Tản Mạn Về Quan Hệ Thầy, Trò Trong Đạo Và Đời Ngày Xưa Và Nay

Những tuần lễ liên tiếp trong tháng 5/2022 tại Sydney tôi được tham dự các buổi concert có khi đó là buổi từ thiện cho nạn lụt, khi thì do một nhóm học trò mà tư cách đạo đức khiến chúng ta ngưỡng phục tổ chức và toàn bộ số tiền thu được sẽ là quà tặng đến một vị Thầy khi về hưu khiến tôi chạnh lòng thao thức tư duy …

Hơn thế nữa với khung cảnh trang nghiêm huy hoàng nhỏ trong phạm vi một thành phố hoa lệ ta mới ngưỡng phục Đức Phật bậc siêu việt của thế giới hoàn vũ này đã dứt khoát từ bỏ cung vàng điện ngọc nơi mà sự mọi vật chất được cung phụng đầy đủ.

Và phải nói thêm trong địa hạt tình người, buổi tổ chức tiễn đưa Thầy dạy âm nhạc mình từ một Head Master của Sydney Grammar College quy tụ nhiều musician nổi tiếng khắp nơi về …quả là một điều kính ngưỡng . Buổi hoà tấu đã đánh động tâm linh mọi người và ngay chính tôi trong mùa Phật Đản này.

Có phải thế giới phương Tây và Á Đông cổ kính của mình vẫn còn khác nhau xa lắm. …. Phải chăng chúng ta chỉ viết những bài tưởng niệm thật sâu sắc và cảm động khi tiễn đưa Giác Linh ân sư mình khi Ngài thong dong về cảnh giới Phật mà quên xưng tán khi quý Ngài còn chung sống trong hạ giới cùng ta.

Hơn thế nữa, có bao nhiêu học trò đương thời đã “appreciate” toàn bộ công trình tham khảo nghiên cứu của Thầy mình?

Phải chăng cộng đồng chúng ta xem việc những tác phẩm của Thầy mình như là….từ một cá nhân muốn đề cao bản ngã mình và phán xét một cách hời hợt.

Nhân đọc kinh lời vàng (tác giả Dương Tú Hạc, Dịch giả HT Thích Trí Nghiêm) kính xin ghi lại vài trích yếu lấy từ những bộ kinh vĩ đại và tự mình chiêm nghiệm hầu thu thập chút ít gì cho sự thao thức tư duy đó …..

Trong ba vị trí đặc biệt quan trọng của xã hội xưa “Quân – Sư – Phụ” thì người thầy chỉ đứng sau vua, người được xã hội, nhân dân đặc biệt coi trọng và tôn vinh, là người mà nhân dân gửi gắm niềm tin để giúp con em họ học hành mà thành tài.

Trong xã hội xưa, cái nghĩa “Tôn sư trọng đạo” được gắn với tính mô phạm, khuôn phép, nhân cách, đạo đức. Vì thế, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò chứ không thể có bất cứ một yếu tố nào chi phối giá trị này. Muốn được học trò tôn kính, thầy phải giữ đúng chữ đạo làm Thầy biểu tượng của nhân cách cao đẹp, đạo đức.

Về phía học trò, biết nghe lời Thầy biết chăm chỉ học tập và biết ứng xử cho phải đạo. Nếu phạm lỗi phải biết kính cẩn xin lỗi và sửa chữa lỗi lầm. Chính vì vậy, trò vi phạm, nhất là phạm lỗi đạo đức, Thầy trách phạt, thậm chí dùng roi đánh vào tay, vào lưng, thậm chí từ chối sự giáo dục để học trò nhận ra lỗi lầm của mình nhưng trò và gia đình không hề kêu ca, không hề trách mắng Thầy vì họ đều nhận thức được rằng, có như vậy, bản thân mới nên người, mới cố gắng học hành để thành đạt. Điều học trước tiên cũng là … Khi gặp thầy, trò phải thực hiện những nghi lễ chào hỏi một cách cung kính.

