Tâm Bình An

Vào ngày 15 tháng 12 năm 2018, Đạo Tràng Quang Minh sẽ tổ chức kỷ niệm hai mươi năm phục hoạt. Hai mươi năm; có thể là một cái chớp mắt hay như bóng chim bay qua cửa sổ không lưu lại bóng hình; cũng có thể là quãng thời gian dài lê thê; cũng có thể là những giây phút kỳ diệu của tỉnh thức quay về. Tất cả tùy theo tâm cảnh của mỗi người. Hai mươi năm, đối với người tu là những nỗ lực không ngừng trong việc học hành giáo lý của Phật để giảm bớt tam nghiệp chuyển hóa thân tâm.

Nhờ người bạn đời tạo duyên, khuyến khích và sách tấn, tôi đã sinh hoạt với đạo tràng được mười năm. Mười năm học tu; học làm người; học lại những bước đi; học tập phương pháp giữ gìn chánh niệm. Mười năm nghe quý Thầy giảng pháp về lý duyên sanh, nhân quả, vô thường, vô ngã, tánh không. Nghe Thầy Giáo Thọ Thích Phước Thái giảng Kinh A Di Đà, Kinh Niệm Phật Ba La Mật, Kinh Hiền Nhân, Kinh Viên Giác. Thường xuyên tham dự tu Thọ Bát Quan Trai vào mỗi ngày Chủ nhật, tham dự các khoá tu trong năm như khóa tu xuất gia ngắn hạn, khoá tu báo ân, khoá tu viá Quán Thế Âm, khóa tu học ngoài trời.v.v… Tham gia sinh hoạt của đạo tràng như thăm trại tù nữ nhân dịp lễ Phật Đản và Vu Lan.

Mười năm tu học; nhìn lại, thấy mình vẫn còn cách xa lắm cái tâm an tịnh. Bước chân lúc vững lúc chao; niệm Phật khi định khi loạn; lắm lúc thân ở chùa mà tâm ở chợ. Phóng dật, buông lung, tán loạn, hôn trầm, thuỳ miên.v.v…. Quá nhiều ma chướng. Tu hành thật chẳng dễ chút nào.

Người tu cầu một tâm bình an. Muốn cho tâm được bình an thì phải nghe theo lời răn dạy của Bồ Tát Quán Thế Âm: chấm dứt ngay sự tranh chấp hơn thua, sống hòa hợp với mọi người xung quanh và vạn vật; tin nhân quả mà gieo trồng hạt giống lành; phát tâm từ bi bố thí và cúng dường, không kể nhiều hay ít, cốt yếu chỉ ở tấm lòng.

Quán Thế Âm Bồ Tát là biểu hiện của lòng từ bi bình đẳng vô lượng vô biên, không phân biệt giàu nghèo sang hèn thân sơ. Ngài vân du cõi ta bà, thị hiện khắp mọi nơi chốn, tùy theo căn cơ và tâm cầu nguyện mà ban phát sự an lạc hạnh phúc qua nhiều hình tướng khác nhau. Nghĩ đến Bồ Tát là nhớ đến và thực hành hạnh nguyện của Ngài: hạnh lắng nghe tự tâm, hạnh nhân từ ái ngữ và đại nguyện cứu độ chúng sanh thoát khỏi lầm than nguy khốn. Thế nhân vô minh cứ bơi xuôi theo dòng nước, ngụp lặn giữa biển sâu, lạc lối giữa rừng thẳm núi cao chơi vơi. Bồ Tát ban cho chiếc phao giúp người đang sắp sửa chết chìm, ngọn đuốc soi đường sáng cho người đang đi trong mê lộ. Thế nhưng, có nhận chiếc phao ngọn đuốc hay không, là tùy ở sự chuyển hóa của mỗi người. Sự mầu nhiệm ngay ở tại tâm ta.

Một ngày trong sáng mát mẻ, đi ngang qua tượng Quán Âm lộ thiên, hoa từ bi nở thành tâm nguyện cầu. Cầu cho nhân loại và thế gian được bình an. Phảng phất đâu đây nụ cười Quán Âm: nụ cười độ lượng bao dung, từ bi hỷ xả, nụ cười giải thoát.

