Phật tính cũng giống như một ngọn đèn, chỉ cần ta thắp sáng nó, dù cho ta không nhìn thấy Phật, thì Phật cũng sẽ nhìn thấy ta. Thế nên, vì người khác, hãy thắp sáng ngọn đèn sinh mệnh của chính mình! Như vậy, trong bóng đêm của đời người, chúng ta mới có thể tìm thấy bình an và sự chói lọi của chính mình.
Trong màn đêm tối đen như mực, có một vị tăng nhân tu khổ hạnh bôn ba nghìn dặm tìm Phật, đến một ngôi làng hoang vắng, trên đường xá tối đen như mực, người dân trong làng đang đi đi lại lại rất tấp nập.
Khổ hạnh tăng đi đến một con hẻm nhỏ, ông trông thấy một chiếc đèn lồng sáng choang, từ nơi sâu thẳm trong một con hẻm vắng lặng, từ từ chiếu rọi qua đây. Một người trong thôn la lên: “Thằng mù đến rồi kìa!”.
“Mù ư?“, khổ hạnh tăng sửng sốt, ông hỏi một thôn dân bên cạnh : “Người xách chiếc lồng đèn kia có thật là bị mù không?”.
Người đàn ông gật đầu khẳng định.
Vị tăng nhân khổ hạnh nghĩ mãi nhưng vẫn nghĩ không ra, một người đã bị mù cả hai mắt, anh ta vốn dĩ không có khái niệm ngày hay đêm, anh không nhìn thấy sông chảy từ núi cao, cũng không được xem phong cảnh hữu tình cùng vạn sự vạn vật trên thế gian, thậm chí anh còn không biết ánh đèn là như thế nào, vậy anh ta xách theo chiếc đèn lồng, không phải khiến người ta cười chê sao?
Chiếc đèn lồng đó càng lúc càng đến gần, ánh đèn sáng choang, từ từ trong con hẻm tiến đến, chiếu sáng lên đôi giày của vị tăng nhân. Vị tăng nhân nghĩ mãi nhưng vẫn nghĩ không ra, nên bèn hỏi: “Dám hỏi thí chủ, cậu có thật là một người mù không ?”.
Chàng trai mù xách theo ngọn đèn lồng trả lời: “Đúng vậy, từ khi đến thế gian này, hai mắt tôi đã không trông thấy gì nữa”.
Vị tăng nhân hỏi: “Nếu cậu đã không trông thấy gì cả, vậy tại sao lại xách theo chiếc đèn lồng?”.
Chàng trai mù đáp: “Bây giờ là buổi tối phải không? Tôi nghe nói, trong màn đêm mà không có ánh đèn chiếu sáng, vậy thì mọi người trên thế gian này cũng đều sẽ giống như tôi, không trông thấy gì cả, vậy nên tôi đã thắp một ngọn đèn”.
Vị tăng nhân dường như có phần hiểu ra, nói: “Thì ra cậu là vì muốn chiếu sáng cho những người khác?”.
Thế nhưng, chàng trai mù lại nói: “Không, tôi là vì chính mình”.
“Vì chính cậu ư?”, vị tăng nhân lại càng sửng sốt.
Chàng trai mù chậm rãi nói: “Ông có bao giờ đi trong đêm tối, mà bị những người đi đường khác đụng phải chưa?”.
Vị tăng nhân nói: “Đúng vậy, cũng như lúc nãy, tôi không có để ý nên đã bị hai người khác đụng phải“.
Chàng trai mù nghe xong, trầm lặng nói: “Nhưng tôi thì lại không bị, tuy tôi là kẻ mù, cái gì tôi cũng không trông thấy, nhưng tôi xách theo chiếc đèn lồng này, vừa để soi sáng đường cho những người khác, nhưng quan trọng hơn là để người khác trông thấy tôi. Như vậy, họ sẽ không vì không trông thấy mà đụng phải tôi”.
Khổ hạnh tăng nghe xong, lập tức ngộ ra. Ông ngửa mặt lên trời thở dài, nói: “Ta đã đi khắp chân trời góc biển, bôn ba nghìn dặm tìm Phật, thật không ngờ rằng Phật đang ở bên cạnh ta. Thì ra, Phật tính cũng giống như một ngọn đèn, chỉ cần ta thắp sáng nó, dù cho ta không nhìn thấy Phật, thì Phật cũng sẽ nhìn thấy ta thôi!”.
Thế nên, vì người khác, hãy thắp sáng ngọn đèn sinh mệnh của chính mình! Như vậy, trong bóng đêm của đời người, chúng ta mới có thể tìm thấy bình an và sự chói lọi của chính mình.
Theo vuonhoaphatgiao.com