Chính vì vậy, một trong những nguyên tắc hàng đầu của nghề giáo là phương pháp “thân giáo” (gương mẫu). Có nghĩa là lấy bản thân mình làm tấm gương cho học sinh noi theo, từ trong cách đi đứng, nói năng, xử sự…

Thời đại gần đây nhất chúng ta thường nghe nhắc đến công đức của biết bao người thầy tài năng, đức độ, cuộc sống thanh bần mà trong sáng như gương Thầy Chu Văn An, Ngài Nguyễn Bỉnh Khiêm v.v…

Từ phẩm chất thanh cao tuyệt vời quý Thầy, người người tôn trọng đây là những bậc thầy vĩ đại. Cuộc đời của quý Thầy dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm thì bản chất luôn là một thầy giáo mẫu mực.

Nói về Thầy Chu văn An có lẽ Thầy đã được đánh giá là nhà sư phạm toàn diện nhất trong lịch sử đất nước. Trong suốt cuộc đời gắn bó với nghề giáo, Chu Văn An đã dạy hầu hết các học sinh từ thấp đến cao, từ bình dân đến quý tộc.

Còn ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông là người có tài năng siêu việt nhưng phẩm chất rất gần gũi và bình dị. Ông thường dạy học trò của mình đạo đức làm người và phê phán những thói hư tật xấu mà con người nên tránh.

Trộm nghĩ ngày nay cũng thế…  để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình đặc biệt người thầy giáo ngoài đời hay một vị minh sư trong Đạo phải chăng quý vị ấy hết sức chú trọng rèn luyện đạo đức, chứ không thể chỉ rèn tài, vì đức mới là cái gốc. Để làm được điều này thì tất nhiên quý Thầy, quý Sư phải lấy lòng nhân ái mà cảm hóa học trò , đệ tử , lấy sự uyên thâm mà thu hút sự hiếu học của họ. Bên cạnh đó, việc đánh giá, phán xét khả năng, đạo đức cũng phải công bằng, vô tư, không thiên vị và như thế có thể giáo dưỡng và huấn luyện một con người trở thành người có cả tài lẫn đức thì cần lắm sự đức độ, thông thái của người Thầy, Minh Sư vậy.

Đâu đấy có một danh ngôn rằng: “Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được”.

Đọc được trong các quy chế thiền môn, từ năm 2000 trở về trước (không rõ sau này vì tôi đã ẩn cư nhiều năm trong tháp ngà) chúng ta thường thấy những lời khuyên dạy như sau:

— Phép thờ thầy, ngầm ý sâu nữa là phép thờ đại chúng luôn nữa (câu chuyện Ngài Đạo Giản)
“Thiền sư Đạo Giản núi Vân Cư ở Nam Khang, triều Tống, ban đầu tham kiến Thiền sư Đạo Ưng. Đạo Ưng đàm thoại với ngài ba ngày đã tán thán căn khí của ngài, bảo ngài nên khắc khổ nhẫn nại phục vụ đại chúng. Từ đó ngài gánh nước, bửa củi, giã gạo, nấu cơm, lo liệu các việc trong chùa mà trong chúng không ai hay biết. Ngài là một vị tăng tài kiệt xuất về luận đạo, chuyện cổ kim ẩn giấu trong tùng lâm”.

Riêng thời nay, trong Đạo … Phật tử nào thực hành lễ phép, kính dường bậc sư trưởng, kính dường Hòa thượng, Thầy Trụ trì, những bậc Thầy lớn, đừng nói xấu gì hết thì bốn phước tự nhiên tăng trưởng hồi nào không hay.

Kính Pháp Cú: “Người thực hành lễ phép thường kính bậc trưởng lão, bốn phước tự nhiên tăng: đẹp, mạnh, thọ và an”.

—— Người học có thầy cũng như cây có gốc.
—— “Thầy nói chưa xong trò không được nói, nghĩa là thầy nói chưa xong không được cắt ngang để nói ý mình. Bởi vì ta sẽ không nghe được thêm điều gì lại tỏ ra sự mất tôn kính của người có học thức. Cũng không được nói lý tranh hơn thua”.
—— Người đệ tử dù lớn tuổi hơn Sư Phụ cũng cần được hướng dẫn về thái độ tôn trọng và quí mến người giảng dạy mình, thì người giảng dạy mới dễ dàng trao chìa khóa tri thức một cách nhiệt tình, không giấu giếm.
—- Dẫu có lìa thầy nhưng cũng nhớ lời thầy dạy, chẳng nên luân tình tự ý theo người thế tục làm việc bất chánh.

