Định Luật Bất Biến Và Mầu Nhiệm Của Vũ Trụ

Tôi rất thích thú với lời nói đầu trong quyển ” Master and the Path “ xuất bản từ năm 1924 mà mãi đến bây giờ tôi mới chiêm nghiệm được !

Mời xem một trích đoạn ” Nếu con người đã tin tưởng vào định luật tiến hoá ( nghĩa là tất cả vạn vật đều phát triển, trải qua nhiều kiếp sống luân hồi để tiến tới một tiến trình hoàn thiện ) thì mới có thể giải thích được mỗi cá nhân được sinh ra với mỗi một bản chất, thân hình, cá tính hoàn toàn khác biệt nhau không một ai giống ai dù là anh chị em sinh đôi “

Như vậy tiến hoá là lộ trình đi từ thấp đến cao, từ loài vô tình đến hữu tình, từ loài cầm thú đến loài người và con người được sinh ra để học hỏi, kinh nghiệm để trở nên toàn thiện, tốt đẹp hơn… Và tiến trình này ắt hẳn phải kéo dài qua nhiều kiếp sống mà ta gọi là LUÂN HỒI.

Tuy nhiên cần biết rằng con đường này không hẳn là tuần tự êm xuôi mà vẫn có sự đi giật lùi và có khi thoái hoá vì lẽ con người đã chưa hoàn toàn học được bài học mà họ cần phải học cho thông suốt, quán triệt các định luật mầu nhiệm bất biến của Vũ Trụ.

Đó là luật nhân quả, luật luân hồi, luật tiến hoá để sống thuận theo chân lý, luật hấp dẫn v.v.

Quyển sách này từ 2008 đã có mặt trong tủ sách tôi thế mà mãi đến nay mới có dịp nghe lại và đọc lại, khiến tôi phải tự trách mình rằng: “ Sao lại phải đợi đến 13 năm mới có thể chiêm nghiệm được điều này nhỉ “.

Chẳng phải từ lâu mình đã tham khảo nhiều năm và lựa chọn cho mình một hướng đi đúng rồi sao ?

Chẳng phải mình từng có những giấc mơ rất là huyễn hoặc nhưng đã làm mình hoan hỷ suốt cả ngày khi tỉnh dậy sao ? Đó là những giấc mơ khi trở lại Linh Thứu Sơn và được chứng kiến Đức chúa Giê Su và 12 thánh đang bay lơ lửng trên bầu trời như cùng hướng về Đức Thế Tôn đảnh lễ… Và còn nhiều vị Thầy khả kính cũng viếng nhà (nơi tôi đang cư ngụ )bằng cách ẩn hiện trong bầu trời mây xanh đó sao ?
Dù là mộng nhưng tôi vẫn tin là những vị Thầy ấy đã chứng đắc một quả vị nào rồi chứ không phải là do đầu óc mê tín…

Trong ” Cặn bã ký ức “ của bác Hai Như Sanh “Mê tín là khởi nguyên của tôn giáo. Nếu không có mê tín sẽ không có tôn giáo. Có điều một chánh giáo thì dẫn người ta từ mê tín đến trí tín, từ bờ mê sang bến giác. Còn tà giáo thì gây mê mờ thêm, đưa người đi sâu vào mê lộ!.

Tóm lại cái gì mình chưa hiểu tường tận mà tin đều là mê tín cả, dù là tin theo Phật hay khoa học…

Bác Hai Như Sanh( 1928-2013) là đệ tử đầu của Ngài Thanh Sĩ ( chân truyền của Đức Huỳnh Giáo Chủ PGHH ) mà Sư Phụ tôi, HT Viên Mình đã giới thiệu như là một người đã thấy ra sự thật và rất sâu sắc thâm thuý khi kể lại nhiều mẫu chuyện trong “ Cặn bã ký ức “.

Gần đây trên YouTube xuất hiện nhiều mục đọc sách online nhưng có lẽ căn cơ tôi còn quá thấp nên có nhiều sách của những bậc tài danh mà tôi không thể hiểu được dù cố lắng nghe thế mà cũng như vịt nghe sấm.

