Ghi Nhanh Trong Chuyến Hành Hương Đất Vàng Miến Điện

VÀI ĐIỂM ĐẶC BIỆT GHI NHANH TRONG CHUYẾN HÀNH HƯƠNG ĐẤT VÀNG MIẾN ĐIỆN (20/2/2019-2/3/2019 – với sự hướng dẫn và chỉ đạo của TT Thích Tâm Thành / USA )

Như các bạn đã từng nghiên cứu trên Google và theo các nhà nghiên cứu lịch sử chùa tháp, tu viện và đền đài thì muốn hành hương du lịch Miến Điện bạn phải bỏ ít nhất từ vài tuần đến vài tháng hoặc một năm mới hiểu được cách nào mà người dân Miến Điện đã bỏ công xây đến hàng trăm bảo tháp nguy nga tráng lệ khắp nơi từ Yangon, Bago, Mandalay, Bagan hay nhiều nơi nỗi tiếng khác …

Nhưng tôi lại tham gia với đoàn hành hương chỉ trong mười ngày mà lại có dịp đến những địa điểm lịch sử và nổi tiếng nhất tại Miến Điện, hẳn bạn sẽ biết thời gian rất quý vô cùng, chúng tôi không có một giây phút nào để ngắm nhìn quà lưu niệm hay thong thả mua chọn những thức ăn địa phương.

Phải đợi đến ngày cuối cùng tôi mới có thể kết thúc bài viết này với những cảm xúc chân thật của một đoàn viên tham dự và với tư cách của một người Phật tử khi đi chiêm bái những thánh địa nơi có những lưu tích dấu vết của Bậc Đại Giác ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI mà tỷ tỷ người trên thế giới đã, đang và sẽ quy ngưỡng …

Kính xin được tri ân Thầy trưởng đoàn (TT. Thích Tâm Thành) đã ưu ái dành cho đoàn chúng tôi những chi tiết lịch sử về Phật pháp và những lời dạy về quy tắc hành xử của người Phật tử …

Nhận được lịch trình của chuyến đi, những tưởng ngày đầu 20/2 kể như bỏ đi vì đoàn chúng tôi gồm đủ đoàn viên đến từ nhiều nơi như Úc, Mỹ (nhiều tiểu bang khác nhau) Đức, Pháp, và các Sư Cô đến từ VN nên rất khác nhau về giờ giấc để gặp tại phi trường Yangon Miến Điện, nhưng Thầy trưởng đoàn đã tranh thủ cho chúng tôi gặp được Sư Cả (một trong những nhân vật quan trọng nhất trong hàng giáo phẩm Miến Điện và được chánh quyền coi trọng như những hiền tài của quốc gia) nơi đây chúng tôi đã được chúc phúc và đảnh lễ Ngài và đi thăm quan nơi Ngài cư trú. Tu viện này có tên là Sun Lung Go và được biết Ngài Sư Cả đóng vai như Đức Tăng Thống của Phật Giáo VN, người đã chứng đắc về pháp hành.

Cũng cần biết thêm tại Miến Điện những người chứng đắc về Pháp học được gọi là Tam Tạng Pháp Sư (sau khi trải qua nhiều cuộc khảo hạch về Phật Pháp với thành phần giám khảo xuất sắc được tuyển dụng từ các viện đại học Phật giáo trên thế giới) và Miến Điện nay có đủ 14 Tam Tạng Pháp sư kỳ tài, một đã viên tịch 2018.

Muốn được trở thành Tam Tạng Pháp Sư, cần phải qua một cuộc sát hạch đủ hết Kinh Luật Luận và Chính phủ Miến Điện sẽ phát bằng cấp cho người trúng tuyển và trợ cấp hằng năm cùng nghi lễ đón tiếp như một quốc sư ngày xưa trong thời vua chúa ….

Và các bạn biết không chúng tôi về đến khách sạn lúc 9 giờ đêm (giờ địa phương) nên bấy giờ tôi đã quá mệt vì trên 24 tiếng không ngủ… nhưng không sao đâu bạn vì đã đến Xứ Phật thì các hộ pháp sẽ chở che và ban cho sức mạnh thần kỳ… nên…

Sáng đến ngày thứ hai 21/2/2019

Đúng 6 giờ sáng là chúng tôi ăn vội điểm tâm rồi lại khởi hành đúng 7:30am để viếng thăm và đảnh lễ Xá lợi Răng và Tóc tại bảo tháp Botahtaung cũng trong thành phố Yangon. Vì đây là nơi bạn có thể chiêm ngưỡng xá lợi như nhìn được hình ảnh Phật tại Bồ Đề Đạo tràng nên số người thăm viếng rất đông nên chúng tôi phải xếp hàng dài từng người tay cầm tràng hoa để cúng dường kính ngưỡng và chiêm Bái xá lợi trong nữa phút thôi rồi nhường chỗ cho người kế tiếp và sau đó qua ngồi tịnh tâm trong 5 phút để nhận được năng lượng từ xá lợi ban phát cho, bạn biết không lúc đó đầu tôi vang lên lời xưng tán OM MUNI MUNI MA HA MUNI YE SOA HA như khi hành lễ Phật Đản ngày nào….