Người tu truy cầu an lạc, hạnh phúc và tự tại, thoát khỏi ràng buộc tầm thường của đời sống. Muốn được như thế, phải nỗ lực sống tỉnh thức, giữ gìn chánh niệm, tu tam nghiệp thân khẩu ý và quyết tâm đoạn trừ tham sân si. Người tu phải giữ ý trong sạch. Ý trong sạch thì việc làm, hành động trong sạch tốt lành, nói lời hay lẽ phải. Cốt lõi của Kinh Bát Nhã là dạy chúng ta dừng vọng tưởng đảo điên. Vọng tưởng đảo điên khiến chúng ta sống trong bể khổ, bi thương, sầu đau, đầy dẫy phiền não. Ta đi mà không biết mình đang đi. Ta ăn mà không biết mình đang ăn. Ta làm mà không biết mình đang làm. Ta tu mà không biết mình đang tu. Ta niệm Phật mà Phật nào có ở trong tâm. Ta tu hay ai tu? Đạo tràng và Phật có phải là ta? Vọng tưởng khiến ta làm những điều không nên làm, nói những điều không nên nói. Thất niệm khiến ta sống trong mê lầm, xa lìa chánh pháp, lãng quên thực tại nhiệm mầu. Ta sống như một cái máy, mặc dòng đời cuốn trôi. Khi ta đã không tự chủ được thì ta đã không phải là ta, đánh mất cái biết chân thật.

Tham sân si từ cảm giác mà có. Thọ có ba loại: lạc thọ; khổ thọ và thọ không lạc không khổ. Lạc thọ mang đến cho chúng ta tâm trạng vui, ưa thích, vừa ý.v.v… Từ đó sanh lòng mong muốn, tham đắm, chiếm hữu. Khổ thọ khiến ta buồn, khó chịu, bực bội, chán nản .v.v… Từ đó sanh tâm sân hận vì bất như ý.

Tham đắm dẫn đến sa đọa, trụy lạc. Chiếm hữu được thì sanh tâm ích kỷ, ngã mạn. Không chiếm hữu được thì khởi tâm oán hận, tính toán mưu toan bày kế trả thù cho hả lòng. Sống với lòng tham là si mê, đánh mất nhân bản, tâm cảnh tương ứng với tam đồ ngạ quỷ súc sanh địa ngục.

Khi nổi sân, chúng ta không kiểm soát được lý trí của mình. Chúng ta để tâm ma sai sử. Điều duy nhất mà chúng ta muốn làm là xả cơn nóng giận; bằng cách phun hơi độc, phun lửa để rồi tự chính mình thiêu hủy phước công đức của mình. Chúng ta trợn mắt phùng mang, chưởi mắng, nhục mạ, đánh đập, hành hạ; thậm chí có thể gây nên tội sát sanh. Sống với sân hận là sống với chiến tranh, hiếu sát, oán thù; sống với tâm cảnh A Tu La xấu xí hung dữ.

Vì biết cảm giác là chỗ trú ngụ của tham sân si, người tu phải biết kiểm soát cảm giác của mình, phòng ngừa ngăn chặn, nhận rõ cảm thọ, không cho tưởng hành thức sanh khởi. Khi sống với cái biết chân thật, thì cảm thọ chỉ là một thoáng qua không lưu lại pháp trần; thinh trần; vị trần; hương trần hay xúc trần. Đoạn tận tham sân si là chứng thực niết bàn. Và đó là mục đích của người tu.

Quán lời Phật dạy Vô Não:”Ta đã dừng lại từ lâu rồi. Chỉ có ngươi chưa chịu dừng lại mà thôi”. Nhờ chủng tử sâu dày, ngộ tánh cao, Vô Não liền buông đao đồ tể, tinh tấn tu hành đắc quả A La Hán.

Người tu đời nay phải noi gương người xưa tu quán và chỉ. Người gây tổn hại cần phải quán và chỉ đã đành; người bị tổn hại cũng cần phải quán và chỉ. Nếu không sẽ bị duyên trần ảnh hưởng lôi cuốn mà tạo nghiệp. Quán nhân quả để thấy rõ nguyên nhân của sự việc. Từ đó, xả bỏ những oán hận thù ghét do duyên đời mang đến. Quán từ bi để mở rộng cõi lòng; như đất mênh mông; như trời bao la; ôm ấp dung chứa tất cả. Mặt hồ đang phẳng lặng, bỗng một viên sỏi do ai đó quăng vào hồ. Mặt hồ xao động gợn sóng lăn tăn, lan dần lan dần rồi từ từ dịu đi, vắng bặt, trả lại trạng thái yên tĩnh đầu tiên cho mặt hồ. Viên sỏi bây giờ nằm dưới đáy hồ, không còn có năng lực làm xao động mặt hồ nữa. Quán tâm chúng ta như mặt hồ và hãy sống như thế.