Trộm nghĩ:

Ngày nay với phương tiện công nghệ quá tiến bộ, người đệ tử thường không có thời gian hầu cận Thầy như ngày xưa mà chỉ dược nuôi dưỡng tâm linh bằng những bài pháp thoại. Do đó một vị Thầy khi thuyết giảng cần lồng trong đó những hạnh đức mà người nghe có thể tu tập theo.

“Nếu có Tỳ kheo vì người thuyết pháp mà tự suy nghĩ: “Ta vì kẻ kia thuyết pháp, khiến họ tin kính ta, sẽ cho ta rất nhiều vật uống ăn, áo mặc, nên ta thuyết pháp”, ấy là bất tịnh thuyết pháp. Trái lại Tỳ kheo vì người thuyết pháp, mục đích muốn người nghe chứng giải Phật Pháp, lìa các phiền não, trừ khổ hiện tại. Và có thể khiến kẻ nghe, nghe mình thuyết pháp, như thuyết tu hành, vì khiến người nghe lãnh hội được pháp, được nghĩa, được lợi, và được yên vui. Thuyết pháp như thế gọi là thanh tịnh từ bi thuyết pháp.”

Kinh Trường A Hàm

Người thuyết pháp cần tu 4 hạnh:
1. Học rộng nghe nhiều, năng giữ tất cả ngôn từ chương cú
2. Quyết định khéo biết hành tướng sanh diệt của các pháp thế gian và xuất thế gian
3. Phải được thiền định và trí huệ, tùy thuận các kinh pháp mà không tranh luận
4. Chẳng thêm chẳng bớt, cứ đúng như Pháp mà nói

Luận Thập Trụ Tỳ Bà Tập

Thân tâm mình đã được giáo huấn rồi, lại đem dạy người, thời chẳng khó; nếu muốn dạy người trước phải dạy mình đã.

Kinh Phật Trị Thân
—-
Trước trừ ác mình, sau dạy người trừ; nếu mình chẳng trừ, mà dạy người trừ, đâu có lý vậy. Vậy nên Bồ Tát trước phải tự bố thí, trì giới, tri túc, cần hành, tinh tấn, nhiên hậu mới giáo hóa người.

Kinh Ưu Bà Tắc Giới
——-
Như vị Đại Thuyền Sư thường đem con thuyền vĩ đại, hạ giữa dòng chảy, chẳng đụng bên này, chẳng chạm bên kia, chẳng trụ giữa dòng, cứ thẳng tiến tới, không chút ngừng nghỉ.

Cũng thế, Bồ Tát lấy thuyền Ba la mật, ở trong dòng sanh tử, mà chẳng chán sanh tử, chẳng thủ Niết Bàn, mà cũng chẳng ở giữa dòng, là vì muốn khiến chúng sanh đạt đến bờ bên kia, nên không ngừng tay. Trong khoảng vô lượng kiếp, thường tu tinh tiến giáo hóa chúng sanh.
Kinh Hoa Nghiêm

Hoàn cảnh thời đại hiện nay có những lúc ta không không thể gần bên Thầy và Minh Sư nên …..thường người Thầy khó biết căn cơ người nghe pháp online nhiều, vì thế cho nên khó áp dụng được như những lời trích yếu được tìm thấy trong Kinh Lời Vàng (Tác giả: Dương Tú Hạc- Dịch giả: HT Thích Trí Nghiêm) từ 60 năm về trước như sau:

——-
Kẻ nói pháp, xem căn cơ của người nghe mà nói, họ nhất tâm nghe hiểu thấu vào trong nghĩa của lời nói, như khát được uống; và thấy kẻ nghe pháp buồn vui hỗn độn mới nên vì nói pháp.
Luận Trí Độ

