Điếu Văn

Dọng ơi,

Thời gian qua nhanh quá, chúng mình đã đám cưới 56 năm rồi. Gặp nhau lần đầu là ngày không quân tổ chức “Ngày Tổ Quốc và Không Gian”, em thích vẻ hào hùng và bất cần cuả người phi công phản lực.

Hình ảnh đặc biệt của các anh phản lực cơ với chiếc áo bay màu cam và khăn choàng cổ màu tím nhạc. Trên ngực và vai áo đeo không biết bao nhiêu là dấu hiệu, cờ tổ quốc và không gian, không đoàn, phi đoàn, tên, cấp bực..v..v..

Bên hông đeo cây súng lục, băng đạn và một cái dao găm nhỏ. Khi em hỏi, anh trả lời để gọt trái cây cho các người đẹp ăn.

Anh đã giữ đúng lời hứa cùng gia đình em. Cưới nhau rồi, anh sẽ sống vì vợ vì con, bỏ lại sau lưng tánh lã lướt cuả những mối tình ngắn như hai câu thơ mà ai yêu phi công đều thuộc:

“Đời phi công không bao giờ chung thuỷ

Mỗi đường bay lỗi một cánh hoa yêu.”

Lấy chồng thời chinh chiến, mạng sống anh thật mỏng manh. Mỗi buổi sáng từ giã, mình ôm nhau thật chặc trước khi anh lên đường đi bay. Bởi chúng mình đều biết rằng có thể chiều anh không về nữa, và anh sẽ gãy cánh bất cứ lúc nào. Những phi vụ mà anh không về đúng hẹn, anh đều tìm đủ mọi cách để liên lạc cùng em cho em yên lòng là anh còn sống.

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.

Cuộc sống người phi công chiến đấu mong manh quá, nên chúng mình trân quý từng ngày ở bên nhau. Anh lo lắng cho em từng tí, mỗi lần phải đi xa ở nước ngoài một thời gian dài là anh đi gởi gắm em cho tất cả người thân, thậm chí anh dặn dò cả má em và bác xích lô chở em đi làm. Rồi vận nước nổi trôi, anh đi tù miền Bắc em ở laị ngác ngơ. Mất nước tan nhà, mất tất cả gia tài.   Bên em chỉ còn hai con nhỏ, đêm đêm em nằm giữa, cột hai tay em vào hai tay con, vì đó là gia tài to lớn nhất của em, em sợ nó biến mất. Nhưng rồi em đã vượt qua tất cả, bởi biết rằng ở nơi nào đó trong tù còn có anh đang lo lắng, đang nghỉ về con và vì hai con nên em bắt mình phải sống, và sống thật tử tế. Sống như người đàn bà Việt Nam thuần tuý. Chờ chồng! Nuôi dạy con! Săn sóc cha mẹ chồng! Để ngày nào đó gặp lại, cầm tay nhau lòng không chút thẹn lòng. Sống để có ai nhắc đến tên mẹ, các con hãnh diện tự hào về mẹ mình. Anh đi tù, lúc đó cuộc sống em quá khó khăn, nên em không thể dẫn con thăm anh tận miền Bắc xa xôi. Mẹ con em nhịn ăn, mua từng món để dành, đợi lúc được phiếu gởi quà là gói ghém nhanh để gởi cho anh.

Có lần mua bịt kẹo. Đến ngày gởi quà em kiểm lại các thứ, thấy bịt kẹo vơi đi một nửa mà không thấy dấu mở từ đâu. Em kêu hai con vào hỏi. Bé Ly nói không lấy. Tiến lặng im! Tánh Tiến biết lỗi thì im lặng không bao giờ nói láo. Em hỏi Tiến: ” Tiến lấy kẹo cách nào mà không dấu vết?” Tiến nói: “Con lấy cọng nhang châm vào một lỗ, lúc nào thèm quá thì nặn ra 1 cục kẹo thôi”.

Em thương Tiến đứt ruột! Muốn ôm con xin lỗi vì mẹ quá nghèo, không lo cho con đầy đủ. Nhưng em phải cứng để dạy con cái tội không xin mà lấy. Em bắt Tiến nằm xuống và đánh một roi thật mạnh vào mông. Tiến không khóc còn đứng dậy xin lỗi em.

