Trà Đạo xứ Phù Tang !

Như chúng tôi có nhắc đến trong mấy bài về trà đã đăng, trà đã theo chân một số tu sĩ Phật giáo và du nhập vào nước Nhật kể từ đầu thế kỷ thứ Tám… nhưng mãi đến khoảng đời Lý/Trần của mình (khoảng thế kỷ thứ 11-13), trà xanh mới được dùng rộng rãi hơn trong giới tu sĩ và quan quyền của xứ Phù Tang theo bài bản của Trà kinh Trung Quốc.

Đạo Phật được du nhập vào xứ Phù Tang dần dà cũng thay đổi theo phái Zen, khác với đạo Phật ở Trung Hoa hay Việt Nam… và cách uống trà cũng thế! Mãi cho đến hậu bán của thế kỷ thứ 16, một tu sĩ người Nhật mang tên Murata Shoukou mới soạn cách uống trà theo thể ”Zen” mà ngày nay chúng ta thường biết đến là ”Trà Đạo” của người Nhật !

Qui cách uống trà thể “chado” :

Trước nhất là họ xây một cái ”chòi” riêng sau một góc vườn, chỉ dùng để uống trà mà họ gọi là “sukiya“. Theo bài bản thì diện tích bên trong chòi phải rộng đủ chừng hơn 4 tấm chiếu mà họ gọi là tấm tatami (mỗi tấm có chiều dài khoảng 1*2 m) mà đủ cho khoảng năm người ngồi. Lý tưởng thì chòi uống trà được ngăn làm ba phòng. Phòng đầu tiên (yoritsuki) là nơi khách ngồi để chờ chủ sửa soạn trà, rửa ráy bình tách, v.v. từ phòng trong (mizuya) trước khi họ được mời vào ngồi (hay đúng hơn thì là được quì gối) trên tấm chiếu tatami để chào qua hỏi lại rồi mới “uống” trà xanh. Bài bản thì họ dạy như thế… nhưng thực tế thì bất kỳ nơi nào mà thanh tịnh và thoáng thì họ đều sửa soạn trà theo lễ nghi để ”chào” nhau được cả !

Theo ý dạy của thầy Shoukou thì uống trà không hẵn là uống trà mà chính là một giai trình “thiền” hay “tịnh” của đạo Phật Zen. Thưởng thức trà kiểu Nhật thì phải luôn tôn trọng ba giai trình như sau: (1) Tinh thần phải “tịnh” và “thoải mái” để thưởng thức trà; (2) Vai vế và sự tương kính giữa khách và chủ phải luôn giữ gìn; (3) Một khi bước vào sukiya để thưởng thức trà thì không có chuyện phân biệt giai cấp.

Bài bản pha trà của “chado” thì họ qui định từng động tác một cụ thể và chắc chắn nhưng phải dịu dàng mà họ gọi là temae Sau khi người chủ sửa soạn song mới mời khách vào ngồi trong phòng sukiya. Để mở màn cách pha trà, người chủ mới lau sạch hộp đựng trà và các thìa gỗ (hay tre) dùng để múc trà bột (matcha). Sau đó, họ mới ngâm bình, tách, và chổi tre khuấy trà vào nước nóng (gần giống như cách người Hoa tưới nước sôi lên bình tách để tẩy). Sau đó, họ mới đổ nước vào một chậu riêng và lau khô bình tách và chổi khuấy bằng một khăn sạch. Sau khi giai đoạn làm sạch bình tách thực hiện xong, người chủ mới bắt đầu pha trà bằng cách múc một ít trà bột cho vào tách xong mới cho vào khoảng 1/4 nước nóng rồi người chủ dùng chổi tre khuấy cho lên nổi bọt xong lại tiếp tục pha trà cho mỗi người khách.

Mỗi lần nâng tách, họ phải xoay tách xong mới mời nhau. Họ “ực” xong mới lời qua tiếng lại để khen thưởng với nhau. Điều chính trong Chado là sự “thanh tịnh” của chữ ” thiền” chứ không phải họ đi tìm hương thơm hay vị ngọt của trà như thể trà tàu. cách uống trà của người Nhật gần giống như người Công Giáo đi lễ nhà thờ… cũng phải qua bao giai trình, cầu nguyện, ca hát, đứng, quỳ, ngồi…. rồi mới được lên rước mình thánh Chúa… và sau đó là “chấm dứt”!

Dạ Phong

http://thuongtra.org/tra-nghe/tra-dao-xu-phu-tang

This entry was posted in Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.