——
Bồ Tát biết chỗ sở tác của chúng sanh, biết nhơn duyên, biết tâm hành, và biết ưa thích của chúng mà nói pháp. Với kẻ tham dục nhiều, nên nói pháp bất tịnh; với kẻ giận dữ nhiều, nên nói pháp đại từ; với kẻ ngu si nhiều, nên nói pháp siêng năng, quan sát các pháp; với kẻ ba món độc đều nhiều, nên dạy khiến thành tựu pháp môn trí huệ; với kẻ ưa vui sanh tử, nói pháp ba món khổ; với kẻ đắm chấp các thứ “có” nói pháp “không tịch” với kẻ lười nhác, nói pháp đại tinh tấn; với kẻ ôm lòng ngạo mạn nói pháp bình đẳng; với kẻ nhiều dua dọc, nói pháp Bồ Tát tâm; với kẻ tâm tánh chất trực mà ưa vắng lặng, nên rộng vì nói các pháp khiến họ thành tựu Đạo quả.
Kinh Hoa Nghiêm

——
Đức Phật bảo các đệ tử rằng: Cũng như thợ vàng lấy các thứ vàng, tùy ý muốn tạo thành các thứ trang điểm: như chuỗi anh lạc, vòng, thoa, kiềng mão v.v…hình tướng tuy khác nhau nhưng chẳng ngoài vàng mà có.

Đức Như Lai cũng thế, chỉ lấy một Phật Đạo tùy thuận chúng sanh, mà phân biệt nói ra nhiều pháp. Như một thức phân biệt nói có sáu; một sắc phân biệt nói thành sáu; vì muốn giáo hóa chúng sanh nên phải phân biệt vậy.

Kinh Niết Bàn
——-
Bồ Tát thường hay tu phương tiện thắng trí mà biết được tâm của chúng sanh ưa muốn những gì, rồi tùy theo bệnh mà cho thuốc diệt trừ hết các bệnh, nghĩa là khiến chúng sanh thông suốt Phật pháp, gọi là Phương tiện ba la mật. Vì muốn khiến chúng sanh được lợi ích nên chẳng tiếc thân mạng, gọi là Thân cận ba la mật. Vì các chúng sanh nên đối với kẻ oan người thân bình đẳng nói pháp mầu nhiệm, khiến vào Phật trí, gọi là Chơn thật ba la mật ai trọn nên ba món sau đây, thì mới gọi là thành tựu Thiện xảo ba la mật (ba la mật là nghĩa: rốt ráo).

Dùng sức chánh trí có thể hiểu rõ tâm hành thiện, ác của chúng sanh mà vì nói pháp tương ưng khiến vào nghĩa sâu xa mầu nhiệm. An trụ Niết bàn rốt ráo, gọi là lực Ba la mật. Dầu hy sinh thân sống vì mục đích lợi lạc chúng sanh, gọi là thân cận Ba la mật. Đem sức Diệu trí mà giáo hóa chúng sanh tà kiến, khiến dứt ác nghiệp, chứng quả Niết bàn “thường, lạc”, gọi là chơn thiệt Ba la mật. Thành tựu 3 món này, mới là thành tựu trí lực Ba la mật.

Kinh Hoa Nghiêm

Tuy nhiên bao giờ việc tri ân đối với một vị Thầy, một Minh Sư cần triệt để áp dụng:
“Đức Phật dạy: kẻ nào biết ơn thầy, khi có thầy thì lo phụng sự; khi vắng thầy thời lo suy nghĩ những lời thầy đã dạy bảo; giống như kẻ hiếu tử nghĩ nhớ cha mẹ, và như người đói khát nhớ nghĩ đến việc uống ăn.”

