Vài Ý Niệm Về Gia Trị Đời Ngườ Sau Ngày Thọ Đại Tang

Tuy không được may mắn bẩm sinh có tính đại hiếu và nhiều giới đức, Ân Đức như Đức Thế Tôn và các bậc Cao Tăng thời xưa vậy mà không hiểu sao căn cơ thiên duyên nào đã thu xếp cho tôi được một thời gian quá tĩnh lặng và yên ổn để có được nhiều tuần dụng công tu tập, tư duy quán chiếu mình đem những điều thu thập trong nhiều năm qua nơi Chùa và ngoài xã hội làm kinh nghiệm quý giá để thực hiện trọn vẹn việc cầu siêu và hồi hướng cho mẹ mình một cách trọn vẹn đủ 49 ngày và nếu có thể được hơn là 100 ngày.

Một cô bạn thân, tánh hay nói thẳng dù không có ý phê phán hay chỉ trích gì về khả năng tu tập và hồi hướng công đức của tôi đã thốt lên như sau “Chị làm như mình đã giác ngộ rồi vậy, làm sao mà mình có thể hồi hướng công Đức cho thân nhân bằng các Sư Tăng được“…

Thật ra vì tôi thường đọc kinh Địa Tạng cho mẹ nghe lúc hầu cận người bên giường bịnh và mẹ tôi rất tin tưởng vào sự tu tập miên mật của tôi trong suốt nhiều năm qua mà lúc hấp hối bà còn nói “con ráng cầu siêu cho mẹ để mẹ có cơ hội vãng sanh nghe con, càng nhiều càng tốt và bố thí cúng dường rồi hồi hướng cho mẹ, mẹ chỉ tin nơi con và mẹ rất an lòng khi có con trước giờ nhắm mắt …

Với lời hứa đó, và cũng nhận thấy rằng một khi tôi về Úc, dù có đem hình ảnh hay tro cốt của Bà về gửi nơi Chùa tôi đang làm thiện nguyện thì vẫn không bằng đem tro cốt của bà về ngôi chùa mà bà đã quy y và tin tưởng vị ni sư chuyên lo đọc tụng và cầu siêu cho các hương linh trong đó có cha tôi và tổ tiên nội ngoại …. vì thật ra các Sư Tăng chùa tôi chưa hề biết mặt mẹ tôi bao giờ.

Tôi cũng hiểu thêm về vô thường, một ngày nào đó vị ni sư kia cũng phải ra đi nhưng vì niềm tin của người đã mất nên tôi đã thì hành đúng những gì bà ao ước và rất sung sướng khi chính mình cầu siêu cho mẹ mình thật chân thành và tha thiết trong những ngày qua.

Cũng nhờ những giây phút tĩnh lặng và tư duy thiền quán về giá trị đời người … thì nhiều điều tôi đã thu thập trong những năm qua bỗng hiện ra từ đáy ký ức xa xăm và một câu của một học giả nào đó như trả lời câu nói của bạn tôi “Giác ngộ không phải là một bảo vật quý giá để thọ đắc và nắm giữ mà là một cái gì sinh động nơi tâm phải được khai phá thâm nhập và luân chuyển với thực tại trước mắt ( trích Ngọc Bảo.net )

Và bài học của Ngài Akong Tulku Rinpoche về nghệ thuật để sống trọn vẹn kiếp người lại dạt dào trào dâng không tuôn nghĩ, tôi xin mạn phép được ghi lại để các bạn có đồng tình chia sẻ như thế không …

Sau đây là vài điều tôi ghi trong tâm khảm “Tâm thức là chìa khoá của mọi kinh nghiệm chúng ta và chính nó quyết định cái nhìn của chúng ta về thế giới …
…Nếu toàn bộ đời người là có giá trị thì người ta càng biết rút ra những lợi lạc từ đó làm cho nó càng có giá trị hơn, nghĩa là biết dùng đời mình để làm cho nó càng phong phú và giá trị hơn một khi ta đã điều phục được tâm thức
…Hãy tập quên đi những thói quen xấu của chúng ta hằng ngày
…Học chấp nhận và điều hành những tình huống thông thường của cuộc đời
…Học bình định tâm thức của ta bằng cách dùng phương tiện Thiền quán khi đối mặt với hoàn cảnh đổi thay trong cuộc sống
Và câu cuối cùng mà tôi rất tâm đắc là “Sống trong một nền văn minh hiện thời mà chúng ta lại được trang bị quá kém để chấp nhận những sự việc như chúng là…

Các bạn ơi, nhờ thấm nhập như thế tôi đã viết ra bài thơ này mời bạn thử họa cùng tôi nhé

Không gì mãi Vĩnh hằng dù lý tưởng
Em chợt nhận ra trong lúc khó khăn
Hoàn cảnh nào PHẢI ĐỐI MẶT chớ ăn năn
Cách tốt nhất không mong chờ người giúp

Kiến thức danh vị cuộc đời như nụ búp
Nghệ thuật NỞ HOA đòi hỏi KIÊN TRÌ
Dõng mãnh nỗ lục em khắc phục đi
Em tìm thấy Giá trị đời người “TRÂN QUÝ “

Cải thiện chính mình phải luôn hoan hỷ
Sẽ ngu si “KHÔNG TỈNH THỨC VÔ THƯỜNG “
Sử dụng tài năng trọn vẹn tự đảm đương
Dừng bì bỏm lội bơi trong thành kiến

Hãy điều phục tâm thức sao cho phát triển
Bi mẫn khiêm cung phẩm chất tự thân
Hạnh phúc cho mình lợi lạc tha nhân
TỰ NHÌN MÌNH, nghệ thuật tìm giá trị

Huệ Hương

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.