Ý Nghĩa Chuỗi Tràng Niệm Phật & Hình ảnh

Chuổi dùng làm vật trang sức xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn minh của nhân loại là vật tượng trưng cho sự quí phái, dùng làm trang sức cho vua chúa và các bậc quyền quí ngày xưa. Chuổi Tràng có trong Phật Giáo từ thời đức Phật còn tại thế [Kinh Pháp Hoa] trong Phẩm Phổ Môn có nói về việc Ngài Vô Tận Ý cởi Chuổi Anh Lạc giá trị trăm nghìn lượng vàng dâng lên cúng dường Đức Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo.

Chuổi Tràng Bồ Đề Tinh Nguyệt

Vua Ấn Độ Tỳ Lưu Ly thỉnh Đức Phật Thích Ca dạy cho pháp môn diệc trừ phiền não, Phật dạy nhà vua dùng hạt một loại cây gọi là “Vô Hoạn Tử” hay còn gọi là “Bồ Đề Tử” xâu thành chuổi để niệm danh hiệu Phật thì sẽ tiêu trừ mọi phiền não.

Trong Kinh Phật dạy: “Nếu như muốn tiêu trừ các phiền não chướng, nên xâu chuổi 108, luôn đem theo bên mình, hoặc đi đứng nằm ngồi, lần chuổi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, lần chuổi trì niệm danh hiệu Phật càng nhiều càng tốt. Nếu như mãn 20 vạn biến thì có thể đạt đến Thân Tâm Bất Loạn.”

CHUỖI TRÀNG HẠT TRONG PHẬT GIÁO

1. KHÁI NIỆM VỀ SỐ CHÂU

Chữ Sổ là đếm. Tay lần hột chuỗi gọi là Sổ Châu Thủ. Châu là Ngọc Châu, Ngọc Trai: Vật gì tròn trịa cũng gọi là Châu, như Niệm Châu là hạt tràng hạt (Ngài Thiều Chửu).

Sổ Châu, tiếng Phạn là PASAKAMALA, dịch âm là Bát Tắc Mạc. Sổ Châu, lại gọi là Niệm Châu, Tụng Châu, Chú Châu, Phật Châu, tức dùng chỉ xâu 1 số hạt châu (hột tròn) nhất định để tiện cho việc lần đếm lúc xưng danh niệm Phật hoặc trì tụng Đà-Ra-Ni.

2. THỜI KỲ BẮT ĐẦU SỬ DỤNG NIỆM CHÂU

Ước về niên đại mà Phật Giáo bắt đầu sử dụng Niệm Châu (Tu niệm có lần chuỗi) là vào khoảng sau thế kỷ thứ 2 (tức khoảng 800 năm sau khi Đức Phật nhập diệt).

Ở Trung Quốc có những ghi chép quan hệ đến sự sử dụng Niệm Châu rất sớm, thấy ở truyện Đạo Xước trong bộ Tục Cao Tăng Truyện quyển 20 chép: “Nhiều người lần chuỗi, miệng đồng niệm danh hiệu Phật”.

3. KHỞI NGUYÊN CỦA THỜI KỲ DÙNG CHUỖI

Ở trong Kinh điển Phật Giáo mà có ra cái khởi nguyên quan hệ đến Niệm Châu (Niệm Chư Phật-Bồ Tát dùng tới chuỗi), hầu hết đều căn cứ vào sự khai thị của Đức Phật đối với Vua Ba Lưu Ly đã được ghi chép lại trong Kinh Mộc Hoạn Tử. Đức Phật bảo Vua rằng: “Nếu nhà Vua muốn diệt phiền não chướng, báo chướng, thì phải xâu 108 hột Mộc Hoạn Tử còn gọi là Vô Hoạn Tử hay Bồ Đề Tử, thường mang theo bên mình, hoặc đi, đứng, nằm, ngồi phải luôn luôn hết lòng xưng niệm danh hiệu Phật Đà (Phật), Đạt Ma (Pháp), Tăng Già (Tăng). Không để cho tâm ý phân tán, niệm 1 danh hiệu là lần qua 1 hột; Cứ lần lượt như vậy mà xưng danh và lần hột Mộc Hoạn Tử, hoặc lần 10 chuỗi, 20 chuỗi, 100 chuỗi, 1000 chuỗi, cho đến lần trăm ngàn vạn chuỗi”.

Việc xâu 108 hạt cây Mộc Hoạn Tử thành chuỗi hạt châu để tụng niệm Tam bảo thì có thể thoái trị được kết nghiệp, mà đắc được Thắng quả vô thượng, tức là giải thoát được 108 phiền não. Đó là nguyên nhân của việc đếm hạt châu. Con số 108 hạt để đối trị với 108 kết nghiệp, tức 108 phiền não, cũng là biểu thị công đức 108 tam muội cũng là biểu thị 54 ngôi vị tu sinh.

Mộc Hoạn Tử = Vô Hoạn Tử hay Bồ Đề Tử. Một loại cây mà hạt của nó có khả năng tránh tà quỷ, làm tràng hạt.

