Thiền Sư Từ Đạo Hạnh (1072-1116)

Thiền Sư Từ Đạo Hạnh ( Vị Thiền Sư sau khi viên tịch tái sanh trở làm Vua vào triều đại nhà Lý VN ).
Thi đàn và lịch sử Phật giáo VN đã truyền tụng bài thơ tuyệt tác HỮU – KHÔNG của Ngài khi triệt ngộ yếu chỉ Chân tâm với minh sư Sủng Phạm.

Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.

Tam Tổ Huyền Quang dịch:

“Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì ?”

Đây là Nguyên lý nhân quả trong đạo Phật tức là nguyên lý duyên khởi (Pratitya-samutpada). Sự phát sinh tồn tại và tan rã của mọi hiện tượng tùy thuộc không phải vào một nguyên nhân mà vào nhiều điều kiện, có thể gọi là vô số điều kiện. Những điều kiện này gọi là duyên. Sự có mặt của một hiện tượng kéo theo sự có mặt của tất cả mọi hiện tượng và người giác ngộ nhìn một hiện tượng không như một cái ngã riêng biệt mà như biểu hiện đầy đủ của thực hữu…..

Nhưng chuyện về hành trạng Ông thật kỳ thú : Là con người có thật, nhưng bao quanh ông là cả một màn sương mù dày đặc, thấm đẫm huyền thoại. Ông được dân gian tôn vinh vào hàng Thánh. Nếu chùa Láng gắn với thời sinh thành; thì chùa Thầy lại bao phủ nhiều huyền bí về cuộc đời tu hành và thoát xác của Ông.

Sử sách Triều đại Lý ghi truyền :
Thiền Sư Từ Đạo Hạnh… kỳ nhân huyền thoại ! (1)
Sau khi viên tịch Thiền Sư tái sanh trở lại… lên ngôi Vua (2)
Hoá Cọp từ chuyện du hoá 30 năm xưa (3)
Nhưng Bài thơ HỮU, KHÔNG… hi đàn kiệt tác ((4)

Trải khắp tùng lâm… khi oan nghiệp sạch, thoát !
Yếu chỉ Chân Tâm vấn hỏi Kiều Trí Huyền (5)
Với Sùng Phạm Minh Sư triệt ngộ Tâm Thiền (6)
Chuyện luân hồi thoát xác nằm trong huyền cơ thị tịch (7)

Hành trạng bí ẩn Ngài đừng cho là mê tín
… túc duyên Ngài làm Thiền Tông bớt khô khan (8)
Chùa Thiên Phú núi Phật tích… ( chùa Thầy ) còn giữ nhục thân (9)
Mùng 7 tháng 3 âm lịch …lễ hội Thánh Láng ! ( 10)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Từ Đạo Hạnh Thiền Sư tác đại chứng minh

Huệ HươngMelbourne 7/8/2021

__________________________

(1) Sư tục danh là Từ Lộ, con viênTăng quan Đô Án Từ Vinh. Thuở nhỏ, Từ Vinh trọ học ở làng Yên Lãng, lấy người con gái họ Tăng, bèn theo quê quán bên vợ. Bà Tăng sanh ra Sư.
Sư tánh tình hào hiệp và có chí lớn. Thường làm bạn với nho giả tên Phí Sinh, đạo sĩ tên Lê Toàn Nghĩa và một phường chèo tên Vi Ất. Ban đêm, Sư cần cù đọc sách, ban ngày lại thổi sáo, đá cầu, đánh cờ vui chơi.
Thân phụ thấy thế thường quở mắng về tội biếng nhác.Một đêm, ông vào phòng dò xét thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đầy bên cạnh, Sư thì tựa án ngủ say, trong tay còn cầm quyển sách, tàn đèn rơi đầy cả mặt bàn. Ông mới biết con chăm lo học, chẳng còn lo lắng nữa.Sau, Sư thi đỗ Tăng quan, do nhà vua tổ chức
Từ Vinh có sự trái ý với Diên Thành Hầu, Hầu nhờ pháp sư Đại Điên đánh chết, còn vứt xác xuống sông Tô Lịch
Sư muốn trả thù cho cha, định sang Ấn Độ học thuật linh dị để giết Đại Điên. Nhưng khi đi tới xứ mọi răng vàng, ( Miến Điện )vì thấy đường sá hiểm trở, Sư đành trở về.
Sư vào ẩn trong hang đá Từ Sơn chuyên trì Đại bi tâm Đà-la-ni.
Thời gian sau, Sư thấy đủ khả năng trả thù cha, bèn tìm đến Đại Điên đánh ông ta mang bệnh rồi chết.
Từ đây, oan nghiệp xưa sạch như tuyết tan, các việc đời lặng như tro lạnh, Sư trải khắp tùng lâm tìm học pháp thiền.

