Thử Tìm Hiểu Có Phải “Tính Cách Chính Là Vận Mệnh”

Từ lâu ta vẫn được nhiều người cho rằng Con người sinh ra ai ai cũng có vận mệnh của riêng mình và “Vận mệnh của con người là đã được định sẵn”, vì sao vậy? Nếu không sao lại có Canh Cô, Mậu Quả tại sao chào đời vào năm tuổi Tý mà không vào tuổi Hợi, tuổi Mùi?

Và người trong thế gian vẫn thường hay nhắc tới vận mệnh như một quy luật, mà không biết rằng trên thực tế, quy luật ấy chính là nhân quả tuần hoàn… chính vì thế sau này các học giả đã kết luận… con người với ý chí và sức mạnh có thể thay đổi được vận mệnh của mình.

Riêng nhà triết học Hy Lạp cổ đại Heraclitus (khoảng 535-475 tr.TL lại phát biểu rằng: “Tính cách chính là vận mệnh”).

Muốn tìm hiểu tại sao tính cách là vận mệnh thì phải tìm hiểu định nghĩa chính xác hai từ ngữ “Tính Cách”“Vận Mệnh”

1- Vận mệnh hay số phận có thể được hiểu là thân phận, địa vị, may rủi, họa phúc, khổ vui, sang hèn, vinh nhục… đã được định sẵn cho cuộc đời của mỗi người.

Tin vào vận mệnh là tin vào một cái gì đó được định đoạt từ trước do một ai đó có quyền năng phi phàm. Đặt niềm tin số phận vào yếu tố siêu thực nhưng lại mang khát vọng chinh phục nó như một bản năng nên xưa nay con người tìm mọi cách nắm bắt vận mệnh cuộc đời của mình như tìm kiếm một tấm bản đồ dẫn đến kho báu bí ẩn khổng lồ không có thật vậy.

Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Ziegler từng nói: “Quyết định cao độ của đời người không phải là tài năng mà là thái độ”.

2- Tính cách là tính chất, đặc điểm về nội tâm của mỗi con người có ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, lời nói, hành động người đó. Một người có thể có nhiều tính cách( đa nhân cách) và nhiều người có thể có cùng một tính cách.

Tính cách là yếu tố quan trọng nhất của con người. Có người nói số phận chỉ là 10% tạo ra, còn 90% là tùy thuộc cách bạn suy nghĩ và cảm nhận.

Một phần tính cách đến từ di truyền, và phần lớn còn lại đến từ tư tưởng quan niệm; tư tưởng như thế nào thì hành vi như thế ấy, hành vi như thế nào thì sẽ hình thành thói quen như thế ấy, thói quen như thế nào thì sẽ tạo nên tính cách như thế ấy, tính cách như thế nào thì sẽ mang lại vận mệnh như thế ấy.

Thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận. Vì nếu ta vượt qua những hoàn cảnh sống khắc nghiệt được một cách dễ dàng Thực ra đó là do tính cách của chúng ta quyết định. Do đó cuộc sống vui vẻ hay khổ đau thì phần nhiều cũng là do thái độ của bạn quyết định.

Do vậy việc tu dưỡng một thói quen có thể biến đổi vận mênh và đó là công việc tìm lại con người thật của chính mình và làm thế nào để đừng đánh mất bản thân.

Người ta thường đánh giá hành động, lời nói, và đôi khi là suy nghĩ của một người để suy ra tính cách người đó, và cuối cùng là kết luận về bản chất người đó.Thường thì tính cách được chia làm hai loại: tính tốt và tính xấu. Tốt và xấu là theo quan niệm của đa số người dân.

Như vậy sinh ra vào một thời đại nào đó, môi trường hoàn cảnh xã hội nào đó, trong một gia đình có vị thế hay không là mệnh bẩm sinh đã được định sẵn; nhưng thể chất năng lực, tính cách, trí tuệ và tinh thần hoàn toàn không bắt nguồn từ di truyền.

