Ngày Về Nguồn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007 tại chùa Pháp Vân, Canada đã khiến nhiều người bàn tán xôn xao. Họ xôn xao có lẽ một phần bỡ ngỡ trước danh từ Về Nguồn, vì một số không được cái may mắn có nguồn để về. Họ không cảm thấy rung động khi nghe câu ca dao:
Cây có gốc mới xanh cành tươi ngọn
Nước có nguồn mới biển cả sông sâu
Họ bỡ ngỡ vì không được nô nức hồi hộp đón mừng ngày tưởng niệm Quốc tổ khai sinh dòng giống Việt:
Dù ai xuôi ngược gần xa,
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba thì về
Họ bỡ ngỡ vì đâu được cái may mắn quy tụ trong một ngôi chùa mang danh Pháp Vân, cùng tên với ngôi chùa lịch sử tọa lạc tại xã Hạnh Phúc, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được xây cất vào thời Sĩ Nhiếp, thế kỷ thứ hai sau Tây lịch tại Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, nơi về sau, vào năm 580 Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) đã đến đây hoằng đạo thiết lập dòng Thiền mang tên ngài.
Ngày Về Nguồn, ngày Hiệp Kỵ, là ngày chư Tăng Ni Việt Nam tại hải ngoại có dịp trải lòng tri niệm, báo ân chư Phật chư Tổ, thắt chặt tình pháp lữ, trao đổi kinh nghiệm hoằng đạo tại nước ngoài, theo lời Hòa thượng Thích Như Điển, Viện chủ chùa Viên Giác nói trong lời chào mừng chư Tăng Ni Phật tử về dự lễ tại chùa ở Đức Quốc vào năm 2010. Trong Đạo từ, Hòa thượng Thích Thắng Hoan đại diện Tăng đoàn, đại ý nói, Vừa rồi, được Tăng sai, tôi đã tuyên đọc Bảy Pháp Bất Thối mở đầu cho các sinh hoạt Tăng đoàn… Trong bảy pháp ấy, tôi đặc biệt lưu tâm ba pháp liên quan trực tiếp đến sinh hoạt của Tăng Ni Việt Nam hải ngoại.
Pháp thứ nhất, ‘Các Tỳ-kheo phải thường xuyên tụ họp để luận bàn Chánh pháp, thúc liễm thân tâm’.
Pháp thứ hai, ‘Các Tỳ-kheo phải tụ họp trong tinh thần hòa hợp, giải tán trong tinh thần hòa hợp, và chấp hành Tăng sự trong tinh thần hòa hợp’.
Pháp thứ ba, ‘Các Tỳ-kheo an trú trong Chánh niệm tạo thành một cộng đồng sinh động làm mẫu mực cho hàng tứ chúng noi theo’.
Thường xuyên hội họp. Hội họp trong tinh thần hòa hợp để luận bàn Chánh pháp, ôn lại lời Phật dạy, lời Tổ dạy. Đức Phật sau khi thành đạo, bài giảng đầu tiên là Kinh Chuyển Pháp Luân. Chuyển Bánh Xe Pháp, khai triển đạo lý Trung đạo. ‘Này các Sa-môn, có hai thái cực mà người tu đạo nên tránh: một là lao mình vào khoái lạc nhục thể, hai là hành hạ thân xác cho hao mòn. Hai conđường ấy đều đi đến sự phá sản của thân tâm’. Trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ, thuyết Trung đạo đã mang lại một sắc thái thực tiễn, sống động, một giải pháp thỏa đáng cho mọi hoang mang, bất ổn thời bấy giờ.
Aristote khi cắt nghĩa thế nào là đạo đức hay đức hạnh, trong cuốn Nichomachean Ethics, đã nói, đạo đức hay đức hạnh là sự chiết trung giữa hai cực đoan. Lý do ông đưa ra là sự tuyệt hảo của con người có thể bị tổn hại vì quá đà hay không đủ. Ông nói con người ta khó trở thành người tốt vì không biết đứng ở chỗ nào. Rất khó có thể tìm trung tâm điểm của vòng tròn. Với nhiều hạng người, sự trung dung cũng khác biệt. Thí dụ như ăn uống. Người lực sĩ cần phải ăn nhiều, nhưng với người sống chừng mực thì ăn uống cũng phải kiêng dè. Vì vậy, sống một đời sống đức hạnh là cả một nghệ thuật đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng phán đoán. Aristote đưa ra nhiều thí dụ về đức hạnh. Chẳng hạn như lòng can đảm. Nó nằm giữa hèn nhát và liều mạng. Khoan hồng nằm giữa keo kiệt và phung phí. Tư cách nằm giữa hạ mình và khoe khoang. Nhạy bén nằm giữa ù lì và lẻo mép…
Trong ngày Về Nguồn, chư Tăng Ni có dịp cùng nhau, trong hòa hợp, ôn lại lời dạy của Phật khi lần đầu tiên gửi sáu mươi đệ tử đi khắp nơi rải truyền đạo pháp, với lời căn dặn,
‘Các ngươi là những người đã giải thoát, hãy ra đi truyền dạy giáo pháp cao siêu, đem lại sự tốt đẹp và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả, hoằng dương Chánh pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, đoạn giữa, và đoạn cuối, toàn hảo trong tinh thần cũng như trong văn tự, công bố đạo lý và đời sống thiêng liêng, phạm hạnh…’.
