dạy về ý nghĩa hữu ích như là một khuyến khích đối với thực hành tâm linh. MAHAKARUKINA SAMATI AH.

Đạo sư Padma nói : Tsogyal, chúng ta phải thực hành một giáo lý đem lại giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Nếu chúng ta không làm được điều đó, thì sẽ cực kỳ khó khăn có được một thân người với tự do và sung túc như thế này.

Có một thân người như vầy khó khăn đến thế nào ? Nó cũng khó như tìm kiếm một hạt đậu khi con ném nó thẳng vào bức tường, như một con rùa ngóc đầu lồng vào một khung gỗ nổi dật dờ trên biển cả, như ném hạt cải qua một lỗ kim.

Lý do khó khăn ấy là sáu loài chúng sanh cũng giống như một đống hạt. Các chúng sanh địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh giống như nửa ở đáy, các loài một-nửa-chư thiên là phần trên, và chư thiên và loài người chỉ giống như chóp đỉnh, so sánh với các loài chúng sanh khác, hầu như không thể có một thân người. Tsogyal, hãy thử đếm số chúng sanh của sáu loài !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, dầu cho có khó khăn ấy, con đã có được một thân người qua phước đức quá khứ, nhưng cũng còn khó khăn để thực hành Pháp thiêng liêng nếu như con không có đầy đủ giác quan, như điếc, đui hay câm. Nếu con tái sanh giữa những người sơ khai hay hoang dã, cũng không có cơ hội thực hành Pháp. Nếu con sinh ra trong một gia đình với tà kiến hư vô của ngoại đạo cực đoan, con cũng sẽ không đi vào giáo pháp của Phật.

Bây giờ chúng ta được sinh ra trên Nam Thiệm Bộ Châu, trong một đất nước văn minh nơi đó có Phật pháp. Chúng ta đã đạt được cái khó đạt là môït thân người quý giá, và khi giác quan chúng ta còn toàn vẹn, chúng ta có thể gặp các bậc thầy cao cả, có quyền chọn lựa điều gì chúng ta muốn làm, có thể đi vào Phật pháp, thực hành Pháp thiêng liêng, và cộng trú với Tăng chúng. Nếu vào lúc này chúng ta không áp dụng giáo lý đưa đến giải thoát và giác ngộ, thân thể quý báu này sẽ vô cùng lãng phí.

Chớ trở về trắng tay khi đã đến đảo châu báu ; chớ lần lữa trong sự đói nghèo khi đã gặp kho tàng vô tận ! Chúng ta phải vượt qua đại dương khi chúng ta có thuyền bè ; chớ để cho chiếc thuyền thân người này tuột mất !

Bây giờ là lúc để phân cách sanh tử khỏi Niết Bàn, hãy vui vẻ nỗ lực trong thực hành ! Bây giờ là điểm phân chia giữa hạnh phúc và khốn khổ ; chớ thu xếp cho tai họa của chính mình ! Bây giờ là lúc khi những con đường đi lên và đi xuống phân chia ; chớ có nhảy vào vực thẳm của các cõi thấp !

Bây giờ là lúc để chỉ ra sự khác biệt giữa trí và ngu ; chớ ấp úng hay nhìn sững ! Bây giờ là lúc để có được công đức ; chớ bận rộn và tiếp tục tay không ! Bây giờ là lúc để thấy ai là người vĩ đại hay ngu ngốc ; chớ tìm kiếm giác ngộ vì lợi danh !

Bây giờ là lúc để thấy ai là người tốt hoặc xấu ; hãy vất bỏ các theo đuổi thế gian ! Thời điểm bây giờ được ví như chỉ một bữa ăn trong một trăm ngày ; chớ làm như con có đầy đủ thời gian ! Bây giờ là lúc sự tai hại của một phút giây lười biếng sẽ có hậu quả lâu dài ; hãy vui vẻ nỗ lực trong tu hành ! Bây giờ là lúc chỉ một năm kiên trì sẽ đem lại hạnh phúc cho mọi đời sắp tới ; hãy ở thường trực trong thực hành Pháp !

Ta luôn thương xót cho những ai rời bỏ cuộc đời này với hai bàn tay trắng !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, chúng ta không biết khi nào cái thân người này, có được với bao nhiêu khó khăn, sẽ chết ngày mai hay ngày kia, thế nên chớ lo toan cho mình như mình sẽ sống mãi mãi ! Chúng ta không chắc khi nào thân xác mượn từ bốn đại này sẽ ngã xuống, thế nên chớ quý báu, si mê nó !

