Ý Nghĩa Hai Chữ Hành Hương

Nghĩ cũng lạ… Từ năm 2000, tôi đã có dịp đi du lịch khắp nơi trên thế giới do hoàn cảnh đã được thuận tiện về sinh kế lẫn con cái nhưng chưa có ý niệm gì về hành hương theo tôn giáo. Mãi đến 2003 khi về đến Phú Quốc và được viếng thăm ngôi chùa Hùng Long Tự địa điểm du lịch tham quan thì một ý tưởng thẩm sâu tiềm tàng trong tôi đã phát khởi “Tại sao mình không đến thăm những nơi mà Đức Phật đã được sinh, rồi xuất gia khổ hạnh và chuyển pháp luân hay nhập Đại Niết Bàn mà lại đi thăm thắng cảnh làm gì, nơi nào cũng bao nhiêu đó sông hồ núi non suối thác cũng không khác gì nhau lắm”. Sỡ dĩ tôi có ý nghĩ đó vì đã từng tham khảo trên báo địa phương của một du lịch gia người Úc trải nghiệm rằng: “Nếu Anh dành được một năm nhàn du thưởng lãm được các cảnh quan của bảy tiểu bang trên đất Úc là Anh có thể thấy được tất cả cảnh đẹp trên thế giới”, và tôi tự tin là mình sẽ có ngày viếng được… mà không ngờ rằng sau này… Lực bất tòng Tâm.

Và mãi đến năm 2008 tôi được dịp tham dự các chuyến hành hương đến những địa điểm tâm linh thế mà chưa bao giờ đầu óc tôi lại có một ý tưởng “từ đâu đã phát sinh ra hai chữ hành hương”.

Vì sao? Có lẽ hành hương đôi khi được đánh đồng với du lịch văn hóa, nhất là các tuyến du lịch tham quan các di tích lịch sử tôn giáo – tín ngưỡng. Và đôi khi lại xảy ra nhiều tranh cãi dữ dội giữa ý nghĩa cho rằng hành hương có thể biến thành tệ sùng bái vái lạy cầu nguyện… đủ thứ dễ biến thành mê tín dị đoan và việc thừa nhận rằng đây là một nhu cầu luôn luôn có của tín đồ ( một tính chất thuần khiết của hai chữ hành hương chăng? ).

Tuần qua không hiểu cơ duyên nào đã tạo cho tôi có cơ hội đọc lại được ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN… lần thứ hai… sau nhiều năm để trên kệ sách dù bụi đóng mà chẳng hề xem qua, tôi chợt cảm thấy quá tội lỗi khi mới tháng trước đây vừa hành hương tu học ở Miến Điện 12 ngày mà chẳng bao giờ biết tri ân những người hướng dẫn và tổ chức như HT Thích thiện Tâm, TT Thích Phước Tấn, TT Thích Nguyên Tạng, hơn thế nữa gần đây nhất TT Thích Tâm Thành …

Theo Đại thừa khởi tín luận của Ngài Mã Minh thì chúng sanh có nhiều loại từ ít căn lành đến căn lành thuần thục nên Bồ Tát dùng nhiều phương tiện để giáo hoá với mục đích là làm sao cho họ giữ vững được tín tâm để vui vẻ hành Đạo vào thời đại mạt pháp này gọi là pháp nhược ma cường nên phải dùng phương tiện hành hương, viếng cảnh Phật tích thiêng liêng hoặc đến một nơi để hoài niệm lại những ân đức mà Đấng Thế Tôn ( Người đã thị hiện để chỉ ra một con đường giải thoát an vui cho cuộc sống hiện tại trong đời này của chúng sinh ) hầu tạo cho những kẻ mê muội phàm phu lánh xa được đường tà mê và dần dần diệt trừ nghiệp chướng.

Đọc xong phần mở đầu của Luận sách trên, tôi chợt nhớ đã xem qua vài trang mạng tôn giáo và họ đã cho rằng:

• Theo tôn giáo tín ngưỡng, hành hương như vậy là nhằm tạo ra mối liên hệ giữa phàm tục và thế giới linh thiêng, giữa cá nhân hành giả với cộng đồng đồng đạo cùng đi, giữa con người hành hương bằng xương bằng thịt với con người thứ hai của mình – con người được tái sinh qua chuyến đi này đã được thanh tẩy bụi trần và được sự đảm bảo của đấng bảo hộ nhờ vào sự thuần thành của mình.

