Hạnh Phúc Chân Thường – Phần V

PHẦN 5. QUÁN TƯỞNG CHUNG CUỘC VỀ MỘT ĐỜI SỐNG TÂM LINH

Chương 15

CÁC GIÁ TRỊ TINH THẦN CĂN BẢN

Nghệ thuật của hạnh phúc có nhiều nhân tố. Như chúng ta đã thấy, nghệ thuật này bắt đầu bằng việc phát huy sự thông hiểu những uyên nguyên chân thật nhất của hạnh phúc rồi đến việc lựa chọn thứ tự ưu tiên của cuộc sống dựa trên sự vun bồi những nguyên uỷ này. Chúng ta cần những nguyên tắc nội tại, cần một tiến trình nhổ tận gốc rễ các trạng thái tâm thức có tính cách phá hủy và từ từ thay thế bằng những yếu tố tích cực/xây dựng như thân ái, khoan nhượng và tha thứ. Để nhận diện những nhân tố dẫn đến một cuộc sống trọn vẹn và thoải mái, chúng ta sẽ bàn đến nhân tố cuối cùng dùng làm kết luận: Tâm Linh.

Người ta có khuynh hướng coi tâm linh và tôn giáo vốn là một. Quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về hạnh phúc đã được định hình bởi những năm dài luyện tập cam go để trở thành một tu sĩ Phật giáo. Ngài cũng được người đời xưng tụng là một học giả Phật giáo uyên bác. Tuy vậy, đối với số đông, sự hiểu biết thâm thúy về những vấn đề triết học phức tạp của đức Đạt Lai Lạt Ma không phải là yếu tố quyến rũ, mà chính là tính bình dân, tính hài hước và tính nồng nhiệt trong bản chất của Ngài đã thu phục lòng người. Thực ra, trong tất cả các buổi nói chuyện của chúng tôi, nhân tính căn bản của đức Đạt Lai Lạt Ma đã vượt hẳn lên trên các phương diện khác kể cả vai trò tu sĩ của Ngài. Dù cạo tóc, dù mặc áo tràng, dù là một trong các khuôn mặt xuất chúng về tôn giáo, giọng nói của đức Đạt Lai Lạt Ma trong các buổi đàm thoại với tôi chỉ đơn thuần là giọng nói giữa một con người với một con người, cùng thảo luận những vấn đề mà mọi người đều chia xẻ.

Nhằm giúp chúng ta thông hiểu ý nghĩa chân thực của TÂM LINH, đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu giải thích về sự khác biệt giữa tâm linh và tôn giáo:

“Theo tôi nghĩ thì điểm trọng yếu là chúng ta phải trân quý tiềm năng của con người và nhận thức được tầm quan trọng của các chuyển hóa nội tại. Nhưng điều này có thể đạt được qua một tiến trình gọi là sự khai triển tâm thức. Đôi khi, tôi gọi đây là những chiều kích tâm linh của cuộc đời.

“Người ta có thể chia ra làm hai cấp độ của tâm linh. Cấp độ thứ nhất có liên hệ đến tôn giáo. Thế giới của chúng ta có nhiều hạng người khác nhau và nhiều thiên hướng khác nhau. Chúng ta có 5 tỷ con người và ở một phương diện nào đó, tôi cho rằng chúng ta cần 5 tỷ tôn giáo khác nhau để đáp ứng những thiên hướng quá khác biệt. Tôi tin rằng mỗi người đều cần một lộ trình tâm linh phù hợp với thiên hướng, sở thích tự nhiên, tính khí, niềm tin, gia đình và bối cảnh xã hội của riêng mình …

