Thế Giới Cực Lạc – Phân tích ứng dụng kinh A Di Đà

Khi một hành giả tu Tịnh độ chuyển hoá tận gốc rễ tham ái, hận thù và si mê, gieo trồng vạn thiện công đức: phụng sự xã hội và con người trên tinh thần vô ngã vị tha thì việc sanh về Tây phương không còn quan trọng nữa. Lúc ấy, hành giả đang sống trong cõi Ta Bà với chất lượng cuộc sống của Tịnh độ. Nói cách khác, với chất liệu và chất lượng cuộc sống như vừa nêu, hành giả có mặt ở đâu thì nơi đó được xem là Tịnh độ trần thế. Sau khi phân tích kinh, tác giả đã khẳng định không có yếu tố tha lực trong kinh A-di-đà, dầu chỉ là nghĩa ám chỉ. Theo đó, có thể sự khác biệt căn bản giữa pháp môn Tịnh độ trong kinh A-di-đà và pháp môn Tịnh độ của các vị Tổ sư về tông này. Tu Tịnh độ theo kinh A-di-đà dù có phần khó hơn so với Tịnh độ của các vị tổ sư, nhưng kết quả của sự tu tập và xây dựng Tịnh độ nhân gian khi còn sống và vãng sanh Tịnh độ sau khi qua đời có đảm bảo và chắc chắn hơn. Đó chính là những đóng góp của tác phẩm này.

Hạ tải phiên bản PDF của sách “Thế Giới Cực Lạc – Phân tích ứng dụng kinh A Di Đà” ở phần đính kèm bên phải.

Mục Lục

Pháp hội và bản chất Tịnh Độ

Tiểu Kinh A Di Đà

Đối tượng pháp hội

Cảnh giới Tây phương

Con đường sanh về Tịnh Độ

Thiết lập Tịnh Độ ở ta bà

Sinh thái và sinh hoạt Tịnh Độ

Tâm linh ở Tịnh Độ

Hạ tầng cơ sở

Mô hình sinh thái

Ao thất bảo và nước tám công đức

Hoa sen bảy báu

Nhạc trời và mưa hoa

Nhặt hoa cúng dường

Ăn trong tỉnh thức

Pháp âm nhiệm mầu

Cư dân cõi Tịnh Độ

Điều kiện vãng sanh

Danh hiệu của Phật A Di Đà

Làm bạn bậc trí

Giá trị của khuyến tấn

Điều kiện vãng sanh

Yếu tố hỗ trợ vãng sanh

Nghệ thuật tán dương

Bản chất của sự tán dương

Nghệ thuật tán dương của Phật Thích Ca

Nghệ thuật tán dương của của chư Phật

Như Lai – Bậc hy hữu trong loài người

Ngũ trược ở cõi Ta bà

Học hạnh tuỳ hỷ của chư Phật

Tông chỉ niệm Phật

Giá trị niệm Phật

Phương pháp niệm Phật

Nắm lấy danh hiệu Phật

Chánh niệm tỉnh thức

Thể nghiệm nhất tâm

Thể nghiệm bất loạn

Xa lìa vọng tưởng điên đảo

Viên kim cương tâm linh

Vượt qua hình ảnh trước cửa tử

Visa nhập cảnh cõi Tịnh Độ

Phụ lục

Kinh A Di Đà

Chương 1: Pháp hội và bản chất Tịnh Độ

TIỂU KINH A-DI -ĐÀ

Trong nền văn học của Tịnh Đoä tông có ba bản kinh quan trọng: kinh A-di-đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh Vô Lượng Thọ.

Nhìn chung, ba bản kinh Tịnh độ tông nhấn mạnh về phương pháp quán tưởng, phước báu và công đức tu tập hành trì dựa trên nền tảng của sự phát nguyện. Nói cách khác, quán tưởng và hành trì dựa trên sự phát nguyện là hai yêu cầu căn bản cho tất cả các hành giả chuẩn bị cho mình một hành trang của an vui và  hạnh phúc.

Kinh Vô Lượng Thọ giới thiệu khái quát bốn mươi tám lời nguyện của đức Phật A-di-đà khi Ngài còn tu hạnh Bồ-tát. Bốn mươi tám lời nguyện đó được xem là một trong những tiêu chí dấn thân quan trọng về Bồ-tát đạo đối với các hành giả Tịnh độ tông nói riêng và hành giả Phật giáo nói chung. Từ nguyện ước dẫn đến hành động tiến trình đạo đức quan trọng. Khi làm một việc nào đó, lời phát nguyện trở thành động lực dẫn đạo ta thực hành. Nó có ý nghĩa cao hơn sự hứa hẹn, vì dựa trên nhận thức sáng suốt về các giá trị lợi lạc và lợi ích của bản thân.

