12 LỤC ĐỘ BA LA MẬT (SÁU PHÁP BA LA MẬT)
Khi nói đến Lục độ tức là nói đến Bồ tát đạo. Mà muốn đi vào Bồ tát đạo trước hết chúng sinh phải phát Bồ-đề tâm, có nghĩa là phát nguyện để cầu Phật quả viên mãn ngỏ hầu giải thoát cho mình tức là tự độ và sau đó mới lợi lạc cho chúng sinh tức là độ tha. Bồ đề tâm đòi hỏi sự thực hành và phát triển tâm Xả, Từ và Bi để chống lại với Tham, Sân và Si. Tại sao?
Tâm Xả là tâm bình đẳng vì chúng sinh ai ai cũng đều có Phật tính như nhau. Cái Phật tính thanh tịnh nầy bị vô minh che lấp cho nên Tham-Sân-Si phát khởi mà tạo ra phiền não, khổ đau. Vì thế nếu có tâm Xả tức là không phân biệt người thân kẻ sơ thì tâm Từ, có nghĩa là lòng thương yêu mới phát triển để mang lại hạnh phúc cho con người. Một khi đặt mình vào hoàn cảnh của người khác thì chúng ta mới thông cảm được tâm trạng của họ và đây là yếu tố để phát triển tâm Bi tức là lòng bi mẫn thương xót muốn cứu giúp chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ.
Bồ tát hạnh là độ cho chúng sinh bớt khổ nhưng muốn độ người thì trước nhất phải biết độ mình. Ngày xưa chính Đức Phật đã dày công tu hành mới trở thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trước khi Ngài độ cho chúng sinh. Như thế sống trong thế gian thì chúng ta lấy chúng sinh làm đối tượng để tu hành vì chúng ta cũng là chúng sinh, có nghĩa là chúng ta cũng còn đau khổ và ai ai cũng mong cầu hạnh phúc.
Thêm nữa tất cả chúng sinh trong thế gian nầy dựa theo luật Duyên khởi đều có sự tương quan với nhau dù trực tiếp hay gián tiếp để nương tựa vào nhau mà sinh tồn. Vì thế Phật dạy rằng:
“Thế gian nầy chẳng nên tranh đấu với nhau bởi vì mọi người đều là một thể nhưng xưa nay con người vốn không phân biệt được nhân ngã mà thôi. Tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra, chẳng có vật nào độc lập mà tồn tại. Mình và vạn vật đã nương nhau để sống còn thì việc ban bố lòng thương và ân huệ cho chúng sinh khi mới nhìn thì giống như vì người nhưng thật ra đối với chính mình thì lợi ích còn lớn hơn”.
Nói tóm lại lục độ hay lục độ ba-la-mật là một phương pháp để độ mình và độ người. Sáu hạnh ba-la-mật gồm có:
Ø Bố thí tức là cho để trừ lòng tham.
Ø Trì giới tức là giữ giới để trừ ô nhiễm.
Ø Nhẫn nhục tức là nhường nhịn để trừ giận hờn.
Ø Tinh tấn tức là sốt sắng để trừ lười biếng.
Ø Thiền định tức là chuyên chú để trừ loạn tâm.
Ø Trí tuệ tức là sáng suốt để trừ si mê.
Trong sáu hạnh ba-la-mật trên thì Bố thí, Trì giới và Nhẫn nhục là tu Phước còn Thiền định và Trí tuệ chính là tu Huệ.
Ba-la-mật có nghĩa là toàn hảo hay vượt qua bờ bên kia tức là vượt từ bờ Mê qua bến Giác hay chuyển từ Vô minh đến Niết bàn. Nếu áp dụng năm hạnh bố thì, trì giới, nhẫn nhục tinh tấn và thiền định mà không có sự hiện diện của trí tuệ, tức là Huệ thì tất cả việc làm đó đều nằm trong tục đế có nghĩa là chỉ tạo phước thế gian mà thôi. Nó không đúng ý nghĩa của Bồ tát đạo và hạnh Ba-la-mật vì thế trí tuệ sẽ không được phát triển.
1) Bố thí: Bố thí có ba loại: tài thí là đem của cải, tiền bạc, vật chất của mình ra cho. Pháp thí là đem những chân lý của Phật để khuyên bảo người khác, tức là hướng dẫn tâm linh. Vô úy thí là đem niềm an vui làm cho kẻ khác hết lo sợ.
Đạo Phật là đạo từ bi. Chính Đức Phật vì từ bi mà xuất gia để tìm đạo cứu khổ cho chúng sinh.Vì vậy người Phật tử, khi noi theo dấu chân Phật, cũng lấy từ bi làm động tác chính cho sự tu hành của mình. Mà phương pháp mầu nhiệm nhất là bố thí ba-la-mật.