Theo chữ Hán tượng hình: Chí hướng, học tập, công việc và ý chí phấn đấu là vận; chữ “vận” (運) là từ bộ “quân” (軍) và bộ “sước” (辶), ý chí quyết định tất cả.

Vì vậy có thể nói “vận cũng có thể thay đổi mệnh”.

Theo Đức Phật, chính vì mỗi người có thể cải thiện, xây dựng bản thân mà kẻ xấu có thể trở thành người tốt, kẻ dở trở thành người hay, kẻ ngu trở thành người trí, kẻ phàm thành bậc thánh nhân.

Cho nên có người khẳng định: “Vận mệnh, nắm chắc trong lòng bàn tay của mình”. Một khi đã biết vận mệnh thực ra nằm trong tay của chính chúng ta, hãy làm ngay những điều này để thay đổi vận mệnh:

—- Hãy Trừ bỏ thói quen.

Phật giáo thường nói phiền não khó trừ, mà trừ bỏ thói quen càng khó.
Thói quen là một mô thức cố định trong cuộc sống, tốt có xấu cũng có, sau một thời gian dài, thói quen trở nên tự nhiên và bám sâu rễ trong tâm mỗi người, đời đời kiếp kiếp khó tiêu trừ.

—- Đừng bám chấp vào chữ tình.

Con người là chúng sinh hữu tình, tức là có tình cảm, nhưng một số người vì bám chấp vào chữ tình mà mất đi lí trí, do yêu mà sinh hận, cho đến gây ra những kết cục đau thương không thể cứu vãn.

—- Thay đổi quan niệm để có Chánh kiến.

Quan niệm ảnh hưởng tới phán đoán giá trị của một người, quyết định xu hướng thiện-ác của hành vi. Phật giáo chú trọng sự bồi dướng chánh kiến.
Cái gọi là chánh kiến tức là những kiến giải, nhận định chính xác, là những quan niệm chính xác.Có một nhân sinh quan chính xác, tin vào nhân quả, hiểu rõ duyên khởi, tự nhiên sẽ không làm việc ác hay oán trời trách người.

—— Thay đổi hành vi (sẽ tạo ra nghiệp), một khi nhân duyên chín muồi thì quả ắt nảy sinh,

—— Quảng kết thiện duyên.

Muôn vật muôn việc trong vũ trụ từ nhân cho tới quả còn có trợ duyên, nhờ duyên mà quả mới thành.

—- Gần lành tránh dữ.

Gần lành tránh dữ là hướng đến những điều tốt đẹp, may mắn, tránh xa điều ác, hung dữ, chúng ta cần phải luôn phân tích tình huống, xem xét thời thế, minh bạch lành dữ họa phúc.

Lời kết:

Dù cho đường đời có lắm lúc chông gai, gập ghềnh, nhưng vẫn giữ trong tâm mình thiện niệm, không ngừng hành thiện tích đức, thì phía trước sẽ là một bầu trời xanh bao la vẫy gọi.

Như vậy, ngoài sống tu tập, đạo đức, mỗi Phật tử cần phải biết khai thác triệt để sức mạnh trí tuệ, tư duy đang tiềm ẩn trong mỗi con người chúng ta, tạo bước ngoặt từ nhỏ đến lớn để thay đổi hoàn toàn số phận.

Một điều cần lưu ý là nếu ai đó có được số giàu sang, sung sướng, khỏe mạnh mà chỉ lo hưởng thụ, sống bạc ác… thì phước báu có như biển rồi cũng sẽ cạn.

Do vậy, nếu đã có vận mệnh may mắn hơn người khác thì chúng ta cũng luôn phải tu tập, sống đạo đức, làm việc thiện, gieo nhân lành để cuộc sống hiện tại tiếp tục an vui và tạo phước đức cho kiếp sau.