Sanh ra không dẫn đến cái gì khác hơn là chết ; hãy tu hành trong bản tánh vô sanh như là định mệnh của con ! Gặp gỡ không dẫn đến cái gì khác hơn là chia lìa ; hãy cắt đứt sự gắn bó vào những người sống chung ! Thu góp không dẫn đến cái gì hơn là cạn kiệt ; hãy rộng lượng mà không bám níu ! Xây dựng không dẫn đến cái gì khác hơn là hoại diệt ; hãy giữ các chốn ẩn cư trong hang và núi !

Ham muốn và tham vọng không dẫn đến gì khác hơn là đau khổ ; hãy buông bỏ lòng khát vọng của con ! Kinh nghiệm mê lầm không dẫn đến cái gì khác hơn là vô minh ; hãy hủy hoại tri giác nhị nguyên ! Làm như thế con sẽ luôn luôn hạnh phúc, nhưng chỉ với ai biết nghe lời khuyên nhủ !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, ta đã nói điều ấy cho mọi người, nhưng không ai nghe. Khi nào Thần Chết nắm bắt con, lúc ấy không còn cơ may để giải thoát. Người nào không thực hành Pháp sẽ hối tiếc điều này khi cái chết đến.

Năm, tháng và ngày trôi qua không chần chờ ngay cả một giây. Cuộc đời này qua đi không dừng nghỉ dầu cho một giờ hay một phút, và rồi chúng ta chết. Các mùa tiếp tục, nhưng cuộc đời chúng ta chấm dứt và không chờ đợi.

Con có tuyệt vọng không, khi nhìn cái chết đến gần với năm, tháng, ngày lần lượt ra đi ? Làm sao con có thể cảm thấy hài lòng khi người nào cũng chết, không hy vọng và bất ngờ ? Làm sao con có thể cảm thấy hài lòng với con cháu và sự sung túc khi chúng chẳng dùng được gì vào lúc chết ? Làm sao con có thể cảm thấy tự tin khi đi theo con không có gì ngoài nghiệp tốt và xấu ?

Những người nào không cắt đứt sự trói buộc của họ vào hình tướng cụ thể và cái thấy trường tồn là những kẻ điên rồ !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, không có cách gì có được thân người khi ở trong các trạng thái không tự do, bởi thế lúc ấy có đề cập đến tu hành và giải thoát cũng là vô ích !(33)

Ngay lúc này chúng ta có quyền chọn lựa điều gì chúng ta muốn làm, tuy nhiên người ta nói rằng không thể áp dụng Phật pháp. Có được thân người với tự do và sung túc, họ nói là không có thì giờ cho thực hành tâm linh. Hoàn toàn có thể thường xuyên làm nô lệ cho thực phẩm và áo quần, họ nói rằng không thể thực hành Pháp thiêng liêng dầu chỉ một năm. Không mệt mỏi trong bận rộn sanh tử, họ nói không thể chịu đựng dầu chỉ một khó nhọc nhỏ nhất trong việc liên quan đến Pháp. Trong khi có thể chịu đựng khổ đau không ngừng nghỉ, họ nói không thể để dành ngay chỉ một mùa hè hay mùa đông cho hạnh phúc của thực hành tâm linh.

Người không chú ý đến Pháp hình như không muốn hạnh phúc !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, điều quan trọng nhất là nỗ lực trong tu hành khi con còn trẻ. Khi con đã già con có thể muốn nghe giáo pháp nhưng lỗ tai con lại không muốn nghe. Con có thể muốn học hỏi nhưng sự chú tâm của con thì nặng đục và trí nhớ con thất thoát. Con có thể muốn đến với Pháp, nhưng thân con không thể đi hay ngồi. Con có thể muốn thực hành, nhưng sức mạnh của các đại đã tàn và con không thể tập trung. Con có thể muốn cho đi tài sản vật chất của con nhưng chúng đã bị người khác kiểm soát và con không còn đảm đương chúng. Con có thể muốn chịu khó nhọc nhưng hệ thống của con không chịu nổi sức ép. Làm cho thầy con và các bạn Pháp không vui, khi tuổi già đến, con có thể muốn thực hành nhưng không thể. Con sẽ ước ao “Phải gì tôi đã có ý chí và nguyện vọng khi tôi còn trẻ,” nhưng điều đó sẽ không giúp gì nữa cả. Đã quá trễ để hối tiếc là không thực hành Pháp gì khi con còn có thể.

