Đời Vô Thường

THỨ NHẤT LÀ:

SINH TỬ LUÂN HỒI:

Một thời Đức Phật ngự tại vườn Cấp Cô Độc nước Xá Vệ. Một hôm, Đức Phật bảo bốn chúng gồm: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Cư sĩ Nam, Cư sĩ Nữ rằng:

– Nên Tu tưởng nhớ suy nghĩ về vô thường, nên quảng bá tưởng vô thường. Đã tu tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường thì đoạn ái dục, ái sắc, ái vô sắc, đoạn dứt vô minh, đoạn hết kiêu mạn. Ví như đốt cháy cỏ cây, dẹp trừ sạch hết, đây cũng vậy, nếu tu tưởng vô thường, thì đoạn trừ hết tất cả kết sử, vì sao?

Ngày xưa về lâu xa, có một vị Trời đem vô số Ngọc Nữ đến dạo chơi trong vườn Nan Đà phía Bắc cung Thiện Kiến của Vua Trời Đế Thích thuộc cõi Đao Lợi chơi đùa. Dần dần đến cây đại thụ Ca Ni cao lớn, tự vui năm dục nơi gốc cây. Rồi Thiên tử này leo lên cây chơi, hái hoa, cười rỡn, lúc ấy tâm ý rối loạn nên rơi xuống mà chết. Các Ngọc Nữ thương tiếc lăn lóc kêu gào khóc than không dứt!

Chết rồi, ông đầu thai trong nhà Trưởng giả giàu có trong thành Xá Vệ, qua hơn chín tháng, sinh một bé trai đẹp đẽ khôi ngô. Con Trưởng giả dần dần lớn lên ăn học chăm chỉ thông minh tài giỏi. Khi trưởng thành, cha mẹ tìm con nhà danh giá đẹp đẽ nết na, hỏi cưới vợ cho con. Đôi trai tài gái sắc xứng đôi, mọi người đều khen lứa đôi hạnh phúc, nhưng cưới vợ chưa được bao lâu, người con lại chết, bỏ lại vợ đẹp bơ vơ. Bấy giờ cả nhà Trưởng giả, họ hàng thân quyến đều tiếc thương than khóc lăn lóc sầu khổ không ngừng!

Chết rồi, người ấy tái sinh trong biển lớn, làm thân Thiên Long tức là Rồng Trời, sau một thời gian, Thiên Long trưởng thành, thường vui đùa quấn quýt với các Long Nữ. Một hôm, Thiên Long bị Thiên Điểu tức là Chim Trời cánh vàng to lớn bắt ăn, lúc ấy các Long Nữ thương tiếc sầu thảm vô cùng!

Khi Thiên Long ấy bị Chim Trời bắt ăn, liền tái sinh vào Địa Ngục!

Ta đã dùng Sinh Tử Thông nhìn thấy rõ đường đi luân hồi sinh tử của con Trưởng giả kia như thế.

LỜI BÀN:

Đức Phật nói bốn đời của một chúng sinh, từ cõi Trời tới cõi Người, rồi cõi Thiên Long tức là cõi Thần, và sau là cõi Địa ngục. Chúng ta thấy rõ sự vô thường chuyển biến từ kiếp này sang kiếp khác, bốn đời như thế, nhưng không phải đến Địa ngục là hết.

Chúng sinh ấy, sau khi hết nghiệp ở Địa ngục, lại tiếp tục tái sinh ở một cõi nào đó trong sáu cõi, mà chúng ta không thể thấy biết được, chỉ có bậc giác ngộ, hoặc các vị có Sinh Tử Thông mới thấy được đường đi luân hồi của chúng sinh mà thôi.

Đức Phật bảo: “Nên Tu tưởng nhớ suy nghĩ về vô thường, nên quảng bá tưởng vô thường, Đã tu tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường thì đoạn ái dục, ái sắc, ái vô sắc, đoạn dứt vô minh, đoạn hết kiêu mạn”.

Nghĩa là khi suy xét, thấy rõ, không quên, biết như thật sự vô thường sinh ra khổ, thì không còn dính mắc, không còn tham đắm vào yêu thích tham dục, không còn bị sắc đẹp lôi kéo, không còn bị ý thức tưởng tượng mê hoặc. Như vậy sẽ đoạn trừ được sự si mê, tức diệt sạch vô minh, khi hết vô minh thì tâm kiêu mạn ngã mạn sẽ tiêu diệt.