(2) Từ Đạo Hạnh là con người bằng da, bằng thịt, nhưng là bậc thánh có phép thần thông, biến hóa để rồi thác sinh làm vua Lý Thần Tông (1116-1138), sau còn là hậu thân Lê Thần Tông (1619-1643). Một vị Thiền sư hư hư, thực thực này đã trải dài quan năm tháng sống mãi trong lòng dân. Sức hấp dẫn và là một đề tài lý thú về nhà sư Từ Đạo Hạnh, cũng chính là tín ly kỳ, bí ẩn đầy tính huyền thoại có trong ông.Là một Thiền sư, Đạo Hạnh luôn gắn đạo với đời, Phật giáo với dân tộc. Ông thực sự lo cho vận nước khi có tà đạo lũng loạn làm mê hoặc lòng người, phá rối chính pháp. Việc Đạo Hạnh chặn lại tiến trình thác thai của Giác Hoàng là biểu hiện của một nhà sư có trách nhiệm với dân với đạo, cho dù bản thân ông bị ghép vào trọng tội. Ông chỉ thoát chết, khi Sùng Hiền Hầu đứng ra giải cứu. Nên coi đó là hành vi can đảm của Đạo Hạnh, khi dám chấp nhận sự hy sinh của cá nhân để cứu lấy những sinh mạng con trẻ.
Nếu sự thực Lý Thần Tông là hậu thân của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, thì thông qua vị vua này, ông đã làm cho: “Sản xuất nông nghiệp phát triển. Dân no đủ nên giặc giã cũng ít”.
Tương truyền, ông không chỉ là một nhà sư có phép thuật cao cường, ẩn cư ở núi Phật Tích.
Chuyện Thiền sư đầu thai qua vợ Sùng Hiền Hầu và chữa bệnh ly kỳ của của Minh Không cho Lý Thần Tông, dù ai đó có cho là phi lý, huyễn hoặc đi nữa thì cũng không thể phủ nhận được vai trò của nhà chùa trong việc chữa trị bệnh cho dân (kể cả bệnh vô sinh) khi mà y học còn kém phát triển trong giai đoạn lịch sử ấy.

