Vài Cảm Nhận Về Sự Thật…

Có phải ai đã từng nghe nhiều kinh sách và nghiên cứu về Đạo Phật đều biết rằng Đạo Phật là đạo của giác ngộ và giải thoát.Phải có giác ngộ mới đến được giải thoát. Và giác ngộ chỉ là Thấy và Sống đúng với Sự Thật. Nhưng hẳn nhiều người chúng ta cũng đã nghe câu nói bất hủ của Krishnamurti “ Sự thật là mảnh đất không có lối mòn ” và Ông đã dẫn giải thêm vì sao vậy…

Vì rằng những gì thiêng liêng không ai trao tận tay đến cho bạn và chính bạn sẽ là người cảm nhận nó qua tâm hồn và tư duy của mình và sống theo cách mình đã hiểu.

Mặc dù

Người xưa nghe một câu
Liền thấy ra Sự Thật
Nay Kinh nào cũng thâu
Nhưng vẫn hoàn lắm tật (HT Viên Minh)

Nhưng ý nghĩ thô thiển của người viết, với thời đại này quá bận rộn và căn cơ còn kém thấp, lẽ dĩ nhiên muốn có được điều đó bạn đã trải qua sự lắng nghe của hàng ngàn bài pháp thoại và tư duy nhiều trên những danh ngôn (đó là kinh nghiệm từng trải của những danh nhân, danh tăng mà họ đã ngộ (hiểu rõ).

Trộm nghĩ tất cả lời dạy của Phật, Tổ đều ngụ ý rằng “ TÂM BỊ MÊ MỜ LÀ DO KHÔNG BIẾT THU THÚC LỤC CĂN ĐỂ TÂM CHẠY THEO CẢNH “ cũng như quên rằng mình đã có của báu sẵn trong nhà, cũng chính vì mê lầm đó nên đã bị sa hầm sập hố đi trong sanh tử luân hồi.

Cũng như “ Tu là biết uyển chuyển và linh động trong cuộc đời để vượt qua nghiệp “. Mà “ Sám hối ” chỉ là Lý để ta thức tỉnh đừng hành động việc ấy nữa thôi vì thật ra giữa con người với con người còn có thể khoan dung nhưng Nghiệp báo thì không…. vì nghiệp lực không hề tha thứ cho người tạo nghiệp …

Người viết đã từng ghi chép lại các lời hỏi đáp của HT Viên Minh đã được dạy như sau “ mỗi một bài pháp của Đức Phật là nhằm vào đối tượng đến thỉnh vấn Ngài và Ngài đã chỉ ra Sự Thật mà sự thật đó nằm trong đời sống của người đó thôi ” và hậu bối đời sau ghi lại để cho ai đó khi rơi vào trường hợp giống như vậy ứng dụng sẽ giác ngộ được vì Đức Phật luôn chỉ Sự Thật cho mình thấy và ai thấy ra được và hiểu rõ là được rồi. Phải chăng để thấy ra Sự Thật chính là …

Thì ra
Thì ra Vạn Pháp bất sanh
Chỉ là giọt nắng lung linh vô thường
Thì ra Tâm vốn tỏ tường
Chỉ là một thoáng vấn vương bụi trần
Thì ra Tâm – Pháp nào phân
Chỉ là tưởng thấy phù vân đi về
Thì ra Bờ Giác Bến Mê
Chỉ là hoa đốm, bốn bề Chân Không! (HT Viên Minh)

Nếu hiểu nôm na thì mục đích sống là đích đến của cuộc đời chính ta Điều làm cho ta cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa là lúc mà đôi khi ta phải có đủ can đảm vượt qua những nỗi sợ hãi và tin tưởng vào chính mình để rồi cười oà….trong những giọt nước mắt.

Như vậy Sự Thật chỉ là thấy ra mọi sự mọi vật trên đời chính là như thực tại đang là ( NHƯ THỊ ) . Thôi tìm kiếm, thôi mong cầu, thôi sở đắc. Ngay đó là duyên khởi, tạo tác hay không tạo tác là sinh tử hay Niết-bàn. Tất cả mọi thứ hay Pháp đều có sẵn ngay nơi cái thực tại đang là… nghe thì rất dễ mà mấy ai có được con mắt Thánh ấy?????

Lời kết:

Nguyên Thuỷ hay Đại Thừa ai hành đúng đều giác ngộ giống nhau.

Thực hành chính là như vậy, thường rõ biết thân-thọ-tâm-pháp đang diễn biến ra sao. Từ đó mình sẽ phát hiện được nhận thức và hành vi đúng hay sai, xấu hay tốt, và hệ quả của nó như thế nào.

Cuối cùng rồi chúng ta thấy được nhân nào đưa đến phiền não khổ đau, nhân nào đưa đến an nhiên tự tại.
Phải chăng đó là toàn bộ lý thuyết cũng như thực hành theo Đạo Phật mà chúng ta đang muốn nắm bắt , chứng đắc.
Theo điều người viết học được từ HT Viên Minh.