Kinh Vô Lượng Thọ được đức Phật giảng dạy cho hoàng hậu Vi-đề-hi về mười sáu phương pháp quán của đức Phật A-di-đà và các vị thánh chúng. Phương pháp quán tưởng này giúp ta xác lập niềm tin chân chánh, lập trường hành trì và nhờ đó đạt được trạng thái hạnh phúc, an vui.

Kinh A-di-đà còn được gọi là Tiểu Bổn A-di-đà kinh. Bản kinh này được xem là bản toát yếu nội dung của Vô Lượng Thọ kinh, giới thiệu một cách khái quát về bản chất thế giới Tịnh độ, các phương pháp hành trì căn bản để đạt được nhất tâm bất loạn, từ đó hội đủ điều kiện vãng sanh về thế giới an lành của đức Phật.

Kinh A-di-đà còn được gọi là kinh Chư Phật Hộ Niệm hay Nhứt Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm kinh, lấy sự tích mười phương trong ba đời chư Phật, vận dụng phương tiện tán thán, ca ngợi hạnh nguyện dấn thân của đức Phật Thích Ca làm đạo thành công ở cõi Ta bà và hóa độ chúng sinh hiệu quả; nhất là truyền bá pháp môn Tịnh độ tuy đơn giản nhưng rất có chiều sâu. Từ đó, bản kinh này còn gọi là Kinh Chư Phật Hộ Niệm, nghĩa là các đức Phật đều tán thán và bảo hộ cho người thọ trì pháp môn Tịnh độ và kinh này còn được gọi là kinh Thế giới Cực Lạc.

Kinh này mô tả nội dung thế giới vật lý của Tịnh độ, thế giới nội tâm của các cư dân Tịnh độ, con đường hành trì và sinh hoạt ở Tịnh độ. Do đó, có thể gọi kinh này là Kinh giới thiệu về pháp môn Tịnh độ tông.

Kinh này có nội dung thật ngắn gọn nhưng ẩn chứa biểu tượng triết lý sâu xa theo Phật giáo Đại thừa với hai lớp ý nghĩa cần phải lưu tâm. Nếu tiếp cận kinh A-di-đà dưới lớp ý nghĩa trắng đen, ta thấy đây là Tịnh độ vật lý, tuy vẫn thiết lập được niềm tin pháp môn hành trì, nhưng giá trị lợi lạc lại không cao.

Lớp ý nghĩa thứ hai bên cạnh sự mô tả vật lý, đòi hỏi ta phải hiểu chiều sâu của tâm, với khả năng ứng dụng và hành trì, đặc biệt là vận dụng các kỹ năng lý giải để hiểu thấu về thông điệp sâu lắng mà đức Phật không nói bằng ngôn ngữ thông thường.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao các kinh điển Đại thừa thường được mô tả dưới lớp ý nghĩa biểu tượng? Là bởi nó ảnh hưởng văn hóa, ngôn ngữ và triết học của Ấn Độ. Nói cách khác, văn chương và triết học của người Ấn Độ không thích nói theo nghĩa đen chữ trắng, mà phải nói theo nghĩa bóng bẩy, đòi hỏi đến kỹ năng giải mã của con người. Kinh điển Phật giáo cần đến kỹ năng giải mã triết lý, để kích thích sự tìm hiểu và hành trì nội tâm.

Nội dung kinh này rất sâu vì mỗi khái niệm của kinh đều ẩn chứa hai nội dung đen và bóng. Khi hiểu theo nghĩa đen cũng có giá trị lợi lạc, và hiểu theo nghĩa bóng thì giá trị lợi lạc càng cao hơn. Tầm quan trọng của kinh này nằm ở chỗ nó được sử dụng đọc tụng hàng ngày trong các ngôi chùa thuộc Tịnh độ tông. Nếu không có thời gian nhiều trong các khóa tu, hành giả chỉ cần thọ trì kinh A-di-đà và rút gọn toàn bộ nền văn học Tịnh độ tông lại bằng sáu chữ, đó là danh hiệu của đức Phật A-di-đà cũng đủ thâu tóm được bản chất “nhất tâm bất loạn”, được xem là một trong những nghệ thuật tu tập Thiền quán căn bản của Phật giáo.