Đức Phật nói: “Ví như đốt cháy cỏ cây, dẹp trừ sạch hết, đây cũng vậy, nếu tu tưởng vô thường thì đoạn trừ hết tất cả kết sử”.

Đức Phật ví vô thường như cây cỏ, nếu tu tưởng vô thường cũng giống như đốt cỏ cây, sẽ cháy rụi sạch hết, mà tu tưởng vô thường thì sạch hết các kết sử, kết sử là gì?

Kết là tụ lại, Sử là sai sử, ràng buộc, Kết sử là bị trói cột. Kết sử có 5 loại, đó là:

Thứ nhất là tham lam bỏn sẻn. Thứ hai là sân giận ganh tị tật đố. Thứ ba là hôn trầm uể oải lười biếng. Thứ tư là phóng dật không yên. Thứ năm là nghi ngờ do dự.

Khi đã tu tưởng vô thường, nếu đã thấy như thật sự vô thường rồi, biết như thật vô thường sinh ra khổ, thì cố gắng tu để dứt khổ. Tu thế nào? Tu thôi tham lam bỏn sẻn, tránh sân hận ganh tị, dứt nghi ngờ, dao động, lười biếng. Như vậy là trừ bỏ được dính mắc ràng buộc, sạch hết các kết sử, thì không còn sinh tử luân hồi, không còn vô thường khổ nữa, tức là được giải thoát vậy. Nhiều người nói về vô thường đau khổ, như nhà Thơ Dương Huệ Anh trong bài “Bờ Giác, Trở Về…” có đoạn ông viết:

Thoáng… cuộc đời… qua… như bóng mây,
Gặp nhau đôi phút đã chia tay,
Xe luân chuyển biến dòng sinh tử,
Từng phút đau buồn chuyện đổi thay.

Đức Phật đã làm nhiệm vụ của bậc Tôn Sư, chúng ta đã có giáo pháp để học và thực hành, có làm hay không là tùy mỗi người tự định liệu lấy tương lai của mình mà thôi.

THỨ HAI LÀ: KHÔNG

AI TRỐN KHỎI CHẾT:

Một thời Đức Phật ngự tại vườn trúc Ca Lan Đà trong thành La Duyệt, thuộc nước Ma Kiệt với 500 chúng Tỳ Kheo. Bấy giờ có bốn Phạm Chí đã lớn tuổi thường tu pháp lành, đã đắc ngũ thông. Một hôm bốn người này bàn với nhau rằng: “Lúc thần chết đến chẳng tránh một ai, dù là người mạnh khỏe; chúng ta hãy đi ẩn nấp chỗ kín đáo để thần chết không thấy không biết chỗ ẩn nấp của chúng ta, thì sẽ không chết”.

Lúc ấy một Phạm Chí dùng thần thông bay lên không trung, người thứ hai lặn xuống dưới đáy biển lớn, người thứ ba chui vào hang núi rồi bít cửa hang lại, người thứ tư tự chui xuống đất “độn thổ”.

Bốn người trốn thần chết như thế một thời gian chẳng bao lâu, người thứ nhất trốn trong không chết trong không trung, người thứ hai trốn dưới đáy biển chết dưới đáy biển, người thứ ba trốn trong hang núi chết trong hang núi, người thứ tư trốn dưới đất chết trong đất.

Bấy giờ Đức Phật dùng Thiên Nhãn xem thấy bốn Phạm Chí tránh chết đều chết hết, nên Ngài nói kệ trước các Tỳ Kheo:

Không phải hư không biển,
Không hang núi dưới đất,
Không có một nơi nào,
Thoát khỏi không bị chết.

Rồi Đức Phật kể câu chuyện bốn Phạm Chí bàn luận và trốn chết như trên, nhưng tất cả đều đã chết; rồi Ngài giảng cho các đệ tử muốn khỏi chết phải suy nghĩ tư duy bốn pháp, đó là: 1- Tất cả hành vô thường. 2- Tất cả hành khổ. 3- Tất cả pháp vô ngã.

4- Ba pháp trên tận diệt là Niết Bàn.

Nên cùng tư duy thực hành bốn pháp trên sẽ thoát sinh già bệnh chết, sầu lo khổ não, các ông nên học điều này.

LỜI BÀN:

Các Phạm Chí ngoại đạo tu cao nhất chỉ đạt năm Thần thông gọi là Ngũ thông, gồm:

Thứ nhất là Thần túc thông biến hóa.

Thứ hai là Thiên nhãn thông nhìn thấu suốt.