“Thí dụ như tôi chẳng hạn, vì là một tu sĩ Phật giáo nên tôi cho Phật giáo là thích hợp nhất và vì thế, đối với tôi, Phật giáo là tốt đẹp nhất. Nhưng điều này không có nghĩa Phật giáo sẽ tốt đẹp cho tất cả mọi người. Rõ ràng là như vậy và chắc chắn là như vậy. Nếu tôi nghĩ Phật giáo là tôn giáo tốt đẹp nhất của tất cả mọi người thì thật là một ý tưởng điên rồ vì thiên hướng của mỗi người rất khác nhau. Cho nên nhiều người thì cần phải có nhiều tôn giáo. Mục tiêu của tôn giáo là phục vụ con người nên nếu chúng ta chỉ có một tôn giáo, mục tiêu phục vụ đó sẽ tàn lụi sau một thời gian. Cũng như nhà hàng chỉ cung cấp một món ăn ngày này qua ngày khác, tôi chắc rằng sau một thời gian, thực khách sẽ chẳng còn là bao. Người ta cần và thích nhiều món ăn khác nhau vì con người có nhiều khẩu vị khác nhau. Cũng cùng một cách thế như vậy, tôn giáo là để nuôi dưỡng tâm linh con người nên tôi nghĩ rằng chúng ta nên chào đón tính đa dạng của tôn giáo và chấp nhận nhiều tôn giáo khác nhau. Có rất nhiều người nhận thấy Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo hay Hồi giáo rất thích hợp đối với họ nên chúng ta phải chấp nhận và tôn kính những giá trị tinh thần của các truyền thống tôn giáo quan trọng khác nhau trên thế giới.

“Tất cả các tôn giáo lớn này đều có những đóng góp hữu hiệu cho lợi dưỡng của nhân loại. Các truyền thống này đều được sáng tạo để làm cho con người được hạnh phúc hơn và làm cho thế giới này thành một nơi chốn tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, để các tôn giáo có thể thực hiện được mục tiêu này, mỗi người trong chúng ta phải thực hành những giáo lý với tất cả thành tâm. Người ta phải kết hợp những giáo điều vào cuộc sống của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào để có thể sử dụng chúng như là mạch nguồn của những năng lực nội tại. Người ta cũng cần phải đạt được sự thấu hiểu sâu xa về những tư tưởng của tôn giáo, không chỉ trên bình diện tri thức nhưng là những cảm xúc sâu thẳm, những chứng nghiệm nội tâm.

“Tôi tin rằng người ta có thể phát huy cảm giác tôn kính đối với tất cả các truyền thống tôn giáo khác nhau. Một trong những lý do căn bản là tất cả các truyền thống này đều cung ứng những khuôn mẫu đạo đức để điều hướng hành vi của chúng ta cũng như những ảnh hưởng tích cực của chúng. Trong truyền thống Cơ Đốc chẳng hạn, niềm tin ở Thiên chúa được coi là những mẫu mực đạo đức rõ rệt và dứt khoát để hướng thiện hành động và lối sống con người. Đây là một khuynh hướng rất mạnh mẽ vì các tương quan mật thiết trong mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, vị Thiên Chúa đã tạo dựng ra loài người, cũng như cách thế biểu lộ tình thương của Ngài trong con người chúng ta như yêu thương và từ ái với đồng loại.

“Còn nhiều lý do nữa khiến chúng ta nên tôn kính những truyền thống tín ngưỡng khác biệt. Tất cả các tôn giáo lớn đã cung ứng những lợi ích khôn lường cho hàng tỷ người xuyên qua hàng ngàn năm trong quá khứ. Ngày cả giai đoạn hiện tại này, nhiều triệu người vẫn còn thừa hưởng những phúc lợi và cảm hứng từ các truyền thống này dưới một hình thức nào đó. Rõ rệt là như vậy. Và rồi trong tương lai, các tôn giáo lớn này vẫn tiếp tục là nguồn rung cảm cho hàng triệu người của các thế hệ sắp tới. Thực tế là như vậy. Cho nên chúng ta phải tôn kính và thừa nhận vai trò vô cùng quan trọng của các tôn giáo này.

“Người ta có thể củng cố mối tương kính giữa các đức tin khác nhau xuyên qua sự giao tiếp cá nhân. Trong ít năm qua, tôi đã cố gắng tiếp xúc và đối thoại với cộng đồng Cơ Đốc giáo cũng như Do Thái giáo và tôi đã có được những kết quả thật tích cực. Với hình thức giao tiếp rất gần gũi này, chúng ta có thể học hỏi về những đóng góp hữu ích cho nhân loại của một tôn giáo này, khám phá những phương thức mà chúng ta có thể chia xẻ được từ một tôn giáo khác. Khai triển được chất keo để nối kết các tôn giáo với nhau là điều vô cùng thiết yếu vì qua sự nối kết này, chúng ta sẽ gây tạo được một nỗ lực chung cho phúc lợi nhân quần.