Quán thân bất tịnh. Trời nóng thì mồ hôi nhơ nhớp; vài ngày không tắm thì đất bám có mùi hôi; khi bị cảm thì nước mũi chảy ròng ròng; sáng ngủ dậy hơi thở xú uế .v.v… Quán thân bất an khi bệnh sanh. Đau nhức, yếu đuối, suy nhược khiến ta khó chịu bực bội, lo lắng sợ hãi. Đây là phiền não. Quán thân lão hóa và biến đổi mỗi ngày. Đang khỏe sanh bệnh; từ trẻ đến già; đương sống bỗng chết. Quán thân vô thường để hiểu thân này không vĩnh cửu, do duyên hợp nên không thoát khỏi định luật thành trụ hoại không. Rồi cũng một ngày thân nầy tan rã về với cát bụi. Hiểu như thế để không sanh tâm đắm nhiễm chấp thủ. Không có gì là ta. Không có gì là của ta.

Quán thân đầy phước báo do thiện nghiệp gieo trồng nhiều đời nhiều kiếp. Thân người khó được. Mà làm người có được tứ chi lành lặn, sáu căn đầy đủ thì lại càng khó hơn. Muốn có được thân tướng tốt đẹp ở đời sau, chúng ta phải tích luỹ thiện nghiệp ở đời này. Chúng ta mượn cái thân giả tạm này để tu hành tìm về bản tâm chân thật. Thân không khỏe mạnh, mang nhiều bệnh tật sẽ chướng ngại cho đường tu hành của chúng ta. Do đó, chúng ta phải giữ gìn chăm sóc cái thân tạm bợ này bằng cách để ý đến cách ăn uống, cách sống và nếp suy tư. Mà để ý đến cách ăn uống, cách sống, nếp suy tư; là chúng ta đang thực hành chánh niệm. Trong niệm có định và tuệ. Chúng ta tìm thấy niệm định tuệ ngay ở cái thân phù phiếm nầy. Muợn giả tìm chơn là đây.

Quán việc đã làm. Việc tốt, phải thì tiếp tục làm để thiện nghiệp mỗi ngày mỗi tăng trưởng. Điều quan trọng là khi làm xong thì không bị dính mắc. Việc làm xấu thì cần phải dừng lại ngay; khởi tâm ăn năn hối hận và sửa đổi. Ngày nào ngông cuồng ngạo mạng; ngày nay khiêm cung nhún nhường. Ngày nào ích kỷ nhỏ nhen; ngày nay bố thí cúng dường. Ngày nào tham đắm nhiễm dục; ngày nay tri túc tịnh thân. Ngày xưa hung dữ ác độc hại người hại vật; bây giờ nhu hòa hiền lành làm thiện, giúp người khốn khổ. Ngày xưa khinh Phật chê Tăng, bây giờ thường xuyên tới chùa tụng kinh nghe pháp, cung kính hộ trì tam bảo. Dừng lại để đi từ tối ra sáng; rồi từ sáng ra sáng.

Quán tâm khi niệm Phật. Đạo Tràng Quang Minh tu theo pháp môn Tịnh Độ, nương câu hiệu Phật mà thấy tánh, cầu vãng sanh Cực lạc quốc. Muốn đạt thành sở nguyện, hành giả phải chuyên cần miên mật niệm Phật. Đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật. Khi niệm Phật, cần giữ chánh niệm sáng suốt thấy rõ sự vận hành của tâm. Không ngại tâm tán loạn; mà ngại hôn trầm si mê để tâm tán loạn dẫn dắt đến cõi u minh. Chánh niệm cho chúng ta năng lực kéo tâm về lại với hiện tại nơi câu hiệu Phật. Dần dần, nhờ công phu hành trì, tâm chúng ta mỗi ngày mỗi định. Cuối cùng chỉ còn lại một niệm duy nhất: niệm Phật.

Khi niệm danh hiệu Đức Bổn Sư Phật Thích Ca Mâu Ni, nên khởi tâm cung kính biết ơn. Nhờ Phật Thích Ca, chúng ta mới biết có một cõi Cực lạc mà hướng tâm về. Đức Bổn Sư dạy chúng ta pháp tu thoát khổ, mang lại ánh sáng trí tuệ và từ bi. Niệm Phật với tâm cung kính và biết ơn thì trong niệm có định và tuệ.

Nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng thịnh vượng; thế giới hòa bình chúng sanh an lạc và đồng thành Phật đạo.

Tịnh An

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.