Ý Nghĩa Tu Gia Hạnh Phổ Hiền II

II. Ý nghĩa của sự khởi tu gia hạnh Phổ Hiền từ ngày thành đạo của Phật Di Đà là ngày 17 tháng 11 và kết thúc vào ngày thành đạo của Phật Thích Ca là ngày mùng 8 tháng 12

Đạo tràng Pháp Hoa khởi tu gia hạnh Phổ Hiền từ ngày 17 tháng 11 âm lịch và kết thúc ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch; vì Đức Phật Thích Ca bắt đầu vào Thiền định cũng đúng ngày Đức Phật Di Đà thành đạo. Và Phật Thích Ca an trụ trong Thiền định suốt ba tuần, đến ngày mùng 8 tháng12, Ngài đắc đạo.

Tu gia hạnh Phổ Hiền là gạch nối giữa thế giới thanh tịnh và thế giới không thanh tịnh. Thế giới Phật Di Đà thanh tịnh, còn thế giới Ta bà của Phật Thích Ca loạn động. Khi khởi tu, ai cũng cần hoàn cảnh thanh tịnh, nên cần nhập thất là tìm cảnh thanh tịnh để gá tâm vô, giúp cho mình dễ dàng được thanh tịnh. Thật vậy, nhờ đóng kín sáu giác quan, chúng ta tu thanh tịnh được; còn ở cảnh loạn động của Ta bà không có thanh tịnh. Tìm cái đẹp ở Ta bà rất mong manh, bất chợt thấy vui, nhưng niềm vui này không giữ được lâu.

Vì vậy, khởi tu gia hạnh Phổ Hiền, chúng ta phải đặt tâm ở thế giới thanh tịnh bằng cách mượn hạnh Phổ Hiền để dẫn chúng ta vào thế giới thanh tịnh; vì không có Phổ Hiền dẫn, chúng ta không vào được thế giới này. Phổ Hiền dắt chúng ta vào thế giới thanh tịnh, nghĩa là chúng ta nương theo hạnh Phổ Hiền vào thế giới thanh tịnh để thấy được cái đẹp là tướng chân thật của các pháp không sanh tử.

Ngài Phổ Hiền dạy rằng do tu mười hạnh Phổ Hiền mà vào thế giới thanh tịnh rồi thì bấy giờ, chúng ta đi khắp mười phương không chướng ngại; vì đi bằng tánh thanh tịnh, không phải đi bằng nghiệp. Đi bằng nghiệp thì đi đâu cũng khổ. Đi bằng nghiệp mà Phật nhắc là do nghiệp thọ sanh. Nghiệp ở ngay trong tâm mình, nên mang cái nghiệp này đi đâu cũng khổ. Hiện thân trên cuộc đời thì cuộc đời này là khổ; nhưng trong giấc chiêm bao cũng gặp khổ. Phật nói đó là từ nghiệp thức dẫn chúng ta sanh lại cuộc đời và từ nghiệp này, chúng ta tạo thêm ác nghiệp nữa, tức là tăng trưởng việc ác. Chúng ta làm ác thì chứa trong tâm thức cái ác này, nên ngủ mơ thấy ác và khi chết, đi thọ sanh cũng mang nghiệp thức này đi, sẽ khổ hơn nữa.

Quan trọng là phải xóa cho được nghiệp thức, nhưng nghiệp thức này là vọng nghiệp, không phải thật. Chúng ta tạo nên vọng nghiệp là ảo giác, giống như chiêm bao hay hoa đốm trong hư không, cảnh này không thật. Kinh Pháp Hoa nói trong tam giới không có sanh tử khổ đau buồn phiền; nhưng nghiệp này sinh ra là do tham, sân, si. Trong ba thứ độc hại này, chúng ta đoạn cái nào trước. Nếu đoạn trừ lòng tham trước, không còn bực tức, thì trí huệ sinh ra, là đi theo con đường thuận của giới, định, huệ.

Tuy nhiên, trong ba thứ độc hại này, si mê là chính. Không si mê thì không có cảnh tượng khổ, giống như nằm mơ thấy khổ, đến khi tỉnh thức thì khổ này mất. Thuở nhỏ, Thầy rất sợ chạy giặc, nên tâm sợ hãi này nhiều, thì trong giấc mơ thường thấy cảnh đánh nhau, thấy mình bị chết; nhưng tỉnh dậy, thấy còn sống, mừng quá.

Tam giới này không thật, chỉ là giấc mộng, hay cuộc đời này là giấc mộng. Chúng ta có giấc mộng con là ngủ mơ chúng ta thấy, thức dậy thì mất và giấc mộng dài là cả cuộc đời của chúng ta. Chúng ta sinh trên cuộc đời này là bắt đầu giấc mộng dài và chết là chấm dứt giấc mộng dài. Nhưng Phật nói chúng ta chết rồi, lại đi vào cõi mộng khác, từ cõi mộng này sang cõi mộng khác, hay nói đúng hơn, từ vô thỉ kiếp cho đến ngày nay, chúng ta đi lang thang trong các cõi mộng sanh tử. Chỉ khi nào thành đạo như Phật, mới chấm dứt giấc mộng dài, mà Phật diễn tả là nhận ra người chủ xây dựng ngôi nhà tứ đại ngũ uẩn này.