Kinh Trang Tâm
—- Đệ tử kính phụng sư trưởng có 4 điều:
1. Phải hầu hạ
2. Lễ kính cúng dường
3. Tôn trọng những lời thầy dạy bảo phải cung kính tùy thuận, chớ không được chống trái
4. Khi đi theo thầy nghe được điều gì hay, khéo nhớ giữ gìn, chớ bỏ lãng quên

Kinh Thiện Sanh Tử
————-
Đệ tử thờ thầy phải có 5 điều:
1. Kính mến là khó gặp
2. Phải nhớ ơn thầy
3. Nghe theo lời dạy
4. Nghĩ nhớ chẳng nhàm
5. Khi đi theo sau hầu hạ phải khen ngợi điều hay của Người

Kinh Lục Phương Lễ
——-
Lóng nghe cho chắc, ưa học hỏi, siêng làm việc, không phạm lỗi, cúng dường thầy. Ấy là năm điều đệ tử thờ thầy vậy.

Kinh Thiện Sanh Tử

Còn vị Thầy, Sư Trưởng đối với đệ tử cần tuân thủ quy tắc sau :
—— cần lấy 5 điều mà đối xử với đệ tử:
1. Tùy thuận theo phép điều ngự
2. Dạy những điều mà trò chưa biết
3. Tùy theo sự nghe biết của trò mà khiến cho hiểu thấu căn lành
4. Chỉ kẻ hiền lành cho trò kết bạn
5. Đem hết chỗ hiểu biết của mình mà dạy trao cho trò không nên lẫn tiếc

Kinh Trường A Hàm

—- Lai phải dạy đệ tử có 5 điều:
1. Khiến trò mau hiểu
2. Dạy trò giỏi hơn đệ tử của kẻ khác
3. Phải dạy trò biết rồi nhớ mãi chẳng quên
4. Phải giải nói các điều nghi nan cho trò hiểu rõ
5. Muốn khiến trí huệ của trò cao hơn mình

Kinh Lục Phương Lễ
———
Hay khiến học hay dạy bảo, khiến học siêng năng đem về đạo lành, cho trò làm với kẻ hiền hữu. Ấy là năm điều mà thầy đối với trò vậy.
Kinh Thiện Sanh Tử

Kính mời quý đạo hữu xem lời Đức Phật dạy bảo khi Ngài A Nan tham vấn

A Nan thưa Phật rằng: người đời và đệ tử Phật khinh rẻ bực Thầy và họ đem ác tâm đến bậc Thầy và người đạo đức thì tội ấy thế nào?

Phật bảo A Nan rằng: “là con người thời phải ưa mến đức của người khác và vui mừng điều lành của họ, chẳng nên ganh tị. Còn như đem ác tâm đến bậc Thầy và người đạo đức thì cũng như đem ác tâm đến Phật không khác chi cả”.

Ví phỏng đem cái cung nặng một vạn tạ bắn vào thân mình chừng có đau hay không? A Nan thưa: thật đau lắm đau lắm. Phật nói: người có ác ý đem đến người đạo đức cùng là bậc Thầy hãy còn đau hơn gấp mấy lần cái mũi tên kia bắn vào thân minh.

Là kẻ đệ tử chẳng nên khinh dễ bậc Thầy và đem ác ý đến kẻ đạo đức.

Người có đạo đức phải xem họ như Phật chớ chẳng nên ganh tị hủy báng. Người có giới đức cảm động đến các Thiên long qủy thần không một vị nào chẳng cung kính.

Thà lao mình vào đống lửa, cẩn thận chớ nên ganh tị và hủy báng kẻ thiện nhơn, tội ấy chẳng phải nhỏ nhen, cho nên phải cẩn thận lắm.

Kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung

Cũng nên biết rằng khi đệ tử bị quở mắng là vì đã phạm:
1. Bất tín
2. Biếng nhác
3. Ác khẩu
4. Tâm không biết xấu hổ
5. Gần gũi ác tri thức

Thế cho nên khi A Nan thưa Phật rằng: bực Thầy có quyền la mắng đệ tử, tội nhỏ cho là to, chừng như Thầy có lỗi hay không?

Phật đáp: không nên không nên!

Đạo nghĩa Thầy trò phải lấy đạo cảm hóa tự nhiên, phải cùng nhau có lòng tin cậy thân hậu; xem trò như mình, việc chi mình chẳng muốn làm, đừng trách sao trò không làm.