“Thế giới chúng ta đã quá chia rẽ và quá rối rắm. Tôn giáo phải là liều thuốc làm giảm thiểu xung đột và đau khổ của con người chứ không phải làm chúng thêm trầm trọng.

“Chúng ta thường nghe thiên hạ nói rằng mọi người đều bình đẳng. Khi nói như vậy, rõ rệt là chúng ta có ý cho rằng mỗi người đều mong được hạnh phúc. Mỗi người đều có quyền làm một con người sung sướng và mọi người đều có quyền chế ngự được phiền não. Vậy nếu chúng ta tìm được hạnh phúc hay phúc lợi từ một truyền thống tôn giáo nào đó thì chúng ta phải tôn trọng quyền (tìm được hạnh phúc hay phúc lợi từ một tôn giáo khác) của tha nhân. Vì thế, rõ ràng là chúng ta phải tỏ lòng tôn kính đối với những tôn giáo lớn của nhân loại.”

Trong tuần lễ diễn thuyết của đức Đạt Lai Lạt Ma tại Tucson, tinh thần tương kính đã tốt đẹp hơn sự mong đợi của mọi người. Thính giả của các buổi nói chuyện này bao gồm nhiều truyền thống tôn giáo quan trọng khác nhau, trong đó, một số lớn thuộc hàng giáo phẩm Cơ Đốc. Dù có sự khác biệt tín ngưỡng, một bầu không khí bình an và hài hòa đã bao phủ thính đường, rõ rệt đến nỗi người ta có thể sờ mó được. Người ta trao đổi với nhau và ngay cả những người không phải là Phật tử cũng chẳng tỏ vẻ nghi ngờ về việc hành trì tâm linh hàng ngày của đức Đạt Lai Lạt Ma. Một thính giả đã tò mò hỏi:

“Dù là Phật tử hay không, việc cầu nguyện đều được nhấn mạnh đối với mọi người. Tại sao cầu nguyện lại quan trọng như vậy trong đời sống tâm linh?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Theo tôi thì điểm cốt yếu của cầu nguyện là sự nhắc nhở mỗi ngày về những nguyên tắc nội tại và niềm tin của chúng ta. Cá nhân tôi lập đi lập lại lời giảng của bậc Đại Giác mỗi ngày. Những câu này nghe có vẻ như lời kinh nhưng thật ra chỉ là sự nhắc nhở. Nhắc nhở về cách nói chuyện với người khác, nhắc nhở cách giao tiếp với tha nhân, nhắc nhở cách ứng xử với những vấn nạn trong đời sống thường ngày … Cho nên trong sự cầu nguyện của tôi, đa phần là những lời nhắc nhở về những điều quan trọng như từ tâm, tha thứ và dĩ nhiên là cũng bao gồm phần quán tưởng về bản thể của vạn pháp, thiền định. Mỗi ngày tôi cầu nguyện khoảng 4 tiếng đồng hồ. Cũng khá lâu đấy chứ?”

Nghe đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày để cầu nguyện, một thính giả khác hỏi: “Tôi là một người mẹ với bốn đứa con và tôi có việc làm toàn thời nên có rất ít thì giờ rảnh. Làm sao để tìm ra thời gian để cầu nguyện và thiền quán đối với những người vô cùng bận rộn như tôi?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: “Ngay như trường hợp của tôi, nếu muốn, tôi cũng có thể than phiền rằng không đủ thì giờ. Tôi rất bận rộn nhưng nếu cố tình, chúng ta vẫn tạo được thời gian rảnh rỗi như vào lúc sáng sớm chẳng hạn; hay vào dịp cuối tuần, chúng ta có thể hy sinh một vài thú tiêu khiển phải không ?” Đức Đạt Lai Lạt Ma cười và nói tiếp: “Thành ra tôi nghĩ ít nhất là nửa giờ mỗi ngày. Hoặc nếu cố gắng hơn, chúng ta có thể dành ra 30 phút buổi sáng và 30 phút vào buổi tối. Nếu thực lòng, quý vị sẽ tìm được thì giờ mà quý vị muốn.