Rời nơi dây, đoàn liền đến Shwedagon Pagoda một kỳ danh đặc sắc về Bảo Tháp của Miến Điện, đây là nơi tàng trữ Xá lợi của ba đời Chư Phật quá khứ trước Đức Phật Thích Ca và của Đức Phật hiện tại Thích Ca Mâu Ni…

Chúng tôi choáng ngợp trước mắt với Đại bảo tháp toàn bằng vàng ánh bóng lại thêm chung quanh hàng trăm bảo tháp nhỏ cũng bằng vàng khối và được biết trên khắp quốc gia Miến Điện, bảo tháp nào cũng lấy hình ảnh của một Shwedagon nhỏ và rải rác khắp nơi trên dưới 84 ngàn bảo tháp
Shwedagon được thiết kế bên dưới một bệ lớn bằng xi măng sơn thếp vàng rồi từ từ lên vàng 14 trên hơn nữa là vàng thật 24 thành khối đúc sáng bóng được cẩn thêm vào đó đủ loại trân châu Ngọc quý nhỏ, (như tôi được biết khối vàng này nặng 36 kg) và cuối cùng đỉnh là viên Ngọc Kim Cương thật lớn.

Chùa Shwedagon được kiến trúc theo 5 cửa ra vào ĐÔNG TÂY NAM BẮC và trung ương, nhưng nếu chỉ lo ngắm và chụp hình mà không có giây phút nào lắng tâm ngồi nhận được năng lượng quý báu của Xá lơi Ba đời Chư Phật thì bạn ơi chúng ta đã mất đi những giây phút tuyệt vời, mầu nhiệm đấy bạn ạ… và cuộc hành hương sẽ mất đi ý nghĩa phần nào… Đây là bài học mà mình cảm nhận sau cùng trước khi rời khỏi mãnh đất vàng trân quý này và đó là lý do mình hiểu tại sao những ngày cuối cùng còn lại mình luôn rơi nước mắt những giọt nước mắt tri ân và có chút sám hối… vì lo chụp hình và chạy tìm mua kỷ niệm đá quý… nhưng không kịp để mua.

Phước duyên nào lạc đến chốn này
Giữa lòng đất Phật… diệu kỳ thay
Bạch Đức Thế Tôn, xin quy ngưỡng
Tiếp nhận pháp mầu… hiện tại đây !

Sau đó chúng tôi thăm viếng một bồ đề đạo tràng nhỏ lấy hình dáng của Ấn Độ do Sư Cả thiết lập và chúng tôi được chiêu đãi buổi ăn trưa thật thanh đạm nhưng phong phú nhiều mâm cổ trái cây, kẹo bánh đặc sản
Từ giả nơi đây chúng tôi tiến về hang động PAR SAR NA Cave (nơi kết tập kinh điển lần thứ sáu và là lần kết tập sau cùng) trước khi vào hang chúng tôi được ngang qua ngôi chùa Ka Bar Aye Pagoda được mệnh danh là ngôi chùa hoà bình ( World Peace Pagoda ), theo lời dạy của Thầy Trưởng đoàn bạn nên nhìn vào đôi mắt của Đức Phật, và trong giây phút nào đó cảm ứng đạo giao nan… bạn sẽ thấy mình đang ở vào giai đoạn nào của tâm thức… nơi đây cũng có xá lợi tóc của Phật nhưng chúng tôi không có duyên may để đảnh lễ vì đã quá ngọ (giờ mở cửa là 9:00-12:00 am).