(3) Vua Lý Thần Tôngcủa triều đại nhà Lý nước Đại Việt. Tương truyền năm Thần Tông 21 tuổi (1136), vua đột nhiên mắc bệnh lạ, trên người mọc đầy lông lá, cư xử cuồng loạn, gầm gừ đáng sợ như hổ. Triều đình khi ấy phải làm cũi vàng để nhốt vua trong đó, đồng thời mời các danh y đến khám chữa bệnh cho vua. Tuy nhiên dù bao người đến cũng chẳng ai khiến bệnh tình của vua thuyên giảm, triều đình phải phái người tìm thầy thuốc khắp cả nước.
Lúc ấy trong dân gian có câu hát :
Nước có Lý Thần Tông,
Triều đình muôn việc thông.
Muốn chữa bệnh hoá cọp
Cần được Nguyễn Minh Không.
Triều đình tức tốc sai người đi tìm kiếm người tên Minh Không đến chữa trị cho vua.
Thời điểm ấy, khi sư Minh Không được mời vào cung trị bệnh, nhiều pháp sư khác cũng đang chữa bệnh cho vua. Thấy sư Minh Không ăn mặc quê mùa nên tỏ vẻ khinh thường. Khi ấy, nhà sư chỉ đóng một chiếc đinh dài vào cột rồi nói: “Ai nhổ được cái đinh này ra hãy nói chuyện chữa bệnh”, nhưng chẳng ai dám trả lời.
Khi được đem vào gặp vua, sư Minh Không lớn tiếng hỏi: “Kẻ đại trượng phu được tôn lên làm thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?”. Vua run sợ không dám kêu nữa.
Sau khi vào gặp vua, sư Minh Không sai người đi chuẩn bị một cái vạc lớn đựng nước nấu sôi cả trăm lần, nhà sư dùng tay không tắm cho vua. Sau đó, bệnh của vua Lý Thần Tông ngày càng thuyên giảm, ít lâu sau thì khỏi hẳn. Khỏi được bệnh lạ, vua vô cùng cảm phục tài năng của sư Minh Không. Để tạ ơn cứu mạng, vua đã cho phép sư đổi từ họ Nguyễn sang họ Lý và phong làm Quốc sư triều đại Lý Thần Tông (1128-1138).
Thiền sư Nguyễn Minh Không đã chữa khỏi bệnh mà nhân gian gọi là “hóa hổ” cho vua. Chuyện được kể theo về 30 năm trước
Hương Giao Thủy ở Giao Chỉ có chùa Không Lộ. Ngày xưa có một vị sư họ tục là Nguyễn, tên là Minh Không, khoảng năm Trị Bình đời Tống xuất gia đến ở chùa này, có đức hạnh, ai cũng biết.
Một hôm Minh Không từ ngoài về, có nhà sư cùng phòng đùa núp trong cửa, nhảy ra làm tiếng hổ kêu để dọa Minh Không. Minh Không cười nói “Đã đi tu, lại còn muốn làm hổ ư? Ta phải cứu anh mới được!”.
Năm sau, nhà sư kia chết. Tiếp đó, Quốc vương họ Lý sinh Thế tử, tuổi chừng hai mươi thì bỗng nhiên khắp mình mọc lông, nhảy nhót gầm thét, đầu và mặt dần dần biến thành hình hổ. Nhà vua cầu y, vu, tăng, đạo khắp nơi, nhưng đều chịu bó tay. Nghe Minh Không có phép thuật, sai người đi thuyền đến mời về”

(4) Từ đây, oan nghiệp xưa sạch như tuyết tan, các việc đời lặng như tro lạnh, Sư trải khắp tùng lâm tìm học pháp thiền.
Nghe Kiều Trí Huyền hóa đạo ở Thái Bình, Sư thân đến tham vấn. Sư nói kệ hỏi về chân tâm:
Lẫn lộn phàm trần chưa hiểu vàng
Chẳng biết nơi nào phải chân tâm?
Cúi mong chỉ thẳng bày phương tiện
Thấy rõ như như hết khổ tầm.
(Cửu hỗn phàm trần vị thức câm (kim)
Bất tri hà xứ thị chân tâm?
Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện
Liễu kiến như như đoạn khổ tầm).

Trí Huyền đáp:
Trong ngọc ẩn thanh diễn diệu âm,
Nơi kia đầy mắt bày thiền tâm.
Hà sa cảnh là Bồ-đề cảnh,
Nghĩ đến Bồ-đề cách vạn tầm.
(Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm
Cá trung mãn mục lộ thiền tâm.
Hà sa cảnh thị Bồ-đề cảnh,
Nghĩ hướng Bồ-đề cách vạn tầm).

Sư vẫn mờ mịt chẳng hiểu, lại tìm đến pháp hội của Thiền sư Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân. Đến đây, Sư cũng lặp lại câu hỏi:
– Thế nào là chân tâm ?
Sùng Phạm đáp: – Cái gì chẳng phải chân tâm ?
Sư hoát nhiên nhận được.
Lại hỏi: – Làm sao gìn giữ ?
Sùng Phạm bảo: – Đói ăn, khát uống.
Sư liền lễ bái rồi lui ( Thật sự chứng ngộ ).
Sau, Sư trụ trì chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích, … tăng chúng tìm đến tham vấn. Có vị tăng hỏi:
– Đi đứng nằm ngồi thảy đều Phật tâm, thế nào là Phật tâm ?
Sư nói kệ đáp:
Có thì muôn sự có,
Không thì tất cả không.
Có, không trăng đáy nước,
Đừng mắc có cùng không.
(Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không)
.
Tam Tổ Huyền Quang dịch
“Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì ?”

