Với trực giác vô vàn bén nhạy cùng say đắm nghệ thuật thi ca gắn liền với xã hội hiện sinh, quê hương của một thời bóng đêm dày đặc, một thời của thanh niên không làm chủ được đời mình, một thời của đợi chờ trong tuyệt vọng lắt liu khi tương lai chỉ là một ngọn nến hắt hiu mờ ảo, chốn quay về của anh là căn nhà thinh thích lặng câm, đau đáu quẩn quanh chiếc bóng chính mình khi tâm giới còn xác xao kiếp lữ.
Cánh cửa mười năm còn để mở
Đìu hiu như mỏi cuộc mong chờ
Ta bước ngại ngần, xiêu bóng đổ
Run run thềm tối nhện giăng mờ
(Đợi chờ đến cuối cuộc tang thương – Lê Văn Trung)
Một trong những nét riêng của thơ anh là hình ảnh con đò hoang sơ liêu tịch đang miệt mài rong rêu giữa nước trời mênh mông quạnh vắng, biết về đâu trong thống lụy mịt mờ:
Sông tôi chảy một dòng buồn
Trăm năm bến vắng bãi cồn hoang vu (Lê Văn Trung)
Khuya là thời thức giấc của trở trăn bất lực mãi cô đọng trong hồn, đối diện với chính mình, những hoang mang vô vọng dằn vặt hương xưa của dòng sầu ký ức. Anh đốt đời mình bằng những nốt trầm khốc liệt của một đoạn trường vong thân gió bụi khi máu lệ gõ phím nẩy chồi.
Ta về như sóng vô âm
Vỗ vào hiu quạnh lạnh bầm máu xương
Ta về lạc giữa mù sương
Nghe sầu tận tận nghìn phương dội về
(Bóng mây thiên cổ bây giờ còn bay – Lê Văn Trung)
Anh hiện diện giữa nhân gian để sống với gói hành trang cõi NHỚ, là cõi lưu đày xa xôi mộng mị đã cưu mang anh từng giây phút liêu xiêu luân hồi trong trở trăn mê hoặc, chính nỗi nhớ đã đem anh về góc đêm cheo leo bờ vực với nội tâm hút heo độc thoại, cho thơ mãi tuôn trào một trời thở than bi tráng.
Tôi cứ ngỡ lòng tôi còn tưởng tiếc
Những đam mê cháy bỏng buổi xuân thì
Những khờ dại Những ngông cuồng Kiêu bạt
Thuở rực ngời niên thiếu lửa cuồng si
Sẽ đến lúc xin gửi lời vĩnh biệt
Hỡi đồi cao, lũng thấp, hỡi sông hồ
Hỡi biển mặn, hỡi rừng xanh, cỏ biếc
Hỡi trăng sao, hỡi gió núi, sương mờ
(Trở về – Lê Văn Trung)
Trên hành trình tử sinh hối hả, anh luôn là kẻ cuối cùng nán lại sân ga qua màn mưa hay nước mắt khi hẹn hò nhau chỉ là bến bờ của ảo vọng mù khơi, để đánh thức khát khao anh suốt một đời chênh chao khắc khoải. Em là ai, em ở nơi nào cho trái tim cô lặng anh luôn chếnh choáng cơn say, cho nỗi nhớ mãi dập duềnh không bến đỗ? Em ẩn trong thơ trượt anh lạc loài tháng năm hoang rêu bờ bãi.
Mùa thu ơi! Tình thu!
Mùa đi không trở lại
Tình em như chiêm bao
Trong hồn tôi mưa bão.
(Mùa thu ơi mùa thu! – Lê Văn Trung)
Em là nhan sắc của trời thu ảo diệu, là màu phôi pha của đợi chờ réo gọi áng tinh vân trong tuổi chiều cằn khô sa mạc, gió cũng biết hóa thân mang tương tư em về cõi mộng trầm hương lụa là môi ngọc.