Đúng 4:30pm cùng ngày là chúng tôi đã vào đến hang động kết tập kinh điển lần thứ sáu, ai vào được giảng đường này với lòng thành quy ngưỡng hy vọng bạn sẽ có được năng lực học hỏi chánh pháp để kiếp sau nào đó được làm sứ giả Như Lai. Vì người viếng thăm hang động này như đang được hộ trì từ 500 bộ óc siêu Việt của những vị đại A la hán đang rọi xuống cho ta… với điều kiện chắp tay chánh niệm và nhìn thẳng nơi các Ngài đang ngự trị… huyền ảo, vi điệu, mênh mang trong hư không… Chắc ai đã từng học lịch sử Phật pháp đều biết được rằng 3 lần kết tập tại Ấn Độ, lần thứ tư tại Tích Lan, lần thứ năm cũng tại Tích lan nhưng lần này đã được viết trên lá bối và lần kết tập kinh điển lần thứ sáu cũng là lần cuối cùng tại Miến điên nơi hang động này.

Cũng nói thêm ngoài lề về Đạo pháp, bạn biết không đất nước này đang được nhiều quốc gia đầu tư vào để phát triển sau thời gian khép kín và VN cũng là một trong những quốc gia đang thiết lập quan hệ nên dọc đường đến hang động chúng tôi thấy có một khu phố shopping rất lớn của người Việt và các người buôn bán địa phương lần lần đã biết mời chào bằng tiếng Việt, ngay cả một vị Sư thông dịch Miến Anh trong đoàn tôi Kawi…

Sáng ngày thứ ba 22/2019

Viếng thăm và đảnh lễ xá lợi Phật ở Sule Pagoda tại City Hall. Chúng tôi thường xuất phát đúng 7:30 am vì những nơi thăm viếng nổi tiếng thì số người tham quan rất đông, … và có rất nhiều nơi rất cần thiết để viếng thuận theo sự đi chuyển mà không mất thì giờ và đi thẳng vào thành phố Bago. Thành phố này được gọi là thành phố cổ vì đã được xếp vào cultural heritage. Bago cách xa Yangon 40 km được xây dựng vào triều đại của vua Thamala thế kỷ thứ 9 (sau công nguyên AD. 825) rồi trải qua nhiều thời đại 1553 thì vua Bayint xây thủ đô mới đổi tên là Hinthawaddy năm 1566.

Theo chương trình quy định chúng tôi sẽ được viếng ba đền tháp rất nổi tiếng: Đó là Tripitaka Temple, đây là ngôi chùa có tên là Kyaik Pun Buddha với hình ảnh 3 Đức Phật xây theo 4 mặt trên cùng một bệ đá thật khổng lồ nhưng không có vòm che được xây dựng từ thế kỷ 15 sau công nguyên (AD 1475) rồi tiếp đến là Shwedagon Maw Daw pagoda ngôi chùa được nỗi tiếng là cao 150 mét và Shwedagon Tha Lyaung, vì chưa quen với lối hướng dẫn thật nhanh để bắt kịp với những địa danh nỗi tiếng. Mấy ngày đầu tôi rất bối rối không biết mình có thể nào ghi vội nhưng chính xác thì may quá cũng có vài bạn thân trong nhóm đến nơi nào cũng đi kiếm tài liệu cho tôi và tiếp đến những ngày sau Thầy cho ôn lại những địa điểm đã thăm quan và cho những tấm vé trả tiền vào cửa với tên Chùa hay bảo tháp và nhờ vậy mà tôi mới có dịp ghi lại vài dòng ký sự này.

Chúng tôi cũng đến cung điện hoàng gia làm toàn bằng gổ quý và cạnh bên có nhiều cột trụ cho thấy gỗ đã ngàn năm mà vẫn chưa suy suyễn tí nào. Tôi ghi vội tên là The Lion Throne hay tên dài là Thihathana and Royal Regalllas.

Chúng tôi cũng đến teak post Museum nơi này còn được Tây Phương gọi là Independent memorial Stupa Relic Temple.

Từ giả nơi đây chúng tôi đến Trung tâm Thiền viện, chứa được cả ngàn người và cảnh quan quá đặc sắc, nên Thầy trưởng đoàn và chúng tôi đã tịnh tâm trong 15 phút để lấy năng lượng từ.

Sau khi ăn trưa chúng tôi tiến vào Chaukhtatgyi Buddha Temple nơi trung bày tượng Phật nằm trong ngày Phật nhập Niết Bàn, tượng Phật dài đến 66m nằm trên cao 10m và phias sau lưng tượng là hình ảnh đôi bàn chân có 108 ký hiệu của bậc đại giác đã thành tựu sau nhiều năm trên cung trời đâu suất…, bất cứ bảo tháp nổi tiếng nào ta cũng sẽ gặp những chạm khắc trên đá về những câu chuyện trong thời Đức Phật còn trong cung điện hay khởi đầu xuất gia cho đến Ngày thành đạo.

