Đầu năm hướng về Tam bảo

Lời của một đại đức: “Nói Phật giáo cao nhất chưa hẳn đúng, mà những gì cao nhất chính là Phật giáo”. Con người sẽ thực sự lớn khi nâng tầm nhận thức về vũ trụ quan và nhân sinh quan, trong đó liễu thoát sanh tử là quan trọng nhất

Lời của một đại đức: “Nói Phật giáo cao nhất chưa hẳn đúng, mà những gì cao nhất chính là Phật giáo”. Con người sẽ thực sự lớn khi nâng tầm nhận thức về vũ trụ quan và nhân sinh quan, trong đó liễu thoát sanh tử là quan trọng nhất. Thế nên nếu ai gặp được Phật pháp, chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời họ. Đầu xuân năm mới, là sự khởi đầu cho một vòng quay của trái đất, là sự khởi đầu cho một vòng đời; đối với người Phật tử sẽ không gì quan trọng hơn việc lên chùa lễ Phật.

Đầu năm, đào mai đua nở, lộc non nhú trên những cành cây tưởng đã khô mục, đấy là biểu tượng cho sức nhẫn nhục tuyệt vời lấp lánh dưới bầu trời Phật pháp. Hãy đừng phương hại một con vật dẫu nhỏ nhất, hãy đừng làm gãy một nhành cây. Hãy chan hòa với sự sống vạn vật. Hãy lắng tâm nghe sơn hà đại địa và cỏ cây hoa lá cất tiếng chào mừng giữa không gian tràn đầy ánh sáng.

Tôi vẫn thường dẫn các cháu lên chùa vào những ngày Tết thay vì đến các điểm vui chơi rầm rộ. Chúng ta bây giờ đã bỏ qua một giai đoạn quan trọng trong đời người là “Thai giáo”. Thật diệu kỳ biết bao khi thai nhi ngày đêm được nghe hồng danh đức Phật, được nghe kinh Địa Tạng để tẩy trừ bớt nghiệp chướng trong đời quá khứ. Một đứa trẻ vừa lớn lên, được mẹ cha thường dẫn lên chùa sẽ là vốn quý vô ngần. Một đứa trẻ nếu không được giáo dục trên tinh thần của đạo Nho và cao hơn là đạo Phật, sẽ khó hoàn thiện mình trong tương lai. Câu “A Di Đà Phật” một phen vào tai ấy là mầm giống quan trọng nhất trong đời. Hạt giống ấy sẽ có một ngày tách vỏ hướng về ánh hào quang của Phật như một mầm xuân mụ mẫn giữa đất trời.

Chùa chính là mái hiên vĩnh cửu che chắn mỗi phận đời trong thăm thẳm tháng ngày. Đầu năm được gặp Phật lễ Phật, được gặp quý Thầy lại còn được nghe giảng pháp thì không phước báu nào lớn hơn. Nhiều gia đình ở ngay bên chùa song Phật pháp vẫn là một “món” gì đó rất xa lạ. Chính là do phước duyên của họ ở tiền kiếp quá mỏng, hay nói khác đi là do nghiệp lực che mờ. Con thỏ nếu phải đeo kính râm thì củ cải nào cũng là cà rốt. Tin hay không tin có thế giới Tây phương Cực lạc đang chào đón bất cứ ai sanh về, chính là thể hiện người ấy đời trước gieo thiện căn cạn hay sâu. Nếu niềm tin của chúng ta còn cạn, thì năng đến chùa nghe pháp nhiều thêm, năng niệm Phật và lạy Phật. Lúc ta lạy Phật mà tâm chỉ xoay vòng câu “A Di Đà Phật” và đầu không xen tạp niệm, thật khó cách tu nào thù thắng hơn.

Lễ Phật ở chùa (hay lễ Phật tại gia) là nét văn hóa tâm linh viên mãn. Lạy Phật để xả bỏ cái ngã chất ngất của mình. Lên chùa không phải để cầu xin. Bởi Phật sẽ không cho chúng ta thứ gì ngoài phương tiện cứu cánh đệ nhất. Chúng ta cầu xin Phật mà không rốt ráo làm theo lời Phật dạy cũng chẳng khác tín đồ ngoại đạo. Khi một ai dơ tay lên cầu xin Phật thì ngài sẽ cười và cầm bàn tay của người đó quay về phía họ: “Phật là con sao còn cầu Ta”. Chính vậy, trong mỗi người đều có Phật tánh. Trong chúng ta cũng có ma tánh, quỷ tánh và vân vân tánh, tạm gọi là “giặc cỏ”. Chúng ta hãy dùng câu Phật hiệu kết lại thành phiến để phủ lên; lâu ngày loài “giặc cỏ” sẽ què quặt và chết, tâm sẽ hiện ra Phật tánh sáng ngời.

Lạy Phật – Niệm Phật, bởi từ lâu ta cứ tưởng mình thông minh, tài giỏi lắm; từ lâu cứ tưởng mình hơn người, nắm trọn tri thức nhân loại, mà thực chất toàn là vọng tưởng. Lạy Phật để thấy mình sao quá u mê. Nay từ trong lầm lạc được Phật chỉ ra con đường sáng, thật muôn lần đội ơn sâu dày. Ở Vạn Phật Thánh Thành, ai muốn trở thành đệ tử của Hòa thượng Tuyên Hóa, thì trước hết phải lễ Phật đủ một vạn lạy, cũng là muốn cho cái ngã của người đó sụp xuống. Nếu ngã [tâm] vẫn sân hận, vẫn ganh ghét hơn thua, vẫn gồng mình lên trước những trái khoáy, vẫn chạy theo ta bà thị phi nhơn ngã thì dẫu tu đến đầu bạc răng long Phật cũng không thể ban cho ta Vô Lượng Thọ để tự tại phiêu du trong dòng thời gian bất tuyệt. Và mỗi mùa xuân đến, khác gì ta bước gần hơn cái hố sâu thăm thẳm mong chi được cứu rỗi.

Mùa xuân, hoa cỏ đua nhau khoe sắc. Con người cũng khoác lên mình những bộ cánh đẹp nhất, góp phần tô điểm cuộc đời thêm tươi đẹp. Các đại lão Hòa thượng đã khuyên nhủ: Chúng ta có thể dùng thành quả chân chính dâng lên chư Phật. Nhưng quý giá nhất vẫn là cúng dường Tam bảo công phu tu tập của mình. Những khám phá vĩ đại bậc nhất của khoa học đã khiến nhân loại kinh ngạc. Càng kinh ngạc hơn khi phần lớn trong số đó vô tình chứng minh lời Phật cách gần ba ngàn năm về trước. Mới hay con người thật nhỏ bé, và sẽ biến mất nếu không nương mình dưới ánh hào quang của Phật.

Hãy quên đi năm cũ với bao phiền muộn. Hoặc nếu chúng ta đứng cao nhất trong loài người thì cũng nên biết một ngày không xa quả địa cầu này sẽ tàn hoại. Những bước chân đầu tiên của năm hướng về Tam bảo, là ta rút ngắn thêm con đường hướng về nước Phật. Tiếng chuông chùa vẫy gọi, Tâm Kinh đang vẫy gọi những ai mở kho tàng tự tánh vốn dung chứa tất cả những gì có trong vũ trụ. Hướng về Tam bảo chính là nhận diện đúng nhất giá trị kiếp người giữa hư không tận pháp giới.

Hồ Dụy

http://phathoc.net

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.