Một trong 108 kệ trong nghi thức đảnh lễ Tam Bảo của Đức Trưởng Lão H T Thích Trí Thủ biên soạn vào thập niên 1970-1980 có ghi lại như sau
Bồ đề diệu hoa biến trang nghiêm
Tùy sở trú xứ thường an lạc. HÒA: Nhất tâm đảnh lễ Dược sư lưu ly quang Như Lai bổn nguyện công đức kinh Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát ma ha tát. (1 lạy)
Hoa Tuệ-giác khắp chốn trang nghiêm. Tùy trụ xứ thời thời an lạc.
HÒA: Một lòng kính lạy đức Đại Bồ Tát Nguyệt Quang Biến Chiếu. (1 lạy)
Như chúng ta đã biết Cả hai Ngài Nhật Quang – Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát thường hộ vệ cho Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật để cứu độ chúng sinh.
Danh hiệu của các Ngài cũng đã phần nào lột tả được hạnh nguyện của các Ngài.
Nhật Quang Biến Chiếu Bồ Tát là vị Bồ Tát thường xuyên ngự tại mặt trời, chúng ta tưởng chừng như là nơi không có sự sống, nhưng trong cảnh giới của các Ngài thì chúng ta không thể biết được. Ngài thị hiện cho việc sử dụng ánh sáng mặt trời để phổ độ chúng sinh, để giúp chúng sinh thoát khỏi mê lầm, dùng ánh sáng chiếu khắp giúp cho mọi người sớm giác ngộ khỏi biển lầm than.
Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát là vị Bồ Tát ngự tại mặt trăng, biểu thị cho ánh sáng mặt trăng vào ban đêm. Bởi chư Phật Bồ Tát đều nhìn thấy chúng sinh trong đêm tối u mê, không có ánh dẫn đường, nên Ngài thị hiện với danh hiệu Nguyệt Quang Biến Chiếu để muốn nói, dù trong đêm tối vẫn có những ngày trăng tròn sáng rõ, soi sáng những u mê của chúng ta, giúp chúng ta bước bên bờ Giác Ngộ.
Trên đường tu tập người viết đã sưu tầm trên các trang mạng điện tử Phật giáo và được biết thêm như sau:
Kinh Dược Sư nói rằng: “Ở trong nước ấy có hai vị Bồ Tát Ma Ha Tát, vị thứ nhất tên là Nhật Quang Biến Chiếu, vị thứ hai tên là Nguyệt Quang Biến Chiếu là bậc Thượng Thủ của vô lượng vô số Bồ Tát”
Ở trong vô lượng Bồ Tát quyến thuộc của Đức Phật Dược Sư thì Nhật Quang Bồ Tát và Nguyệt Quang Bồ Tát là Bồ Tát có địa vị trọng yếu ở hàng Thượng Thủ. Hai người nắm giữ kho báu Chính Pháp của Đức Dược Sư Như Lai
Nguyệt Quang Bồ Tát (Candra-prabha-bodhisatva) lại xưng là Nguyệt Tịnh, Nguyệt Quang Biến Chiếu.
Nguyệt Quang Bồ Tát là vị hầu cận bên phải Đức Phật Dược Sư (Bhaiṣaijya-guru-buddha) tại Thế Giới Tịnh Lưu Ly (Vaiḍurya) ở phương Đông cùng với vị hầu cận bên trái là Nhật Quang Bồ Tát (Sūrya-prabha) là hai vị Đại Thị Giả của Đức Dược Sư Như Lai
Ba Tôn: Dược Sư Như Lai, Nguyệt Quang Bồ Tát và Nhật Quang Bồ Tát hợp xưng làĐông Phương Tịnh Thổ Tam Thánh
Tương truyền ở đời quán khứ: Dược Sư Như Lai với Nhật Quang Bồ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát vốn là cha con, từng ở chỗ của Đức Điện Quang Như Lai siêng tu Phạm Hạnh, được Đức Điện Quang Như Lai phó chúc, phân biệt đổi tên gọi là Y Vương với Nhật Chiếu, Nguyệt Chiếu… phái Đại Nguyện Vô Thượng Bồ Đề thề cứu tất cả chúng sinh hữu tình trong sáu đường, thoát lìa nỗi khổ của sự luân hồi Do nương nhận sự phó chúc của đức Điện Quang Như Lai nên sau khi thành Phật vị phạm sĩ ấy tức là đức Dược Sư Như Lai. Hai người con tức là hai vị Nhật Quang, Nguyệt Quang.