Rời nơi đây chúng tôi đến viếng Temple of Electricity hay còn gọi là Kyay zuu Par, nơi đây khi bước vào bạn sẽ gặp hai cột trụ mà đỉnh là con chim khổng tước biểu hiện cho sự bất tử và dưới là 2 mãng xà vương, bao quanh thân cột là Tứ đại thiên vương.

Sáng ngày thứ tư 23/2/2019

Bắt đầu cuộc hành trình rất thú vị vì phải chuyển qua một xe như xe chở hàng hoá được tu sửa lại với 60 chỗ ngồi để có thể leo lên được những đỉnh đồi khúc khuỷu quanh co trên núi, đây là địa điểm nổi tiếng nhất không thể bỏ qua và là đỉnh cao nhất như Hoàng Liên Sơn của VN.

Đó là hòn đá chênh vênh với Xá lợi tóc nguyên thủy ở Shwedagon Thar La Yaung Pagoda ở Bago, muốn đến nơi này bạn phải đeo trên mình tấm giấy vào cửa mang tên trung tâm Kyaikhtiyo để chánh phủ kiểm soát bạn đã trả tiền chưa… để vào thánh địa nơi có để xá lợi xương hàm của Phật nằm trong hòn đá cheo leo nỗi tiếng này cũng như để được tiếp tục leo lên hàng trăm bậc tam cấp dù phía dưới đã quá cao rồi, cũng cần nói thêm địa điểm mà xe tải chở 60 người dừng lại cũng là nơi có bán vé cho ai muốn đi xem toàn bộ khu núi hiểm trở này bằng dây cáp.

Nhưng điều mà phụ nữ chúng tôi rất thất vọng là dân Miến điện luôn cho rằng phụ nữ rất ô uế nên không được vào gần với Phật mà chỉ được đứng sau một màn sắt ngăn che cách khoảng 1m. Đây là luật lệ chung cho hết tất cả nơi nào được cho là rất linh ứng còn ngoài ra những nơi khác tôi chỉ việc nhoài người để được hôn chân Phật và áp mặt vào bàn tay Phật ra để xưng tán Ngài, mỗi lần được như thế tôi nghe lòng thanh tịnh làm sao và bao phiền não bay mất lúc nào… thật ra khi được tới những nơi này với sự hùng vĩ và hoành tráng không đủ để bạn chiêm ngưỡng thì tìm đâu ra phiền não!

Sáng ngày thứ năm 24/2/2019 chúng tôi đến viếng một nơi mà vị Ala hán này có Phước báu giống như Ngài Sivali, chung quanh bảo tháp Ngài phải là ao hồ vì Ngài luôn lặn ở dưới nước đến giờ ngọ mới trồi lên để chư thiên cúng dường. ngồi bảo tháp này một khối đá cẩm thạch trắng thật quý nhưng nặng hàng vạn kg, thường thì một cần trục chỉ có thể tải lên những cục đá tảng từ 100 kg trở lại nhưng quả là bất khả tư nghì ai đã đưa đến chốn vắng vẽ này…

Rời nơi đây chúng tôi đến viếng quê hương của hai thương nhân sau khi đã được Phật ban phát xá lợi tóc, nhưng nơi đây bảo tháp lại được gắn những loại đá quý, đủ thứ cẩm thạch màu nên gọi là Jade Pagoda, trang trí như đúng một ngôi làng và kể lại từ lúc được xá lợi rồi họ về xây cất bảo tháp nhỏ rồi dần dần lớn lên cho đến n gày nay, nơi đây cũng dược gọi là Museum. Theo chương trình chúng tôi lại di chuyển trên chiếc xe buýt hơn 7 tiếng đồng hồ để đến khu thủ đô của Vị vua vừa bị lật đổ.

Nhìn thấy chữ Welcome to Samythaw là bạn đã bước vào một thành phố đầy tiện nghi, rất phát triển và hoành tráng với nhiều khách sạn 5, 6 sao san sát nhau và là nơi các cuộc hội nghị về Phật giáo được tổ chức.

Phong cảnh về đêm thật mát dịu với cách trang hoàng rất thanh nhả, trên các bồn giữa ngả tư được kiến trúc các vòi nước phun ra giữa là những hoa sen bằng Ngọc pha Lê phát ra màu tím, xanh Ngọc Bích… Được kể lại rằng vua này vì tin phong thủy và để được an tịnh hưởng phúc lạc mình có nên đã kiến trúc thành phố này thật diễm lệ nhất là về đêm và như chúng ta biết xứ sở này nhiều đá quý với cùng nên đâu đầu cũng thấy đủ loại đá từng mãng lớn được ép lại và thường được sử dụng trong kiến trúc và nhất là đền tháp. Chúng tôi ngủ đêm và sáng sớm lại lên đường.