Kinh A-di-đà được sử dụng là bản dịch chữ Hán của ngài Cưu-ma-la-thập. Sở dĩ chúng tôi chọn bản dịch này, là bởi chữ nghĩa của nó khúc chiết theo cấu trúc tứ tự. Cấu trúc tứ tự về mặt văn chương tuy khó dịch nhưng lại chứa đựng nghĩa lý khá sâu sắc, chữ ít nghĩa nhiều và nội dung cao siêu. Nó có khả năng thôi thúc các đọc giả và người hành trình tìm kiếm các nội dung ẩn chứa bên trong. Ngoài ra, cấu trúc này có thể giúp thiết lập nhạc điệu trong tụng trì, ví dụ, gieo cước vận theo chẵn như 2, 4, 6, 8 và các câu lẻ ăn vận theo câu lẻ như 1, 3, 5, 7. Sự ăn vận theo trắc và bằng trên làm cho tính nhạc điệu của bản văn được tăng cường.

Bản tiếng Việt của chúng tôi cũng tuân thủ cấu trúc này một cách trung thành. Ngoài một số tình huống, danh hiệu của đức Phật dài có thể là sáu hay bảy âm tiết thì đành chịu, còn tất cả các câu còn lại đều sử dụng theo cấu trúc bốn chữ. Lý do của nó sẽ được trình bày trong phần mô tả về bản chất sinh thái và đời sống hàng ngày ở Tây phương, với nhiều âm thanh tạo ra pháp âm vi diệu bắt nguồn từ tiếng gió thổi, thông reo, suối chảy, mây bay và chim hót líu lo. Bản chất của những âm thanh này là một nhạc điệu hay một bản hòa tấu thiên nhiên. Do đó, giữ được cấu trúc nhạc điệu trong thể tứ tự sẽ giúp tăng cường được giá trị của việc đọc tụng, thọ trì và tạo niềm tin cao hơn.

ĐỐI TƯỢNG PHÁP HỘI

Khởi đầu của bản kinh này là sự mô tả về pháp hội thù thắng tại Kỳ Viên do trưởng giả Cấp Cô Độc phát tâm hiến cúng. “Pháp hội lúc bấy giờ có khoảng 1250 vị Tỳ kheo xuất chúng, trong đó có nhiều vị là bậc đại A-la-hán danh vang khắp chốn”. Con số biểu tượng được sử dụng mô tả các vị thánh A-la-hán trong các bản văn Phật giáo thường là 1250 vị. Sở dĩ xuất hiện con số biểu tượng này là vì sau sáu tháng khi Thế Tôn thành đạo, số lượng người xuất gia đã tăng lên nhanh chóng, khiến cho những người theo các tôn giáo khác nhất là Bà-la-môn giáo phải sửng sốt và kinh ngạc. Các giáo sĩ, nhà hiền triết, nhà minh triết, nhà tôn giáo và các nhà tâm linh Bà-la-môn đã từ bỏ tôn giáo của họ để đến với đạo Phật; sau này họ đều trở thành những nhà hoằng pháp lỗi lạc của đức Phật. Trong số đó, phải kể đến là 1000 vị đệ tử của ba anh em Ca-diếp, người anh hai có 500 vị đệ tử, anh ba có 300 vị và em út có 200 vị. Sau đó, Thế Tôn đã độ hai huynh đệ Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, nâng tổng số lên 1200 vị; và kế tiếp, Ngài độ thêm những người bạn của ông Da-xá với số lượng là 60 vị; tổng cộng con số chính xác là 1260 vị, nhưng trong các bản văn thường dùng con số tròn là 1250. Chỉ trong vòng sáu tháng, con số đã tăng lên đáng kể, và trong lịch sử phát triển của đạo Phật, con số này đã gia tăng đến mấy mươi ngàn vị tu sĩ Phật giáo.

Nếu có dịp đọc pháp hội Đại-Ca-diếp trong kinh Đại Bảo Tích, sẽ thấy sự kiện rất nhiều người xuất gia tập thể gồm cả ngàn người, hoặc thậm chí là hơn thế nữa. Các bản kinh vẫn trung thành với con số biểu tượng 1250 vị cho dễ nhớ, và đặc biệt trong số đó có mười vị là đại đệ tử của đức Phật với mười sở trường khác nhau.

