Khoảnh Khắc Chênh Vênh !

Từ lâu tôi vẫn biết phận làm một Phật tử tại gia có bao điều học được chớ đem ra thổ lộ và trình bày với những người không cùng căn cơ và sẽ vướng vào tội phỉ báng Phật pháp.

Thế nhưng giữa thời đại công nghệ này và hiện giờ lại cách giản xã hội tất cả đều online và mạnh ai đều lên Facebook để truyền đạt những gì mình nghĩ thì chuyện thơ văn trên báo mạng chắc cũng không tạo nghiệp gì lắm !

Nhất là gần đây trong những buổi giao lưu với Community nơi vùng tôi ở , tất cả đều khuyên:
“ WHEN YOU LEARN, TEACH
WHEN YOU GET, GIVE “
.

Thì tôi lại cảm thấy có chút ấm áp trong lòng làm sao đó vì ít ra mình sẽ chia sẻ được những gì mình thu lượm trong nhiều năm học hỏi …rất rất là …khác với ngày xa xưa …. ( thú thật với các bạn ngày xưa các vị cao niên tôi gặp thường giữ bí mật gia truyền về bất cứ mọi vấn đề ngay cả công thức một món bánh, món chè …).

Nhưng thực tế bao giờ cũng có những khoảnh khắc chênh vênh trong cảnh đời khó tả được nên có đôi lúc tôi cảm thấy chán nản tột cùng … người hiểu ta quá ít thì làm sao tìm ra ai đó đồng hành cùng tìm về cội nguồn tâm linh ?

Và phải đợi đến hôm nay nghe lại nhiều lần và suy ngẫm từ một pháp thoại của một vị Thầy có danh tiếng “ làm sao biết cội nguồn đó ở chỗ nào đâu mà tìm ? “ Tất cả đều là tập chúng duyên sinh khi cảnh tiếp xúc với trần!

Và cách tìm về cội nguồn đó không cần ai đồng hành cả mà chỉ là ngay khi niệm khởi lên tại tâm mình do tiếp xúc với cảnh mà gây phiền não thì cứ lo xoá sạch ngay đi tại chỗ là ta có thể tự nhiên vào vô ngại trí giải thoát ( đó là trở về nguồn tâm ).

Và Niết Bàn chính là giải thoát mọi triền phược ngay trong đương niệm.

Ngay lúc niệm khởi lên những tham, sân, ái dục thì ta phải thấy ngay và phá bỏ cho được nó.

Và cũng may thay khoảnh khắc chênh vênh đó hôm nay đã thay vào những giây phút hoan hỷ khi đọc được lời giải đáp của Tuệ Trung Thượng Sĩ khi Hoàng đế Túc Tông hỏi như sau : “ Phải như thế nào mới không phiền não, không ưu sầu “ ?

Và mời các bạn cùng tôi học thuộc câu trả lời và xem như là một công án tư duy suy nghĩ rồi tìm ra cho mình cách áp dụng để khỏi chênh vênh như mình ngày trước nhé !

Tuệ Trung Thượng Sĩ đã đáp : Người không phiền não nhìn bản thân mình rất rõ ràng, cho dù rằng một lòng hướng Phật, cũng không quyết nhận mình có tự Phật thân thanh tịnh ( Phật tánh ) mà vẫn cứ thường xuyên suy xét nhìn lại bản thân mình. CHỈ CÓ NGƯỜI PHIỀN NÃO MỚI CẢ NGÀY NGỒI NGHĨ CÁCH THOÁT RA PHIỀN NÃO !

Quá trình tu hành là quá trình thanh lọc tâm linh, không một ai thay thế hay chỉ bảo làm giúp. Người khác không thể nào làm thay được !

Buông bỏ được dục vọng bản thân, buông bỏ hết mọi chấp trước thì kỳ thực ngài đã có cả một thế giới. “ Sau khi tâm tâm niệm niệm đọc hàng chục lần rồi, tôi tội nghiệp cho tôi quá vì những giây phút vô minh ngày xưa đó … cũng như Ngài Tuệ Trung đã dạy thêm “ Không ai có thể đem mãng mây trên hư không về để trong cung điện “ .

Vậy hãy để cho những người không hiểu mình và hãy tôn trọng họ cho tới khi nào họ có thể cảm thông, thì tự khắc họ sẽ phát xuất một tình thương đích thực vì đạo Phật gắn liền với từ bi và trí tuệ, khi không hiểu nhau thì có thể mình sẽ làm người khác ngột ngạt trong những ước vọng của họ …

Hãy im lặng và đừng tự biện hộ gì cả cho đến những điều học được vì Thầy tôi đã cho 2 câu thơ an ủi khi tôi chán nản :

” Mày ngang mũi dọc như nhau,
Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau nghìn trùng “
.

Thay lời kết tôi cũng xin tặng các bạn bài thơ tả những khoảnh khắc chênh vênh, bâng khuâng xao xuyến ngày nào nay được giải tỏa

“ Khoảnh khắc chênh vênh nay dường như biến mất,
Ngộ ra rằng xưa có chút cầu mong,
Người bên ta nâng đỡ với cảm thông,
Khi “Hạnh phúc bằng thực tế giảm đi chờ đợi  ”

Thương yêu đích thực là vị tha không tự lợi !
Buông bỏ chấp trước, biết vô ngã duyên sinh
Chỉ cần thanh lọc, suy xét bản thân mình
Niết Bàn chỉ là đương niệm không triền phược !

Phiền não tức Bồ Đề dễ dàng có được !
Đúng, sai – tốt, xấu hai mặt đồng tiền,
Vốn không tướng thật, hãy cứ an nhiên.
Khoảnh khắc chênh vênh quán triệt, hoa lòng nở!!!!

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.