Sáng ngày thứ sáu 25/2/2019

Xe chạy một vòng để thăm viếng thủ đô này nơi mà đền tháp tại đây dù đều chung một hình dáng như Shwedagon nhưng không phải bằng vàng mà bằng đá trắng cẩm thạch thật lớn ghép lại và điêu khắc. Chùa Thatha Yaraye Maha Bhudha pagoda được thiết kế với tất cả tượng Phật bằng đá cẩm thạch trắng, tính ra tất cả khối đả cẩm thạch trắng này nặng đến 543,72 kg chùa cũng có 5 ngỏ ra vào và trên mỗi vách tường là những bảng đá cẩm thạch trăng ép phẳng ghi lại cuộc đời Đức Phật từ lúc đản sinh đến lúc chuyển pháp luân và tặng tám sợi tóc cho hai thương nhân. Từ đó biểu tượng gì cũng có chữ bát đứng đầu như: Bát chánh đạo, Bát Đại nhân giác, vòng xe chuyển pháp luân có 8 căm…, nhưng nhiều người cho rằng từ xá lợi tóc mà Phật ban cho hai thương nhân thì hình như đã sản sinh thêm nhiều xá lợi tóc nữa vì lòng tin quá mạnh của đại chúng, nên đến bảo tháp nổi tiếng nào chúng ta cũng nghe có xá lợi bên trong. Tôi cũng tin là như vậy…

Bên trong bảo tháp là hai bên tường dọc theo chiều kim đồng hồ qua 5 của ta sẽ thấy điêu khắc chạm trổ lại hành trình từ lúc hai thương nhân Tapussa Bhallika Brothers dừng chân tại đây và bắt đầu xây dựng tu viện và từ đó theo dấu chân Phật mô tả trên từng tấm đá quý ấy cuộc đời Đức Phật từ lúc chuyển pháp luân. Trên vòm nhà thì khắc những lời dạy của Đức Phật về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.

Rời nơi đây mà lòng tôi thấy khâm phục làm sao sức cần cù, tài khéo léo và niềm tin của những người dân xứ này, một quốc gia xứng đáng đã lưu giữ xá lợi tóc Phật rất trân quý và kính ngưỡng bằng tất cả trân bảo mà đất nước này sở hữu.

Chiều 25/2 sau ba tiếng ngồi trên xe chúng tôi đã đến thành phố Monywa ở giữa Mandalay và Bagan với mục đích viếng thăm Laykyun Setkyar Standing Buddha, đây là bức tương Phật cao thứ nhì trên thế giới 129 mét kể cả bệ và có 31 tầng lầu tương trưng cho 31 cõi luân hồi theo giáo lý. Bên trong tượng rỗng ta có thể lên đến tầng thương để nhìn tổng quát thành phố. Phải nói là bên trong mỗi tầng ít nhất là mười tượng Phật ngồi với nhiều kiểu bắt ấn khác nhau, ánh mắt khác nhau…

Chúng tôi lại thăm viếng Thanboddhay Pagoda nơi chứa được 500 ngàn ông Phật lớn, nhỏ đứng trong nhiều ô khung cửa, mỗi chúng tôi phải trả $3 đô là mỹ để vào coi trong nửa giờ đồng hồ thôi vì lúc bấy giờ đã hơn 5 giờ rưởi chiều.

Sáng ngày thứ bảy 26/2/2019

Đoàn hành hương chúng tôi đến ngôi đền 500 năm cũ nhưng vì giá vé rất mắc và phải thăm quan cả ngày mới xứng với tiền vào cửa trong đó như kinh thành Huế gọi tên là Cung Điện Kaungashi thôi.

Rời nơi dây vào lúc còn sớm chúng tôi thẳng đường từ Mandalay đến Bagan Nhưng theo lời dạy của Thầy Thích Tâm Thành quả chúng ta đang ở vào thời mạt pháp nên xá lợi Phật tại Miến Điện đều bị che phủ để tu sửa nên Thầy từ bi đổi một chút chương trình cho chúng tôi đi ngược đường với Bagan để đến thăm nhục thân xá lợi của Ngài Sayadaw U Kavi.

Đây là nhục thân của một vị tu tại gia có sự chứng đắc, toàn thể nhục thân xá lợi nằm ngủ trong lồng kính từ 1952 tới nay vẫn không hư hao hay suy suyễn chút nào dù không ướp hoá chất.