“Tuy nhiên, nếu suy nghĩ thật cẩn trọng về ý nghĩa đích thực của công tác thực hành tâm linh, chúng ta sẽ thấy nó có nghĩa là sự phát huy và huấn luyện tâm thức, thái độ, trạng thái tâm lý, cảm xúc và cả bản ngã nữa. Không nên giới hạn sự hiểu biết về thực hành tâm linh của chúng ta vào những hành động thể lực hay lối nói như cầu nguyện hay tụng kinh. Nếu cho rằng thực hành tâm linh chỉ giới hạn vào những hoạt động như vậy thì dĩ nhiên là chúng ta cần đến những thời điểm riêng biệt, một lúc nhất định nào đó trong ngày vì không ai có thể vừa nấu ăn giặt giũ vừa đọc kinh trì chú được. Người chung quanh sẽ nghĩ là mình điên hay khùng gì đó. Nhưng nếu thấm nhuần ý nghĩa đích thực của hành trì tâm linh, chúng ta có thể sử dụng cả 24 giờ của một ngày. Tâm linh chân chính là một thái độ tinh thần mà chúng ta có thể thực tập vào bất cứ lúc nào. Tỷ như chợt nhận ra mình đang ở trong hoàn cảnh có thể làm cho ai đó bị sỉ nhục thì liền cảnh giác và tự chế để đừng làm chuyện đó. Hoặc gặp trường hợp mất bình tĩnh, cảm giác sân hận vừa trỗi dậy thì hãy lập tức tỉnh thức, tự nhủ ‘không, đây không phải là giải pháp thích đáng’. Nếu hiểu được như vậy thì bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể thực hành tâm linh, lúc nào cũng có thì giờ tu tập.

“Chuyện này làm tôi nhớ đến Potowa, một vị đạo sư Tây Tạng. Vị này nói rằng đối với những hành giả đã đạt được một mức độ nào đó về sự tĩnh lặng nội tại và nhận thức thì bất cứ một biến cố, một kinh nghiệm nào mình đã trải qua đều là những bài học. Đó là kinh nghiệm học hỏi và tôi cho rằng điều này rất đúng.

“Từ viễn tượng này, ngay khi chúng ta đối diện với những cảnh ngộ xáo trộn làm rối loạn tâm trí như phim ảnh/truyền hình bạo động và tình dục, người ta cũng có thể xem chúng với một sự tỉnh thức rõ rệt để nhận ra sự quá độ của các ảnh hưởng tác hại. Như vậy, thay vì bị hoàn cảnh vây phủ, chúng ta có thể xem chúng là những ấn chứng nguy hại của cảm xúc tiêu cực không bị kiểm soát nghĩa là chúng ta vẫn học hỏi được”.

Tuy nhiên vì là một hành giả Phật giáo, hành trang tinh thần của đức Đạt Lai Lạt Ma dĩ nhiên là có nhiều đặc tính của nhà Phật. Thí dụ như khi nói về những hành trì thường nhật, đức Đạt Lai Lạt Ma thường nói về sự quán tưởng đến bản thể của thực tại cùng với vài phương pháp quán chiếu khác. Trong phần thảo luận, đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ nói phớt qua về những phép quán này, nhưng trong những năm qua, tôi đã có dịp nghe Ngài diễn giải rất tường tận về các đề tài này, những buổi thuyết giảng vô cùng phức tạp và khó hiểu. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về bản chất của thực tại với phần phân tích và tranh luận đầy triết lý đủ làm người ta rối trí, sự diễn tả các phép quán Tantric phức tạp và chi tiết đến độ không hiểu được, quán tưởng về những mục tiêu chỉ có trong trí tưởng tượng của con người … Đức Đạt Lai Lạt Ma đã học tập và thực hành những phép quán này trong suốt cuộc đời. Hiểu được các nỗ lực của đức Đạt Lai Lạt Ma có một phạm vi bao la và cao tột, tôi hỏi: “Ngài có thể giải thích về những lợi ích thực tiễn của công tác thực hành tâm linh trong đời sống thường ngày?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma yên lặng một lúc rồi trả lời: “Dù không có nhiều kinh nghiệm lắm, tôi có thể đoán chắc một điều là qua công tác hành trì Phật pháp, tâm thức của tôi đã tĩnh lặng hơn rất nhiều mặc dù sự thay đổi xảy ra rất chậm chạp, có thể là từng phân, từng ly một. Có sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của tôi đối với người khác cũng như với chính tôi. Mặc dù rất khó mà đưa ra những nguyên do của sự thay đổi này, tôi nghĩ rằng thái độ của mình đã bị ảnh hưởng sâu đậm bởi nhận thức, một sự nhận thức tuy chưa hoàn toàn nhưng rất chắc chắn về bản thể chân chính của thực tại. Tôi cũng bị ảnh hưởng bởi những đề mục quán sát như vô thường, phiền não cũng như giá trị của từ ái, vị tha.

