Nhìn Về Thế Kỷ 21

Thế giới ngày nay đang thay đổi hết sức nhanh chóng về mọi mặt như công nghệ, văn hóa, xã hội, kinh tế… Riêng châu Á cũng đã thay da đổi thịt một cách toàn diện và trở thành trung tâm của thế giới mới, ngang hàng với châu Âu. Trong dòng thác biến chuyển chung đó, Việt Nam chúng ta đang nỗ lực bắt tay thực hiện nhiều chương trình cải cách trên mọi lãnh vực để có thể hòa nhập và phát triển. Muốn tồn tại thích nghi trong một xã hội tương lai với đặc điểm bùng nổ về thông tin và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, tất yếu Phật giáo Việt Nam cần có phương hướng thay đổi nếp sống, nếp nghĩ như thế nào. Thiết nghĩ đây là mối ưu tư hàng đầu đặt ra cho tất cả Tăng Ni Phật tử nhiệt tâm với sự trường tồn của đạo pháp ở thế kỷ XXI.

Nhìn lại Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập đến nay hơn hai ngàn năm, tùy theo nhu cầu của dân tộc, mỗi giai đoạn, Phật giáo chúng ta nhập thân hành động trên tinh thần vị tha vô ngã, dưới nhiều hình thức lợi lạc khác nhau. Kế thừa truyền thống tốt đẹp ấy, trong suốt hai thập niên qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chẳng những tồn tại mà còn trưởng thành trong chế độ xã hội chủ nghĩa và gặt hái nhiều thành quả về mọi mặt như giáo dục, hoằng truyền chánh pháp, phát triển văn hóa, từ thiện xã hội…

Ngày nay, chúng ta sắp bước qua thế kỷ XXI, hiện hữu trong tư thế chuyển mình chung của đất nước và nhất là trong dòng chảy của thời đại tin học. Vì vậy, điều quan trọng đối với Phật giáo Việt Nam là phải định hướng đúng đắn vai trò của mình cho thích nghi. Chắc chắn Phật giáo Việt Nam không thể nằm ngoài những biến đổi công nghệ và kinh tế đang diễn ra với tốc độ nhanh và quy mô. Chúng ta cần nhận thức rõ phải cấp bách chuẩn bị cho những thay đổi to lớn trong ý thức và việc làm của giới lãnh đạo Phật giáo nói chung và toàn thể Tăng Ni Phật tử nói riêng.

Ai cũng biết nền công nghệ đang và sẽ mở rộng tất cả cánh cửa hiểu biết cho mọi người. Chỉ cần nhấn phím máy vi tính, mọi người có thể bước vào kho tàng kiến thức trên khắp thế giới. Một khi mọi người nắm được nguồn thông tin rộng lớn như vậy, thì Phật giáo chúng ta cũng cần dọn mình, loại bỏ những gì rườm rà không thích hợp, không còn dùng được. Nói rõ hơn, sinh hoạt Phật giáo không thể mâu thuẫn với khoa học, hay không phù hợp với tư duy và sức sống của con người trong hiện tại. Hoạt động ở thời kỳ tin học phát triển cực mạnh với Internet và truyền hình cáp, thiết nghĩ Báo Giác Ngộ, tiếng nói Phật giáo Việt Nam, có nhiệm vụ giúp cho Tăng Ni Phật tử biết định hướng trong cái thế giới thông tin sum la vạn tượng, không có biên giới, để từ đó, nhận thức được sự ưu việt của các giá trị chân thực. Ngoài ra, Báo Giác Ngộ sẽ mạnh dạn phê phán những gì sai trái, lỗi thời không tốt đẹp và nhất là sẽ huớng dẫn Tăng Ni Phật tử đi theo con đường tu học không chấp chặt giới điều; nhưng phải chuyển kinh điển thành sức sống, ứng dụng linh hoạt vào mọi lãnh vực trong đời sống hàng ngày.

Dù mang hình thức xuất gia hay tại gia, trong mọi ngành nghề, điều quan trọng là phải ứng dụng lời Phật dạy như thế nào để chúng ta mở rộng tầm nhìn, phát triển khả năng tư duy và óc sáng tạo, phát huy đạo đức và tri thức, đóng góp lợi ích thiết thực tốt đạo đẹp đời. Với niềm hy vọng ở ngưỡng cửa thế kỷ XXI, mong rằng với sự nỗ lực của Báo Giác Ngộ cùng với sự hợp tác trợ lực của chư tôn đức, Tăng Ni Phật tử, thân hữu gần xa, Báo Giác Ngộ chúng tôi sẽ hoàn thành được trọng trách đề ra trong những bước phục vụ kế tiếp, để ngôi nhà Phật giáo Việt Nam mãi mãi sáng danh trong lòng dân tộc và cộng đồng nhân loại.

Chúng tôi xin chân thành tri ân chư tôn Thiền đức và quý vị cộng tác viên, phát hành viên, thân hữu, độc giả, Tăng Ni Phật tử đã ủng hộ cho Báo Giác Ngộ phát triển trong suốt hai mươi năm qua. Kính chúc quý vị thân tâm thường an lạc.

Báo GN số 121, ngày 01-01-1996

http://www.chuahuenghiem.net/thu-vien/sach/tu-tuong-phat-giao-1/nhin-ve-the-ky-21

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.