• Mặt khác, các cuộc hành hương đều dẫn đến một di tích thiêng liêng và cổ kính, địa điểm hành hương đôi khi nó phải ở một vị trí xa xôi và càng cách trở, gập ghềnh càng hay, để chuyến đi bao hàm được ý nghĩa của một sự chuyển dịch của các hành giả, từ nơi mình sống và hoạt động sang một chiều khác không phải chiều ngang và không phải là mặt đất -mà là cái không gian của tâm linh mà trong giây phút đó họ bứt ra khỏi những ràng buộc của cuộc sống đời thường để hòa nhập vào cái thiêng và cùng nhau hướng vào một điểm chung duy nhất của cộng đồng đồng đạo.

Thật ra theo thiển ý của tôi trong lịch sử, Phật giáo chưa hẳn là tôn giáo đã khởi phát hoạt động hành hương, nhưng các tín đồ và tăng lữ của tôn giáo này đã thực hiện những cuộc hành hương vĩ đại nổi tiếng trong lịch sử châu Á. Các Ngài …Nghĩa Tịnh, Pháp Hiển, Trần Huyền Trang… đã hình thành vô vàn những địa điểm hành hương của từng quốc gia và nhiều địa điểm hành hương liên Á như Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, và Tứ Đại Danh Sơn hay Indonesia với Borobudur.

Thêm vào đó nghệ thuật tạo hình, Bảo tháp, Phật tượng đã trở thành một bộ phận quan yếu của mỹ thuật châu Á về cả số lượng lẫn chất lượng và càng ngày càng phát triển theo đó ý nghĩa nối kết sự thiêng liêng, cao cả với cái giá trị mà lịch sử – văn hóa đã kết tụ lại.

Và vì vậy mà mô hình ấy ngày càng phát triển hơn nữa và hành hương góp phần hoàn thiện con người, hiểu theo nghĩa là sau cuộc hành hương, người hành giả được tái tạo mới nhờ cuộc du hành đầy tác dụng giáo dục và được thăng tiến nhờ sự bồi bổ tri thức.

Phải chăng mỗi khi lên đường hành hương, chúng ta có môi trường và cơ hội nhận ra niềm vui thiêng liêng và tìm được nguồn sức sống khi trở về cuộc sống thường ngày ấy sau và mỗi cuộc hành hương là thời gian để hồi tưởng và suy gẫm: những ý tưởng mới được xác lập để định hướng cho những hành động và lối sống trong quãng đời còn lại của chính mình.

Ngày nay đã đổi mới, Phật tử đi hành hương để tìm sự bình an và sức mạnh xuất phát từ các nơi Đức Phật thị hiện trên cõi đời rồi xuất gia rồi chuyển pháp luân và thị hiện nhập Đại Niết Bàn. Ngày nay cũng không còn ai đi hành hương để “cầu nguyện bằng đôi chân”, mà họ còn có thêm kinh nghiệm bằng các giác quan rằng cả cuộc đời mình là một cuộc hành trình dài tiến về một đích đến…

Nhiều người sống cô đơn lẻ loi, họ muốn ra khỏi cảnh tẻ nhạt đều đều hằng ngày, muốn được thoát thân khỏi những cái thừa thãi để nhẹ nhõm đi đến với miền đất tâm linh. Như vậy dịp hành hương cũng là cơ hội giúp chúng ta, trong thinh lặng và cầu nguyện, tra vấn ý nghĩa của cuộc đời, để hiểu rằng thân phận con người là lữ thứ : “Ở trên đời, con là thân lữ khách”.

Tôi lại đọc ở đâu đó “Đạo Phật là Đạo của Sự Thật” và danh ngôn thường nói “Không gì hơn là Sự Thật” (Nothing is worthier than the truth) hay Rien n’est plus beau que la vrai… thì việc cho các Phật tử viếng thăm lại các di tích thánh địa mà hầu hết trong các kinh có nhắc đến quả thật là lợi ích …

Lấy thí dụ bản thân tôi từ khi có bức ảnh tôi thệ nguyện phát tâm bồ đề trước chân núi Linh Thứu được phóng đại và được trưng bày nơi thư viện kinh sách của tôi đã làm tôi hằng ngày liên tưởng đến pháp hội Pháp Hoa và tinh tấn kể từ đó …

Kính mong gửi đến các bạn hữu những gì tôi tham khảo và suy tư và cũng kính mong các bạn cũng như tôi đừng để ngày nào đó phải chống gậy và chỉ đứng dưới chân núi nhìn ngắm các bạn đồng đạo đến tận những nơi như Nga Mi Sơn, Ngũ Đài Sơn mà than tiếc chưa hưởng được không gian tâm linh của Đức Phổ Hiền và Ngài Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát .

Là Phật tử được hành hương… điều trân quý,
Cần hiểu thêm ý nghĩa… sẽ tri ân.
Dìu dắt tâm linh hướng dẫn… Tăng thân
Giúp giữ vững… niềm tin vào Tam Bảo

Huệ Hương – Melbourne 1/4/2019

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.