Tri Giả Bất Ngôn _ Ngôn Giả Bất Tri ?

Hai câu Thánh hiền dạy trên… xem ra vào thời đại dịch Covid này sẽ không còn hiệu lực trong các vấn đề khoa học kỹ thuật và ngay cả trong việc truyền bá tâm linh ( theo thiển nghĩ của người viết ).

Dù hai câu này .. có đại ý chỉ là để khuyên răn những người ưa nói huyên thuyên trong trà dư tửu hậu…

Gần đây do bị phong tỏa và tuổi ở dạng cần đề phòng tiếp xúc với bên ngoài nên ngoài thì giờ cho các nhu cầu cần thiết thì phương tiện thông tin trên mạng và các pháp thoại trên YouTube đã chiếm trọn khoảng thời gian trong ngày của tôi.
Và với bản tính tham … tôi đã nghe nhiều với từng giảng sư của các tông phái, các sách nói của các hiền nhân triết gia và đã tự nhủ thầm… Hai câu này thật ra không đúng lắm cho thời đại này vậy …

Lời dạy thánh hiền khiến suy tư mãi…
“ TRI GIẢ BẤT NGÔN – NGÔN GIẢ BẤT TRI “
Ứng dụng khi nào để luôn giữ từ bi ?
Không giấu nhẹm điều mình biết…
cũng đừng để bị gán khoác lác !

Ôi ! Biển pháp lại bao la bát ngát !
Thế kỷ văn minh… ai người tha thiết tâm linh ?
Thật cần thiết… nương tựa thiện tri thức giải thích lời kinh
Trân trọng lắm… kính xin được ngôn thuyết “ ( thơ của HH )

Có những điều hậu bối đời nay cần những học giả nói ra để cho kẻ hậu sinh biết đâu mà tránh, riêng về vấn đề khoa học đâu phải tầng lớp xã hội nào cũng đủ sức nhận ra điều hay cần áp dụng hoặc phải cần tránh xa… miễn là đừng nói những điều châm chích khích bác lẫn nhau để mong cầu điều gì là được…

Riêng các nhà lãnh đạo tâm linh lại cần phải chỉ rõ những điều mình đã Hiểu và Thấy cho chúng đệ tử có thể chiêm nghiệm và học hỏi vì những lời nói ấy là những lời chỉ dạy quý báu vô vàn.

Thế kỷ này, hẳn còn biết bao nhiêu người ao ước được nghe lại những lời vàng quý như trân châu, Ma ni từ những bậc cao tăng thạc đức và may mắn thay các vị ấy không” tri giả bất ngôn” nên ngày nay vẫn còn được đọc tụng và truyền lại cho thế nhân sau này sự thông tuệ của những bậc hiền giả ấy,

Gần đây tôi đã sửa lại “ ngôn giả bất tri “ thành “ tri ngôn bất giả “ nhầm ngụ ý chỉ rằng chính những bậc hiền giả đã dám nói ra những điều mình đã ngộ và hiểu được chân lý là những bậc Thánh, Bồ tát chứ không phải người phàm…nhất là từ khi đọc được quyển “Kiến Tánh. Thành Phật” bản chính được soạn thảo xưa nhất của Thiên Sư Chân Nguyên còn có đạo hiệu là Tuệ Đăng dưới thời vua Lê Hy Tông ( thời Hậu Lê ).

Trộm nghĩ nếu các vị cao tăng đó không chia sẻ những điều mình hiểu biết bằng ngôn ngữ thì chúng ta ngày nay những người trí huệ nông cạn thấp kém thì làm sao lãnh hội được điều gì…

Phải chăng vào thời đại này mọi người nên phóng khoáng và đừng quá cố chấp… Ai biết được căn cơ mình bằng chính mình…?

Hãy để cho tâm thức thật tự do để khám phá thế giới tâm linh mà mình đang theo đuổi và đến một lúc nào đó ta sẽ tiếp nhận được những tư tưởng của quý nhân vĩ đại qua ngôn ngữ và thông tri được bằng Tâm Trí …thì năng lượng tỏa ra ( hào quang ) của bậc hiền triết ấy sẽ giúp ta đến gần Chân lý hơn và không mất thời gian tìm tòi quá lâu khi tuổi đời được đếm từng ngày còn lại.

Và chắc chắn một điều… sự hiểu biết được âm thầm tiềm ẩn trong A lại da thức sẽ vô cùng ích lợi cho những kiếp luân hồi tái sinh làm người sau này vậy !

Chẳng phải lúc nào cũng dùng văn tự ngôn thuyết!
Được biết… phàm phu nhiều chướng ưa nói huyên thuyên
Người trí huệ cao… tĩnh lặng trong thiền
Nhưng trộm nghĩ “ Ngôn giả bất tri “ cần suy xét lại !

Bày diệu pháp cần phương tiện, khai quyền tự tại !
Độ sinh… giúp chúng đệ tử tiến tu phải…ngộ ra
Nên nói thật nhiều cùng bình giảng sâu xa
Điều mình Hiểu và Thấy từ Chân lý !

Khiến bao người được thưởng thức cam lồ ý vị!

Trân trọng

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.