Bố thí là việc mang lại lợi ích và hạnh phúc cho con người, nhưng nếu xét kỹ theo luật nhân quả thì trên đời nầy không có cái gì mà tự nhiên có và mất mà không có nguyên nhân của nó. Nói một cách khác dựa theo luật nhân quả thì người nhận là người phải có phước vì khi nhận là họ nhận lấy cái quả dựa trên cái nhân lành mà họ đã tạo ra trong đời quá khứ. Nếu không có cái phước nầy thì họ không thể nhận được quà bố thí của người cho. Như thế thì người nhận chỉ nhận lãnh lại cái phước mà họ đã từng gieo và người bố thí là họ đang tạo phước cho mình sau nầy. Thế thì bố thí là một tiến trình của người cho và kẻ nhận chứ thật sự không có việc bố thí gì cả.
Chủ đích của bố thí không phải là để cải thiện thế gian hay là dẹp sạch nạn nghèo đói mà là để cho chúng sinh có cơ hội thực hành Bồ tát đạo. Bồ tát luôn luôn thực hành tâm xả để sẳn sàng buông bỏ những gì đang có từ tài sản, vật chất cho đến thân thể, luôn cả công đức vì hồi hướng là cách bố thí công đức. Vì thế tuệ giác Kim Cang mới có câu:
Bố thí vô tướng và Độ sanh vô ngã.
Thật vậy khi bố thí thì phải phá trừ chấp ngã, chấp pháp. Ý Phật muốn nói là khi bố thí không nên chấp mình là người bố thí ban ơn, tức là chấp ngã, còn người nhận là kẻ chịu ơn, tức là chấp nhơn và tiền tài vật chất là vật bố thí tức là chấp pháp thì tâm không sanh các phiền não ô nhiễm. Vì thế khi bố thí mà không khởi vọng tâm, chấp ngã, chấp pháp thì các phiền não Tham-Sân-Si không sanh. Mà phiền não không sanh thì con người sẽ không tạo nghiệp tức là chặt đứt dây luân hồi. Đây mới là bố thí ba-la-mật chân thật. Thêm nữa, nếu sống với tuệ giác Bát nhã thì phải coi tất cả mọi người như nhau có nghĩa là ai khổ thì giúp, ai mê thì giúp họ thức tỉnh mà tâm không mong cầu đền đáp nên việc làm được viên mãn. Còn nếu chúng ta chưa sống được với trí tuệ Bát nhã tuy có làm nhiều Phật sự hay Bố thí cùng khắp dựa trên hình tướng thì sẽ có lúc không sao tránh khỏi sự thiên chấp thân, sơ, thương, ghét…cho nên việc bố thí sẽ không được viên mãn.
Ngoài việc bố thí để giảm trừ tâm tham lam, bỏn xẻn mà đây chính là cơ hội để con người tạo phước và bồi đắp công đức vị tha cho mình. Song song với việc tạo phước, bố thí giúp chúng sinh phát triển trí tuệ bằng cách chú ý quan sát cái tâm, thiện hay bất thiện, trước khi bố thí, trong khi bố thí và sau khi bố thí. Đây là cách tư duy quán chiếu để xét lại tâm thật của mình có thay đổi khi bố thí hay không? Đó là trước khi bố thí chúng ta có so đi tính lại hay không? Khi bố thí có cầu mong đền đáp hay không? Và sau khi bố thí có hối hận hay không? Nếu chúng sanh thực hành đúng đắn câu bố thí vô tướng và độ sanh vô ngã thì chính họ đã tự tạo cho mình bao nhiêu nhân lành mãi mãi về sau. Vì thế Bố thí vừa độ cho người mà vừa độ cho mình và nó có công năng đưa mình và người từ bờ mê lầm đến bờ giác ngộ.
Có một kiếp nọ, Đức Phật thấy trên núi có một con cọp mẹ đang cõng một con cọp con đi kiếm ăn. Nhân vì trời tuyết lớn, không kiêm được mồi nên cọp mẹ lẫn cọp con đói quá cơ hồ sống không nổi. Đức Phật thấy vậy, không ngăn nổi lòng thương xót, nên tự nguyện đem thân mình bố thí cho cọp được no lòng. Trong loài dã thú, cọp là loài hung dữ nhất, vậy mà khi thấy cảnh cọp đói Đức Phật cầm lòng không được liền phát tâm bố thí bèn chạy đến trước miệng cọp để cho cọp đói vồ ăn thịt của mình.