Nguyệt Quang Biến Chiếu biểu thị cho Tâm lặng yên nhập vào Thiền Định, ánh sáng trong suốt, trong mát, vắng lặng.
Nguyệt Quang Bồ Tát có thể rộng nhiếp mỗi một chúng sinh trong Đại Thiên khiến cho miễn trừ được sự bức não của ba Độc Tham, Sân, Si
Hơn thế nữa Nguyệt Quang Bồ Tát có quan hệ mật thiết với Đại Bi Chú của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Trong kinh có viết, người nào trì tụng Đại Bi Chú thì Nguyệt Quang Bồ Tát và vô lượng hộ pháp sẽ đến làm chứng và tăng ích thêm hiệu nghiệm. Phàm là những người trì tụng Đại Bi Chú, nếu lại trì tụng thêm đà la ni của Nguyệt Quang Bồ Tát, sẽ nhận được sự che chở của Nguyệt Quang Bồ Tát giúp cho người trì tụng trừ bỏ chứng ngại và bệnh tật đau đớn, đồng thời thành tựu tất cả thiện pháp, tránh xa mọi sự sợ hãi.
Chân Ngôn của Nguyệt Quang Bồ Tát:
Phạn: Om Candraprabhah Svaha
Phiên âm: Án Tán nại la bát la bà dã Sa Phộc Hạ
Dịch nghĩa: Quy mệnh Nguyệt Quang Thành tựu
Nguyệt Quang Bồ Tát Đà La Ni:
“Thâm đê đế đồ tô tra, a nhược mật đế ô đô tra, thâm kỳ tra, ba lại đế gia di nhược tra, ô đô tra, câu la đế tra, kỳ ma tra, thoa cáp”
Đà La Ni này được trích ra ở Kinh Thiên Thủ Quán Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni
Chú này là điều mà bốn mươi hằng hà sa chư Phật đời quá khứ đã nói để hộ trì các chúng sinh, trừ tất cả chướng nạn, trừ tất cả nỗi khổ đau của bệnh ác
Ngoài ý nghĩa trên, trong tự điển Phật học chính ta được tìm thấy như sau
—-Nguyệt Quang Bồ Tát. Vị Bồ tát trong viện Văn thù trên Mạn đồ la Thai tạng giới của Mật giáo. Là 1 trong 16 vị tôn của Hiền kiếp thuộc Mạn đồ la Kim cương giới. -Trong Mạn đồ la Kim cương giới, bồ tát Nguyệt quang ngồi ở mé tây của viện thứ 2 trong hội Vi tế. Thân hình màu trắng, tay trái nắm lại để ở ngang hông, tay phải cầm vầng trăng sáng hoặc cầm hoa sen, trên hoa có nửa vầng trăng. Mật hiệu là Thanh lương kim cương, hình Tam muội da là hình bán nguyệt. -Trong Mạn đồ la Thai tạng giới, vị Bồ tát này ngồi ở phía bên phải bồ tát Diệu cát tường, khoảng giữa bồ tát Diệu âm và bồ tát Vô cấu quang trong viện Văn thù. Tay phải nắm lại, cầm hoa sen để ở ngang hông, trên hoa sen có nửa vành trăng; tay trái cầm hoa sen búp để ở ngang ngực, ngồi kết già trên đài sen. Mật hiệu là Uy đức kim cương, hình Tam muội da là hoa sen xanh, trên hoa đặt hình bán nguyệt. [X. kinh Kim cương đính nhất thiết Như lai chân thực nhiếp đại thừa hiện chứng đại giáo vương Q.hạ; Hiền kiếp thập lục tôn; A xà lê sở truyền Mạn đồ la trong Đại nhật kinh sớ Q.6; Kim cương giới mạn đồ la sao Q.2; Bí tạng kí; Kim cương giới thất tập Q.hạ; Thai tạng giới thất thập Q.trung; Chư thuyết bất đồng kí Q.5].
Như vậy cũng đống nghĩa là :
Bồ tát Nguyệt quang từ mặt trăng giáo hoá chúng sanh. Ngài tán dương và khuyến thỉnh sự hộ pháp của Chư Thiên, ATuLa, Dạ xoa đến tham dự khi ngồi thiền , nghe pháp để thâm nhập Phật trí, ủng hộ Phật pháp trường tồn .