Và lạ quá tôi lại rất thích nghe về những mẫu chuyện huyền bí bên Tây Tạng như Tạng Thư Sống Chết của tác giả Sogyal Rinpoche do Ni Trưởng Thích Nữ Tri Hải dịch và tác phẩm “ Trở về từ Xứ Tuyết “ do Nguyên Phong dịch lại toàn bộ “ Master and the Path “ của Giám Mục Charles. W. Leadbeater như đã nói ở phần đầu …

Tôi đã đem điều mình thắc mắc để tham vấn với nhiều vị minh sư và đã được giải đáp như sau: “ Vì trong quá khứ mỗi người đã hành trì, tu tập khác nhau, căn cơ trình độ khác nhau, tâm tuệ khác nhau, nghiệp khác nhau nên kiếp này, mỗi người sẽ chỉ tương hợp với dòng tâm quá khứ ”.

Vậy thì không nên thắc mắc làm gì.

Và Thầy tôi thì dạy: “ Chúng sinh đa bịnh, Phật Pháp tuỳ theo đó mà có nhiều phương thuốc chửa bịnh… mình không hiểu được là mình không có duyên với pháp môn đó thôi “.

Thế là từ đó tôi trở về nghe lại những tác phẩm mà mình yêu thích và càng tin rằng nền văn minh trong tương lai dù có thay đổi thế nào đi nữa thì những định luật bất biến và nhiệm mầu vẫn luôn hiện hữu trong Vũ Trụ và vẫn sẽ là sự phát triển một tình thương rộng lớn như các Lạt Ma đã thể hiện trong quyển Tạng Thư Sống Chết.

Hoặc một đoạn trong Trở về Xứ Tuyết như sau ( trang271 ):
” Theo các nhà hiền triết trên dãy Tuyết Sơn thì đã có những cố gắng thúc đẩy sự tiến hoá của nhân loại ngày nay để không bị đi vào vết xe cũ ( suy thoái). Do đó vào cuối thế kỹ này, những linh hồn cao cả sẽ được đầu thai ( hội nhập lại theo hạnh nguyện ) để hướng dẫn nhân loại. Và đặc biệt là phát triển một tình thương rộng lớn với hai đặc tính, đó là lòng nhân ái, tính hy sinh giúp người, quên mình “.

Còn những đoạn trong Cặn bã ký ức tôi rất tâm đắc, kính xin trích đoạn để các bạn có thể góp thêm ý kiến nhé !

• Mình tu hành không phải có thiện tâm, thiện chí mà đủ, cần phải thiện nghệ nữa.

Ví như nghề làm của cháu, có thiện chí là làm hết lòng, có thiện tâm là không thừa cơ hội đập đổ. Nhưng nếu không thiện nghệ khiến cho máy sửa, lẽ ra sử dụng được mãn mùa, mà người ta đem về xài nửa chừng lại hư. Thế nên không thiện nghệ thì mình vẫn phải còn thiếu nợ cuộc đời. Tu không chỉ có thiện tâm, thiện chí thôi, mà cần phải thiện nghệ nữa. Tóm lại, người tu phải hướng về chân thiện mỹ trong mọi mặt.

• Theo ý riêng của tôi thì ” Tôn giáo không thành vấn đề “.

Vấn đề là tình người với nhau, ở ăn cho có nhân hậu, thủy chung. Vấn đề là nhân quả, gieo nhân nào hưởng quả nấy, chứ tôn giáo không quan trọng lắn đâu. Nếu cô theo đạo Phật mà cô làm hung, rồi Phật bênh cô sao ?

Đức Thầy có dạy: “…Đừng ỷ lại vào sự cứu vớt của Thần Thánh, đừng ỷ sự bênh vực của Thầy mình. Luôn luôn lúc nào cũng nhớ câu Nhơn Quả của Phật dạy, nếu Nhơn toàn thiện thì Quả cũng sẽ do đó được toàn thiện vậy “.

“…Liên hoa có thiện được lên,
Dù người ấy chẳng mang tên đạo gì.
Mang tên đạo mà đi làm dữ,
Thua người lành chẳng ở phái chi…”. (TS)

• Nói láo là một trọng giới trong nhà Phật là một tính xấu ngoài xã hội Nhưng vì lòng hiếu thảo mà nói dối để dành thức ăn cho cha mẹ thì không xấu, không phạm giớTrái lại ai cũng kính nể, thán phục lời nói dối đó.Thế nên không tính nào xấu hay tốt cả.

Dùng đúng chỗ thì tính xấu cũng tốt, ngược lại, xài không đúng chỗ, tính tốt cũng thành xấu!