Sư lại tiếp:
Nhật nguyệt tại non đầu
Người người tự mất châu.
Kẻ giàu sẵn ngựa mạnh
Bộ hành chẳng ngồi xe.
(Nhật nguyệt tại nham đầu ?
Nhân nhân tận thất châu.
Phú nhân hữu câu tử
Bộ hành bất kỵ câu)

(5) Trí Huyền Thiền sư (智玄禪師) tên thật là Kiều Trí Huyền (喬智玄) là một Thiền sư sống đồng thời với Từ Đạo Hạnh,
Thiền sư đời Lý Nhân tông, không rõ tên, họ Kiều, pháp danh Trí Huyền, nên các tài liệu văn học cổ gọi ông là Kiều Trí Huyền.
Ông có kiến thức sâu rộng, chuyên tâm nghiên cứu kinh điển Phật học. Từng mở trường dạy học ở Thái Bình, thuộc lộ Hải Đông, phủ Tân Hưng, tỉnh Thái Bình.
Có lần sư Đạo Hạnh (Từ Lộ) đến thăm ông và đàm đạo về Thiền học. Sư Đạo Hạnh đọc một bài thơ hỏi ông về chân tâm:
“Cửu hỗn phàm trần vị thức câm (kim)
Bất trí hà xứ thị chơn tâm
Nguyện thùy chỉ địch khai phương tiện,
Liễu kiến như như đoạn khổ tầm.”

Bản dịch:
Lâu nay vẫn đám hồng trần,
Vàng còn chẳng biết, biết chân tâm nào
Xin cho trò bảo làm sao?
Cho tìm thấy rõ kẻo nao núng lòng.

Ngài Đạo Hạnh hỏi chân tâm là cái gì? Ngài Trí Huyền dùng bốn câu kệ đáp
“Ngọc lí bi thanh diễn diệu âm,
Cá trung mãn mục lộ thiền tâm.
Hà sa cảnh thí Bồ đề cảnh,
Nghĩ hướng Bồ đề cách vạn tầm.”

Trong Thiền Tông đã lý giải nghĩa yếu mà Ngài Trí Huyền muốn chỉ dạy
“Ngọc lý bí thinh diễn diệu âm,
Cá trung mãn mục lộ thiền tâm”.
Dịch là Trong ngọc ẩn thinh diễn diệu âm,
nơi kia mắt bày thiền tâm.

Nghiã là trong hòn ngọc có ẩn chứa sẳn âm thanh, nếu chúng ta gõ vào hòn ngọc thì sẽ phát ra tiếng.
Như vậy tiếng đã có sẳn trong hòn ngọc. Và, khi chúng ta nhìn mọi sự vật thì chân tâm hiện sờ sờ trong ấy chớ không ở đâu xa, nên Ngài nói nơi kia đấy mắt bày thiền tâm.
“Hà sa cảnh thị Bồ đề cảnh,
Nghĩ hướng Bồ đề cách vạn tầm”.

Có nghĩa là tất cả cảnh vật nhiều như cát dưới sông đều là cảnh Bồ đề, nếu nghĩ tìm Bồ đề là cách xa Bồ đề muôn tầm.
Hiện tại chúng ta nhìn cảnh vật trên thế gian này là Bồ đề hay phàm tục ? Người đạt đạo nhìn núi, nhìn hồ, nhìn cây, nhìn mây, nhìn nước… thấy tất cả cảnh đều là Bồ đề. Ngược lại người thế gian với tâm loạn động thấy tất cả cảnh đều là phàm tục.
(Ví dụ : Nhìn cây thông với tâm thanh tịnh sáng suốt không khởi niệm phân biệt là Bồ đề. Nếu khởi niệm phân biệt so sánh đẹp xấu, sanh tâm thủ xả thì thành phàm tục. )
Như vậy thì tùy theo tâm niệm của chúng ta mà cảnh vật trở thành Bồ đề hay phàm tục. Thế nên Ngài nói “nghĩ hướng Bồ đề cách vạn tầm”. Bồ đề có sẳn nếu chúng ta khởi nghĩ tìm Bồ đề thì xa Bồ đề muôn tầm.