Sau đó chúng tôi đi ngược trở về thành phố cổ Bagan để có thể nhìn thấy sự huy hoàng của thời đại hoàng kim của Phật giáo Miến điện và để thấy tài nguyên thiên nhiên của xứ sở này về đá quý công sức sáng tạo của những nghệ nhân đã làm được từ thế kỷ thứ 14. Dù hiện nay các bảo tháp này đã bị bỏ hoang từ lâu nhưng cho đến nay vẫn kiên cố và tráng lệ, mỗi bảo tháp có thể chứa độ vài chục người nhập thất trong mỗi gian phòng.

Chúng tôi ăn trưa trong làng quê rồi lại đến một vùng gọi là hằng Hà sa số Phật có thể nói đây được cho là The Greatest Buddha của thế giới
Ai đã từng đến Penang (Malaysia) nơi có ngàn tượng Phật sẽ thấy nó nhỏ bé làm sao với nơi chúng tôi đang thăm viếng lúc này.

Tôi ghi được HTIC OMNINLO GUYPHAYA.

Theo Miến Điện Phaya có nghĩa là Temple hay Bảo tháp.

Sau đó chúng tôi lại đến ANANDA PHAYA nằm trong khu vực THATHYNNYU PHAYA vừa bị cơn động đất với 8 độ Richter vào ngày 24/8/2016 nhưng bên trong vẫn kiên cố và tráng lệ. Bề ngoài thì các mãng tường bị tróc từng lớp nên mới thấy được lớp gạch đỏ bên trong.

Phải nói là tất cả tháp nào cũng rất rộng hoành tráng và kiên cố dù thời gian đã trôi qua hằng bao thế kỷ … Sau ba tiếng lái xe chúng tôi đến thành phố Monywa ơn giữ Mandalay và Bagan. Chúng tôi lại đi đến chùa gà trống (theo kinh tạng có một thời tiền thân Ngài là gà trống) và chính địa điểm trong kinh chính là địa danh này, ngôi chùa này giáp với dòng sông thật nổi tiếng ở Bagan có tên là Aye Yar Wady, sau đó chúng tôi đi ngược về The Yadanabon trong làng irrawawaddy vì nơi đây có Cầu U bein là chiếc cầu chỉ được lắp ghép bằng những cây cột gỗ, cây cầu nơi mọi người thả bộ trên cầu rất đông chiếc cầu này đã được ghi vào Guiness là một trong mười chiếc cầu nguy hiểm, nhưng đoàn người du khách vẫn nườm nượp đến để ngắm cảnh hoàng hôn và thú vị thay khi mặt trời đỏ hoàng hôn xuống Anh Maurice Thai một đoàn viên đã chụp cho chúng tôi tấm ảnh tay hứng lấy mặt trời …

Sáng ngày thứ tám 27/2/2019

Chúng tôi được hướng dẫn vào một ngôi chùa thật đẹp, tại Mandalay lối vào thơ mộng nơi đây lại tàng trữ bộ Đại tạng kinh được khắc lại trên đá
Bạn sẽ rất ngac nhiên khi thấy những khối Ngọc trắng được ép phẳng và viết kinh lên đó.

Tôi ghi vội vài hàng chữ bằng Anh ngữ như sau ” The  world’ s biggest book as its leaves stand  in caves ground  KYTHODAW   PAGODA near the Mandalay hill ” rời nơi đay chúng tôi tiếp tục đến Đại học Mandalay tuy Thầy trưởng đoàn có quen với Ngài viện trưởng Sunlun Sayadaw Ashin Sundara nhưng hôm nay Ngài đang giảng dạy tại Yangon, tưởng là không được vào thăm Giảng đường nơi có để hình ảnh Ngài Viện trưởng nhưng cuối cùng cửa giảng đường cũng được mở ra và chúng tôi kinh ngạc vì những hoa văn trên vòm nóc và những tượng Phật phát ra nhiều màu thanh nhả thật đẹp bên trong giảng đường.

Ngoài ra chúng tôi cũng được đảnh lễ xá lợi Phật tại những ngôi chùa nằm gần nhau trong tỉnh Bagan như Lawkanandar Pagoda, Phaya pagoda, Htee Lomin Lo Pagoda bạn ơi thật đặc biệt những đèn tháp tại Bagan lại xây bằng gạch đỏ nung và có kiến trúc như tháp chàm của mình tại Phan Rang Phan Rí. Điều mà Thầy trưởng đoàn tôi tiếc giùm cho tăng sĩ Miến Điện là tháp đặc chứ không rỗng để có cửa vào nhập thất khi cần.