– Cái đang là cụ thể như đang đi, đang khổ, đang sân, đang bị dính mắc v.v…

Nhưng cũng không phải là lúc nào sống với cái đang là, mà phải sống trọn vẹn tỉnh thức, rõ biết cái đang là.
Cụ thể khi đi trọn vẹn rõ biết đang đi, khi khổ trọn vẹn rõ biết đang khổ, khi sân trọn vẹn rõ biết đang sân, khi bị dính mắc trọn vẹn rõ biết đang bị dính mắc v.v…

Lấy thí dụ :
ta đang đi là thân,
rồi ta thấy mỏi chân là thọ,
rồi ta khởi ý muốn ngồi xuống là Tâm,
và ngồi nghỉ khoẻ quá ta vướng mắc muốn ngồi hoài không chịu đứng dậy tiếp tục đi …đó là pháp.

Vậy các pháp đang là chính là thực tại thân-thọ-tâm-pháp,một chuỗi vận hành liên tục nối tiếp nhau.

Khi ta luôn Chánh niệm với sự sống đang diễn ra như vậy để tâm rỗng lặng trong sáng là Đạo đế (nhìn đâu cũng là Niết Bàn, nhìn đâu cũng là Đạo). Đó là lý do một thiền Sư đã giác ngộ trả lời cho một thiền sinh “ Hãy chỉ ta cái gì không phải là đạo ?”

Nếu ta còn những nhận thức sai lầm ( vô minh ) và theo đuổi những ham muốn do chính mình tạo ra ( ái dục ) chính là Tập đế.

Khi có tập đế là chắc chắn có khổ đế.

Và như vậy tiến trình Tứ Diệu Đế nằm trong Thiền Tứ Niệm Xứ ( quán thân, thọ, tâm, pháp ) và Sự Thật luôn luôn giống nhau – sự thật đó không ở riêng cho một ai và Cốt lõi của Đạo Phật là THẤY RA CHÍNH MÌNH.

Chính vì vậy… để trả lời một câu hỏi trong mục hỏi đáp của Trung tâm Hộ Tông, HT Viên Minh có nhắc đến những điều sau đây mà người viết đã tâm đắc.

1) Điều quý giá nhất trên đời là tánh biết
2) Điều quan trọng nhất trên đời là giác ngộ được tánh biết
3) Hiểm hoạ lớn nhất là không nhận ra tánh biết.
4) Muốn diệt trừ hiểm hoạ ấy cần thường trọn vẹn rõ biết.

Hiểm hoạ vì chạy theo ảo tưởng và vọng thức (tập đế) đưa đến phiền não khổ đau (khổ đế) trong sinh tử luân hồi.

Và Ngài còn chỉ rõ thêm cái Thấy về Sự Thật để có thể bước vào dòng, đó là:

“ Thấy được thấp nhất của Nhập lưu
– Buông chấp ngũ uẩn là “ta”, “của ta” hoặc “tự ngã”
– Buông hoài nghi về nguyên lý vận hành của pháp chân đế
– Buông sự bám chấp vào hình thức chế định tục đế.”

Cũng trong kinh Di Giáo,Đức Phật đã dạy:

Này các Tỳ kheo! Người có trí huệ thì không tham đắm, nên cần tự tĩnh đừng để mất chánh niệm, là ở trong pháp Ta được Đạo quả giải thoát. Nếu bỏ mất trí huệ đã chẳng phải người Đạo lại phi kẻ tục, chẳng biết gọi tên chi cho trúng. Kẻ thật có trí huệ tức là con thuyền bền chắc vượt qua biển lão bệnh tử; mà cũng là ngọn đèn sáng vĩ đại soi chỗ tối vô minh; lại cũng chính là vị thuốc hay chữa lành mọi chứng bệnh; rồi nó cũng là cái búa bén hạ các cây phiền não.

Vậy nên các ngươi phải lấy ba món huệ là: văn, tư, tu mà tự lợi ích. Nếu người chỉ có ánh sáng trí huệ, tuy chưa có thiên nhãn, nhưng cũng là kẻ minh kiến vậy.

Kinh Di Giáo

Kính thân tặng các bạn vài dòng thơ khi người viết đã cảm nhận sự thật qua tâm hồn và tự hứa rằng mình sẽ sống cuộc đời mình theo cách thức mình hiểu được nhờ lắng nghe rất nhiều bài giảng online, Còn các bạn thế nào ????

Kính trân trọng

Thanh tịnh bản nhiên ai cũng có sẵn
Tinh yếu tu tập tuỳ cái thấy, tư duy
Đừng đặt sai hướng, bất cứ pháp môn gì
Chỉ cần “ THẤY RA CHÍNH MÌNH “ cách trọn vẹn
Vô minh, ái dục nguyên nhân khó đoạn tận
Mãi chạy theo ảo tưởng xa vời
Thất vọng, khổ oán hận cuộc đời
Thật ra chỉ là …
“CHƯA THẤY ĐƯỢC CÁI MÀ MÌNH TƯỞNG SẼ THẤY”

Huệ Hương

This entry was posted in Phật Giáo, Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.