Lời kết:
Từ câu kệ trong nghi thức đảnh lễ Tam Bảo, cho thấy: Bồ Đề là Giác Ngộ, Hoa Bồ Đề là hoa Giác Ngộ, một khi Tuệ Giác bừng nở thì đó là mục đích rốt ráo của tất cả người tu học đã ngộ được lý diệu huyền .
Cũng liên quan đến Hoa Bồ Đề, người phật tử phát Bồ Đề Tâm chính là sự khát lòng đạt được Giác ngộ, giải thoát ngay trong kiếp sống nầy.
Khát Ngộ vô thượng với tâm nguyện là giải thoát tự thân và cứu độ tất cả chúng sanh, luôn hướng Tâm tới Quả Vị cuối cùng A nậu đa là Tam miệu tam bồ đề .
Do vậy bất cứ người Phật tử thuần thành nào cũng phải phát nguyện,và phải thực thi lời phát nguyện Bồ Đề Tâm.
Nhà thơ Bùi Giáng có để lại cho đời hai câu thơ trác tuyệt để nói về Sơ Tâm của người học Phật:
“Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không”
Và Hoà Thượng Thích Nhật Tân cũng để lại bài thơ Hoa Giác Ngộ để ca ngợi Bồ Đề Diệu Hoa như câu kệ trong nghi thức này, kính xin ghi lại và niệm ân Ngài.
Hoa Giác Ngộ Hoa Giác Ngộ kết sáu thời tu tập Hoa Hành Trì quyết hạ thủ công phu Tu đến khi chỉ còn một chữ NHƯ Cũng dứt bỏ bước lên bờ bỉ ngạn Hoa Giác Ngộ trổ lên rồi, bừng sáng Dứt trầm luân khổ ải tự xưa nay Không có Đông, mà cũng không có Tây Không có Nam, mà cũng không có Bắc Phật tánh, không phân chia : màu da, chủng tộc Phật tâm, không mắc kẹt : cao thấp, nghèo giàu Phật từ, không mắc cạn : bến cát, bờ lau Phật quang, khắp mười phương phổ chiếu Hoa Giác Ngộ, ngát hương hoa hàm tiếu Mỗi chúng sanh là một đóa vô ưu Dung ba thời, chuyển ba thế, truyền lưu Cùng xuất xử, cộng nhập Tỳ Lô Tánh Hải Hoa Giác Ngộ du thuyền vô quái ngại Độ chúng sanh khắp pháp giới mười phương Đèn trí tuệ soi sáng vạn nẻo đường Đánh bật gốc mọi trần sa phiền não Hoa Giác Ngộ trổ bông đường thánh đạo Đạt chơn thường, chứng đạo lý thường chơn Chứng đạo ca, tô thêm một điểm son Hòa hương sắc nhiệm mầu vô thượng giác.(Tháng 7- năm 2007).
Riêng người viết cũng mạn phép tán dương Đức Bồ Tát Nguyệt Quang Biến Chiếu với tất cả niềm tịnh tín vì từ năm 2003, người viết đã trì tụng và góp chút tịnh tài ấn tống kinh Dược Sư để truyền tải về các chùa xa ở miền Nam Việt Nam để phổ biến sự linh ứng từ Thần chú Dược Sư mà người viết đã thọ hưởng sau khi đã cầu sự giúp đỡ của Đông Phương Tam Thánh về bịnh tật mắc phải .
Kính ngưỡng Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát,
Cùng Ngài Nhật Quang….
Hai bậc trợ thủ Đức Phật Dược Sư bất tư nghì
Tỏa ánh sáng mặt trời mặt trăng như ngọc Lưu Ly
Phá tan mọi u mê giúp chúng sanh đạt Trí Tuệ .
Khát ngộ Đạo Vô Thượng, thành tâm nguyện thệ
Cắt đứt vòng xích ÁI, THỦ, HỮU thập nhị nhân duyên
Vô Thường, Vô Ngã, Khổ …. niệm niệm chuyên
Học tất cả pháp môn … tăng nhiều lợi ích
Nguyện sơ tâm giữ nguyên đến ngày đạt mục đích
Không còn phiền não, nhiễm ô dưới hình tướng nữ nhân
Tán thán công năng chữa bịnh Tâm, Thân.
Kính hát vang thần chú Dược Sư theo nhịp điệu ngữ Phạn
“Tayatha Om… Bekandze Bekandze
Maha Bekandze Randze Samu Gate soha”
Huệ Hương