Sống Theo Hạnh Phật

Hạnh Phật (Buddha-cariyà) rất cao quý và rất an ổn mà bất cứ người nào phát nguyện theo đuổi thì đều trở nên thanh cao và hưởng được phúc lạc lớn. Bởi lẽ hạnh của Phật là những việc chân thật, hướng thiện, lợi mình, lợi người, là Thánh hạnh (Ariya-cariyà), thiện hạnh (kusala-cariyà), chỉ mang lại an lạc, quyết không đưa đến khổ đau. Theo được một hạnh thì thanh cao một bậc, cùng lúc hưởng được một phúc lạc lớn tưởng như không có gì sánh bằng. Càng nỗ lực theo đuổi thì nhân phẩm và phúc lạc càng lớn hơn, bởi hạnh của Phật là sự thể hiện trọn vẹn và sinh động nhất nếp sống chân-thiện-mỹ…

Sống Theo Hạnh Phật đến với đời mang hạnh nguyện lớn cứu độ hết thảy chúng sinh. Phật hiểu mình và thương người thể hiện qua nếp sống trí tuệ và từ bi của bậc giác ngộ, muôn đời không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói đối, không uống rượu…và hết lòng khuyên dạy người khác sống nếp sống như Phật. Bởi hạnh Phật cao quý và an ổn như vậy nên người nào nỗ lực, sống theo hạnh của Phật thì được gọi là Thánh giả (Ariya) và nhất định hưởng được phúc lạc lớn và lâu dài.

Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể mà Phật chỉ dạy mọi người sống theo hạnh của Phật. Chư vị xuất gia nguyện trọn đời theo hạnh của Phật thì Phật dạy phải theo đuổi trọn vẹn các Thánh hạnh của bậc xuất gia sống tư lợi và lợi tha. Những vị tại gia cư sĩ còn bận rộn với đời sống gia đình thì Phật khuyên nên nỗ lực noi gương và thực hành được chừng nào quý chừng ấy Thánh hạnh cao quý của bậc xuất thế. Bởi hạnh của Phật là nếp sống đạo đức, giác ngộ, hướng thiện, lợi mình, lợi người, nên càng chuyên tâm thực hành thì lợi ích an lạc đạt được càng lơn. Sống được một giây thì được tự do an lạc một giây. Sống trọn một ngày thì được tự do an lạc một ngày. Sau đây chúng ta thử chiêm nghiệm tám Thánh hạnh căn bản của các bậc xuất gia mà Phật đã khuyên những người tại gia cư sĩ nên noi gương thực tập trong một ngày đêm và thử hình dung mức độ giải thoát an lạc thực sự của nếp sống ấy:

– Này Visàkhà, Thánh đệ tử suy tư như sau: Cho đến trọn đời, các vị A la hán từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quí, có lòng từ, sống thương sót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Về chi phần này, ta theo gương các vị A la hán và ta sẽ thực hành trai giới”.

Cho đến trọn đời, các vị A la hán từ bỏ lấy của không cho , chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Về chi phần này, ta theo gương các vị A la hán, và ta sẽ thực hành trai giới”.

Cho đến trọn đời, các vị A la hán từ bỏ tà hạnh, tịnh tu Phạm hạnh, sống giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ tà hạnh, tịnh tu Phạm hạnh, sống giải thoát, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Về chi phần này, ta theo gương các vị A la hán và ta sẽ thực hành trai giới”.

Cho đến trọn đời, các vị A la hán từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Về chi phần này, ta theo gương các vị A la hán và ta sẽ thực hành trai giới”.

Cho đến trọn đời, các vị A la hán từ bỏ men rượu, rượu nấu làm cho say đắm. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống từ bỏ men rượu, rượu nấu làm cho say đắm, tránh xa rượu men, rượu nấu làm cho đắm say. Về chi phần này, ta theo gương các vị A la hán và ta sẽ thực hành trai giới” Cho đến trọn đời, các vị A la hán ăn một ngày một bữa, không ăn ban đêm, không ăn phi thời. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống ăn một ngày một bữa, không ăn ban đêm,không ăn phi thời. Về chi phần này, ta theo gương các vị A la hán và ta sẽ thực hành trai giới”.

Cho đến trọn đời, các vị A la hán tránh xa, không xem múa hát, nhạc diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta sống tránh xa không xem múa, hát, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liẹu, dầu thoa và các thời trang. Về chi phần này, ta theo gương các A la hán và ta sẽ thực hành trai giới.

Cho đến trọn đời, các vị A la hán từ bỏ giường cao, giường lớn, tránh xa giường cao, giường lớn. Các vị ấy nằm trên giường thấp, trên giường nhỏ hay trên đệm cỏ. Cũng vậy, đêm nay và ngày nay, ta từ bỏ giường cao và giường lớn, tránh xa giường cao, giường lớn, nằm trên giường thấp, trên giường nhỏ hay trên đệm cỏ. Về chi phần này, ta theo gương các vị A la hán và ta sẽ thực hành trai giới”.

– Như vậy, này Visàkhà, là Thánh trai giới. Thực hành Thánh trai giới, này Visàkhà, có quả lớn, có lợi ích lớn, có chói sáng lớn, có ánh sáng lớn. (Kinh Các lễ Uposatha, Tăng Chi Bộ).

Kinh tạng Pali nói cho chúng ta biết các bậc A la hán, trước lúc xuất gia nguyện trọn đời theo hạnh của Phật, đã có nhận thức như vậy:

Đời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đẩy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Ngẫm kỹ lại thì chư vị Thánh giả xưa nêu nhận xét rất xác đáng. Ai vướng vào nợ trần rồi thì mới thấy thanh thoát cao quý chừng nào nếp sống ly trần thoát tục. Phần lớn người cư sĩ duyên trần chưa dứt, đời sống còn nhiều vướng lụy, chưa thể theo đuổi hạnh của Phật như các Thánh giả xuất gia, chỉ mong theo gương các vị thực hành Ngũ giới hoặc tu học trọn một ngày đêm tám hạnh căn bản và đơn giản nhất của các bậc A la hán. Nhưng hãy thử hình dung tám Thánh hạnh trên sẽ đưa đến thanh cao an lạc thế nào khi được chấp trì một cách đầy đủ và nghiêm mật. Chỉ một hạnh thôi đã cao quý và an lạc lắm rồi, huống nữa là tám! Kinh lễ Đức Thế Tôn, hạnh của Ngài đẹp mà an lạc lắm vậy.

Hiếu NgọcTạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 48
Theo tapchivanhoaphatgiao.com

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.