“Vì thế, khi nghĩ đến những người Cộng sản Trung Quốc đã gieo rắc tang tóc cho dân chúng Tây Tạng, với những thành tựu có được qua công tác hành trì Phật đạo, tôi cảm thấy một mối thương tâm ngay cả với những người tra tấn tội nhân vì tôi hiểu rằng những người này đã bị thúc đẩy bởi các quyền lực tiêu cực. Thêm nữa, với hạnh nguyện Bồ Tát[1] mà tôi đang theo đuổi khiến tôi không thể cảm hay nghĩ rằng một người nào đó phải nhận chịu hậu quả xấu hay không được hưởng hạnh phúc vì đã có những hành vi tiêu cực. Những hạnh nguyện này đã giúp tôi phát huy từ tâm, đã tỏ ra vô cùng hữu ích, nên tất nhiên là tôi trân quý chúng.

“Tôi nhớ đến một vị thầy tế cao cấp đã sống ở tu viện Namgyal. Vị này bị Trung cộng bắt giam với tội danh tù nhân chính trị trong suốt 20 năm qua. Có một lần tôi hỏi là trong thời gian bị giam cầm, hoàn cảnh nào được xem là khó khăn nhất và tôi đã vô cùng khâm phục khi vị ấy trả lời rằng nguy cơ lớn lao nhất là đánh mất lòng từ ái đối với Trung hoa.

“Còn nhiều chuyện khác nữa. Cách đây 3 hôm, tôi gặp một tu sĩ đã sống nhiều năm trong lao tù Trung cộng. Vào thời gian Tây Tạng nổi dậy chống lại sự xâm lấn của Trung quốc vào năm 1959, vị tu sĩ này được 24 tuổi và đã tham gia vào lực lượng yêu nước ở Norbulinga. Ông ta bị bắt cùng với ba người anh em khác và ba người này đã bị giết chết trong trại giam. Hai người anh em khác nữa của ông ta cũng bị Cộng sản Trung quốc giết chết và sau đó là cha mẹ ông ta qua đời trong các trại cưỡng bách khổ sai. Trong suốt thời gian tù đày, ông ta nói với tôi là đã suy ngẫm cẩn trọng về cuộc sống và đã đi đến kết luận rằng trong suốt thời gian sống tại tu viện Drepung, ông ta chưa xứng đáng là một tu sĩ mà chỉ là một người ngu xuẩn. Trong khi bị tù đày ông ta mới phát nguyện để cố gắng trở thành một tu sĩ chân chính. Do kết quả của công tác huấn luyện tâm thức và hành trì Phật đạo, vị tu sĩ này đã chịu đựng được những đau đớn ghê gớm của thể xác. Trong những lần bị tra khảo và đánh đập vô cùng khốn nạn bởi các cai ngục người Hoa, ông ta vẫn bình tâm nghĩ rằng đây là cơ hội để thanh lọc những chướng nghiệp của quá khứ và đã sống sót được đến ngày nay.

“Qua những thí dụ này, chúng ta có thể thấu hiểu được giá trị cao quý của việc thực hành tâm linh trong đời sống thường ngày của mọi người.”

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.