Tản Mạn Về Não Bộ Trong Việc Đọc Và Học

May mắn đọc được một đoạn văn được trích ra từ trên mạng Internet từ quyển sách về thần kinh và bộ não của Datis Kharrazian do Portland Oregon xuất bản năm 2008 đã làm tôi thỏa mãn điều thắc mắc mà nhiều năm nay tôi vẫn ưu tư và tư duy trong đầu “Không lẽ bao nhiêu năm có liên quan trong ngành Khoa học mà mình không thể giải đáp…

Đó là Sưu tầm, Đọc và Học… có giúp gì trong sự kiên trì đưa bản thân mình vào khuôn khổ tu tập của Phật Giáo không?

Và nhất là khi nghe được nhiều lời khuyên của các bậc Tôn Đức rằng:
Chúng ta đã đầu tư rất nhiều vào cuộc đời nầy. Hãy thu lại được nhiều lợi ích từ nó… Cái dỡ nhất là biết mà không chịu làm, không biết thì không làm đó là chuyện thường… BIẾT MÀ KHÔNG CHỊU LÀM ĐÓ MỚI LÀ VẤN ĐỀ“.

Theo những điều mà nhà thần kinh học đưa ra: Não bộ ta có một kho tàng hứa hẹn trao cho ai tìm ra cho nó một Trí Tuệ minh mẫn và sáng suốt hơn
Do đó có một câu hỏi được nêu lên là LÀM THẾ NÀO ĐỂ KẾT NỐI NHỮNG KIẾN THỨC TRONG NÃO BỘ LẠI VỚI NHAU ĐỂ TRỞ NÊN THÔNG TUỆ HƠN ?

Và câu trả lời cho rằng chính Đọc sách là một trong những thứ rất hiệu quả để kích thích não giúp cho não của bạn phải hoạt động hơn lên
Khi ta đọc sách tất cả những gì ta thu thập là thông tin, bấy giờ não bộ sẽ phải hoạt động để chuyển đổi những thông tin ấy thành hình ảnh và âm thanh sau đó chúng sẽ kết tập tạo nên cảm xúc và suy nghĩ.

Điều này ai đã học qua Duy Thức đều biết về Tam Cảnh (tánh cảnh độc ảnh cảnh và đới chất cảnh) do đó khi ta đọc những sách hữu ích có liên quan đến Phật pháp hay xem những tài liệu có ích cho sự nghiên cứu của ta thì ý tưởng đó lại tồn tại trong óc càng lâu hơn nữa và sẽ không bị những điều vô nghĩa xâm chiếm và ảnh hưởng ta (đó cũng là cách mà các chủng tử xấu được loại bỏ trong tàng thức).

Nhà bác sĩ thần kinh tâm lý học Rick Hanson, người đã phân tích những hoạt đông của não bộ để chứng minh được rằng những hoạt động chức năng của não bộ đã tạo ra những trạng thái tâm sinh lý của con người và Ông đã kết luận “Tuy Tâm ta có những yếu tố tâm linh vượt ngoài lãnh vực vật chất nhưng những trạng thái trong Tâm lại tuỳ thuộc rất nhiều vào những hoạt động của não bộ …

Điều lý thú hơn nữa là lời những lời phân giải lại liên quan đến A Lại Da Thức, khi các nhà khoa học cho rằng Bộ não của chúng ta không phải chỉ mới được tạo ra khi chúng sinh ra đời mà nó là di sản từ bộ não chung của nhân loại mang dấu ấn của những thời gian từ thời tiền sử và vì môi trường thiên nhiên đầy bất trắc như thiên tai, thú dữ đe dọa, do đó não đã phát triển hệ thống mang tánh nối kết nhằm bảo vệ và củng cố sự sinh tồn cho nên TÂM THỨC CON NGƯỜI CÓ 3 KHUYNH HƯỚNG PHẢN ỨNG VÀ HÀNH XỬ đưa đến ĐAU KHỔ và PHIỀN NÃO.

