Ngọc Bất Trác Bất Thành Khí…

Những bài kinh Trung Bộ…
Khi được giảng sâu vô cùng lợi ích
Thừa tự Pháp Phật nào phải chỉ đọc, tụng kinh (1)
Học hiểu và thực hành ứng dụng đời sống mình
Qua câu ngạn ngữ
“ Ngọc bất trác bất thành khí ,
Nhân bất học bất tri lý “

Người Phật Tử trau dồi “ Giới, Định, Tuệ “ sẽ như ý
16 ác pháp là tài vật của mỗi bản thân (2)
Chỉ việc từ bỏ đúng lời Phật dạy… ấy đào luyện tâm
Để thanh lọc Bản gốc của Vô Minh và Ái Dục !

Niết Bàn chỗ đến…
không có 10 kiết sử và bốn lậu hoặc (3-4)
Tam tạng kinh điển luôn liên hệ tương quan
Kinh tạng cần luật, luận bổ túc rất cần
Nhiệm mầu của Pháp Bảo giúp ta nắm vững

Nỗ lực không lui sụt thì tài sản Nghiệp không chỗ đứng
Vì trí tuệ, Chánh kiến sẽ khởi sinh
Bản lai không năng, sở tác… Thể tánh tịnh minh
Sẽ giải thoát được luân hồi sinh tử

( trích toát yếu lời dạy của Đức Phật và lời Đức Xá Lợi Phất triển khai )

Huệ Hương

______________________________________

(1) Đối với những người có phẩm hạnh đang ước nguyện hành trì miên mật theo con đường Tam vô lậu học (Giới (sīla), Định (samādhi), Tuệ (paññā)), bài kinh Thừa Tự Pháp này đóng vai trò giống như một chiếc gương soi rọi toàn thân, được đặt ở ngay cổng vào thành phố nhờ đó mà những Cận sự nam, Cận sự nữ, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni có thể phát hiện ra những lỗi lầm và thiếu sót của mình được phản chiếu trong đó. Do đó, họ sẽ tắm rửa sạch sẽ và tô điểm mình bằng thứ trang sức của Giới (sīla), Định (samādhi), Tuệ (paññā), được thực hành tinh tấn và miên mật.

(2) Ở đây, này chư Hiền, phẫn nộ là ác pháp và hiềm hận cũng là ác pháp, giả dối là ác pháp và não hại cũng là ác pháp, tật đố là ác pháp và xan lẫn cũng là ác pháp, man trá là ác pháp và phản bội cũng là ác pháp, ngoan cố là ác pháp và bồng bột nông nổi cũng là ác pháp, mạn là ác pháp và tăng thượng mạn cũng là ác pháp, kiêu là ác pháp và phóng dật cũng là ác pháp. Có một con đường Trung đạo diệt trừ kiêu và diệt trừ phóng dật, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này chư Hiền, con đường Trung đạo ấy là gì – (con đường) khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Ðó là con đường Thánh tám ngành, tức là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này chư Hiền, đó là con đường Trung đạo khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Như vậy 16 ác pháp gồm
Phần nộ, hiềm hận
Tham lam, giận dữ
Giã dối, não hại
Tật đố, bỏn xẻn
Man trá, phản bội
Ngoan cố, bồng bột nông nổi
Ngã mạn,tăng thượng mạn,
Kiêu man, phóng dật

(3) kinh Tăng chi Bộ
Này các Tỷ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười?
• Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử.
Thế nào là năm hạ phần kiết sử?
• Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.
Thế nào là năm thượng phần kiết sử?
• Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh. Ðây là năm thượng phần kiết sử.
Này các Tỷ-kheo, đây là mười kiết sử.

(4) Có bốn lậu là: dục lậu, hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu.
a) Ở đây, thế nào là dục lậu?
Pháp nào đối với các dục có sự mong muốn, tham luyến, vui thích, ái nhiễm, luyến thương, nôn nóng, hôn mê, quyến luyến. Ðây được gọi là Dục Lậu.
b) Ở đây, thế nào là hữu lậu?
Pháp nào đối với các hữu có sự mong muốn, tham luyến, vui thích, ái nhiễm, luyến thương, nôn nóng, hôn mê, quyến luyến. Ðây được gọi là Hữu Lậu.
c) Ở đây, thế nào là kiến lậu?
Cho rằng đời là thường còn, hay cho rằng đời không thường còn; cho rằng đời cùng tột, hay cho rằng đời không cùng tột (vô biên); cho rằng mạng sống là thế, thân thể cũng là thế (nguyên văn: Mạng sống và thân thể là một), hay cho rằng mạng sống là khác, thân thể là khác; cho rằng Như Lai còn sau khi chết, hay cho rằng Như Lai không còn sau khi chết; cho rằng Như Lai còn và không còn sau khi chết, hay cho rằng Như Lai không còn cũng không không còn sau khi chết. Kiến như vậy là thiên kiến, kiến chấp, kiến trù lâm, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến triền, chấp trước, cố chấp, thiên chấp, khinh thị, sái đường, tà đạo, tà tánh, ngoại đạo xứ, nghịch chấp. Ðây được gọi là kiến lậu.
d) Ở đây, thế nào là vô minh lậu?
Sự không hiểu khổ, không hiểu tập khởi của khổ, không hiểu sự diệt khổ, không hiểu pháp hành đưa đến sự diệt khổ, không hiểu quá khứ, không hiểu vị lai, không hiểu quá khứ vị lai, (tức là những kiếp sống liên quan đến kinh nghiệm hiện tại), không hiểu các pháp duyên tánh liên quan tương sinh. Pháp nào như vậy là sự không biết, không thấy, không lĩnh hội, không liễu ngộ, không thực chứng, không thông suốt, không nhiếp thu, không thấm nhuần, không xét đoán, không phản kháng, không phản tỉnh, thiếu trí, khờ khạo, không tỉnh giác, si mê, si ám, vô minh, vô minh bộc, vô minh phối, vô minh tùy miên, vô minh xâm nhập, vô minh then chốt, si là căn bất thiện. Ðây được gọi là Vô Minh Lậu.

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.