Theo Đức Phật, những gì con người lầm tưởng là số mệnh đều là Nghiệp nhân và Nghiệp quả của mình tạo ra trong hiện tại và quá khứ. Nghiệp là suy nghĩ, lời nói, hành động cố ý, có chủ tâm, có ý muốn, ý định, gọi là tác ý. Những suy nghĩ, lời nói, hành động có tác ý tạo thành kinh nghiệm, thói quen và xây dựng nên tính cách, cá tính của con người, tạo ra cái mà người ta cho là số phận. Do nghiệp nhân trong quá khứ với nghiệp nhân hiện tại tạo nên thân phận, đời sống con người, giàu sang, nghèo khó, hạnh phúc hoặc khổ đau… Đức Phật nói thêm về sức nặng của nghiệp lực như sau: “Tất cả chúng sinh đều mang theo nghiệp của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa các chúng sinh”. (Kinh Trung A Hàm)

Tuy rằng nghiệp nhân tạo ra số phận của con người hiện tại nhưng nó không bất di bất dịch mà có thể được chuyển đổi nhờ ăn năn hối cải và sửa đổi hành vi, lối sống, tu tập đạo đức.

Không có con đường dẫn đến thành công nào lại không đổ máu và nước mắt. Để xoay chuyển hướng của dòng nước lũ con người ta cũng có thể làm bằng trí tuệ của mình trong một thời gian ngắn, thậm chí là rất ngắn.

Nhưng xoay chuyển vận mệnh của cả cuộc đời mình thì không phải một sớm một chiều bởi nó liên quan đến nghiệp, phước báu của chúng ta từ trong quá khứ.

Vì vậy, là Phật tử trên con đường tu tập hãy luôn nhớ “dục tốc bất đạt” vì Dục tốc bất đạt, là muốn nhanh chóng thay đổi vận mệnh là điều phi thực tế, mà phải từng bước chinh phục đích thành công và từ từ xoay chuyển, nắm giữ vận mệnh cuộc đời mình trong lòng bàn tay và cũng đừng nghĩ rằng có thói quen rồi thì không thể thay đổi, nhưng chúng ta có thể thông qua hành thiện tích đức để thay đổi, để cải biến bản thân. Như vậy con đường duy nhất để thay đổi vận mệnh là hành thiện, tích đức, cải biến nhân tâm.

Và có lẽ ta nên chấp nhận TÍNH CÁCH CHÍNH LÀ VẬN MỆNH vì ta cũng nghe có câu nói: “Tướng do tâm sinh”. Khi tâm tính con người thay đổi thì diện mạo cũng sẽ thay đổi, phúc khí cũng theo đó mà đổi thay. Và lẽ tất nhiên vận mệnh đã thay đổi… vì cách đây không lâu xa công phu tu dưỡng đối với việc lập thân xử thế của các nhà Nho Trung Quốc đều bắt đầu thực hiện từ “chánh tâm, thành ý”, theo đó mục đích chính là phải bồi dưỡng quan niệm đúng đắn và tính cách lương thiện ngay từ suy nghĩ tư tưởng ban đầu, khởi đầu vận mệnh của chính mình bằng tính cách lương thiện.

Thuở ấu niên luôn mặc cảm về số mệnh,
Buồn lo “Canh Cô, Mậu Quả” bản thân mang
Nào hiểu chi về Nghiệp nhân… Quả nhọc nhằng
Trong quá khứ hành động, suy nghĩ… đáng trách!

Và kinh nghiệm thói quen tạo nên tính cách
Gọi là Số phận, vận mênh… chúng sinh dị đồng
Học Đạo rồi “ Chánh tâm, thành ý” bồi dưỡng… thông
Khởi đầu chuyển hoá vận mệnh… hành thiện tích đức

Lời Phật dạy về sức mạnh của Nghiệp lực
Nó là di sản, di truyền từ lúc mới sinh ra
Nắm giữ, chuyển bước ngoặc… đến từ ý chí ta
Phúc khí,diện mạo… chuyển phàm thành thánh!
Vận mệnh trong lòng bàn tay… Tu Phước, Tuệ là chánh.

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.