Chỉ có thành đạo, trí tuệ sinh ra, mới chấm dứt sanh tử và sống tự tại giải thoát hoàn toàn. Thật vậy, trí tuệ này làm chúng ta thấy được tất cả các kiếp quá khứ, tất cả các hiện tượng mười phương và biết rõ cả những việc tương lai. Ba đời hiện tại, quá khứ, vị lai đều thu lại trong một niệm tâm có trí tuệ và dùng trí tuệ này đi được khắp mười phương một cách tự tại.

Cuộc sống của con người có hai phần là sanh tử và không sanh tử. Đức Phật vì tâm đại từ bi mà Ngài vào thế giới sanh tử để cứu độ muôn loài và Bồ tát vào đời mượn cảnh huyễn để độ người trong mộng. Vì vậy, đi vào cuộc đời, các Ngài đóng đủ thứ vai trong các ngành nghề, kể cả đóng vai ăn mày hay đóng vai tội lỗi, nhưng Bồ tát có phải là người ăn mày thật hay là người tội lỗi thật hay không. Chúng ta phải nhìn vào con người thật mới phát hiện được tư chất Bồ tát. Ví dụ Đức Phật độ Vô Não đắc quả A la hán dễ dàng quá, để những người làm ác nhìn vào tấm gương đó mà dừng lại tội lỗi của họ. Còn con người thật của Vô Não là thánh thiện, con người ác là giả; nói cách khác, mượn vở kịch đóng vai ác để người khác trông thấy tu sửa mà thôi. Ví dụ có nghệ sĩ đóng vai ác trên sân khấu, ai thấy cũng ghét; nhưng người ác này đâu phải thật là họ. Chúng ta coi truyện Tây Du Ký thấy ghét Trư Bát Giới, nhưng đâu phải ông này thật là vậy. Người đóng vai trên sân khấu khác với người mang nghiệp thật.

Bồ tát thường mượn cảnh giả để độ người mê khiến họ phát tâm Bồ đề. Vì vậy, khi có Phật xuất hiện trên cuộc đời, chư Bồ tát cũng theo Phật để trợ hóa cho Ngài làm đạo; đó là cái thấy theo tinh thần Đại thừa.

Như Thầy đã nói, tu gia hạnh phải tìm tượng Phật mình thích nhất, có cảm giác như Phật nhìn và mỉm cười với mình là bước đầu để tạo độ cảm với Phật. Chúng ta thờ Phật, lạy Phật là gia hạnh đầu tiên, nhưng nếu thấy người lạy Phật, chúng ta cũng bắt chước lạy thì điều này hoàn toàn khác với cảm được Phật mà lạy. Cảm được Phật thì nghĩ là có Phật thật trước mặt để lạy. Trí Giả đại sư nói người lạy Phật để kết duyên khác với người có căn lành lạy Phật.

Người có căn lành nhìn Phật, nghĩ đến Phật, nên lạy Phật rất dễ thương. Người bắt chước lạy là mới kết duyên với Phật thôi, nên chưa có kết quả được. Còn người tu có kết quả là người đã có căn lành, do độ cảm tâm sâu sắc với Phật. Tệ hơn nữa là người tu mà trong lòng mong cho thời khóa mau chấm dứt, không muốn lạy Phật nữa. Người căn lành nhỏ thì kết quả ít, người có căn lành lớn gặt hái được kết quả lớn, tùy theo tâm mà có độ cảm khác nhau, tạo thành kết quả khác nhau.

Người thờ Phật và kính trọng Phật, lau dọn bàn thờ Phật sạch sẽ và trang nghiêm bông trái đẹp, khiến người nhìn thấy phải phát tâm tu. Không phải thờ Phật để người khác cúng trái cây mình hưởng lộc Phật. Từ tâm kính trọng Phật và coi như có Phật ngự ở đây, nên chúng ta quý trọng cái gì nhất, chúng ta đem dâng cúng Phật và trang trí bàn Phật đẹp. Thờ Phật để tạo độ cảm cho mình tiến tu; thờ Phật lấy lệ là không được. Lọ hoa phải thay nước và cắt gốc mỗi ngày, bỏ lá úa, để chúng ta nhìn cảm được, mới tạo được sự gắn liền giữa Phật với ta.

Tuy bàn thờ Phật là cảnh giả, nhưng nương theo cái giả này để dẫn chúng ta vào thế giới thanh tịnh, giống như chúng ta dùng Tivi để xem những cảnh họ dựng trên đài truyền hình. Trên bước đường tu, mượn những phương tiện như tượng Phật, chùa tháp, thuyết pháp để dẫn chúng ta vào thế giới Phật. Nhưng nếu chấp vào cảnh giả này, sẽ ở lại đây muôn đời.

Ngài Phổ Hiền nói trong một niệm tâm mà thấy được tất cả ba đời mười phương Phật và trong pháp hội của chư Phật mười phương cũng có hóa thân của chúng ta ở trong đó. “Ta” vừa nghe Phật Di Đà nói pháp mà cũng nghe được Phật Đa Bảo. “Ta” này là “Ta phân thân” đi mười phương, giống như Tề Thiên có một sợi lông của Bồ tát Quan Âm cho, nhưng từ sợi lông này mà phun ra một cái thì có vô số Tề Thiên. Cũng vậy, có bao nhiêu Đức Phật, chúng ta có bấy nhiêu hóa thân của mình tương ưng để thâm nhập nghe pháp.

Thật vậy, tu Pháp Hoa, chúng ta thâm nhập được tất cả thế giới Phật, không bị kẹt vào cục bộ ở một chỗ nào. Ở đâu có Phật, chúng ta hiện hữu ở đó. “Ở đâu có Phật”, hay ở trong kinh có Phật, chúng ta liền có hóa thân đến đó.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.