Người không cảm thấy có quan tâm nào đến sự thực hành Pháp khi trẻ thì không hơn gì kẻ ngu đần !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, khi thực hành Pháp giải thoát, cưới vợ cưới chồng và dìu dắt một đời sống gia đình thì cũng giống như bị kềm giữ trong xiềng xích chặt chẽ không có tự do. Con có thể muốn chạy thoát, nhưng con đã bị nhốt trong ngục tối của sanh tử không lối thoát. Con có thể hối tiếc về sau, nhưng con đã chìm trong vũng lầy của tình cảm, không chỗ ra. Nếu con có con cái, chúng có thể dễ thương nhưng chúng là cây cọc côït con trong sanh tử. Nếu không có con, sự lo lắng rằng gia đình con sẽ chết đi thì còn lớn hơn nữa. Nếu con có tài sản, giữa lâu đài và ruộng vườn, chẳng có rỗi rảnh nào để thực hành Pháp. Nếu con không có, sự cực khổ và tranh đấu khi không có miếng ăn còn lớn lao hơn. Nếu con có người hầu hạ và người làm, rốt cuộc con bị bận rộn vì làm một người nô lệ cho sự quản lý. Nếu không có, sự thiếu quyền hành làm cho con bị người khác kiểm soát, thì không có tự do để thực hành Pháp. Theo cách đó cả cuộc đời hiện tại và tương lai của con bị phá hủy.

Trong bất cứ trường hợp nào, người kết hôn và trở thành chủ gia đình chìm đắm trong đầm lầy của sự khốn khổ không có dịp may để giải thoát.

Đại sư Padma lại nói : Tsogyal, các niềm vui của thế gian này cực kỳ thoáng qua, nhưng nếu con có thể thực hành giáo pháp thiêng liêng, hạnh phúc của con sẽ kéo dài lâu xa. Sự thịnh vượng của thế giới này là vô thường và trôi mất, nhưng nếu con có thể thường trực gom góp các tích tập, con thực sự là giàu có. Người nào dấn mình vào những hành động xấu là điên rồ, nhưng người nào làm điều tốt thì nhạy cảm và khôn ngoan. Người nào cam kết mình vào các giáo lý có ý nghĩa là đáng kính, nhưng người nào theo đuổi lợi danh vô nghĩa là không thận trọng và không có đạo đức. Danh lợi vật chất thế gian là chủ nhân của sự khốn khổ ; cao quý là người đạt đến Phật tánh trong chỉ một đời.

Những ai bám vào thế gian này không bao giờ tìm thấy dịp may thoát khỏi sanh tử !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, phiền não khởi ra do hoàn cảnh, thế nên hãy thoát khỏi cõi đất của thương và ghét. Chướng ngại được khởi dẫn do phóng dật, thế nên hãy giữ mối liên hệ với một bậc thầy cao cả như với một y sĩ. Nghèo khó và buồn phiền trong đời này có hệ quả từ các hành động trước kia, thế nên hãy sống những nơi ẩn cư không có người. Hành động sai lầm được tạo bởi hoàn cảnh, thế nên hãy tránh cộng đồng xấu như với thuốc độc. Cạm bẫy xảy ra là do tà kiến, thế nên hãy học hỏi và tư duy phóng khoáng. Tiến lên hay sa đọa xảy ra với bất kỳ ai, người sống lẫn người chết, thế nên chớ phê phán người khác. Bất kỳ niềm vui và hạnh phúc nào xảy ra với con, nó là do các phước đức riêng của con, thế nên chớ kiêu hãnh. Hãy cố gắng đạt đến giác ngộ khi con có năng lực để tránh đi vào các cõi thấp của luân hồi.

Người nào sống trong hạnh xấu sẽ chịu đựng lâu dài !

Đạo sư Padma lại nói : Tsogyal, nói chung, cái chết của con không có thời gian xác định ; nó đã đi chung với con từ khi sanh ra. Hoàn cảnh mà do đó con chết cũng không chắc chắn ; con chết cả khi không có ý định. Cái chết không bao giờ từ bỏ con, và con có thể gom góp mọi sự giàu có của tất cả thế giới nhưng vẫn phải bỏ chúng lại phía sau.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.