-Tôn giả Xá-lợi-phất nổi tiếng về trí tuệ đệ nhất. Nhờ trí tuệ ngài đã trở thành “ Tướng quân chánh pháp”, là cánh tay phải đắc lực, giúp hoạch định kế sách làm đạo thành công dựa trên nền tảng đa văn hóa, tôn giáo và chính trị của Ấn Độ. Nếu thiếu Xá-lợi-phất thì Tăng đoàn không thể phát triển mạnh.

– Tôn giả Mục-kiền-liên có sở trường vận dụng nhiều phép thần thông mầu nhiệm như tha tâm thông, thần túc thông v.v… để chinh phục những người cao ngạo, ích kỷ, bỏn xẻn. Đối với những người có bản ngã quá lớn thì nhà hoằng pháp phải hơn họ một cái đầu về mặt tâm linh, thần bí, giá trị, năng lực thì mới có thể thuyết phục và khuyến khích họ trở thành Phật tử.

– Tôn giả Đại-Ca-diếp nổi tiếng là nhà giáo mô phạm hay một nhà đạo đức kiểu mẫu. Suốt cuộc đời, ngài tu tập khắc khổ và không có thái độ nghĩ rằng mình hơn những người đi trước hoặc hơn những người đi sau. Lúc nào ngài cũng một mực khiêm hạ và dẫn đầu trong công tác Phật sự, dấn thân. Ngài được xem là một người anh cả của Tăng đoàn lúc ấy.

– Tôn giả Ca-chiên-diên nổi tiếng về khả năng sư phạm học, văn học, từ vựng, cú pháp, và các ngữ điệu biểu đạt. Ngôn ngữ biểu đạt của ngài phù hợp với giới tính, tuổi tác, và môi trường của người thuộc các tôn giáo khác, người chưa theo tôn giáo, hoặc người theo Phật giáo đã lâu. Nói chung, ngài nắm rõ căn tánh và trình độ của từng đối tượng khác nhau để có cách thuyết pháp thích ứng cho từng trường hợp, và không ai có thể thuyết pháp hơn ngài Ca-chiên-diên ngoài đức Phật.

– Tôn giả Câu-hy-la giỏi về phương pháp vấn đáp. Tuy ngài không có sở trường thuyết pháp như ngài Ca-chiên-diên nhưng có khả năng đối đáp và giải quyết một cách lão thông các vấn nạn thuộc trường phái triết học, tôn giáo học lúc bấy giờ. Ngài có khả năng ứng đối siêu tuyệt với cách trả lời ngắn gọn, súc tích, có chất dẫn đi vào chiều sâu tâm linh của con người, khiến nhiều người rất khâm phục và đi theo đạo Phật. Điều này cho thấy đây là người có khả năng nội tâm lớn. Ngôn ngữ nội tâm khác với ngôn ngữ học thuật, vì ngôn ngữ học thuật có thể lưu loát về văn chương nhưng lại thiếu chất dẫn của nội tâm. Văn chương của hành trì tuy đơn giản, gãy gọn, ít chữ, không bóng bẩy nhưng lại có sức thuyết phục rất cao.

– Tôn giả Ly-bà-đa nổi tiếng về hạnh không điên đảo. Ngài có cái nhìn xác quyết, sự dấn thân và con đường lý tưởng chính xác và rõ ràng. Những ai mất phương hướng, nặng về thái độ do dự, bồn chồn, băn khoăn hoặc không dứt khoát, khi đến gặp ngài thì tất cả những mộng tưởng điên đảo tan biến mất. Đây là người có định lực cao, chỉ cần một cái nhìn cũng đủ thể hiện cái uy. Tiếp xúc với những người như vậy, tâm sẽ thanh thản, vững chãi.

– Tôn giả Châu-lợi-bàn-đà xuất thân từ một người không biết chữ nghĩa, ngay cả chữ cái ngài cũng không thuộc và khi ráp chữ lại càng khó hơn. Nhờ đức Phật hướng dẫn có phương pháp, ngài học được hai từ “quét nhà” và “quét rác”. Từ động tác quét nhà, ngài liên hệ đến động tác quét rác của tâm, quét những phiền não, nghiệp chướng và tất cả những loại rác tiêu cực của cảm xúc ra khỏi não trạng nhận thức. Nhờ ứng dụng phương pháp quán tưởng vật lý liên tưởng đến tâm lý và hành trì, ngài đã chứng đắc đạo quả và trở thành liễu nghĩa số một. Sau khi giác ngộ, những giáo lý sâu xa huyền diệu của Thế Tôn, ngài đều hiểu nghĩa sâu sắc, giống như Lục tổ Huệ Năng của Trung Quốc.