Sáng ngày thứ chín 28/2/2019 chúng tôi được Thầy trưởng đoàn hướng dẫn đến thăm một ngôi chùa được hoàng gia Miến điện xây cất lần đầu tiên vào đầu thế kỷ 13 (A.D 1203) có tên là GAW DAW PALIN PHAYA chùa được kiến trúc thật đẹp và cứ thế hết đời vua này sang vua khác tiếp tục tu bổ cho đến thế kỷ 18.

Bye bye Bagan, … chúng tôi sẽ làm một chuyến hành trình thật nhiều giờ trên xe để đến một địa điểm được gọi là khu du lịch tại đỉnh Tam Giác Vàng, nhưng vẫn còn được thăm quan một ngôi chùa nhỏ sau ba tiếng lái xe rời Bagan đó là Chùa Pháp Bảo DHARMA YAZIKA PHAYA đặc biệt chùa này có bức tượng khổng lồ của Đại Nhật Như Lai.

Phải thành thật mà nói tới giờ phút này tôi hoàn toàn bị khuất phục trước sự hiểu biết và nhiều kinh nghiệm khảo cứu các địa điểm lịch sử của Phật Giáo Miến Điện của T.T. Thích Tâm Thành vì đây chính là cuộc hành hương tu học đúng ý nghĩa nhất, nhất là khi được tiếp tục thêm 7 tiếng lái xe để đến thành phố du lịch nằm trên đỉnh của Tam giác Vàng suốt những chặng đường dài Ngài cho chúng tôi nghe băng đọc “Con gái Đức Phật” của Sư Giới Đức, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, lời văn súc tích, giọng đọc truyền cảm lại thêm. Xe chạy bon bon vượt qua những cảnh quan hùng vĩ chỉ thấy núi mây và thung lũng phía dưới, đường thì khúc khuỷu quanh co ngoằn ngoèo chỉ từng chiếc xe một lên xuống như ngày nào đã đi qua đèo Hải Vân tôi đã quên mất thời gian dù trời đã sập tối, cuối cùng chúng tôi đã đến một thành phố du lịch thật thơ mộng như Sapa của VN có tên là NYANG SWE và giá vé nhập quan để được thăm quan các cảnh trong khu vực này là 10$US cho mỗi đầu người, chính tại thành phố này mới có một hồ nổi tiếng nhất của Miến Điện. Đó là Inlay Lake.

Tự nhiên trên xe khi được ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ này tôi chợt rưng rưng lệ và thầm cám ơn giây phút này đã được sống trong vòng tay của Tam Bảo tôi chợt khẻ ngâm:

Còn thời gian để một lần trở lại ?
Chuyến đi sao ấn tượng khó phai nhoà
Tự nhủ thầm nhiều kiếp… hẳn kinh qua
Tiền thân… nguyện sống đời trong Tam Bảo !
Giữa đồng hoang vu nơi miền dã thảo
Bốn bề núi giăng… bao phủ toàn mây
Đại duyên đúng thời nên đến chốn này
Mãnh đất vàng, hùng vĩ đầy bảo tháp

Vào đến khách sạn thì trời đã chập tối, nhưng sao căn phòng của tôi trong hotel lại trang hoàng bằng câu danh ngôn của ai đó làm tôi miên man chiêm nghiệm.

“In the end, it’s not the years in your life that count.
It’s the life in your years”.

Sáng ngày thứ mười 1/3/2019 khi ăn sáng đoàn chúng tôi được thông báo phải chuẩn bị áo mưa và ý phục thật giản dị để cả ngày du lịch trên sông nước. Tôi từ thuở bé rất sợ sông hồ và khi nhìn thấy chiếc đò máy tam bản lại rợn người nhớ lại cảnh vượt biên trên sông Vị Thanh (Cần Thơ)!

Chúng tôi mỗi nhóm 5 người đều mặc áo phao và một hướng dẫn viên địa phương trên một chiếc ghe máy bắt đầu thám hiểm một hồ thật lớn trên đỉnh núi tên gọi là Inle Lạke, rất ít đoàn du lịch được đến đây vì khó kiểm soát nếu không giữ được tỉnh giác và chánh niệm sẽ dễ có nhiều sự cố. Dọc theo hồ có nhiều ngôi đền và các địa điểm thủ công nghệ bản xứ rất nổi tiếng chúng ta hãy cùng nhau viếng thăm bạn nhé dù chỉ bằng online nhưng hy vọng bạn sẽ thich thú khi tưởng tượng dược qua hình ảnh
Được biết vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên (đồng thời với vua A Dục) có một hoàng đế muốn viếng thăm núi Tu Di tượng trưng Hy Mã lạp sơn nên sửa soạn chiếc thuyền rồng đi dạo ngang qua nơi đây và kiến trúc các ngôi chùa.