Cũng trong một đời quá khứ khác có một con chim ưng tính bắt một con chim nhỏ. Chim nhỏ thấy Đức Phật bèn sa vào lòng cầu cứu mạng. Lúc ấy chim ưng bay đến nói với Phật:”Ông cứu nó, tức làm cho tôi chết đói. Nếu cứu một chúng sinh lại hóa thành giết hại một chúng sinh khác thì làm sao mà gọi là lòng từ bi được? “ Đức Phật nghe nói như vậy liến cắt thịt của mình cho chim ưng ăn. Nhưng khi ăn một miếng thịt chưa đủ no, nó lại muống ăn thêm thì Đức Phật đành bảo nó:” Thôi thì ngươi cứ ăn hết thịt trên thân của ta đi”. Chim ưng bèn chẳng khách sáo, mổ ăn hết thịt trên mình của Phật.
Trên đường cầu Phật đạo, Đức Phật đã có tấm lòng bố thí rộng lớn như vậy nên Ngài mới thành Phật. Còn chúng ta ngày nay tuy có bố thí chút ít mà tâm gan đã thấy xót xa bởi vì tâm vị kỷ lúc nào kiềm chế tấm lòng vị tha, quảng đại.
2) Trì giới: là cảnh giác, ngăn chận và xả bỏ những hành vi bất thiện từ Thân-Khẩu-Ý.
Ngoài việc tránh hành hung và sĩ nhục kẻ khác qua thân và khẩu thì người trì giới cũng không khơi động làm sinh khởi tâm thù hận của họ. Đó là mang lại sự vô úy và an lạc cho kẻ khác. Con người vì muốn bám víu vào thân thể và bảo vệ cái bản ngã của mình nên phát sinh tâm Tham-Sân-Si. Tuy ý tưởng Tham-Sân-Si vừa mới tác tạo trong tâm tức là chưa làm gì ai mà theo trì giới thì chúng ta đã phạm luật rồi. Vì thế trì giới chân chính là phải bỏ cho được cái Ta.
Chúng ta không nên trì giới chấp tướng vì nó chỉ có hình thức bên ngoài, còn bên trong chất đầy ô nhiễm. Chẳng hạn như trì giới vì háo thắng để được người đời khen ngợi. Trì giới với một tâm lý tự cao tự đại là cho mình hơn người và khinh dễ người phạm giới. Chẳng hạn có hai thầy tu trẻ đi trên một con đường đất lầy lội trơn trợt tới một cây cầu gỗ hẹp bắc qua một dòng suối, trong khi trời mưa tầm tả. Ở đầu cầu có một cô gái trẻ đẹp đang muốn qua cầu mà không dám đi vì sợ ngã. Thấy vậy, một trong hai ông mới bế bổng cô ta lên và đi qua cầu.
Ông thứ nhì không nói gì cho đến tối hôm đó khi hai người đã về tới chùa. Lúc đó ông nầy không dằn lòng được nữa mới hỏi:
– Mình là kẻ tu hành không được tới gần đàn bà con gái, nhất là mấy cô trẻ đẹp. Tại sao đệ lại vi phạm giới cấm như vậy?
Người thứ nhì trả lời:
– Đệ đã bỏ cô ta ở lại bên dòng suối rồi, sao huynh còn cưu mang cô ấy về đây làm chi nữa?
Người Phật tử nên trì giới không chấp tướng tức là vẹn toàn các điều răn cấm mà Đức Phật đã chỉ dạy. Không vì danh lợi, không vì háo thắng và không bị hoàn cảnh ép buộc mà làm. Những thái độ, oai nghi, hành vi và cử chỉ thiếu kiểm soát của mình cũng có thể gây ra sự phiền lòng, bực bội cho kẻ khác. Vì thế không phải chỉ là giữ năm giới luật căn bản là đủ mà thái độ hòa ái và sự quan tâm đối với những người xung quanh cũng là một hình thức trì giới vậy.
Giáo lý của Đức Phật cũng xác định một cách rõ ràng là giới hạnh là dấu hiệu của sự chứng đắc tâm thức chân thật. Vì sự trì giới luật trang nghiêm, thanh tịnh sẽ mang lại sự an vui tự tại và tâm hằng an tịnh không còn lo lắng sợ hãi. Nên nhớ trì giới có công năng vượt xa bố thí vì nếu người có tài thí, pháp thí mà không có trì giới thì không bao giờ hoàn thành Phật đạo viên mãn được bởi vì người đó vừa tạo phước mà cũng vừa tạo nghiệp. Có nghiệp là còn luân hồi sanh tử.
Ngày xưa vị Thiên Long tên là Bhuridatta có rất nhiều quyền phép. Nhân vào ngày thọ giới, Thiên Long cũng phát nguyện thọ tám giới. Một người bắt rắn thấy ông nằm bên một ổ kiến lớn với hình thù to lớn và đẹp gần giống như rắn thì người đó bắt giữ và hành hạ ông. Mặc dầu có rất nhiều thần thông có thể biến kẻ hành hạ ông thành tro bụi nhưng ông đã nhận chịu tất cả sự đau đớn và quyết tâm giữ giới thanh tịnh. Vị Long Vương Bhuridatta ấy chính là tiền thân của Phật Thích Ca đã viên mãn tu tập giới ba-la-mật vậy.