Yêu quá đổi những màu thu diệu vợi
Áo vàng thơ vừa chạm giấc mơ chiều
Tôi cứ ngỡ em từ trong tình sử
Nắng lụa hồng ươm mắt ngọc trong veo
(Tình thu – Lê Văn Trung)
Anh đã lội ngược dòng bắt nhịp cầu cổ tích để thánh hóa nguồn xúc cảm trăng sao, soi bóng chữ ru cuộc tình dưới ánh triêu dương ngạt ngào hương bay huyễn hoặc. Năm mươi năm trôi qua, anh vẫn ngây ngất say những đóa quỳnh hương nhạt nhòa phế tích, dù sóng tình anh mãi cay đắng tràn bờ, nhưng mộng và thực tan nhau trong mơ hồ tâm tưởng chảy qua một vòm huyền thoại tài hoa. Đủ phiền muộn chưa anh, khi đại dương sẵn sàng chôn lấp dã tràng anh để xóa tan đôi bờ hạnh ngộ.
Em ngàn năm Em thiên thu vĩnh cửu
Em phút giây Em phù phiếm sát na
Em bỏ lại cõi đời ta tội lỗi
Em quay về lạc giữa cõi người ta
Em là gió thổi qua dòng sông lạ
Và thuyền ta chìm giữa đáy tang thương
Em là sóng ta bạc đầu trắng xóa
Bọt bèo ta trôi mãi giữa vô cùng.
(Em – Lê Văn Trung)
Anh luôn oằn oại một tình yêu tuyệt đối chí mỹ thiêng liêng. Giữa gian nan dập vùi cơn địa chấn, tuy manh áo phong trần còn thống khổ cuộc tồn sinh và thơ anh là tiếng kêu của loài chim đêm lạc giọng bên trời, nhưng với tình yêu sấp ngữa chốn bụi hồng mây tụ bèo tan như huyệt mộ chôn vùi, anh vẫn trung thành xem như một ân sũng thánh hóa kiếp đời bằng ngôn ngữ nguyên sơ, chấp nhận chuyến hành hương vũ trụ thi ca tột cùng trong chân mỹ thiện.
Ôi thi sỹ!
Kẻ hành hương cô độc trên dặm trường đi tìm CÁI ĐẸP
Chân thiện mỹ
Người đi ngang qua cuộc đời này
Bằng đôi chân của Thiên Sứ
Và linh hồn Thượng Đế
Người đi trong vô vọng đau thương
Và hạnh phúc rạng ngời
Tuyệt vọng và hy vọng
Xót xa và hân hoan
Tiếng gọi của CÁI ĐẸP réo gào vô tận
Và CÁI ĐẸP bừng lên trong NHAN SẮC EM
Thiên thu bất diệt
Tiếng gọi của TỰ DO và VĨNH HẰNG
Người sẽ đi cho đến khi khô kiệt giọt máu cuối cùng
Người sẽ đi cho đến khi thịt xương tan hòa tro bụi
Và EM thấy chăng
Hỡi NHAN SẮC hiễn linh
Nơi giọt máu khô bầm
Nơi nhúm bụi tro tàn tạ
Một NỤ HỒNG rực rỡ tỏa hương (Thi sĩ và hoa hồng – LVT)
Ngoài nét dạt dào siêu thăng điệu nhạc trong thơ, biển lòng anh còn điêu khắc hình ảnh nữ thần liêu trai rực ngời tinh khiết:
Trắng ngần một đóa quỳnh hương
Thơm lừng một nụ xuân hồng mãn khai
Người về theo nắng ban mai
Xiêm y lộng ngọc, ngực cài nhũ hương
(Kể chuyện – Lê Văn Trung)
Sau chứng tích lung linh bức tranh màu cháy bỏng, tình sang trang trổ đóa an nhiên giữa nguyên thủy đất trời:
Và đạo pháp
Ẩn mật Diệu ngữ Diệu ngôn
“Ai theo ta hãy vác Thánh giá”
“Chúng sinh ơi hãy tự mình đốt đuốc lên mà đi”
Tôi đang vác Thánh giá đời mình
Và Tôi đang đốt ngọn đuốc đời tôi
Rực sáng!!!