Mỗi người một ngả, toàn hảo trong tinh thần, trong văn tự, tùy duyên, tùy nghi, tùy trình độ mà hóa độ. Đó là lời nhắn nhủ của Phật. Làm tròn trách nhiệm của mình trong việc công bố đạo lý và đời sống thiêng liêng, phạm hạnh (Dhammacariya). Làm tròn trách nhiệm của một Như Lai Sứ Giả, của kẻ xuất trần thượng sĩ, theo lời Hòa thượng Minh Tâm từ Qui Sơn Cảnh Sách,
‘Phù, xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam đồ…’ (Người xuất gia, khi cất bước lên đường là hướng về một phương trời siêu tuyệt, với tâm nguyện và hình dung thoát tục, nhằm phát huy và làm rạng rỡ hạt giống của dòng Thánh, nhiếp hóa và hàng phục ma quân để trên có thể đền đáp bốn ân nặng, dưới có thể cứu độ ba đường khồ…).
Nhiệm vụ thật nặng nề và cao cả, đôi khi rất khó chu toàn, nhất là khi phải ở vào hoàn cảnh khó xử, đòi hỏi nghị lực, trí tuệ, kỷ luật. Điều này làm tôi liên tưởng đến câu chuyện trong Bhagavad Gita, một phần của Mahabharata (Đại tự sử thi) thiên hùng ca về việc tạo dựng Ấn Độ. Câu chuyện nói về việc giành quyền cai trị xứ Kurukshetra ở Bắc Ấn của hai vị vương tử là anh em chú bác cùng là dòng dõi của vị đại vương thần thoại Bharata đã sáng lập nên nước Ấn Độ. Ban đầu cuộc tranh giành đã được giải quyết bằng cách bắt thăm cai trị luân phiên, dòng thắng sẽ cai trị trước trong 13 năm rồi sẽ nhường cho dòng thua và cứ thế tiếp tục. Dòng bác ươn hèn hơn nhưng đã thắng và được quyền cai trị, dòng chú văn võ song toàn nhưng thua phải vào rừng sống suốt 13 năm. Đến hạn, dòng chú trở về nhưng dòng bác đã quen với quyền lực không muốn nhường ngôi, chiến tranh vì thế nổ ra và được diễn tả trong Bhagavad Gita. Ý nghĩa của cuộc chiến ở đây là vấn đề danh dự và bổn phận. Danh dự vì lời cam kết. Bổn phận đối với gia đình, với đức tin, với vận mệnh con người trong trật tự xã hội, rất quan trọng trong bối cảnh văn hóa Ấn Độ.
Câu chuyện trong Đại tự sử thi cho thấy cảnh hai đoàn quân sắp sửa lao vào trận chiến sinh tử, có sự giằng co giữa tinh thần trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng, giữa trật tự và hỗn loạn, giữa tham vọng cá nhân và vị trí con người trong vũ trụ. Một sự dằn vặt, lựa chọn hết sức khó khăn, một con đường khó có ngả thoát. Chọn thế nào cho đúng, cho phải, để sau này khỏi phải ân hận. Tiếng tù và nổi lên, tiếng binh khí chạm nhau kêu lẻng xẻng. Tâm trạng vị tướng chỉ huy của dòng chú rối như tơ vò, chàng nói với người phụ tá đứng bên cạnh, ‘Ta thấy bà con họ hàng của ta tụ tập trước mặt ta trong tư thế sẵn sàng chiến đấu làm… cổ họng ta khô, toàn thân run rẩy, lông tóc dựng đứng… Ta làm sao có thể giết người bà con thân thuộc như thế này?’ .