Phải lấy đạo đức rộng dạy: kính trọng, lễ phép cho trò, phải thuận hòa trung tiết, không nên đem lòng oán trách kiện cáo cùng nhau.

Kẻ đệ tử cùng Thầy hai bên đều chân thành: bực Thầy cho ra bực Thầy, kẻ làm trò cho đáng kẻ làm trò thì mới được.

Lời kết:

Có lẽ khi đã đến tuổi trưởng thành biết suy xét thì trong Đạo và Đời hay bất cứ nơi nào ta đều đã gặp một người Thầy có thể là một bậc thiện tri thức chỉ bảo ta. Khi ấy trong tâm luôn tự nhủ rằng “dù cho đã thành danh ta vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì cũng kính lễ phép, nói chuyện với thầy chỉ vài câu rồi đi xa cũng đã vạn phước rồi”

Thật ra mối quan hệ giữa Thầy và Trò chính lại quan trọng ở nơi mỗi cá nhân riêng biệt phải biết mình đang đứng vị trí nào và hiểu được bản thân mình

Người ấy “cần phải tinh tấn.- Đủ tâm thương Thầy.- Tâm không kiêu mạn.

Tâm bình tĩnh và định đoạt.- Có đủ trí mà nghe lời dạy của Thầy”.

Nếu còn được sống trong đời cần ghi nhớ lời dạy của Lão Tử : “Biết người khác là thông minh; biết mình là trí tuệ đích thực. Hiểu người khác là sức mạnh; làm chủ được bản thân mới là sức mạnh thực sự”.

Nhưng lại phải tâm tâm niệm niệm rằng “Ta tự học chỉ là để đào sâu và nâng cao; nhưng rất cần sự hỗ trợ mang tính cách gợi mở, hướng dẫn để đỡ mất thời gian mà vẫn có kết quả. Do vậy ta cần phải nhờ vào thầy cô giáo nhiệt tình, có trách nhiệm truyền trao tri thức.”

Thái độ tôn trọng lễ nghĩa sẽ giúp các học trò được thầy cô giáo mến thương, từ đó việc truyền trao và tiếp nhận diễn ra theo một văn hóa lịch sự và có ý nghĩa trong kiếp người.

Riêng trong Đạo dù phương Tây hay Á Đông nơi nào cũng vậy thời đại nào cũng vậy cần nhớ lời dạy của Đại Sư Liên Trì:

“Người đệ tử thời xưa khi Thầy mất rồi niềm tin càng kiên định, càng không trái lời Thầy. Người đệ tử thời nay, Thầy vẫn còn đó, niềm tin đã lung lay, biến đổi. Nguyên nhân do đâu? Quả thật do khi mới xuất gia không thật sự muốn nương tựa bậc có chánh tri kiến để thoát ly sanh tử, mà chỉ nhất thời hay vô tình bái làm Thầy mà thôi.”

Đôi khi chỉ một cảm xúc vu vơ… bất kính
Lòng quặn đau… liền sám hối ăn năn
Tình Thầy, trò… muôn thời đại vẫn rằng
Ơn trồng người, trồng tư tưởng… khó trả!

“Thầy kính yêu”… thật thiêng liêng cao cả
Đại Phước duyên một lần cạnh minh sư
Chăm chút chỉ đường dẫn đến… Chân Như
Mất trăm năm kiếp người… bao giờ tìm gặp?

Tự nhủ: “dù thế gian đi cùng khắp”
Nghệ thuật khéo nhất nơi Thầy:
…… tạo được niềm tin
Đệ tử biết được chỗ đứng của mình
Luôn tinh tấn, bình tĩnh định đoạt mục đích!

Khi thành danh, tri ân Thầy trong phấn khích
Dùng đạo đức chỉ dạy rất thâm tình
Nhớ mãi chẳng quên: “con tuy có thông minh”
Nhớ đừng kiêu mạn… phát Bi tâm thuần hoá!

Người có pháp khí đại thừa… ơn Thầy trên cả !!!
Nhà mô phạm đoan chánh… bút mực nào diễn tả

Huệ Hương (Sưu tầm các mạng điện tử và tham khảo kinh Lời Vàng)

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.