(Mật ngữ – Lê Văn Trung)
Thơ anh còn là bản hòa tấu thiên nhiên u nhã giữa núi rừng hoan ca tĩnh mịch, mở rộng trái tim bao dung độ lượng cùng hưng phế nhân gian, thong dong chảy cùng vô biên một sức sống đại ngàn.
Rồi có một ngày trên đỉnh núi cao
Chút đời ta cũng vô cùng sương khói.
Tình em nào có nghĩa gì với cỏ cây
Bởi hồn ta đã phủ đầy mây trắng.
(Ngày Về Với Thiên Nhiên – Lê Văn Trung)
Đã biết đời vô thường, ai rồi cũng ra đi chỉ còn lại nắm đất bên đường.
Chén đời sẽ anh dốc cạn để một ngày làm khách lữ ven trời, nhưng bóng dáng Lê Văn Trung vẫn nồng nàn nằm nghe sương rụng trong thơ. Còn lại sau lưng anh là tình yêu nhói đau trong hạnh phúc và thơ là dưỡng khí đã nuôi anh suốt cuộc đời còn lại, cho mãi thường tại với thời gian những khúc tình lãng mạn cháy tim người đồng điệu.
Ta níu vào thơ cùng sinh tử
Ta nương vào thơ mà tồn vong
Lòng ta như gió qua truông vắng
Lòng ta như suối băng qua rừng
(Thơ thơ – Lê Văn Trung)
Các nàng ơi, anh chỉ là một chuyến đò em vỗ sóng mạn thuyền của bờ xưa lau lách, anh chỉ là sân ga hụt hẩng chuyến tàu em trong phút chốc dừng chân. Gì rồi cũng qua như đôi tay anh không đủ sức níu giữ cuộc tình, rồi cũng chẳng còn ai dù lòng anh chưa kịp lãng quên. Nếu một ngày trở lại mộ phần anh cỏ loang hiu hắt, có chăng em một góc nến trong tim hoài niệm những hẹn hò phiêu lãng phù vân.
Phải không anh? Mọi dấu tích rồi sẽ qua đi, những ngậm ngùi yêu thương hờn tủi chỉ là trò chơi trăm năm của nhân sinh vạn hữu trên đường tìm về một cội nguồn miên viễn.
Khi bỏ lại đời ta không tiếc nuối
Ta thắp câu thơ truy niệm kiếp người
Ta thắp câu thơ xưng lời thú tội
Cuộc tình người niệm khúc của chia phôi
Lòng dâu bể – tình em là dâu bể
Ta bỏ đi, tàn tạ, xác thơ buồn
Ai biết được ánh hào quang sự chết
Vẫn rực ngời trong sóng gió tang thương.
(Bên bờ sinh tử – Lê Văn Trung)
Quá khứ! Thời gian đã chưng cất men đậm và cay, ướp tàn rơi anh phiêu diêu những cung buồn réo rắc. Anh đã phủ lên muôn phương giải lụa thu vàng nõn nà hương sắc, rồi nhẹ nhàng bước vào khung cửa tịnh mặc phơ phất màu thập giá ngàn xưa. Dáng dấp hào sảng khinh bạc một đời thơ như cánh diều mùa gió chướng xôn xao giờ đây lắng đọng. Thi ca anh trải mình trong ánh sáng ngân hà, khởi đầu cho tâm thức bao la như vòm xanh bật mở khai quang, nhân chứng cho vô ngôn Thánh Hiến.
Và nguyện xin rữa sạch bụi ưu phiền
Rữa cho em những hương phấn tàn rơi
Cho hóa ngọc trong hồn em trinh bạch
Rữa trôi đi những hạt lệ bầm trong mắt
Của một thời dang dở cuộc trăm năm
Xin ướp thơ anh lên bóng nguyệt nguyên rằm
Xin khấn câu thơ như kinh chiều sám hối
(Thánh Hiến – Lê Văn Trung)
Viên Hướng