(6) Thiền Tâm chính là Phật Tâm, Chân Tâm
Đây cũng là lời dạy trong Tử Thư Tây Tạng ( tác phẩm của Ngài Soya Rinpoche được Ni Sư Thích Nữ Trí Hải dịch ) trong đó có một chương nói về Đưa Tâm Về Nhà ” TÂM NHƯ THÌ CẢNH CŨNG NHƯ “.
Cũng như Ngài Sùng Phạm muốn chỉ rằng Chánh niệm tỉnh giác ngay trong bốn oai nghi đó là sự tự tại dung thông của bậc giác ngộ

(7) Sư sắp tịch, tắm rửa sạch sẽ, thay đổi y phục, gọi các môn đồ đến dạy:
– Túc nhân của ta chưa hết phải còn sanh lại thế gian này tạm làm vị quốc vương.
Sau khi mạng chung ta lại sanh lên cõi trời thứ ba mươi ba làm Thiên chủ.
Nếu thấy thân ta bị hư hoại thì ta mới thật vào Niết-bàn, chẳng còn trụ trong vòng sinh diệt này nữa.
Môn đồ nghe lời dạy này ai nấy đều buồn thảm rơi lệ. Sư nói kệ dạy:
Thu về chẳng hẹn nhạn cùng bay,
Cười lạt người đời luống xót vay.
Thôi! Hỡi môn nhân đừng lưu luyến,
Thầy xưa mấy lượt hóa Thầy nay.
(Thu lai bất báo nhạn lai qui,
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi.
Vị báo môn nhân hưu luyến trước,
Cổ sư kỷ độ tác kim Sư.

Nói xong, Sư an nhiên mà hóa, mãi đến sau này thân xác vẫn còn [Đến năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy. Người làng ấy đắp tượng để thờ như cũ, hiện nay hãy còn (Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)]

(8) Thiền sư Từ Đạo Hạnh không chỉ là người luôn nuôi trí lớn, hiếu học mà còn ham thích văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các trò vui chơi dân giã. Ông là một người đa tài.
Việc Từ Đạo Hạnh quan hệ với nho gia Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nhà sư Giác Hải, Minh Không, nghệ sĩ phường chèo tên Vi Ất và tìm những nhà sư đương thời nổi tiếng để “tầm sư, học đạo” cho thấy, ông vốn là con người ham hiểu biết và có khả năng tiếp thu tinh hoa tri thức để tự bồi dưỡng làm giầu năng lực trí tuệ của mình và trở một người đa tài.
Có người cho rằng, ban đầu Từ Đạo Hạnh theo Thiền Tông, rồi ông cải theo Mật Tông. Vậy là, ông xuất gia không sớm và trước đó đã chịu ảnh hưởng của các học thuyết khác, ngoài Phật giáo.
Có thể Từ Đạo Hạnh trước khi theo đạo Phật đã chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của Nho giáo khi đề cao đạo hiếu. Việc tu luyện của Từ Đạo Hạnh để có đủ tài năng, phép thuật tiêu diệt kẻ thù của mình lại minh chứng cho việc ông chịu ảnh hưởng của Đạo giáo và Mật Tông.
Chuyện Thiền sư Đạo Hạnh định sang Ấn Độ học thuật linh dị để tìm đến Pháp sư Đại Điên trả thù cho cha mình cho thấy, vào thời kỳ này (khoảng nửa sau thế kỳ XI) là thời kỳ giáo phái Mật Tông đang phát triển ở Ấn Độ và lan truyền sang các nước, trong đó có nước ta. Nếu có chịu ảnh hưởng của Phật giáo thì chắc chắn vị Thiền sư này đã tiếp thu ít nhiều phép thuật của Mật tông. Như vậy, có thể thấy, trước khi tìm theo lý thuyết Phật giáo đầy đủ và sâu sắc về Thiền, nhà sư là người tin theo Nho giáo và Đạo giáo, còn Phật giáo luôn khuyến khích lấy “từ bi diệt hận thù”, “lấy ân trả oán, oán tiêu tan”.
Và thời ấy cũng có hai loại Tăng Sĩ, một có thể làm quan và có gia đình, một chuyên tu ẩn cư xa lánh thế tục danh lợi và không lập gia đình, cắt ái ly gia.