Như đức “khoan dung” là đức tánh tốt tuyệt vời, nhưng khoan ra (thứ người) mới quý; còn khoan vô ( thứ mình ) thì tệ hại vô cùng!

“Thứ người nghĩa nọ rộng lan,
Thứ mình tội lỗi ngày càng thêm cao”. (TS)

Còn cái tánh ” vạch lá tìm xâu “ moi móc lỗi lầm của thiên hạ, là tính rất xấu, tính tiểu nhơn. Nhưng ngược lại, moi móc xét nét lỗi lầm của chính mình là quân tử.

Lời kết :

Trong dân gian thường bảo sau ngày rằm tháng giêng là đã kết thúc một cái Tết Nguyên đán và trong Phật Giáo nguyên thuỷ ” Đêm rằm tháng giêng được gọi là Thánh Hội đêm lễ Đầu Đà “ và nhân lúc ấy quý Sư thường nhắc lại lời Đức Phật dạy :

” Chư ác mạc tác,
Tính thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị Chư Phật dạy ”

có nghĩa là tránh làm việc ác, chỉ làm việc lành qua tư tưởng, hành động, ngôn ngữ .

Trộm nghĩ một hành động đúng là luôn ngay thẳng, không vụ lợi, không ích kỷ và dù làm với hành động nhỏ bé nhất, tầm thường nhất, lại là những việc làm cao cả nhất đáng quý nhất khi nó được phụng sự thế gian một cách âm thầm vô vụ lợi… chỉ với tinh thần mang lại niềm vui cho người….

Do vậy chúng ta cần có một kiến thức căn bản về những định luật bất biến và mầu nhiệm trong Vũ Trụ như Luân Hồi, Nhân Quả và Tiến Hoá để hiểu rằng ” Con người sẽ phải trải qua nhiều kiếp sống để học hỏi các bài học cần thiết và phát triển cho đến khi toàn thiện. Càng học hỏi, họ càng thấy rõ sự công bình tuyệt đối của các định luật bất di bất dịch trong cuộc sống này và sẽ tìm thấy mục đích thật sự của đời sống để vươn tới “.

Và lạ lùng thay từ thời đại trước có những nhà hiền triết đã tiên đoán ” Sự tiến hoá của nhân loại sẽ tuân theo các định luật về chu kỳ, nghĩa là có lúc lên, lúc xuống, có thịnh có suy cũng như tất cả điều hay, dỡ, tốt hay xấu sẽ tạo ra những mâu thuẫn hết sức lớn lao “.

Trước khi suy tàn xảy đến, nó phải lên đến tột đỉnh đã…. ( hiền triết Kuthumi)

” Phải chăng nạn đại dịch năm này cũng nằm trong nguyên tắc ” Nền văn minh vật chất khi tiến bộ cực thịnh sẽ mang lại rất nhiều khổ đau vì sẽ có những bịnh tật rất kỳ lạ, những bịnh truyền nhiễm ghê gớm bắt nguồn từ sự giết hại thú vật rất dã man và sau cùng họ mới biết quay về với tinh thần nhân ái “…

Kính dâng các bạn một vài vần thơ như tạm chia tay với một cái Tết Tân Sửu quá giản dị …

Trăng rằm tháng giêng …
báo hiệu kết thúc Tết Tân Sửu !
Thoáng đến thoáng đi… nghe chút bàng hoàng,
Mênh mông trong Vũ trụ, những định luật rõ ràng .
Có Thịnh có Suy theo chu kỳ tiến hoá …
Hơn thế nữa, bất di bất dịch… luật Nhân Quả !

Bồ tát, Hiền Thiện năng lực dồi dào mang đến cho đời
Chướng ngại họa tai dường như khó thể làm vơi
Kính mời mọi người tán dương chúc phúc người Tuệ Trí !
Tư tưởng, ngôn ngữ, hành động hướng về Chân, Thiện, Mỹ,
Phụng hiến thế gian theo nghĩa nhiệm mầu
Tự nguyện hội nhập đời sống chứa mọi khổ đau
Với Tâm Bồ Để, phát triển Từ Bi, Hy sinh, Nhân Ái !

Vững niềm tin ..Hội Long Hoa sẽ cùng nhau gặp lại !
Chỉ cần thực hành được Lời Phật dạy !
( Chư ác mạc tác, Tính thiện phụng hành )

Huệ Hương – Melbourne mùng 16 tháng giêng âm lịch 27/2/2021

 

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.