– Tôn giả Nan-đà có dung hạnh giống Thế Tôn, ngoại hình đẹp và bảnh trai hơn cả ngài A-nan-đà. Nhờ dung mạo trang nghiêm, đỉnh đạc đó mà ngài đã tạo ra sự thu hút khá nhiều trong quần chúng. Người ta cho rằng ngài Nan-đà phải là người tu hành trang nghiêm nên mới biểu đạt được lời nói từ tốn và nhẹ nhàng, mỗi bước chân đi của ngài đều có chất liệu của sự an lạc và thảnh thơi, mỗi hành động của ngài đều chứng tỏ được đây là con người vững chãi. Ai cũng cảm nhận dung mạo của ngài là một bài thuyết pháp bằng hành động qua thân giáo. Ngoại hình của ngài Nan-đà gíông như dung nhan của đức Thế Tôn. Sau khi Thế Tôn qua đời, thỉnh thoảng có người khi nhớ tới đức Phật thì tìm đến và quan sát dung nhan của ngài Nan-đà. Khi nhìn ngài Nan-đà thì niềm tin đối với Thế Tôn được xuất hiện, nhờ đó chánh pháp cũng được thiết lập và hành trì.

– Tôn giả La-hầu-la nổi tiếng về mật hạnh. Những ai đánh giá về hành động biểu đạt bên ngoài của ngài sẽ dễ bị sai lầm, vì những hành động đó ẩn chứa nội hàm tâm linh sâu sắc, đòi hỏi phải là người có tuệ giác cao sâu mới có thể thấu hiểu. Do đó, đừng nên đánh giá con người thông qua chủ nghĩa hình thức vì có những người tuy bình dân, giản dị, chẳng có tướng hảo, nhưng bên trong lại ẩn chứa nhiều viên ngọc quý về tuệ giác, lòng từ bi, con đường dấn thân và tinh thần vô ngã vị tha. Ngài La-hầu-la đóng vai trò là “Phật vàng”, quan sát bên ngoài tuy chẳng có gì, nhưng bên trong lại chứa đựng cả một kho tàng giá trị. Khi được tiếp xúc với những người như vậy, ta không còn bị uy danh của chủ nghĩa hình thức hoặc ngoại hình chinh phục và ta sống có chiều sâu về nhận thức.

– Tôn giả Kiều-phạm-ba-đề nổi tiếng được chư Thiên ở các hành tinh cúng dường và tán thán. Mỗi khi cần đến sự thuyết pháp ở những hành tinh khác thì ngài Kiều-phạm-ba-đề thường được đề cử đi, vì ngài có cách diễn đạt nội dung khá đặc biệt, và các chư thiên cảm thấy thích hợp nên thỉnh mời ngài.

– Tôn giả Tăng-đầu-lô có nhân duyên với chúng sanh ở cõi Ta bà. Nơi nào có trai tăng, người ta thường mời ngài đến. Các trai đường của các ngôi chùa Bắc tông ngày xưa đều thờ ngài, và trước khi ăn cơm, người ta cũng thường cúng dường ngài. Ai có hạnh dấn thân, tạo cơ hội cho quần chúng gieo trồng phước báu bằng cách dự các lễ trai tăng thì được xem đó là các vị cao tăng có hạnh Tăng-đầu-lô. Dĩ nhiên, đến dự các lễ trai tăng không phải để nhận những phẩm vật cúng dường mà còn để tạo cơ hội gieo trồng phước báu cho người khác. Các phẩm vật đó trở thành phương tiện và công cụ để giúp đỡ cho những người bị thiếu thốn.

Trước đây, ở quận 8 có Hòa thượng Thiện Năng được xem là hậu thân của ngài Tăng-đầu-lô. Ngài có hạnh khiêm hạ, đức độ cao dày, tướng hảo đoan trang. Những lời giáo từ, đạo từ trong Trai tăng của ngài có chiều sâu tâm linh và ai cũng muốn thỉnh ngài đến để cúng dường Trai tăng. Trước khi qua đời, ngài đã làm đại lễ Trai tăng cho những người xuất gia và mời hết tất cả những vị Tăng ở khắp Sài Gòn, từ Hòa thượng cho đến chú Tiểu đến để cúng dường đồng đều không phân biệt. Tất cả những gì ngài có được trong mấy mươi năm thọ trai cúng dường ấy, ngài đều cúng dường lại hết cho tất cả mọi người có nhu cầu làm Phật sự.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.