(9) Chùa Thiên Phúc còn gọi là Chùa Thầy được dựng từ đời Vua Lý Nhân Tông (1072 – 1128), lúc bấy giờ là am Hương Hải, do Thiền sư Từ Đạo Hạnh lập để tu hành, sau dần dần xây dựng thành chùa với quy mô lớn. Theo Đại Nam nhất thống chí thì Thiền sư họ Từ tên tục là Lộ, con quan Đô sát Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan, quê ở làng An Lăng, huyện Vĩnh Thuận, nay là làng Láng, Hà Nội.
Trước chùa có nhiều hồ nước tên Long Trì, giữa hồ có nhà Thủy Đình là nơi diễn rối nước trong ngày hội. Hai bên chùa có cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên do Hoàng giáp Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng) cho xây năm 1602. Cầu mái lợp theo kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Cầu Nhật Tiên bên trái thông ra Tam Phủ trên một đảo nhỏ giữa ao Rồng. Cầu Nguyệt Tiên bắc qua ao lên núi.
Khu chính điện của chùa Cả hình chữ nhật, rộng khoảng 40m, dài khoảng 60m, kiến trúc kiểu chữ “Tam”, có hai dãy hành lang chạy kèm theo hai bên. Chùa Thượng thờ tượng Di Đà Tam Tôn ở trên, phía dưới là bệ đá Bách Hoa đài hai tầng với hai lớp hoa sen, các góc có hình thần điểu Garuda, có niên đại thời Trần, để hòm sắc lịch triều tôn phong của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Dưới cùng là tượng Thiền sư nhập định trên một bệ đá thời Lý. Bên trái, thờ tượng toàn thân Thiền sư bằng gỗ chiên đàn đặt trong khám. Gian bên phải thờ tượng vua Lý Thần Tông (hậu thân của Thiền sư) đặt trên ngai vàng, được tạc vào năm Thái Hòa (1499) thời Lê Nhân Tông. Chùa Trung thờ Tam Bảo, ở đây có 2 pho tượng Hộ Pháp (mỗi tượng cao khoảng 4m). Chùa Hạ là nơi lễ bái.

(10) Ca dao về Lễ Hội có câu:
” Nhớ ngày mồng bảy tháng ba,Trở về chùa Láng, trở ra hội Thầy. “
Nơi sanh Thiền sư Đạo Hạnh có lập chùa Chiêu Thiền cũng gọi là chùa Láng để thờ Ngài. Chùa Láng ở làng Yên Lãng, huyện Từ Liêm, kinh thành Thăng Long, hiện nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Chùa Láng là Ngôi chùa được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông (1128 – 1138) và nằm ngay trên nền nhà cũ của phụ mẫu Thiền Sư Từ Đạo Hạnh là ông Từ Vinh và bà Nguyễn Thị Loan. Theo sách Hoàn Long huyện chí, Thiền Sư Từ Đạo Hạnh từng sang Tây Thiên tu luyện học phép Phật, biết cưỡi mây đạp nước ảo diệu khôn lường. Thời Lý, Phật giáo phát triển cực thịnh, nhiều chùa chiền được trùng tu xây dựng, các chùa cùng thời như: Trấn Quốc, Một Cột, Hòe Nhai, Kim Liên vẫn được gìn giữ đến tận ngày nay. Chùa Láng mang nhiều nhiều nét đặc trưng riêng biệt, đây là ngôi chùa có kiến trúc dạng “đền thờ” ngoài thờ Phật với nhiều tượng quý, còn thờ Thánh là Thiền Sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.