1- Tự bảo vệ mình bằng cách tách rời mình ra khỏi thế giới bên ngoài.

2- Cố nắm giữ và bảo tồn mọi sự để tạo quân bình cho thể xác và tinh thần.

3- Tìm đến những thú vui và phần thưởng lợi lộc.

Và điều đó đã ngược lại với 3 quy luật trong đời sống:

A- Con người nếu tách rời mình ra khỏi thế giới bên ngoài sẽ đau khổ.

B- Không có gì bền vững và tồn tại mãi , ngày cả trong thân ta các tế bào biến đổi từng sát na.

C- Luôn bám víu và chạy theo những vui thích là mầm mống của khổ đau.

Và cũng theo bác sĩ Hanson thì đây là ba đặc trưng của bản tính Tham, Sân, Si,

Với những điều đã đọc được qua sự nghiên cứu của các nhà tâm lý học về não bộ tôi lại cảm thấy vui mừng như giải tỏa điều mà tôi thường bị chỉ trích: “quá chú trọng vào việc nghiên cứu tìm tòi giáo lý nhiều quá mà không chịu ngồi thiền và tu tập thực hành nhiều hơn“.

Thật ra tôi vẫn biết rằng yếu tố tinh thần có ảnh hưởng trục tiếp đến vật chất trong sự tương quan giữa Thân và Tâm. Nếu ta biết thúc thủ Thân Tâm, sống điều hoà theo quy luật của thiên nhiên, không bị lôi cuốn vào những vọng tưởng đảo điên thì Thân, Tâm sẽ được quân bình yên ổn và không chạy theo ham muốn là thực hành pháp,

Cách duy nhất để sử dụng đời này một cách thích hợp nhất là thực hành Pháp và hãy làm như vậy từ khi còn trẻ vì lúc đó thân tâm ta ở vào điều kiện tốt nhất.

Và cũng như phần trên tôi đã dẫn chứng lời dạy của Cổ Đức: “Biết mà không chịu làm là điều dỡ nhất, là có vấn đề” thì dù có đọc bao nhiêu sách, chép bao nhiêu cẩm nang mà không chịu kiên trì chú tâm vào một bài học mà Phật đã dẩn dắt qua nhiều ẩn dụ trong Trung Bộ Kinh hay thực hành được một nhánh nào trong Thất giác chi hay Bát chánh Đạo thì đời mình cũng chẳng bao giờ bình an được phút giây nào, cho nên tôi đang cố gắng tự nhắc mình mỗi khi học được một điều gì hay trong kinh sách thì tôi phải lập đi lập lại bài học đó nhiều lần để làm sao tôi có thể áp dụng bài học đó vào đời sống của mình và khi đã học xong bài nào tôi mới chuyển qua một bài học khác và như vậy việc học hỏi đối với tôi sẽ không bao giờ chấm dứt và hy vọng não bộ của tôi sẽ được kích thích và hy vọng bịnh Alzheimer sẽ quên tôi khi tôi đến giai đoạn lão hoá.

Cuối cùng xin mượn lời dạy của một cao nhân: “Hãy nghĩ rằng, dù mất bao nhiêu kiếp dù khó khăn đến đâu, ta phải đạt được trạng thái trí tuệ siêu Việt của Tâm bằng cách thoát khỏi mọi chướng ngại hiểu biết rằng mọi sự chứng ngộ sẽ là lợi ích của tất cả chúng sinh hữu tình là Mẹ ở cùng khắp không gian

Kinh Pháp cú câu 166 dạy rằng:
Chính ta mới là vị cứu rỗi của ta
Không có một vị cứu rỗi nào khác
Chỉ khi bản thân khéo biết tu tập
Mới giải quyết được vấn đề
Mà không cần tìm vị cứu rỗi bên ngoài

Huệ Hương
20/8/2018

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.