Bao năm nay em để việc đó trong lòng, nói ra sợ anh buồn. Nay, trước linh sàn anh, em nói ra và phải xin lỗi con. “Me xin lỗi con, Tiến ơi!” Lúc đó lòng me tan nát, con là máu, là thịt, mà cũng là lẽ sống của me. Nhưng vì không có ba một bên, me vừa phải đóng vai me và đóng vai ba, nên cứng rắn cùng các con.

Sau 8 năm, anh được thả tù về, mình gặp nhau. Ba ngày sau, anh đưa Tiến và Phong đi vượt biển. Em ở lại chờ tin tức, nếu anh bị bắt thì em phải thăm nuôi. May mắn là anh thoát, nên em dẫn bé Ly, con gái mình vượt biên theo.

Gia đình mình đoàn tụ ở Úc sau 9 năm xa cách, mừng mừng tủi tủi.

Anh vừa cảm ơn vừa xin lỗi em. Anh cám ơn em là đã thay anh lo cho cha mẹ, nuôi dạy các con và chung thủy chờ anh. Nhưng anh lại xin lỗi em vì anh mong mình đổi tình vợ chồng thành tình bạn đạo. Anh nói 8 năm trong tù, anh may mắn hiểu được chút ít Phật Pháp, anh muốn hướng em về đường tu, và sẽ đền bù tất cả những gì em chịu đựng trong thời gian không có anh bên cạnh.

Anh đã làm tất cả các việc. Từ việc giao tiếp bên ngoài cũng như tất cả việc nhà. Anh nói anh muốn em sống thật đầy đủ và hồn nhiên như ngày mình gặp nhau lần đầu. Anh từng nói: ” Anh cưới em không phải vì nhà em quá giàu, mà vì sự vô tư của em”. Anh dạy em Phật Pháp. Mỗi đêm anh đều đọc cho em nghe một đoạn trong Kinh. Từ Hoa Nghiêm cho đến lời Phật dạy. vv…vv…Đến đoạn nào em không hiểu là anh giảng cho em hiểu rõ ràng.

Mỗi sáng anh thức dậy thật sớm. Sau thời Kinh là anh ra phố, mua các thứ mà em rất thích. Nên em vừa ngủ dậy là có tất cả trên bàn ăn. Mỗi chiều anh đều nhắc nhở: ” Hết giờ ngắm hoa rồi! Vào sửa soạn đi chùa”.

Mình cùng đến chùa Hoa Nghiêm từ lúc chùa mới thành lập cho đến hôm nay trên đà phát triển, Hoa Nghiêm đã vươn cao để góp phần mở mang đức trí ở phương trời hải ngoại. Không đêm nào mình vắng mặt, dù trời mưa to hay gió rét lạnh căm. Anh thường dặn em đến chùa để tập tánh tốt của Phật, đừng ham danh ham lợi. Hãy rời tánh xấu của mình từ từ như lột bẹ chuối vậy. Sẽ có một ngày nào đó, em tìm ra ông Phật trong tâm em.

Những ngày anh bệnh, em đã tập làm tất cả các việc mà từ lâu anh đã làm. Lúc đau, anh dạy em tánh nhẫn nhục, chịu đựng và mở tâm từ. Bây giờ anh yên lòng mà về cùng Phật.

Đối với tổ quốc Việt Nam, mỗi ngày anh đem thân mạng mình để bảo vệ từng tấc đất của quê hương.

Đối với xã hội Úc, anh là người công dân tốt!

Đối với đạo Pháp, anh là một Phật tử, thể hiện tinh thần của người làm Bồ Tát hạnh, bằng cách đóng góp hết sức mình trong Phật sự.

Đối với các con, anh là người cha gương mẫu!

Đối với các cháu, anh là người ông tuyệt vời!

Đối với vợ, anh là người chồng tốt, mà cũng là người anh và người bạn đạo đã dìu dắt em trên con đường đời và đường đạo.

Xin cám ơn anh! Cám ơn anh đã đến trong cuộc đời em!

Anh yên trí mà ra đi. Em vì anh mà sống thật mạnh khỏe. Một lần nữa em thay anh thương yêu, chăm sóc, dạy bảo các con các cháu.

Xin vĩnh biệt anh!

Diệu Ngọc

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.