4. XÂU NHỮNG XÂU CHUỖI VỚI SỐ LƯỢNG KHÁC NHAU:

Theo Kinh Giảo Lượng Sổ Châu Công Đức, và theo Kinh Kim Cang Đảnh Du Già Niệm Châu có sự ghi chép bất đồng, Sổ Châu (Chuỗi để lần) có các loại như sau:

1/ Căn cứ Kinh Mộc Hoạn Tử thì dạy làm chuỗi 108 hạt.

2/ Căn cứ Kinh Đà Ra Ni Tập quyển 2 phẩm Tác Châu Pháp Tướng, thì nêu ra có 4 loại chuỗi: 108 hạt, 54 hạt, 42 hạt, 21 hạt.

3/ Kinh Sổ Châu Công Đức, cũng nêu ra 4 loại chuỗi, tức là loại 108 hạt, loại 54 hạt, loại 27 hạt, và loại 14 hạt.

4/ Kinh Kim Cang Đảnh Du Già Niệm Châu thì lấy 1.080 hạt la2m chuỗi bậc thượng, xâu 108 hạt làm chuỗi tối thắng, xâu 54 hạt làm chuỗi bậc trung, xâu 27 hạt làm chuỗi bậc hạ.

5/ Phẩm Sổ Châu Nghi Tắc trong Kinh Văn Thù Nghi Quỹ bảo rằng: Chuỗi bậc thượng là 108 hạt, chuỗi bậc trung là 54 hạt, chuỗi bậc hạ là 27 hạt, chuỗi tối thượng là 1080 hạt.
Ngoài sự vừa dẫn trên, riêng có loại xâu 36 hạt, 18 hạt.
Với những loại xâu chuỗi như trên, thì lấy sự sử dụng xâu chuỗi 108 hạt làm sự phổ biến hơn hết.

5. Ý NGHĨA ĐẠI BIỂU CẢU TỪNG XÂU CHUỖI

Sự sử dụng số hạt của từng loại xâu chuỗi có những bất đồng, thì ý nghĩa đại biểu nó có những khác biệt:

1/ Chuỗi 108 hạt là biểu thị cho cầu chứng 108 pháp Tam Muội mà đoạn trừ 108 phiền não.

2/ Chuỗi 54 hạt là biểu thị cho 54 cấp vị quá trình tu hành của Bồ Tát, tức là Thập Tín, Thập Trú, Thâp Hạnh. Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Tứ Thiện Căn Nhân Địa.

3/ Chuỗi 42 hạt là biểu thị cho 42 cấp vị quá trình tu hành của Bồ Tát, tức là Thập Trú, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Đẳng Giác, Diêu Giác.

4/ Chuỗi 27 hạt là biểu thị cho 27 cấp vị của Tiểu Thừa tu hành Tứ Hướng Quả, tức là 18 bậc Hữu Học của Tứ Hướng Tam Quả trước, với 9 bậc Vô Học của Đệ Tứ Quả A La Hán.

5/ Chuỗi 21 hạt là biểu thị cho 21 vị, tức là Thập Địa, Thập Ba La Mật và quả vị Phật.

6/ Chuỗi 14 hạt là biểu thị cho 14 Pháp Vô Úy của Bồ Tát Quán Thế Âm.

7/ Chuỗi 1.080 hạt là biểu thị cho 10 cảnh giới, mỗi cảnh giới đều có 108, cho nên cộng thành 1.080.

8/ Ý nghĩa của chuỗi 36 hạt với 18 hạt là có 1 hạng người nhận lầm cho là cùng với 108 hạt tương đồng, nhưng làm như vậy nó tiện với sự mang đeo, bèn chia 3 cái xâu chuỗi 108 hạt ra làm thành mỗi xâu có 36 hạt, hoặc chia chuỗi 108 hạt ra làm 6 câu mỗi sâu có 18 hạt, mà không phải có thâm nghĩa nào cả.

Nhưng sự khác biệt của số hạt đã ghi trên ý nghĩa biểu trưng khác nhau đó, chỉ liên hệ đến sự phối hợp của Lịch Đại Tổ Sư giao phó làm phương tiện giáo hóa, mà không phải bắt nguồn từ văn của Kinh điển gốc đã nêu bày.

6. TÍNH CHẤT ĐỂ LÀM HẠT CHUỖI

Tính chất để làm hạt chuỗi cũng có nhiều thứ, như các Kinh: Đà Ra Ni Tập quyển 2, Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà Ra Ni quyển 9, và Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chơn Thật quyển hạ phẩm Trì Niệm… đã kê ra: Hột chuỗi làm bằng vàng, bạc, đồng đỏ, thủy tinh, hạt Bồ Đề, hạt Kim Cang, hạt Sen, hoặc bằng gỗ thơm, gỗ quý, bằng Chơn Châu (Ngọc thật), bằng Mã Não, San Hô, Hổ Phách, bằng Lưu Ly và bằng Thâu Thạch (Chất của nó thật sự là Đồng, mà sắc như là Vàng, tức là Đồng đỏ và Kẽm nấu luyện thành), hoặc có người làm chuỗi bằng sắt.

Kim Cương Tử tức là hạt của cây Kim Cương còn gọi là Cây Thiên Mục. Cây này mọc ở Ấn Độ, quả có vân như quả đào, rất bền chắc được dùng làm chuỗi tràng hạt. Các vị Tôn ở Bộ Kim Cương sử dụng khi tụng niệm Bất Động Tôn.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.