Thứ ba là Thiên nhĩ thông nghe thông suốt.

Thứ tư là Tha tâm thông biết tâm ý người khác.

Thứ năm là Túc mệnh thông biết sinh tử luân hồi nhiều đời về trước.

Còn Phật giáo đạt thêm Lậu tận thông, tự biết như thật sạch ô nhiễm, hết vô minh lậu, biết đã giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Bài Kinh trên đây nói về “không ai trốn khỏi chết” đã rõ ràng. Nhưng phần chót của Kinh, Đức Phật khuyên nên tư duy thực hành bốn pháp, chúng ta cùng phân tích như sau:

  1. Thứ nhất là “Tất cả hành vô thường”:

Hành là suy nghĩ, tạo tác, mong muốn; Vô thường là thay đổi, không cố định, nay thế này mai thế khác. Hành là vô thường là từ suy nghĩ, lời nói, hành động đều thay đổi, khi có khi không, nên chẳng thường hằng; bởi vậy Đức Phật nói: “Tất cả hành vô thường”.

  1. Thứ hai là “Tất cả hành khổ”:

Tất cả sự suy nghĩ, lời nói, hành động, tạo tác, mong muốn, đều lúc có lúc không, thay đổi vô thường, nên sinh ra khổ. Như già yếu làm khổ, bệnh chết làm khổ, cái xe, cái bàn, cái nhà lâu ngày cũ hỏng làm cho lo buồn, nên Đức Phật nói “Tất cả hành khổ”.

  1. Thứ ba là “Tất cả pháp vô ngã”:

 Pháp ở đây bao gồm con người và vạn vật, vô ngã đối với con người là không phải tôi hay ta; đối với vạn vật như không phải cái xe, cái bàn, cái nhà v.v… Tại sao?    Ví như cái xe chẳng hạn, nó chỉ là ráp nối của vô số bộ phận có tên khác nhau mà thành, như: khung, máy, dây điện, bánh xe, v.v…

Nếu thiếu một thứ thì không thể sử dụng, nên chẳng thể gọi là cái xe.

Đối với con người gồm: Thân và Tâm. Thân do Đất, Nước, Gió, Lửa, luôn luôn thay đổi, hòa hợp mà thành, nên Thân thuộc về Đất, Nước, Gió, Lửa, chẳng phải là ta.

Tâm có bốn thứ gồm:

– Thọ là Cảm giác,

– Tưởng là Nhớ nghĩ,

– Hành là Tạo tác mong muốn và

– Thức là Nhận thức so đo phân biệt.

Bốn thứ này cũng luôn luôn thay đổi, như về Thọ, khi mắt nhìn vật, tai nghe tiếng mới có cảm giác về hình ảnh, âm thanh. Lúc mắt không nhìn, tai không nghe thì không có cảm giác về hình ảnh hay âm thanh, nên cảm giác khi có khi không.

Đối với ba thứ kia là nhớ nghĩ của Tưởng, mong cầu của Hành, nhận biết của Thức cũng lúc có lúc không như vậy.

Tóm lại, bốn thứ của Tâm, thay đổi, không cố định, nên chẳng thứ nào là ta được, vì nếu là ta thì phải thường hằng không thay đổi, lúc nào cũng hiện diện. Do đó, Đức Phật nói “Tất cả Pháp vô ngã” là vậy.

  1. Thứ Tư là “Ba pháp trên diệt là Niết Bàn

Khi diệt mọi tạo tác, trừ hết mong cầu, từ ý nghĩ, lời nói đến hành động. Lại dứt được chấp thật cái thân ta và lià bỏ chấp thật những cái của ta, thì sự buồn phiền khổ não chấm dứt, sẽ được an vui, đó  là  Niết Bàn.

Nói đến Niết Bàn thì ai cũng ưa, nhưng khi áp dụng thực hành, nhiều người sợ, sợ cái gì? Sợ cực sợ khó, vì không suy tư kỹ lưỡng về hành, vô thường, khổ, vô ngã, nên bị cái “ta” ngăn cản, không cho tinh tấn hành trì.

Nếu suy nghĩ kỹ, thấy rõ sự thật về hành tạo ra vô thường, biết tường tận tất cả mong muốn đều đưa đến khổ. Rồi dứt bỏ mọi hành động xấu ác, xa lià mọi dính mắc ràng buộc, như vậy sẽ ra khỏi vô thường, thoát khỏi khổ, tức là “ba pháp trên diệt là Niết Bàn” vậy.

Toàn Không

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.