Làng này có tên là Nampaye Village Nyaung Swe với thủ công nghệ là lụa được dệt bằng những sợi tơ lấy từ cọng sen mà thôi.

Chùa đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Golden Pagoda (Al La Daw Pauk Pagoda).

Dân chúng địa phương nơi đây cho rằng chùa này rất linh thiêng vì ai ước gì với lòng thành đều được như nguyện, nhưng Thầy trưởng đoàn còn dạy rằng chúng tôi nên tin vào luật nhân quả và hãy cố gắng giữ được thập thiện giới.

Ngôi chùa thứ hai trên dòng sông có tên là Phaung Ta Oou Pagoda. Vừa bước vào Chánh điện là chúng tôi thấy thờ 4 cục vàng nhưng có hình dáng một người ngồi.

Tương truyền rằng vào thế kỷ thứ 12 Sau sự cố chùa bị thiêu hủy sau trận cháy lớn, bốn tượng Phật trong chùa bổng dưng biến mất. Chùa này lại nổi tiếng nhiều thế kỷ với năng lục vi diệu và nhiệm mầu, thế nên các thổ thần đã làm trồi lên những tượng hình thù như tượng Phật và dân chúng khi khai hoang đã vớt lên và thờ cúng.

Ngôi chùa thứ ba lại là một thiền đường rất rộng lớn có tên là Shwe Inn Dein Temple mới thoạt đầu chúng tôi tưởng chừng như không có trụ trì, nhưng vào sâu bên trong mới gặp được một vị trụ trì mới sau khi vị trụ trì cũ đã viên tịch, chúng tôi lại biết thêm, vị trụ trì cũ chính là một thiền sư nỗi tiếng cùng thời với Ngài Mahasi. Sởi dĩ thiền đường rất rộng vì mỗi lần Phật đản là nơi tập hợp của tất cả phật tử nhiều chùa trong vùng, và ngôi chùa này cũng là một trong những thuyền rồng của nhà vua thời ban sơ.

Cũng viếng thăm được một trung tâm thủ công nghệ làm nữ trang bằng bạc hay vài loại đá quý cũng như thăm những Thổ dân đeo trên cổ hằng chục vòng, tôi thì quá mệt khi đi chuyển khó khăn với những lúc leo lên leo xuống thuyền tam bản nên chỉ mong về khách sạn để nghỉ.

Sáng ngày thứ mười một 2/3/2019

Chúng tôi vội vàng đi viếng thăm 3 ngôi chùa nhỏ nơi vùng Inlay Lake này đó là chùa Buddha’s scripture Pagoda, Shwe Yan Pyay Monastery và Bori Thath Pagoda, đặc biệt những ngôi chùa này có vẻ lại Tây tạng vì tôi thấy các tượng Phật đều giống hình ảnh Đức Phật tại Bồ đề đạo tràng và tại Bảo tháp Từ bi Bendigo của Úc. Chúng tôi vội ăn trưa và chuẩn bị một chuyến trở về Yan gon hotel để sáng kịp khởi hành về lại nơi mình đã phát xuất trước chuyến hành hương này.

Và bạn ơi đêm đó sau 8 giờ đồng hồ trên xe chúng tôi đã về đến khách sạn lúc 9 giờ đêm mà chưa ăn tối để rồi sáng hôm sau từ 6 giờ sáng là chúng tôi lại ra phi trường để về lại Melbourne mà không có tiệc giả từ hay chia tay. Thế là kết thúc chuyến hành hương tu học thật đơn giản.

Lời kết:

Ai đã từng hành hương sẽ biết sự tham muốn của ta về di tích thật nhiều để rồi chỉ một tháng sau là quên hết, do vậy tôi phát tâm ghi chép vội những gì đã mắt thấy tai nghe và với sự giúp đỡ của các bạn trong đoàn cũng như Thầy trưởng đoàn chắc hẳn những ai chưa từng hành hương Miến Điện sẽ thú vị khi so sánh với những chi tiết trong Google vì đã được Thầy trưởng đoàn nghiên cứu và hướng dẫn Phật tử nhiều năm. Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại của đoàn hành hương…

Kính nguyện hồi hướng tất cả Phước báu nào có được đến tất cả pháp giới chúng sanh và cũng xin được thông cảm cho tôi nếu có những sai sót nào vì tiếng Miến khó ghi lại.

Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát


Huệ Hương – 4/3/2019

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.