Trong tam vô lậu học thì Giới là bước đầu tiên và chính là nền móng để giúp chúng sinh đến chỗ giải thoát giác ngộ. Nếu không có giới thì vĩnh viễn sẽ không vào định được vì tâm không an và từ đó trí tuệ không bao giờ phát sinh để thấy tường tận thật tướng của vạn vật trong vũ trụ nầy.
3) Nhẫn nhục: Đây là đức tính tốt đẹp được tán thán nhiều nhất trong hầu hết các kinh sách Phật giáo. Con người có sự bất mãn hay sung sướng là do sự đánh giá sự vật qua cái nhìn sai lầm mà cái Ta là chủ động chính. Thiếu kiên nhẫn và kém chịu đựng chính là do tâm Sân mà ra. Khi chúng sinh thấu hiểu luật nhân quả và lý duyên khởi thì họ sẽ tránh gây ra nghiệp cho mình khi nghịch cảnh đến. Nếu hành xử theo luật con người là lấy oán báo oán thì hận thù càng ngày càng chồng chất biết đến bao giờ. Khi tu hạnh nhẫn nhục là tránh gây tạo nghiệp cho mình thì chúng sinh mặc dù không trả thù báo oán mà vẫn an nhiên tự tại vì luật nhân quả sẽ trói chặt kẻ đó rồi đâu cần họ phải ra tay. Do đó muốn thực hành hạnh nhẫn nhục cho hữu hiệu chúng sinh cần cảnh giác để nhận biết sự phản ứng sinh khởi của mình khi đối diện với cảnh trái ý nghịch lòng. Đối với:
*Thân nhẫn: Con người khi đối diện với nắng mưa, đói khát, đau ốm bệnh tật hoặc bị người đánh đập hành hạ mà vẫn cam chịu, không phàn nàn hay chống cự lại tức là tu theo thân nhẫn.
*Khẩu nhẫn: Cho dù thân đã nhẫn không chống lại người khi bị hành hạ đánh đập và trước những lời nhục mạ mắng nhiếc chua cay mà miệng cũng không thốt ra những lời nguyền rủa độc ác thì đây chính là tu theo khẩu nhẫn.
*Ý nhẫn: Cái khó và quan trọng nhất là tu nhẫn trong tâm. Khi tâm hồn không còn căm hờn, oán hận thì tâm sẽ trong sáng và an nhiên tự tại để loại bỏ đi những tư tưởng hắc ám khiến con người tạo nghiệp. Vì thế kinh Hoa Nghiêm có câu:”Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai” tức là một niệm sân hận nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra.
Trong ba thứ nhẫn nầy thì ý nhẫn là khó thực hành nhất bởi vì đôi khi thân có thể chịu đựng được cực hình, nhưng miệng vẫn lẩm bẩm lời nguyền rủa. Mà miệng có nói cũng là do tư tưởng chuyển đến mà thôi. Có người tuy miệng không thốt ra lời nguyền rủa nhưng tâm thì tức giận bừng cháy cả tim gan. Thế thì con người muốn kiềm chế để tu theo hạnh nhẫn nhục viên mãn thì phải kiềm chế tư tưởng được trong lành. Có như thế thì ý nhẫn mới kiềm chế khẩu nhẫn và sau cùng họ mới thành công với thân nhẫn. Vì ý là nhân mà thân, khẩu là quả của nó. Thêm nữa người tu theo hạnh nhẫn nhục sẽ có đủ trí tuệ để áp dụng Từ-Bi-Hỷ-Xả vào trong cuộc sống. Chính trí tuệ nầy sẽ đối trị và làm tiêu tan sự bất mãn và tâm sân hận.
Ngày xưa Đức Phật đã trải qua biết bao chông gai cực khổ trước khi Ngài chứng quả Bồ-đề. Nếu không tu theo hạnh nhẫn nhục thì làm sao Ngài chứng đắc được? Thời gian tu hành đối với phàm nhân để viên thành Phật đạo kéo dai gần như là vô tận vì thế nếu không có đức tính kiên nhẫn phi thường thì không thể nào thành công được. Các vị Bồ tát tu hạnh nhẫn nhục để tâm không bị phiền nhiễu bởi những bất trắc xảy ra trong cuộc đời. Các Ngài không phiền hà khi người khác nói những lời thô lổ, nói dối hay mắng nhiếc nhục mạ họ. Thậm chí Bồ tát vẫn kiên trì chịu đựng khi thân thể bị hành hạ, bị tra tấn và ngay cả đến cái chết các Ngài vẫn an nhiên tự tại.