Ở đây Bhagavad Gita cho thấy sự giằng co giữa bổn phận gia đình và bổn phận giai cấp. Viên chỉ huy thuộc giai cấp võ sĩ, bổn phận của chàng là chiến đấu. Nhưng chàng cũng có bổn phận đối với những người bà con thân thuộc. Những bổn phận khác nhau xung đột nhau, tạo thành nghịch cảnh, tạo thành khủng hoảng, tạo nên những lựa chọn khó khăn trong đời sống hàng ngày và trong vai trò xử thế.
Nhưng sống trong trần thế không làm sao tránh được xung đột. Dầu các bậc xuất trần, còn sống trong thế gian này, cũng gặp bao nhiêu ngang trái, không biết từ đâu đến, mà phải hứng chịu. Triết gia hiện sinh Đức Martin Heiderger, cũng như văn hào hiện sinh Pháp Albert Camus đã khám phá cho rằng chúng ta đều là những con người tội lỗi. Tội lỗi ở đây không phải là tội tổ tông do Adam và Eve gây ra mà tội ở chỗ không sống đúng theo sự mong ước của kẻ khác hay sự mong ước của chính mình. Tình trạng này được diễn tả trong bản kịch No Exit nguyên bản tiếng Pháp là Huis Clos (Không lối thoát) của Jean Paul Sartre, một triết gia hiện sinh Pháp. Bản kịch diễn tả ba nhân vật có tính khí khác nhau nhưng đều có mặt tại địa ngục sau khi chết. Garcin là nhân vật nam tự cho mình là anh hùng nhưng có thói hung bạo đối với phụ nữ, nhất là đối với vợ; tham gia kháng chiến chống độc tài ở một quốc gia vùng Nam Mỹ, bị an ninh chế độ bắt và đưa ra xử tử; trước khi lên đoạn đầu đài, anh ta khóc như một đứa con nít. Estelle là người phụ nữ thượng lưu lấy chồng giàu vì tiền nhưng lại có tình nhân; dìm chết con khiến chồng tự tử; đọa địa ngục vẫn chưng diện và khao khát đàn ông. Inez thuộc giai cấp hạ lưu mắc chứng đồng tính luyến ái, không có mặc cảm về thân phận và sở thích của mình, giết người tình rồi tự tử. Jean Paul Sartre cho ba người này gặp nhau dưới địa ngục, một nơi không có cửa sổ và gương soi mà chỉ có một cửa ra vào. Cả ba bị nhốt trong đó để thăm dò tội ác, tính khí, sở thích, và những ký ức đau buồn của người khác dẫn đến cãi cọ và chống đối lẫn nhau; và đó chính là sự hành hạ đối với họ. Trong một màn của vở kịch, Estelle khám phá là ở dưới địa ngục không có gương soi khiến Inez nói với cô, ‘Thôi, để tôi làm gương cho cô soi’. Câu nói này rất đặc biệt: Nhìn hình bóng mình trong gương, qua hình bóng người khác, hay qua người khác nhìn mình; những hình ảnh này có giống nhau không? Ý nghĩa của câu chuyện là tấm gương soi có thể không trung thực, Inez có thể không trung thực đối với Estelle. Chúng ta thường ở vào nhiều hoàn cảnh không trung thực. Không lối thoát cho ta cảnh tượng khá hiện thực về sự liên hệ giữa người và người mà chúng ta là nạn nhân bị kẹt vào giữa.
Ngày Về Nguồn cho quý vị Tăng Ni có cơ hội ôn lại những kỷ niệm quý giá, thân thương. Hòa thượng Thích Thái Hòa nói đến cái tình cảm bình thường của cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, vị Thầy thân thương của bao nhiêu thế hệ học Tăng tại các Phật học viện Báo Quốc – Huế, Phổ Đà – Đà Nẵng, Hải Đức – Nha Trang, Quảng Hương Già Lam – Sài Gòn, có nhắc lại năm 1977 tại Phật học viện Báo Quốc, cố Hòa thượng Trí Thủ dạy,
‘Ta đi đến đâu, mọi người đem cái tâm bình dị mà đối xử với ta, ta biết rằng ta có thể sống lâu với người ấy và người ấy có thể sống lâu với ta. Người ấy với ta có thể trở thành thân hữu lâu đời. Ta có thể lưu trú lâu đời ở nơi trú xứ của người ấy để làm Phật sự… Cái gì phức tạp, cầu kỳ, mất bình thường, cái ấy không thể tồn tại lâu đời được’.